Tuesday, February 25, 2014

Loạn Thế Lộ Chân Long hồi thứ 19

Trần Thăng, Trần Thái nhận lệnh Đinh Bộ Lĩnh ở lại giữ đất Bố Khẩu, dù trong suốt mấy năm không có nguy xâm lấn nhưng một mực nghiêm chẩn chẳng lơi là.

Trên phòng tuyến mà xưa Bộ Lĩnh cho xây đắp, Thái, Thăng lại cho lập thêm nhiều đồn chốt, cắt cử người thay nhau canh giữ không ngơi một khắc.

Tin thắng trận mỗi năm đôi ba lần gửi về, thế cờ ngày càng rõ được thua nhưng không lần nào thư không nhắc "phải cẩn thận", Thái, Thăng cũng không cần nhắc, thương hai anh em cứ người giữ thành thì người đốc thúc các đồn chốt không nghỉ ngày nào.

Trần Lãm  giao toàn bộ việc quân ở Bố Khẩu cho hai  con còn mình trở về với đúng nghĩ một người buôn sành sỏi. Trong là đồng bằng phù sa màu mỡ, ngoài là cửa biển tiện thông thương, neo đậu, đánh bắt, vùng Bố Khẩu nhờ đó mà ngày càng thịnh vượng.

Là một người buôn, Trần Lãm luôn cho rằng việc chọn Đinh Bộ Lĩnh để gửi gắm cơ đồ của mình và hậu vận của các con chính là thương vụ lớn nhất đời mình. Đôi khi ông tự ví mình với Lã Bất Vi đời chiến quốc ở phương Bắc, chỉ khác rằng Bất Vi dựa vào thủ đoạn bất minh mà thành công, còn ông là nhờ con mắt tinh anh nhìn người lại theo đạo mà đi.

Cuối năm 968, Trần Lãm nhuốm bệnh, biết khó mà qua được mới gọi hai con kề cận dặn dò, Trần Thăng, Trần Thái nghe tin bỏ hết việc quân về quỳ sụp bên giường cha.

Trần Lãm thều thào:

- Phụ thân biết hai con chẳng có chổ nào vượt trội hơn người dù rằng trí sức không phải tầm thường nên vẫn luôn dặn dò phải cẩn trọng không chút sơ sẩy, không lập công thì cũng chẳng để lỗi lầm. Nay lỡ như phụ thân có mệnh hệ, lời ấy cũng đem cột trong lòng chớ quên. 

Thăng, Thái bây giờ mắt đã chẳng phân biệt được tròng trắng đen, chỉ một màu đỏ mờ đi dưới ngấn nước chực rơi, cả hai chồm lên nắm lấy tay cha, nghẹn đắng chẳng thể nói lời nào.

Trần Lãm lại gượng sức:

- Bộ Lĩnh là chồng của em gái nhưng cũng là chủ tướng của hai con, tài đức Bộ Lĩnh thế nào, được thua trên chiến trận mấy năm qua ra sao chắc hai con đã rõ, vậy nên sức có năm dùng năm, có mười thì dùng cả mười, một lòng trung mà đi theo đừng sai khác. 

Đó cũng là lời cuối của Trần Lãm, nói xong nhắm mắt mà đi trong tiếng gào thảm của Thái, Thăng. Hai anh em làm tang cha rất trọng, dân trong vùng chịu ơn khi trước đến viếng rất đông.

Bảy ngày tang xong, Thăng, Thái bàn nhau việc quân trở lại thì bỗng có lính về báo:

- Thưa hai tướng, Lý Khuê vượt sông đánh vào Bố Khẩu ta, hai tướng mau chi viện kẻo phòng tuyến võ mất.

- Chúng có bao nhiêu quân? - Trần Thăng thảng thốt hỏi -

- Thưa, hiện tại chỉ khoảng hai ngàn

- Được ngươi lui đi - Thăng khoát tay ra hiệu, đoạn lại trông qua nhìn Trần Thái.

Trần Thái dường như đang cố trấn tĩnh lại, gương mặt đầy vẻ lo lắng, Thái cũng đưa mắt nhìn qua Thăng.

Nét mặt của Trần Thăng lúc đó cũng không kém phần lo lắng chỉ có điều ẩn trong sự lo lắng ấy có cả một chút phấn khích của người tướng sắp được ra trận. 

Trần Thái tuyệt không phải người nhút nhát, cũng tuyệt không phải kẻ chẳng đáng mặt làm tướng, Thái giống Trần Lãm ở chổ chỉ muốn yên không muốn động nhất là chuyện binh đao.

Còn Trần Thăng rõ ràng không phải một tướng kém cỏi, tính Thăng sôi nổi, hoạt bát, thích xông pha. Hồi Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn còn đóng ở Bố Khẩu, Thăng thường cùng các tướng thử võ nghệ, Thăng giỏi cưỡi ngựa, khi đánh trên sới thì chịu kém còn trên mình ngựa thì đến Nguyễn Bồ cũng nhận không bằng. 

Thấy anh mình vẻ như chưa có cách hay, Thăng liền cất tiếng: 

- Chuyện gấp ta nên quyết cho nhanh, nay em xin lĩnh ba ngàn quân chi viện, còn anh ở lại giữ thành.

- Cũng chỉ còn cách ấy - Thái đáp - Thực lực bọn Lý Khuê thế nào ta còn chưa rõ, đành tùy cơ ứng biến vậy. Em ra đấy chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì đừng đánh cố. 

- Em sẽ chú ý, nhưng lỡ có gì sơ sẩy, anh phải cố giữ lấy thành chờ tiếp viện, đừng liều mạng nướng quân lại thêm mất thành hỏng hết việc của chủ tướng.

- Được rồi, điểm binh đi ngay đi.

Cổng thành mở, Trần Thăng dẫn theo ba ngàn quân tiếp viện phòng tuyến, đi được hai phần ba đường thì đã thấy một đạo quân lạ tiến lại.

Quân ấy độ hơn năm ngàn, không hề dùng ngựa, toàn quân vận áo đen, quần đen, phía trước là đội khiên, kế sau là tiễn thủ, ngay sau đó là quân giáp chiến, cứ kế một người cầm kiếm là một kẻ dùng giáo, vẻ khí thế vô cùng.

Trông cờ xí thì rõ là quân Lý Khuê, Trần Thăng thất thần tự nói một minh:

- Phòng tuyến vỡ rồi, gay to.

Thăng lại đưa mắt nhìn vào giữa quân ấy, ở đó có một kẻ ngồi lọng tre, không xa hoa diêm dúa nhưng vẫn có chút ngạo nghễ. Thăng giận tím mặt.

Kẻ đó không cao, không quá mập, gương mặt tròn, râu tóc xồm xoàm, lông mày xếch lên, mắt dữ tợn, đó là Lý Khuê.

Lý Khuê lệnh cho quân mặc đồ đen, đang đên vượt sông để không bị phát hiện, lại dồn quân đánh vào một điểm trên phòng tuyến, lực lượng trên phòng tuyến khi ấy đang mỏng vì vậy chẳng mấy chống mà Khuê phá được.

Hạ được phòng tuyến, Khuê cho quân tiến về thành Bố Khẩu, quân tiếng chẳng bao lâu thì gặp một đạo quân khoảng ba ngàn đang vội vã kéo tới. Đạo quân ấy nửa là kị binh, nửa là quân giáp chiến giáo gươm có đủ, đó là quân Trần Thăng. 

Chổ quân Lý Khuê và Trần Thăng gặp nhau là một bãi đất pha cát rộng lớn, phù hợp cho bày trận giáp chiến, và nếu là giáp chiến thì Trần Thăng tự tin nắm phần chắc thắng dù ít quân hơn, tiếc là Khuê lại dùng tiễn binh. 

Đọc được thế trận đó, Trần Thăng nhanh chóng lên kế hoạch trong đầu, vội gọi một bộ tướng tín cẩn lại và nói:

- Xem tình thế này quân ta khó lòng chống đỡ, đánh cố chỉ tổ nướng quân. Ngươi mau mang theo 10 người, ngày đêm không nghỉ ra Đại La, chủ tướng Bộ Lĩnh đang ở đấy, xin với chủ tướng cho quân chi viện.

