Sunday, September 22, 2013

Tranh luận về "Xách balo lên và đi" - tiêu chuẩn chân lý vẫn còn thấp.

Những ngày qua, như một phản ứng dây chuyền, Huyền Chíp và cuốn sách "Xách balo lên và đi" nóng lên và lan rộng khắp ngóc ngách internet.

Ban đầu tôi chẳng quan tâm lắm, bởi Huyền Chíp dù tôi đã biết từ lâu qua một số bài báo, nhưng không thật sự ấn tượng, cô ấy đã đi, đã đến, đã trải nghiệm đó là chuyện của cô ấy, lợi lạc gì cô ấy hưởng, tôi sẽ ấn tượng nhiều nếu là ai đó, làm được điều gì đó động trời cho đất nước và xã hội.

Sau khi, một số các trang mang "phanh phui bóc mẽ" những chi tiết phi lý trong cuốn sách của Huyền Chíp, tôi cố gắng tránh xa các thông tin này, bởi những gì tôi nhìn thấy là sự chửi bới quá khích của đa số người tham gia, kinh nghiệm cho thấy chẳng lợi lọc gì khi chen chân vào đám đông đang cực kỳ hung hãn bằng ngôn từ. 

Hôm nay, qua sự giới thiệu của một vài người, tôi có cơ duyên đọc được hai bài viết được đánh giá là "khách quan và có lý lẽ", thứ nhất  là bài Huyền Chip - Hay những lầm tưởng về du lịch bụi của tác giả Rosie Nguyễn và bài Tản mạn xung quanh "xách balo lên và đi" của bạn có tên facebook là Giáo Hoàng. 

Trước hết phải nói là mừng, vì bên cạnh đa số người thích dùng sự gai góc trong ngôn ngữ để che chắn cho vốn hiểu biết nông cạn của mình thì vẫn còn nhiều những người với thái độ ôn hòa đã làm bật lên sự sắc bén trong lý lẽ của họ.

Bài viết này, tôi không đi sâu và câu chuyện của Huyền Chíp, lý do là tôi không quan tâm và vì không quan tâm nên không đủ thông tin để đi sâu, điều tôi muốn bàn ở đây là thái độ bày tỏ quan điểm, cách bày tỏ quan điểm, sự chuẩn xác trong lập luận của các bên. 

Trước hết, nói về bài viết Huyền Chip - Hay những lầm tưởng về du lịch bụi của tác giả Rosie Nguyễn, bài này có một số lỗi ngụy biện :

1. Rosie nói : "Những người nghi ngờ Huyền Chip là những người chưa hiểu gì về cái gọi là đi bụi.", thay vì chứng minh những gì trong cuốn sách viết là xác thực thì người viết lại phủ đầu rằng ai nghì ngờ là thiếu hiểu biết. Đây được gọi là độc quyền chân lý, điều 1: Rosie đúng, điều 2: nếu Rosie sai thì xem lại điều 1.

2. Rosie lập luận rằng "Xin thưa, chỉ có những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Úc mới yêu cầu chứng minh thu nhập/tài sản khi xin visa. .... Còn những quốc gia khác thì hầu như chỉ cần nộp hồ sơ là có thể lấy được. ...Thử xem các nước mà Huyền chip đã đi qua: Kenya, Ethiopia, Tazania... đa phần là những quốc gia nằm dưới cùng trong bảng xếp hạng GDP đầu người thế giới, họ có gì để lo sợ chứ?" 

Như vậy vô tình, người viết đã đưa ra quy luật rằng "cứ nước giàu thì xin Vísa khó, cứ nước nghèo thì xin Vía dễ, Huyền Chíp đi toàn nước nghèo nên xin Visa dễ là đúng rồi", đó chính là lỗi thủ tiêu ngoại lệ kiểu như "cắt thịt người là một tội ác, bác sỹ phẩu thuật cắt thịt người, nên mọi bác sỹ phẫu thuật đều gây tội ác". 

Có phải 25 (?) nước mà HC đã đi qua đều là những nước nghèo? Có phải những nước nghèo đều có thủ tục cấp visa rất đơn giản? Thay vì, trình hộ chiếu, hoặc chứng minh tất cả các nước Huyên Chíp đã đi qua đều có thủ tục cấp Visa rất đơn giản (25 nước là những nước nào, thủ tục cấp visa của mỗi nước ra sao?) thì người viết lại đánh đồng và thủ tiêu các ngoại lệ.

3. Rosie tiếp "Mình thách các bạn trẻ ra đi đấy, cứ liều mạng đi, xem có dám chăng. Cứ thử đi thử đi, để biết có thực sự nguy hiểm không." 

Vấn đề đặt ra là người khác quan ngại về việc, nếu hành động theo thông điệp của cuốn sách "Xách balo lên và đi" thì sẽ gặp "nguy hiểm" bởi vì cuốn sách có những chi tiết mà họ cho là "không đúng sự thật", rõ ràng rằng quan ngai này là chính đáng,  việc phó mặc mọi thứ cho một điều mà chưa biết thực hư là không nên.

Tuy nhiên, thay vì chứng minh sự thật, thì người viết lại "thách" người khác "liều mạng" để "tự chứng minh" xem có "nguy hiểm không", như thế là đã triệt tiêu mục đích tranh luận, "dừng tranh luận nữa, thử đi rồi sẽ biết". Có những người không yêu du lịch, mà yêu sự thật, họ không thể phí thời gian để thử điều họ không yêu thích trong khi tranh luận có thể đạt được điều họ mong mỏi. 