- Thưa rõ.

Quân gọi chi viện vừa đi, Trần Thăng lại gọi một kị binh đến và lệnh: 

- Ngươi chạy về thành, nói rõ vệ ở đây, bảo anh ta mở sẵn cổng thành, ta sẽ vừa đánh vừa rút.

- Thưa rõ.

Tiếp đó Thăng ngầm hiệu cho quân giáp chiến ở hậu quân sẵn sàng trở làm tiền quân ngõ hầu cho quân ấy rút trước, còn mình và kị binh cầm chân Lý Khuê và rút sau.

Khi ấy quân Lý Khuê chỉ còn cách trần thăng độ mười trượng. Khuê sai người khiên lọng ra trước, Thăng cũng một mình tế ngựa đến giáp mặt, Thăng nói:

- Bọn ta và ngươi trước nay chưa từng gây oán chuốc thù, cớ làm sao nhân lúc nhà ta có tang mà đem quân đánh lấn?

- Việc binh cốt ở chớp thời cơ, ta không nhân lúc Bố Khẩu đương có tang sự mà lơi là cảnh giác thì biết đánh lúc nào đây? - Lý Khuê vừa cười ha hả vừa đáp -

- Bố Khẩu ta từ lâu đã là đất của Đinh Bộ Lĩnh, thế quân của chủ tướng ta không lẽ ngươi chưa tường hay sao mà gan to bằng trời vậy? - Trần Thăng đe dọa -

- Ha Ha, ta và Đinh Bộ Lĩnh xưa nay cũng có oán thù chi nhưng y lại đem quân đánh hết sứ này lại đánh sứ khác, trước sau gì cũng đánh tới chổ ta, chẳng lẽ bắt ta ôm cây đợi chết?

- Chẳng lẽ ngươi đem quân đánh qua đây thì tránh được sao?

- Ta xem ngươi về võ nghệ chẳng phải hạng tép tôm, nhưng cái trí của ngươi hẳn là không dùng được - Lý Khuê giễu cợt -

- Rửa tai nghe ngươi chỉ giáo đây - Trần Thăng vẫn điềm tĩnh -

- Nay ta lấy Bố Khẩu của ngươi tất Hoa Lư coi như nằm trong túi, khi ấy ngươi nói xem, ta còn sợ Đinh Bộ Lĩnh không ?

- Ngươi tự tin lấy được Bố Khẩu?

- Ta tất nhiên là thế.

Lý Khuê quả thực không hề nói dối, gương mặt toát lên sự tự mãn như là việc ấy đã làm xong rồi. Quân Khuê đông hơn quân Thăng, tiễn binh phát vài loạt mưa tên, quân Thăng khó mà giữ đội hình, khi ấy quân giáp chiến của Khuê lao lên chém giết thì thắng thua coi như đã định.

Khuê đọc trận thế cũng rất nhạy bén, nhưng Khuê nhầm lẫn một chút, đây là đất họ Trần, ở đây Trần Thăng thông thuộc đến từng hạt cát, và cát như chiều lòng người bắt đầu tung mù trời khi Thăng dứt hiệu lệnh: Bày Trận!

Đội khị binh hơn một ngàn quây lại chạy nối nhau theo vòng trong lớn nhỏ, ngựa như đã được huấn luyện từ trước đưa chân đá cát bay loạn trong không trung.

Chẳng mấy chốc hai quân đã không thể nhìn thấy mặt nhau, Lý Khuê thấy tình thế thay đổi, sắc mặt cũng đổi thay, giận dữ thét tiễn thủ bắn tên.

Tên phát ra bay như mưa rào đầu hạ, mưa rơi thấm đất, tên bay vào đám bui không lồ ấy cũng nhất loạt cắm vào đất, tiếng của quân Trần Thăng khi ấy đã không còn. 

Nghĩa là quân Trần Thăng đã rút, nếu rút về Thăng, Thái ở mãi trong thành mà giữ tất khó phá, khi ấy quân chi viện của Đinh Bộ Lĩnh kéo đến, kế hoạch đổ bể, e rằng Khuê khó sống sót mà lường hậu quả.

Nghĩ vậy, Khuê thét quân băng qua đám bụi mà đuổi, bộ tướng của Khuê là Lê Khoa, tay phải cầm kiếm, tay trái cũng cầm kiếm dẫn đầu.

Khoa và lính đến hơn một trăm vừa ló ra khỏi đám bụi thì trúng tên cả, người chết kẻ bị thương, Trần Thăng không mang theo tiễn thủ, nhưng trên lưng của các kị binh thì cung tên có đủ.

Bụi ta dần, Lý Khuê đuổi rát tới, bộ tướng tín cẩn nhất chết quá dễ dàng, quân Thăng thì không mảy lấy một sợi lông, dù là lông ngựa, Khuê ngán ngẩm nhìn phía trước, cũng chừng mười trượng, một đám bụi khác lớn không kém. Tiếng chân ngựa nện xuống đất, tiếng thét của kị binh Trần Thăng làm Khuê ong cả đầu, như muỗi vo vo quanh tai mà không cách nào đập được nó. 

Không có thời gian nghĩ lâu, Lý Khuê cũng không nghĩ lâu, lệnh cho đội khiên tiến trước quân giáp chiến tiến theo, tiến thủ yểm trợ ngay sau cốt để hạn chế tên của kị binh Trần Thăng, giúp quân giáp chiến có cơ hội tiếp cận.

Quân ấy lại nhắm mắt lao qua đám bụi thứ hai, lần này an toàn, chỉ tiếc là Trần Thăng không còn ở đó, người ngựa đã chạy được khá xa.

Lấy chân người đuổi vó ngựa là điều không thể, nhưng chỉ sau một phút giận dữ, Khuê lại xua quân tiến. Quân Khuê đuổi theo như thể lá khô gió cuốn, không ngơi một khắc nhắm thẳng Bố Khẩu, dù vậy vưa trông thấy thành thì Trần Thăng đã đứng trên cổng thành tự bao giờ, kị binh cuối cùng đã vào, cổng thành đã đóng.

Khuê đến, Thăng trỏ Khuê nói:

- Bây giờ thì sao, ngươi còn đủ tự tin chứ?

Lý Khuê mặt tái mét, mắt đỏ phừng phừng, người run lên nửa vì mệt nửa vì giận, nhưng vẫn cao giọng nói cứng:

- Cũng thế cả thôi, thay vì bắt giết lần lượt, ta xử hai anh em ngươi cùng lúc cũng không sao.

Thăng bật cười khanh khách:

- Ngươi cố gồng mình làm gì, nếu ta mà là ngươi thì đã rút quân cho sớm chợ rồi, quân chi viện của chủ tướng ta không lâu nữa sẽ đến, lương thảo trong thành ta đử dùng cả năm, cung tên có đủ để tặng cho mỗi các ngươi vài tá về dùng, ngươi có cơ hội sao?

Nói rồi Thăng phất tay, nhất loạt cả ngàn tiễn thủ đứng sẵn trên thành, từ đó Thăng lệnh quân chia làm hai đội, thay nhau đứng sẵn trên thành như vậy.

Lý Khuê không nói thêm gì, biết khó công thành nổi nếu không dùng mạo hay, bèn cho quân hạ trại vây lấy thành chờ nghĩ kế. 

***

Tại Đại La, Đinh Bộ Lĩnh khi ấy họp các tướng bàn kế để một trận phục hết các sứ còn lại, kế đã bàn xong, ngày xuất quân đã định, thì bỗng đâu có tin từ Bố Khẩu báo về, Trần Lãm đã mất không lâu sau khi ngã bệnh.

Các tướng ai nấy đều tiếc thương, Bộ Lĩnh lại càng đau lòng hơn, Trần Lãm không chỉ là cha vợ, không chỉ là người trao cho Lĩnh cơ hội làm việc lớn, hơn cả, ông là người mà Lĩnh rất tôn trọng cảm phục. 

Dù thế, Bộ Lĩnh không mất đi sự bình tĩnh vốn có của mình nhất là cái trực giác của một vị tướng, ngay đêm đó Lĩnh gọi gấp các tướng đến và nói:

- Mười hai sứ, quân ta đã thu phục đến tám, các sứ còn lại hẳn đang ngày đêm lo sợ nhưng chắc chắn chẳng chịu ngồi yên, nay Lãm Công, cha vợ ta mất đi, tất có thể có sứ muốn nhân Bố Khẩu có thang sự mà đem quân đến đánh, Bố Khẩu mất, Hoa Lư cũng khó giữ, hậu quả không lường được. Đó chỉ là chuyện ta lo xa, nhưng không thể không đề phòng, các ngươi nói xem nên như thế nào?

Lưu Cơ ngẫm nghĩ một lát rồi đứng ra nói:

- Nếu chuyện đó xảy ra, với bản tính thận trọng của Trần Thái hẳn sẽ cố thủ trong thành rồi xin chi viện, chi băng ta gửi quân đến trước, quân vây thành tất bị bất ngờ mà tháo chạy. Lỡ như không có việc ấy, thì quân chi viện hợp với quân Bố Khẩu vượt sông đánh các sứ cũng không hỏng kế hoạch đã định.

- Nói hay lắm Lưu Cơ, ta cũng có sở ý đó, chỉ đang phân phân khả năng lệnh quân Đăng Châu hay Hoa Lư chi viện có tốt hơn không, nhưng xem chừng cách này là khả dĩ nhất.

Trịnh Tú khi ấy hỏi: 

- Phải chẳng chủ tướng sợ quân Đăng Châu hay Hoa Lư chi viện thì lại trúng kế ? Nếu thực có kế ấy thì chi bằng ta nên xuất quân vượt sông sớm hơn keo đêm dài nhiều mộng?

- Phải lắm! Nay ta lệnh cho Lưu Cơ điểm năm ngàn quân kéo đến Bố Khẩu, các tướng còn lại, điểm quân, chuẩn bị binh khi và lương thảo, hai ngày nữa thì xuất quân.

- Rõ - các tướng đồng thanh -

Lưu Cơ dẫn quân chi viện Bố Khẩu, hai ngày hành quân không ngơi nghỉ thì đến đất Đăng Châu của Phậm Bạch Hổ.

Phạm Bạch Hổ từ lúc phá xong sứ Nguyễn Siêu thì theo lệnh Bộ Lĩnh ở lại giữ đất Đăng Châu. Một hôm, Bach Hổ dẫn quân đi tuần, bỗng phát hiện một toán người ngựa đến hơn một chục.

Toán người ấy dường như đang có việc cần kíp, trông qua có thể đoán là đã chạy hơn một ngày không nghỉ, người ngựa lấm lem bùn đất, người thì tóc rối như tổ quạ, ai nây hốc hác luôn miệng quát tháo, ngựa thì vừa chạy vừa phát ra những tiếng phì phì mệt mỏi.

Bạch Hổ lẩm bẩm : "đây chẳng phải quân của Trần Thăng sao, chẳng lẽ Bố Khẩu gặp chuyện?", kế đó liền tế ngựa đến chắn đường. Toán người kia đang cắm đầu chạy thấy bị chắn đường bất ngờ vội vã kéo cương, ngựa cũng bất ngờ, kiễng hai chân lên dừng lại. 

Người cầm đầu toán người ấy nhận ra Bạch Hổ vội xuống Ngựa bái chào, rồi thưa: 

- Lý Khuê nhân lúc Bố Khẩu có tang sự, kéo quân sang đánh, Thăng tướng quân sai Đào thuấn tôi về Đại La xin chi viện, nhờ Phạm tướng quân nhường đường gấp, việc đang gấp.

- Ngươi kém trí, tướng của ngươi cũng lại thế, Đăng Châu ta sát bên đây sao không gọi chi viện, lại nhọc lòng về đến Đại La, lỡ hỏng việc thì sao?

- Nhưng ... - Đào Thuấn ngập ngừng -

- Nhưng nhịn gì nữa, mau theo ta về thành điểm binh - Bạch Hổ quát -

Đào Thuấn đành theo Bạch Hổ về thành Đăng Châu, trong lòng dẫu còn chút không yên, nhưng vẫn khấp khởi mừng.

Cả quân Bố Khẩu lẫn Đăng Châu kể từ khi theo về Đinh Bộ Lĩnh thì đều áp dụng cách tổ chức quân đội của Lĩnh, theo đó cứ mười người thì lập thành một đội, có một đội trưởng, cứ mười đội như thế lại có một tiểu tướng đứng đầu, lại thêm cứ một chủng quân lại do một bộ tướng nắm giữ nên việc điểm binh trở nên rất nhanh.

Điểm xong ba ngàn quân, Phạm Bạch Hổ sai Đào Thuấn hướng đạo vội vàng kéo đi, quân vừa rời khỏi thành độ 3 dặm thì phát hiện một đạo quân tầm năm ngàn kéo tới, quân ấy vội vàng không kém.

Nhìn cái cách giữ đội hình dù đang hành quân gấp ấy, Bạch Hổ đoán ngay là quân Đinh Bộ Lĩnh, liền lệnh cho tướng sỹ dừng lại đợi, quân ấy gần tới mới biết người dẫn đầu là Lưu Cơ. 

Lưu Cơ cũng nhận ra Bach Hổ, cái dáng cưỡi ngựa ưỡn ngực lên thì không lạc đi đâu được, lại thấy Đào Thuấn đứng kế bên thì tám chín phần đã hiểu điều gì đang xảy ra rồi:

- Phạm tướng quân gượm đã - Lưu Cơ gọi -

Bạch Hổ nhạy bén không kém, hỏi ngay:

- Lưu Cơ, ngươi cũng chi viện Bố Khẩu đấy sao?

- Chủ tướng hay tin Lãm Công mất, lo rằng có sứ nhân có đánh qua nên sai tôi mang quân đi, chẳng ngờ có sự ấy thật. Không biết tình hình quân địch thế nào, Phạm tướng quân có kế sách gì chưa?

Đào Thuấn nói xen vào: 

- Sứ ấy là Lý Khuê, khoảng 5 ngàn quân, gồm nửa tiễn thủ và nửa quân giáp chiến.

Bạch Hổ nói thêm:

- Ta cũng vưa hay tin, cấp kíp nên chưa có chủ ý gì hay cả.

- Nay tôi hợp quân với ngài tiến qua, quân trong thành đánh ra tất phá được, có điều ... - Lưu Cơ suy tư -

- Có điều gì ? - Bạch Hổ hỏi vội -

- Nếu ta đánh thốc vào sẽ có một trận ác chiến, nhiều người sẽ chết, đó là chổ tối kị của chủ tướng. Nếu có kế bắt được tướng hàng được binh thì tốt hơn.

Cả Bạch Hổ lẫn Lưu Cơ nhất thời chưa nghĩ ra được kế lưỡng tiện, đang trầm ngâm thì bỗng đâu có lính dẫn một người bị trói đến trước mặt hai người. 

Người đó trên dưới quần áo đều một màu đen, mặt mày lấm lét, tỏ vẻ run sợ nhưng thủy chung không nói một lời, Đào Thuấn quan sát một lúc rồi lên tiếng:

- Hắn đích thị là quân do thám của Lý Khuê rồi.

- Quan do thám của Lý Khuê à? Hừm ! 

Lưu Cơ vừa tự hỏi vừa ngẫm nghĩ, đoạn quay qua mấy người lính, lệnh: 

- Các ngươi giải thả cho hắn về đi.

Bạch Hổ đợi lính giải tên do thám đi rồi mới bày chổ nghi:

- Sao người không tra khảo rồi hẵng thả?

Lưu Cơ chậm rãi trả lời: 

- Thế quân Lý Khuê ra sao Đào Thuấn đã nắm được, tra khảo cũng chẳng có thêm gì.

Bach Hổ gật đầu cho là phải.

Lưu Cơ nói tiếp:

- Ở đây có sự không ổn, nếu Lý Khuê vây Bố Khẩu rồi mới sai quân đi thám thính thì tên trinh sát ấy không thể đến đây nhanh như thế được, bởi Đào Thuấn đã đi hết sức mà giờ mới tới, chỉ có thể là trước khi đánh vào Bố Khẩu, Khuê đã sai người đi rồi.

- Ý ngươi là sao? - Bach Hổ hỏi, Đào Thuấn cũng nhìn Lưu Cơ chờ câu trả lời.

- Hắn rõ sức quân ta nên mới đem quân đánh trước hòng tìm đường sống về sau, nay việc đánh nhanh thắng nhanh Bố Khẩu bất thành, tất đoán biết quân chi viện sớm muộn cũng đến mà vẫn vây lấy Bố Khẩu, chứng tỏ mục tiêu của hắn không phải Bố Khẩu mà chính là quân chi viện. 

- Năm ngàn quân, đối phó quân chi viện và cả quân trong thành ư?

Đến lượt Bạch Hổ tự hỏi vừa suy tư, đoạn như chợt hiểu ra liền gọi một bộ tướng là Đỗ Giang đến và lệnh: 

- Ngươi dẫn theo mười người giả làm người đánh cá, xuôi thuyền thám thính xem phía bên kia bờ có quân thanh viện của Lý Khuê hay không !

- Rõ thưa tướng quân!

Y theo lệnh ấy, Đỗ Giang vờ làm người đánh cá, theo sông xuôi dòng, đến chổ gần Bố Khẩu quả nhiên phát hiện phía bên kia bờ có quân đang đóng chờ tiếp ứng, thuyền bè đã sẵn sàng, quân ấy có đến năm ngàn, trông qua trang phục thì chính là quân Nguyễn Thủ Tiệp

Sunday, February 9, 2014

NỀN KTTT ĐỊNH HƯỚNG XHCN hay ĐỊNH HƯỚNG XHCN NỀN KTTT ?

Bài viết này có lẽ sẽ thiếu đi phần phân tích, các dẫn chứng lập luận, chỉ đơn giản là nêu lên một cái nhìn mà thôi.

Một kịch bản giả định thế này, nếu một ông A nào đấy trong Bộ Chính Trị, trong Ban chấp hành trung ương Đảng, hay đại loại ai đó ở trên trển, trong buổi sáng đẹp trời, mây lãng đãng bay ngang những mảng trời xanh vọi, những tia nắng mới ánh lên nhòa trong sương.

Ông A tỉnh dậy, rửa mặt cho tỉnh táo, rồi ông bắt đầu thói quen tập thể dục mỗi sáng, xỏ chân vào đôi vớ giá bảy ngàn đồng, đôi giày Thượng Đình sờn cũ, ông mở cửa đón làn không khí dễ chịu của bình minh lùa vào cánh mũi.

Con đường quen, những tán cây thân thuộc, nụ cười của những người bạn già và tiếng chim hót có lẽ cũng là đã cũ, ông rảo chân bước nhanh, sắp vào độ lục tuần nhưng sức sống mãnh liệt vẫn tỏa ra đây ắp. Công viên có ông tươi thêm mấy phần.

Được mươi vòng, đột nhiên có gì đó làm ông phải nhíu mày, ông rẽ ra đường lớn, nhanh chân về phía nhà mình, đẩy cửa một cách quyết đoán, ông lao ngay vào phòng vệ sinh, ở đó có tiếng ông thở phào nhẹ nhõm.

Thì ra ông đau bụng, vấn đề lớn bây giờ là giấy vệ sinh đã hết, cách khả dĩ bây giờ là lấy smart phone của FPT ông mới tậu, kết nối internet và tìm thông tin "làm gì khi giấy vệ sinh bị hết?".

Sau một hồi lang thang tìm kiếm, ông vô tình click vào bài viết này, nếu thế đề nghị ông đọc kỹ:

HÃY ĐỔI "NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA" THÀNH "ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG"

Hãy làm điều đó, trong cả khẩu hiệu tuyên truyền lẫn trong nhận thức và hoạch định chính sách.

Có thể ông chưa từng chăn trâu, nhưng tôi biết, và có nhiều kinh nghiệm. Hãy nghĩ rằng khi lùa đàn trâu ra đồng, là khi ta tiến hành đổi mới.

Những con trâu, với bản năng của nó sẽ đi tìm những đám cỏ non, có con sẽ ăm lúa mạ của người, có con sẽ tách đoàn, có con sẽ dẫm chân lên mồ mả người đã khuất lại có con đến kỳ "động đực", ông biết đấy. Đó chính là Nền Kinh Tế Thị Trường của chúng ta.

Khi đàn trâu với bản năng như vậy, người chăn trâu, phải dùng roi mà đánh để nó đi theo đúng hành trình, đến đúng bãi cỏ lớn đầy hoa thơm cỏ lạ, cái này chính là Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Điều một người chăn trâu ao ước, đó là có những bức rào nơi ruộng lúa, trên đường đi, quanh mồ mả của người ... như thế anh ta sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc chăn trâu.

Lại cũng thế nếu Xây Dựng Nền KTTT rồi chạy theo để ĐH XHCN thì rất mệt, nhưng ĐH XHCN rồi xây dựng nên KTTT thì ổn hơn nhiều.

Ví dụ cụ thể hơn, XHCN là nơi thắm đượm tính nhân văn, nơi đó trẻ con có sân chơi lành mạnh để có một tuổi thơ đẹp nhất, phát triển toàn diện cả về tâm hồn lẫn trí tuệ và sức khỏe.

KTTT quy hoạch hết sân chơi của các em, rôi nhân dân kiện cáo mới đi "định hướng xã hội chủ nghĩa" không kiện cáo thì cũng thôi.

Nhưng nếu ngay từ đầu, tuyệt đối cấm quy hoạch nhưng sân chơi ấy, thì mọi chuyện tốt hơn nhiều, và tôi tin việc trẻ em được phát triển toàn diện ích lợi hơn nhiều vài cái dự án mọc trên sân đá bóng của các em.

Đôi lời như thế.

P/s: không giấy vệ sinh có thể dùng nước. (cách dân dã của người Việt ta)                                  





Saturday, February 8, 2014

Loạn Thế Lộ Chân Long (Tiếp Hồi Thứ 2)

Hồi 2b: Ngô Quyền phá Nam Hán lần thứ nhất, Tiêu Ích nghĩ lại còn thất kinh

Nói chuyện Trước tác Tá hầu Dung, sau khi can gián Hoằng Tháo bất thành mới ủ rũ đến tìm Sùng văn hầu Tiêu Ích. Ích vừa thấy Dung đã vội vã hỏi :

- Thế nào ?

- Chẳng thay đổi được, Giao Vương xưa nay đã quyết ý, lời nào vào lỗ nhĩ đâu.

- Lẽ nào sẽ có Xích Bích trên đất Việt sao ?

- Ta e la còn hơn thế, Giao Vương chẳng bằng Tào Tháo, Ngô Quyền lại không thích dụng binh rườm rà đa sự như Gia Cát, lần trước đụng độ chắc ông đã biết.

Ký ức kinh hoàng về trận đánh bảy năm về trước lại hiện về mồn một trong tâm tuởng của Sùng Văn Hầu Tiêu Ích.

Năm 930, vua Nam Hán khi ấy là Lưu Cung xua một vạn quân sang xâm lược  Tĩnh Hải quân, bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, đánh chiếm Đại La, sai Lý Tiến làm thứ sử.

Dương Đình Nghệ vốn là hào truởng đất Giàng ở Ái Châu về sau làm bộ tướng duới trướng Tiết Độ Sứ Khúc Hạo, năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ.

Đại La mất, chủ tuớng bị bắt, Dương Đình Nghệ phải lui về đất Giàng, theo ông có Ngô Quyền vốn là hào truởng Đường Lâm, Kiều Công Tiễn hào trưởng đất Phong Châu, Đinh Công Trứ hào truởng đất Diễn ở Hoan Châu.

Về tới đất Giàng, Dương Đình Nghệ cùng các tướng ra sức mộ quân luyện binh ngõ hầu sớm lấy lại Đại La nối chí họ Khúc xác lập chủ quyền nước Nam.

Nào ngờ, Lý Tiến vốn là hạng võ biền nhưng tính tình đa nghi, y cho quân do thám biết được tráng sỹ nước Nam đều đang tụ về đất Giàng, liền sai người tâu về với Lưu Cung. Cung họp quần thần tìm đối sách, lúc ấy Tiêu Ích đứng ra hiến kế:

- Lòng dân Nam vẫn hướng về họ Khúc, Đình Nghệ vốn là trọng tướng từ thời Khúc Hạo, nay y dấy binh chắc dân ấy theo về, Lý Tiến dẫu quân đông cũng khó lòng giữ, bệ hạ ở đây lại nước xa khó cứu lửa gần. Nay chi bằng ta phong cho Đình Nghệ làm thứ sử Ái Châu, lại sai quân đến đóng gần biên ải phong khi y rượu mừng không uống.

Cung nghe lời ấy, liền cho sứ qua Tĩnh Hải quân manh chỉ dụ sắc phong cho Dương Đình Nghệ, lại sai Trần Bảo làm soái, Tiêu Ích làm quân sư, đem quân đến đóng ở gần biên giới.

Sứ giả đến, Dương Đình Nghệ họp các tướng lại nói:

- Quân ta chỉ có ba ngàn, dẫu đều là tráng sỹ, dẫu đều một lòng trừ giăc thì cũng khó lòng đuổi được Lý Tiến. Nay tên giặc già Lưu Cung lại muốn phong ta làm thứ sử Ái Châu, ta không thuận tất xua quân đến phạt, các ngươi nghĩ nên đối sách thế nào?

Ngô Quyền khi ấy trầm ngâm một lát rồi cất tiếng:

- Phương Bắc đang thời hỗn loạn, nhà Hán nhân cơ hội ấy lập ra chẳng lâu, quân đội còn mới lại chẳng phải do chinh chiến mà nên, vì vậy tuy đông mà kém tinh nhuệ, đến đất ta lại chỉ chăm cướp bóc, ham chè chén, nhác luyện rèn, lơi kỷ cương. Ba ngàn quân đối một vạn, nói khó thì rất khó, nói dễ thì lại rất dễ, nhất là khi Lưu Cung lại cho ta một cơ hội tốt đến vậy.

- Ngô tướng có kế gì hay xin nói luôn - Đinh Công Trứ hỏi lại -

- Nay ta tương kế tựu kế, lựa lời nói với sứ giả rằng ta thuận sắc phong, nhưng với Lý Tiến vẫn phân trên dưới, vì vậy mà hẹn ngày ra Đại La nhận ấn chỉ do Lý Tiến trao cho phải lẽ. Phạm Lệnh Cộng xưa vốn đóng quân ở Nam Sách, ta gửi thư nói rõ kế để Lệnh Công đem quân đến đánh Đại La đúng ngày ta ra đó nhận sắc phong.

- Để ta đoán tiếp nhé - Đinh Công Trứ tiếp lời - Khi ấy ta vờ xin Lý Tiến cấp quân đi đánh Lệnh Công, Tiến hẳn sẽ mừng phát khóc. Ra xa khỏi thành rồi, ta hội với Lệnh Công mà diệt toán quân ấy, sau đó quay về lấy đầu Lý Tiến, đúng vậy không Ngô tướng quân ?

- Công Trứ thật hiểu bụng ta - Ngô Quyền đáp nhưng trên mặt còn chưa hết băn khoăn lo lắng.

- Cách hay, cách hay. Ngô Quyền, con luôn khiến cha được an dạ. - Dương Đình Nghệ vui mừng nói.

Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ dẫn quân ra Đại La, dưới danh nghĩa nhận sắc phong và ấn chỉ từ Lý Tiến, gần đến thành lại sai quân chia nhau âm thần đi về phái bắc, còn mình cùng hơn một trăm quân đi vào thành.

Đình Nghệ vờ như thuần phục nhà Hán, với Lý Tiến một mực kình nhường. Tiến lấy làm ưng dạ lắm, sai lính bày yến tiệc để mời Đình Nghệ. Vào tiệc, bọn tiến trên dưới quen thói chè chén, chẳng mấy chốc mà say túy lúy, lúc ấy có lính vào báo:

- Thưa Thứ Sử, có tin rất gấp

- Tin gì, nói mau - Tiến lè nhè -

- Thưa, Phạm Bạch Hổ ở Nam Sách đưa hai ngàn quân chuẩn bị vượt sông,  tiến đánh Đại La

"Ha Ha, Ha Ha"

Một trang cười hào sảng vô cùng vang lên, Tiến trông ra thì chính là ĐÌnh Nghệ. Dương Đình Nghệ bắt chước thói quen người Hán, đưa tay vuốt chỏm râu dài dưới cằm, nói:

- Hai ngàn quân mà dám cả gan đòi tiến đánh quân một vạn, chuyện nực cười như thế lão phu lần đầu được nghe. Nay đương lúc cao hứng, xin Lý Thứ Sử cấp cho ít quan, tôi ra thành lấy đầu tên tiểu tốt ấy về góp vui.

Lý Tiến đang lúc hăng rượu như dân Nam hăng mổ lợn Tết, nghe thế thì cả mừng, liền lệnh:

- Được ta giao cho ngươi lệnh bài, điều năm ngàn quân đi, lấy được đầu tên họ Phạm ấy, ta sẽ tâu với Hán Vương trọng thưởng.

Dương Đình Nghệ kéo quân ra khỏi thành, đến bờ sông Hồng, lệnh chi lính vượt sông, như dự tính, tiền quân vừa đến bờ bên kia thì đã thấy quân của Phạm Bạch Hổ trổ ra dùng nỏ bắn tới.

Tiền quân đang nhốn nháo kẻ chết người bị thương, trông lại hậu quân, thì ba ngàn tráng sỹ do Đinh Công Trứ dân đầu cũng áp sát tới. Năm ngàn quân Hán chết quá nửa, số còn lại đang ở giữa dòng thất thế phải chịu hàng, Dương Đình Nghệ bắt trói cả lại.

Dương Đình Nghệ họp với Đinh Công Trứ, Phạm Bạch Hổ, Phạm Bạch Hổ nói:

- Nhận được thư xủa Ngô tướng quân, cha tôi sai tôi đem quân đến ứng cứu, còn anh tôi Phạm Mân lo kế nghênh đón quân chi viên của bọn Hán. Hiện giờ Ngô tướng quân đã kịp đến hội với anh tôi, có nhắn lại với 2 vị rằng, nên cải trang cho các tráng sỹ rồi hãy kéo về thành. Phần tôi phải quay trở lại để tiếp ứng Ngô tướng quân.

- Không biết con ta đã có kế sách gì đối phó với quân chi viện của Lưu Cung rồi? - Dương Đình Nghệ hỏi lại -

- Thời gian không còn nhiều, hai vị đọc lấy thư này rồi sẽ rõ. - Phạm Bạch Hổ đáp, lấy trong người lá thư của Ngô Quyền gửi Phạm Lệnh Công trao cho Dương Đình Nghệ.

Dương Đình Nghệ dở ra thấy thư viết:

"Phạm Lệnh Công, thư này đến hẳn là trong lúc Lệnh Công đang nóng lòng đuổi giặc, chổ tôi và cha nuôi tôi kế sách đã bàn xong, nhưng kế ấy không có Lệnh Công thì không xong. Tháng ba này đúng hẹn, chúng tôi từ Ái Châu ra Đại La nhận sắc phong, cũng là lúc Lệnh Công đem quân đến Đại La, thuận duyên gặp gỡ cha tôi sẽ xin được cấp quân để hội cùng Lệnh Công trên bờ sông Hồng.

Đại La định xong, quân tiếp viện bên kia sẽ tới, chổ chúng ta tiếp họ là thung lũng Bắc Sơn, chắc Lệnh Công chẳng lạ, quân tiếp viện nóng vội tất đi qua chổ đó, mới mong mau đến Đại La, phiền Lệnh Công chọn chổ hiểm yếu có rừng bao quanh, vạch một khu có thể nuốt trọn vạn quân, sai người đổ nước muối vào gốc cây, lại cho đẽo vỏ cây sâu vào trong, cốt làm cây chết khô trong nửa tháng. Ra đến Đại La tôi sẽ thẳng đường qua Nam Sách nói rõ kế này. Thư từ Ngô Quyền"

Thư đọc xong, cả Dương Đình Nghệ lẫn Đinh Công Trứ đều sớm hiểu dụng ý của Ngô Quyền thầm khen trong bụng, yên chí kéo quân về Đại La. Đình Nghệ đẫn đầu, ba ngàn tráng sỹ vận đồ quân Hán kéo về qua cửa phía Tây, quân Hán trong thành tuyệt không chút nghi ngờ, chắc rằng là quân thắng trận trở về liền cho mở cửa thành.

Vừa qua khỏi cửa thành, Dương Đình Nghệ thét quân chém giết, những tráng sỹ nước Nam để hận lâu trong lòng, nay có dịp bao nhiêu uất ức trút cả vào thương vào giáo, quân Hán vốn không đề phòng lại thường ngày nhác luyện rèn lơi kỷ cương, thấy các tráng sỹ sấn tới chém giết thì khiếp vía tháo chạy.

Khi Lý Tiến biết chuyện gì đang xảy ra thì đã ở trong vòng bao vây của Dương Đình Nghệ, quân của Tiến số thì chết, số thì tán loạn theo cửa Bắc mà chạy đúng như ý của Đinh Công Trứ khi chọn vào cửa Tây, còn lại bên cạnh Tiến chỉ khoảng hơn hai trăm quân.

Quần áo xộc xệch mặc vội, Tiến cùng tùy tùng tất tả chạy ra sân trước, đến nơi thấy Dương Đình Nghệ ở sẵn đó thì chết đứng, trợn mắt quát như mếu:

- Ngươi ! Ngươi dám ...

- Sao ta không dám ?

- Chẳng phải ngươi đã nhận sắc phong rồi sao?

- Ta đâu thể để dân nước Nam này rủa ta trong ngàn năm sau. Ngươi chớ nên nói nhiều, chịu chết đi là vừa.

Lý Tiến cứng họng, mặt đỏ bừng trỏ về hướng Bắc thét quân mở đường máu, nào ngờ Tiến đánh đén đâu thì quân ta dạt ra đến đấy, được thế Tiến một mạch chạy về cửa Bắc.

Tất nhiên ở cửa Bắc, Đinh Công Trứ đã đón sẵn trên cửa thành, lần này Tiến không kịp nói gì, cả tướng lẫn lính bị tên bắn chết cả.

Tàn quân của Lý Tiến kéo nước không gặp một sự truy đuổi hay mai phục nào, chúng đem cái chết của Tiến thuật lại đầu đuôi. Trần Bảo được tin ấy toan cất quân đánh vào thì Tiêu Ích can gián:

- Tàn quân không tướng kéo về không gặp trở ngại nào chẳng phải điều lạ lắm hay sao, theo như tôi nghĩ thì chắc hẳn đã có bày cơ quan mai phục rồi. Tướng quân nên cân nhắc, kẻo lại mắc lỗi chủ quan như Lý Tiến.

- Quân Tĩnh Hải chỉ được một nhúm, tập trung hết vào phá thành Đại La, lấy đâu thời gian mà bày cơ quan mai phục. Nay ta cứ theo đường gần mà tiến một hơi, chúng sao kịp trở tay.

Tiêu Ích nghe thấy phải, dẫu còn e dè nhưng không nói gì thêm, sang hôm sau, Trần Bảo đốc quân đi, sai Tiêu Ích làm hậu quân phụ trách lương thảo.

Từ chổ cửa ải, vẽ thẳng một đường đến Đại La tất đi qua Bắc Sơn, Bảo chọn đi đường đó, quân đi không nghỉ, ngựa phi không dừng, 3 ngày sau quân của Bảo đã tiến đến Bắc Sơn. Bảy ngàn quân của Bảo đi vào một thung lũng bao quanh là rừng, với những thân cây cao lớn, lạ một điều đều đã chết khô hết cả.

Khi Bảo hiểu ra điều gì thì quân đã nằm gọn trong thung lũng ấy, tiếng lửa cháy phừng phừng râm ran, hơi nóng và thán khí tỏa đến làm ngựa rối loạn hí vang, quân sỹ hoang mang cùng tột.

Bảo quát hậu quân rút, còn tiền quân thì tiến nhanh, nhưng đã quá muộn, những thân cây cao lớn, đã được đẽo hết vỏ phần ruột còn lại cũng rất nhỏ, lửa bắt đến nhất tề ngã nhào xuống cả, không chỉ chắn đường rút quân Bảo mà còn quật hẳn vào đám lính đang vô cùng khiếp hoảng.

Không đường rút, không đường tiến, quân Bảo chịu chết, tiếng thét vang trời. Ngoài đám lửa khổng lồ ấy, Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Phạm Mân và hơn hai ngàn tráng sỹ lừng lững đứng. Không một nhát kiếm, không một mũi tên mà diệt non vạn quân giặc, đó là Ngô Quyền, là dân nước Nam.

Nhớ đến đó, Tiêu Ích như người mất hồn, Tá hầu Dung cũng không thèm gọi lấy một lời, lặng lẽ bỏ về.

Đêm đó, Dung ra nơi neo tàu chiến của quân Nam Hán, dùng máu viết lên áo 4 chữ : Cửa Tử Không Xa, rồi treo cổ tự vẫn.

Sáng ra, Hoằng Tháo sai người ném xác Dung xuống biển, rồi hạ lệnh tiến quân.

Sunday, February 2, 2014

GIẢI OAN PHÁP LUÂN CÔNG VIỆT NAM

Pháp Luân Công là một vấn đề nóng ở Trung Quốc, điều đó ít nhiều chúng ta đều nghe nhắc đến. Sau cuộc đàn áp rầm rộ trên quy mô toàn Trung Quốc (trừ Ma Cao và Hương Cảng) bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, đến nay ngoài Hồng Kông và Ma Cao, Pháp Luân Công gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển ở đại lục. Cũng từ đó hình thành một mâu thuẫn sâu sắc giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và học viên Pháp Luân Công, không chỉ ở Trung Quốc.

Nguyên nhân vì sao lại xảy ra cuộc đàn áp rầm rộ năm 1999 của Đảng CS TQ với học viên Pháp Luân Công thì không thật sự rõ ràng, tuy nhiên kịch bản cũng không có nhiều, hoặc do Pháp Luân Công trước, hoặc do ĐCS TQ trước, hoặc do cả hai, hoặc do bên thứ ba âm mưu kích động.

Nói như thế để chúng ta biết, kỳ thực nguyên nhân vì sao xảy ra cuộc đàn áp ấy không quan trọng, quan trọng là hiện tại đang có một mâu thuẫn dương như khó khoan nhượng giữa ĐCS TQ và Pháp Luân Công.

Blogger Beo từng viết 1 bài theo mô tả là rất cẩn thận về nguyên nhân vụ việc, và khả hứa sẽ gửi nó cho mình, đến lúc ấy có lẽ sẽ xin phép được đăng lại để các bạn cùng sáng rõ hơn còn trong phạm vi bài viết này chúng ta bắt đầu đi từ tình trạng mâu thuẫn hiện tại như đã nói.

Vì sao mình lại viết về Pháp Luân Công, có lẽ các bạn đều hiểu, vừa qua một nhóm người tự xưng / nhân danh Pháp Luân Công liên tục thực thiện những hành vi ngông cuồng chống đối Đảng  Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) như giương khẩu hiệu ở trước lăng Chủ Tịch Hồ CHí Minh, trong đó gọi ĐCSVN là tà đảng, CT.HCM là tội đồ dân tộc, hay như hè nhàu đòi kéo đổ tượng đài Lê Nin.

(Hôm nay, 3/2, trong lúc mình viết bài này, nhiều bạn đang theo dõi tình hình ở Lăng Bác, nơi mà nhóm tự xưng là người Pháp Luân Công này do Nguyễn Doãn Kiên cầm đầu tuyên bố sẽ có hành động tiếp theo)

Khi những sự kiện liên hoàn như thế xảy ra, dư luận phẫn nộ và chĩa mũi dùi vào Pháp Luân Công nói chung, công thức tư duy của dư luận chúng ta đã rõ, nếu "người xấu" nằm trong tập thể "nào đó" thì dư luận sẽ chửi cả cái tập thể "nào đó". "Bạn ở trong làng, bạn xấu, người ta chửi cả làng của bạn".

Và nhiều trong số những bạn biết "mang máng" về những gì xảy ra giữ PLC và ĐCSTQ, liền quy kết ngay rằng : "chẳng trách mà bên TQ họ ủi dẹp hết". Đó là một quy kết tai hại bởi thậm chí giả sử rằng những sự kiện kia đúng là chủ trương của PLC VN thì cũng không thể quy kết như vậy được, bởi một sự kết luận đối với 1 sự việc cụ thể luôn phải xuất phát từ việc phân tích chính sự việc đó. Tính chất bắc cầu dường như chỉ chắc chắn đúng trong toán học mà thôi, tuy nhiên ở đó, trong nhiều trường hợp cũng cần có những điều kiện cần.

Sau khi tìm hiểu về Pháp Luân Công, mình đã phát giác, chính cái công thức tư duy của dư luận và cái sự quy kết vội vã ấy là bước chân đầu tiên vào cái bẫy giương sẵn của các thế lực chống phá. Với đà ấy, dưới sức ép của dư luận cùng hạt nhân là như quy kết kia sẽ vô tình đẩy PLC VN về phía ngược với ĐCSVN, phía gần với các thế lực thù địch.

Chúng ta tiếp tục với tấm hình này:



Lang thang trên mạng bắt gặp những bức hình chụp các băng rôn được treo trên dây điện cao chạy ngang trục lộ lớn ở TP.HCM. Chúng đều mang dòng chữ “CHÂN TƯỚNG : PHÁP LUÂN CÔNG LÀ TỬ HUYỆT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC”

Rất ngạc nhiên bởi đây là tiếng Việt cho người Việt đọc thì nói chuyện PLC và ĐCSTQ để làm gì? . Nhưng khi thử mô hình hóa câu này thành công thức: “A là tử huyệt của B” thì vấn đề trở nên khác hẳn và dễ hiểu hơn. "Pháp Luân Công là tử huyệt của ĐCSTQ thì cũng có thể, nguy cơ sẽ là tử huyệt của ĐCSVN", đó là ý đồ của người treo những băng rôn này.

Càng dễ hiểu hơn khi chúng ta biết được rằng những băng rôn đầy ẩn ý ấy là do "nhà đấu tranh dân chủ" Phạm Xuân Giao (một kỹ sư, và tự nhận là học viên PLC) thực hiện. Chuyện Phạm Xuân Giao ta sẽ bàn kỹ sau.

Pháp Luân Công là một môn rèn luyện tinh thần truyền thống của Trung Quốc thuộc Phật gia. Nó đồng thời sử dụng thiền, các bài tập sinh lực, và các bài giảng đạo đức làm phương tiện để tu luyện tâm và thân, với mong muốn cuối cùng là sự chuyển hóa tinh thần, ở phương Đông gọi là “giác ngộ”.

Nhiều người tập luyện môn này với nhiều mục đích khác nhau, một số người tập có thể là vì sức khỏe, giảm stress, cân bằng xúc cảm, gia tăng năng lượng, thư giãn, và mục đích tinh thần. Những mục đích cao nhất của Pháp Luân Công, như được dạy trong sách Chuyển Pháp Luân, là thuộc về mục đích tinh thần, bao gồm giác ngộ, hoàn thiện tinh thần, trở về bản chất chân thực của chính mình (“chân ngã”), và “đắc Đạo”.

 Pháp Luân Công không có bất kỳ tín điều hoặc nghề nghiệp tín ngưỡng nào; không có các lễ nghi kết nạp nhằm phân biệt những người theo và những người không theo; không có cấu trúc tổ chức; không có các tài sản vật chất, ví dụ như các nhà cầu nguyện; không có sự thờ cúng hoặc sự hiến dâng cho bất kỳ vị thần cụ thể nào hoặc sự kết hợp của những cái như vậy. Pháp Luân Công không là một tôn giáo.

Mô tả nôm na nhất về Pháp Luân Công đó là : một phương pháp tập khí công rèn luyện sức khỏe và nâng cao đạo đức. Học viên Pháp Luân Công là những người bình thường trong xã hội. Mỗi người đều có nghề nghiệp riêng và cuộc sống riêng ngoài có cùng sở thích tập luyện Pháp Luân Công.

Quan điểm của Pháp Luân Công là PHI TÔN GIÁO, PHI KINH TẾ, PHI CHÍNH TRỊ, và dương như sợ mình phải dính líu đến chính trị, PLC VN không ít lần phản bác những quy kết và những lôi kéo.

Lội một vòng qua các trang tin của PLCVN, nội dung chủ yếu của họ gồm 4 mảng chính:

- Cập nhật tình hình học viên bị đàn áp ở TQ và phản đối hành động đàn áp của chính quyền TQ đối với học viên PLC.

Trong mảng nội dung này, họ thuần chất cập nhật thông tin về các vụ việc đàn áp và phản đối hành động đàn áp ấy. Không hề có một phân tích chính trị nào cả, không một ý kiến nào bộc lộ hệ tư tưởng. Họ không chống Cộng Sản, họ chỉ thuần chất phản đối hành động đàn áp của chính quyền TQ đối với học viên PLC, đối tượng cụ thể là ĐCSTQ

- Cập nhật hoạt động tập luyện, thiện nguyện của học viên PLC VN

- Giải đáp các thắc mắc và hướng dẫn tu luyện

- Phản bác những quy kết liên quan đến chính trị, cảnh báo học viên nhưng nguy cơ bị lôi kéo.

Đây nổi lên là một mảng nội dung quan trọng của PLC VN không chỉ vì tôn chỉ của họ là phi chính trị, mà vì không ít lần các thế lực thụ địch với ĐCSVN lôi kéo vào vòng xoáy chống phá.

Điển hình, ngày 28 tháng 9 năm 2012, đại diện PLC gửi công văn đến đài truyền hình Vĩnh Long, sau khi đài này phản ánh hành vi phát truyền đơn của Trần Quốc Sơn một học viên PLC VN, trong công văn thừa nhận hành vi của Trần Quốc Sơn là trái pháp luật và trái với quy định của PLC, nhấn mạnh đó là hành vi cá nhân không liên quan đến PLC VN, và có đoạn :

"Ngoài ra chúng tôi cũng nhận thấy có người đang cố tình lợi dụng sự việc vi phạm pháp luật của Trần Quốc Sơn nhằm đấu tranh cho các vấn đề vì tự do tín ngưỡng và nhân quyền. Chúng tôi khẳng định vấn đề này tuyệt đối không liên quan đến Pháp Luân Công và rõ ràng có dấu hiệu đang lợi dụng Pháp Luân Công nhằm làm chính quyền các cấp hiểu sai lệch về Pháp Luân Công."

Hay như ngày 10 tháng 7 năm 2012, trong Thông Cáo Báo Chí của Các Học Viên Pháp Luân Công Lâu Năm tại Sài Gòn về Phản ảnh Báo cáo nhân quyền năm 2011 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có phản bác lại báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ vì trong đề mục "Tù nhân và những người bị bắt vì lý do chính trị" có nhắc đến Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành đều là học viên PLCVN. Thông cáo này có đoạn viết:

Theo quan sát của chúng tôi từ đầu vụ việc cho đến khi Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành bị tuyên án, vấn đề vi phạm pháp luật của hai anh do thiếu hiểu biết chỉ mang tính hình sự và pháp luật hình sự Việt Nam chỉ điều chỉnh hành vi “phát sóng trái phép có tổ chức” [của hai anh] không liên quan đến nội dung lẫn hướng phát sóng.  Tuy nhiên, nỗ lực xét xử hai anh đã bị chính những người đấu tranh ủng hộ hai anh lợi dụng cho các mục đích đấu tranh mang tính chính trị làm phức tạp thêm tình hình.

Việc một số cá nhân cũng như tổ chức tư nhân chính trị hóa vụ việc là vấn đề về “tự do ngôn luận” của họ.  Tuy nhiên báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kết luận Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành là tù nhân chính trị thì là chưa khách quan. 

Lại nói chuyện Phạm Xuân Giao, Giao không chỉ là người thực hiện các băng rôn kể trên, mà còn là người thường xuyên lôi kéo học viên PLCVN tham gia phát truyền đơn, và các hành động mờ ám khác, chính lẽ đó, hành tung của Giao luôn bị các học viên PLC theo dõi để cảnh báo đồng môn. Viết về Giao có đoạn :

Nhìn chung các vấn đề làm loạn Pháp Luân Công của nhóm Phạm Xuân Giao trong suốt vài năm nay nếu kể ra thì rất nhiều, tuy hình thức hay diễn biến các việc có khác nhau, một hậu quả duy nhất ai cũng có thể thấy đó chính là: làm một bộ phận lớn những người tiếp xúc với thành viên nhóm này hiểu sai nghiêm trọng về Pháp Luân Công. 

Phạm vi những người bị ảnh hưởng thật sâu rộng, từ chính những người thân trong gia đình những người này, đến hàng xóm láng giềng của họ, những người dân xung quanh và đặc biệt là cán bộ, công chức và lực lượng công an.

Vào ngày 26/03/2013, Phạm Xuân Giao gửi đi thông báo số 1 tuyên bố sẽ xếp đồ hình Pháp Luân trên bãi biển Đà Nẵng vào ngày 13/05. Viết về sự kiện này:

Khi so sánh thì chúng ta thấy, việc xếp đồ hình Pháp Luân của học viên ngoại quốc mang tính chất biểu diễn chủ yếu nhằm hoằng dương Pháp Luân Công. Ngược lại đồ hình Giao chế tác nhấn mạnh tính tâm linh huyền hoặc và rất dễ gây hiểu lầm cho những người khác và rất dễ bị gán cho cái nhãn là mê tín dị đoan. Cái nhãn này nếu có sẽ không gắn lên nhóm Giao mà nó gắn lên Pháp Luân Công, và đó là điều tồi tệ nhất.

Đương nhiên nhóm của Phạm Xuân Giao sẽ bị giải tán nếu xếp hình. Cũng có thể họ sẽ không bao giờ xếp hình. Tuy nhiên với những thông báo kiểu như vậy gửi đi tràn lan, cái mũ xem thường pháp luật và mê tín dị đoan đang rình rập và có thể giơ ra bất cứ lúc nào (cho PLCVN - và quả nhiên đúng như họ dự đoán).

Khi Giao lên kế hoạch rải 50.000 truyền đơn ở VN (thắng 5 năm 2013), học viên PLC đã kịp thời cảnh báo, kế hoạch của Giao đổ vỡ, giao lại lên kế hoạch sang TQ nhằm : vạch trần bản chất tà giáo của Trung Cộng và đánh thức người dân Trung Quốc. Phân tích về hành vi này của Giao có đoạn viết:

Việc nhóm Giao qua Trung Quốc với danh nghĩa Pháp Luân Công sẽ đặt chính phủ Việt Nam và Pháp Luân Công vào tình trạng vô cùng bị động và tiến thoái lưỡng nan. Khi nhóm Giao qua Trung Quốc và thực hiện kế hoạch như công bố đương nhiên họ sẽ bị bắt tại Trung Quốc. 

Lúc này, một mặt chính phủ Trung Quốc sẽ dùng áp lực ngoại giao chỉ trích và thậm chí trả đũa chính quyền Việt Nam đang dung túng cho Pháp Luân Công chống Trung Quốc. Một mặt khác cho dù nhóm Giao liên tục vi phạm luật pháp Việt Nam, trước sự việc này chính phủ cần phải giải cứu cho họ vì cho dù thế nào họ cũng là công dân Việt Nam. Một mặt nữa, liệu học viên chúng ta có thể nào im lặng để nhóm Giao bị Trung Cộng bắt đi không? 

Nếu không được giải cứu, họ có thể bị cựu thế lực lấy đi sinh mạng vì hết giá trị lợi dụng. Do đó, chúng ta nhất định cũng sẽ lên tiếng giải cứu Phạm Xuân Giao và nhóm này cho dù họ đã làm gì trong quá khứ. Việc này thực tế sẽ rất khó khăn khi mà nỗ lực đặt ra: làm sao giải cứu được nhóm mà không để họ làm hoen ố hình ảnh Pháp Luân Công. 

Hơn nữa, khi chính quyền Việt Nam giải quyết vụ rắc rối này họ sẽ lại càng bị Trung Quốc đầu độc nặng nề hơn và càng hiểu sai hơn về Pháp Luân Công. 

Trong quá trình giải cứu Giao và nhóm nếu không khéo léo truyền thông trong nước và hải ngoại sẽ làm người dân trong nước sẽ nghĩ sai về Pháp Luân Công thông qua hình ảnh của nhóm Giao. Và thêm nữa khi giải cứu được rồi thì khi về nước họ sẽ lại có thêm thị trường từ những người tu luyện còn chưa vũng và không nắm rõ sự việc và lại càng khuếch trương hoạt động phá hoại Pháp Luân Công.

Vậy : VÌ SAO CÓ NHIỀU KẺ MUỐN LÔI KÉO PLCVN VÀO VÒNG XOÁY CHỐNG PHÁ?

Câu trả lời đơn giản là bởi PLC đã có mâu thuẫn với ĐCSTQ, từ mâu thuẫn với ĐCSTQ chuyển thành mâu thuẫn với Cộng Sản quả thực rất mong manh.

Vì rất mong manh nên dễ phá vỡ, và không cần Tôn Tử phải nói, chúng ta đều biết, đánh người đánh vào chổ yếu nhất trước, những kẻ chống phá hiểu điều đó, chúng tìm đến Pháp Luân Công.

Thủ đoạn của chúng một mặt lôi kéo xúi dục học viên PLCVN, một mặt khác ngông cuồng tạo nên cái nhìn xấu của dư luận đối với PLC, chỉ chực chờ cho chính quyền VN có một hành động nhỏ đàn áp thì sẽ ngay lập tức thuyết phục được rằng ĐCSVN cũng giống ĐCSTQ, đẩy cộng đồng những người luyện PLC ở VN vào thế đối nghịch với chính quyền.

Đó chính là nhân bản công thức "A là tử huyệt của B". Rất sâu cay. Nếu chúng ta không đủ tinh tế nhận ra sẽ sa chân ngay vào bẫy.

Về Nguyễn Doãn Kiên, thủ đoạn vốn không khác Trần Xuân Giao là mấy, chỉ là táo tợn, trắng trợn và ngông cuồng hơn mà thôi.

Sự việc vừa diễn ra, ngay lập tức bọn quạ BBC, RFA đã nhảy xổ vào cắn xé, bụi tung mù trời, thói thường này chúng ta không còn lạ, nhưng nhiều người đã 1 chân đặt vào cái bẫy rồi.

Rốt lại, Pháp Luân Công, với môn Toán, môn Lý, môn Hóa, môn Bóng Đá, Cầu Lông ... không có gì khác biệt lắm, ai muốn học thì học, ai không muốn học thì thôi, không hề có một bất kỳ sự ràng buộc nào.

Việc một học viên PLC làm chuyện xấu, quy chụp cái xấu đấy lên đầu PLC, cũng giống như một một cầu thủ bóng đá làm chuyện đồi bại và quy chụp toàn bộ cầu thủ bóng đá vậy. Và hãy tưởng tượng, còn gì đáng buồn cười hơn :

Cái bọn học Toán Học là cái bọn lếu láo , Toán Học là một môn tà đạo !

Hẳn là 90% tội phạm đều từng học toán nhỉ?