Lại nói đến bài viết  Tản mạn xung quanh "xách balo lên và đi" của bạn có tên facebook là Giáo Hoàng, đây là bài viết được đầu tư khá kỹ lưỡng, tác giả cũng bỏ ra một phần khá dài để dẫn bài với múc đích xác lập sự khách quan của mình khi đưa ra quan điểm tuy nhiên cũng không tránh khỏi các lỗi ngụy biện.

1.  Giáo Hoàng viết :  "Người viết chưa đọc toàn bộ “tác phẩm”, tuy nhiên đã đọc rất nhiều dẫn chứng, trích đoạn, ý kiến phân tích, dữ liệu được công bố trên mạng mà mọi người đã đưa ra, đã chất vấn. Những thông tin thu được đủ nhiều và đủ toàn diện để giúp đánh giá được vấn đề. Những ai không nhìn nhận được tổng quát và khách quan thì thật đáng tiếc vì đó là do hạn chế về tầm nhìn, về nhận thức của người đó."

Người viết thừa nhận rằng chưa đọc toàn bộ tác phẩm, nhưng lại cho rằng những thông tin thu được là đủ để đánh giá toàn diện, và cùng với lỗi "độc quyền chân lý", người viết xem những người mà với cùng những thông tin đó mà không đánh giá được toàn diện vấn đề thì bị hạn chế tầm nhìn và nhận thức.

2. Chính vì "chưa đọc toàn bộ tác phẩm, và thu thâp thông tin mới chỉ "đủ nhiều" nên người viết tiếp tục mắc lỗi : "Không rõ con số 25 nước là có chính xác không vì điều này còn phụ thuộc vào dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu, tuy nhiên chỉ cần xem các ảnh chụp là đủ biết Huyền Chip có đi lên tới hàng chục nước thật. Mặc dù trên thực tế có thể tới một nước rồi xuất cảnh luôn trong ngày và vẫn tính là một nước, nhưng chi tiết này không quan trọng lắm."

Trong khi chân lý thực sự cần được khẳng định là một con số, tức 25 hoặc một con số khác, bởi vấn đề đang tranh luận là sự thật trong cuốn sách "Xách balo lên và đi", trong cuốn sách này nói rằng Huyền Chíp đã đi qua 25 nước, và nếu như , cho dù người viết (Giáo Hoàng) với ngôn từ ôn hòa có nói "tuy nhiên chỉ cần xem các ảnh chụp là đủ biết Huyền Chip có đi lên tới hàng chục nước thật." thì vẫn là đã đặt nghi vấn trong chuyện này. 

Nếu kết luận là 25 thì Huyền Chíp nói thật, nếu là bất kỳ một con số nào khác, dù được phát biểu với cách nào cũng đều quy kết rằng Huyền Chíp nói dối. 

3. Tiếp theo, người viết đặt ra các nghi vấn "tại sao phải xóa nội dung trong web?", sựu thât về "chi tiết gãy ống đồng", "tại sao không cho xem hộ chiếu?" đi kèm là các lập luận, để các kết luận nghiêng về giả thuyết của mình tuy nhiên mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở nghi vấn mà chứ thể khẳng định.

Chính trong bài viết cũng nói rằng: "Sự thực như thế nào, chỉ có Huyền Chip mới rõ. Khi em không nói rõ ràng ra mọi việc thì tất cả chỉ biết vậy." thế nhưng lại có đoạn viết : "nội dung trong sách có những điểm được bịa ra như tiểu thuyết", đây là lỗi "chưa chứng minh được nó đúng thì suy ra nó sai, và ngược lại".

4. Phần kết luận Giáo Hoàng viết : "Đi để lấy trải nghiệm để ấm vào thân mình, đã bao nhiêu người làm điều đó mà chẳng viết sách. Còn đi để lấy thành tích về viết sách, tự mô tả mình như một nữ siêu nhân đầy may mắn để hợp thức hóa sự nổi tiếng của bản thân một cách chính thống bằng một quyển sách (ngoài chuyện nổi tiếng lâu nay ở trên mạng), thì điều đó không hay chút nào."

Chưa chứng minh được mệnh đề "động cơ đi du lịch của Huyền Chíp là để viết sách" mà người viết đã vội khẳng định rằng "đi để lấy thành tích về viết sách". Nhưng theo tôi, cho dẫu đi để viết sách thì vẫn cứ tốt, bởi muốn viết sách thì luôn cần trải nghiệm. 

Đi để trải nghiệm đơn thuần tốt, đi để trải nghiệm và chia sẽ trải nghiệm đó cũng tốt, không thể đánh đồng sự chia sẻ trải nghiệm với sự hám danh khi bạn chưa đủ cơ sở lý lẽ để khẳng định điều đó được. 

KẾT LẠI

2 bài viết vừa nêu trên, tuy các tác giả đã cố gắng để sử dụng ngôn từ một cách trung dung, đặt mình dưới cái nhìn khách quan nhưng cuối cũng vẫn chưa đạt được mục đích cuối cùng của phàn biện, nguyên nhân có lẽ bởi tiêu chuẩn chân lý vẫn chưa cao nên chưa đi đến được tận cùng của sự thật, chỉ dừng lại ở nghi vấn và định hướng dư luận theo giả thuyết của chính mình. 

Dù sao, đó thực sự cũng là một khởi sắc. Văn hóa phản biện là điều rất cần trong mọi lĩnh vực của xã hội, mà nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà giới trẻ thường nhận thức một cách cảm tính hơn là  lý tính, khi mà người ta thích nói hơn là thích suy nghĩ, khi mà chửi bị nhầm lẫn thành tranh luận. 

1 comment: