Tuesday, September 24, 2013

Cái tinh tế trong quảng cáo - marketing (phần 3)

Marketing - Quảng cáo bản chất cuối cùng chính là phát hiện ý niệm đang hiện hữu , gieo trồng ý niệm mới, sau đó dẫn dắt để các ý niệm đó phát triển thành quyết định mua hàng. Đó là thuần chất phải là một một quá trình nghiên cứu và tác động tâm lý với đủ cả sự khoa học và tinh tế.

Ngày nay, nhiều người làm marketing, người thì quan tâm đến những vẫn đề quá to tát, người thì lại rập khuôn một cách sáo rỗng những gì có sẵn, câu chuyện về tâm lý và quá trình phát triển tâm lý khách hàng ít được đào sâu mà có chăng cũng chỉ là phỏng đoán đến võ đoán, đây là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của rất nhiều nhãn hàng.

Một quá trình phát triển tâm lý đầy đù sẽ diễn biến như sau :

Đầu tiên là quá trình tiếp xúc giữa thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, tư tưởng với màu sắc hình khối, âm thanh, mùi vị , trạng thái vật lý (rắn, lỏng, khí ...), sự vận động tương tác của các sự vật, sự việc.

Sau quá trình tiếp xúc là quá trình cảm nhận, (quá trình này diễn ra chính là đất để cho "ấn tượng đầu tiên" dựng võ), những cảm nhận đó chính tình cảm nhất thời đối với sự vât sự việc được tiếp xúc : yêu thích, ghét,  đau, buồn ...

Tiếp theo là quá trình phân tích, đánh giá, và đưa những thông tin có được từ 2 quá trình trên vào tâm thức lưu lại một cách gọn gàng. Từ những phân tích đánh giá đó mới sinh ra ý chí, quyết định hành động phản ứng lại với những gì cảm nhận được. Cuối cùng là sự nhìn nhận lại, đúc kết nên nhận thức về các sự vật, việc, thông tin.

Nhận thức của khách hàng phát triển theo thời gian và tuần hoàn với công thức A + a = B, trong đó (A) là nhận thức ở thời điểm T1, (a) là một quá trình từ tiếp xúc, cảm nhận, phân tích đánh giá, ra quyết định đến đúc kết nên nhân thức đối với một đối tượng (C) trong khoảng thời gian t, (B) là nhận thức ở thời điểm T2 (T2 = T1+t).

Để dẫn dắt khách hàng đến với quyết định mua hàng, người làm Marketing phải hiểu và nắm được A, đưa những thông tin "đầu vào" phù hợp về (C) cho quá trình (a) để thu được quyết định "đầu ra" như mong đợi.

Đó không phải là sự nhồi nhét cẩu thả các thông tin hay ho về sản phẩm dịch vụ của bạn như cách rất nhiều người đang làm mà đó là sự bố trí một cách tinh tế, khoa học tổng hòa tất cả những gì có thể tác động đến các giác quan cũng  như tư tưởng của khách hàng, từ nơi gửi xe cho đến nhà vệ sinh, từ font chữ cho đến ngôn từ, từ âm thanh cho đến mùi vị ....

Nếu không hiểu được điều này thì cho dù với những bản kế hoạch dày cộm, một khoản chi phí marketing lớn  đến mấy bạn cũng thất bại như thường. Hãy ngồi lại, phân tích thật kỹ tâm lý đã có, đang có và có thể có dù là nhỏ nhặt nhất của khách hàng, thay vì cứ suy nghĩ rằng một chiến dịch rầm rộ sẽ tống được tất cả hàng trong kho đến tận từng hộ gia đình. Cái thời truyền thông một chiều qua rồi, cái thời khan hiếm hàng hóa qua rồi, cẩu thả với những khách hàng ngày một tiêu dùng thông minh hơn chính là tự sát.

Một số ví dụ nhỏ sau đây sẽ chứng minh cho bạn thấy nắm bắt từng ý niệm trong đầu khách hàng quan trọng đến thế nào :

1. Bắt đầu với xe đẩy. Phát minh năm 1938 này được thiết kế với mục đích ‘giúp’ khách hàng mua nhiều hàng hơn, với kích cỡ lớn hơn. Vì sao? khi khách hàng đẩy xe đẩy trống trơn tới quầy tính tiền, bên trong chỉ có một chai dầu gội đầu? Và đúng lúc ấy, có khá đông người xung quanh cũng đang tính tiền. Tính ghen tỵ và cái tôi của con người làm họ so sánh mình với người xung quanh.

2. Và mùi hương đầu tiên bạn thường cảm thấy chính là mùi Bánh mì. Theo nghiên cứu, mùi bánh mì sẽ đánh tan cảm giác xa lạ và đề phòng xung quanh của bạn. Một khi bạn cảm thấy thoải mái, bạn sẽ dễ chi tiền và nghe theo lời người khác hơn.

Đó cũng là lý do vì sao, một số quán cà phê để dành cà phê "nước 2" chỉ để đun nóng nó vào ngày hôm sau, khách hàng sẽ khó có thể bỏ qua mùi cà phê ngào ngạt trong một buổi sáng.

3. Các Siêu thị để những đồ nhu yếu phẩm, đồ ăn, sữa, trứng… ở góc tường và thường nằm cuối siêu thị mục đích là để khách hàng phải đi qua hêt Siêu thị. Sẽ có cơ hội khách hàng bị bắt mắt bởi một hàng hóa nào đó khác.

4. Những sản phẩm dễ bán được nhất chính là những sản phẩm nằm bên kệ hàng hóa bên tay phải của của khách hàng (tức là bên thuân tay thuận mắt). Và Siêu thị sẽ tính phí cao hơn hoặc để những sản phẩm có tính chiến lược hơn nằm bên tay phải của từng kệ hàng hóa.

5. Trẻ con thường tò mò và chúng sẽ có cảm giác khám phá khi tìm thấy gì đó thú vị, những mặt hàng dành cho trẻ con thường nằm thấp xuống phía dưới (như sôcôla, kẹo, bánh…) nhằm thu hút chúng.

6. Âm nhạc? Nghiên cứu chứng minh được rằng nhạc nhẹ và chậm khiến khách hàng ở lại lâu hơn và mua nhiều hơn. Thêm nữa, nhạc cổ điển có tác dụng mạnh nhất trong trường hợp này và khiến người mua sẽ mua hàng đắt hơn. Âm nhạc quá lớn hay quá nhanh sẽ khiến khách hàng từ bỏ bạn.

Âm nhạc lại là điều tối kỵ đối với những dịch vụ cần phục vụ nhanh, như các tiệm bánh, quán cơm ...

7. Nhân viên phục vụ nữ xinh xắn có thể khiến khách hàng thường xuyên lui tới nhà hàng của bạn, nhưng nếu quá lố một chút nó sẽ thành trở ngại tâm lý đối với khách hàng

8. Một công ty giấy dùng chung một nhẫn hiệu cho cả giấy ăn và giấy vệ sinh và đó là dấu hiệu báo cho đàn quạ thương hiệu tìm đến.

9. Không Độ từ nhà tiên phong trở thành kẻ bám đuổi khi định giá sản phẩm chai nhựa tiện dụng là 7.000 chứ không phải 5.000 như C2 (không chỉ vấn đề chi trả ít hơn mà còn là việc chi trả 1 tờ tiền 5000 với việc trả thêm 2000 tiền "lẻ"), khi dung tích nước đóng chai vượt quá nhu cầu giải khát của khách hàng thay vì vừa đủ như C2.

10. Một số trang mạng xã hội của Việt Nam bất đắc kỳ tử chỉ vì tự nhận mình là mạng xã hội không thua kém gì facebook, tương tự một số trang tìm kiếm cũng tự so sánh mình với Google. Nếu giữ im lặng và bước tiếp con đường của riêng mình thay vì so sánh mình với thứ mà khách hàng đang tin dùng (tức là thách thức niềm tin của khách hàng, điều này khiến khách hàng có phản ứng tự vệ) thì có lẽ chuyện đã khác. Cờ Rôm + hãy lấy đó làm bài học.

11. Kangaroo hi sinh cảm tình của khách hàng, để đổi lấy mức độ nhận biết tên thương hiệu bằng cách giật quảng cáo liên tục "Kangaroo máy lọc nước hàng đầu Việt Nam", thế nhưng mọi thứ dương như đã trở thành công cốc khi mà hệ thống phân phối chưa có.

12. Cocacola thất thế thấy rõ trước Pepsi ở Việt Nam, vì họ không nhìn ra đước sự thiếu thốn "chất trẻ", "chất mới", "chất năng động" của một quốc gia đang phát triển.

(còn tiếp)









Monday, September 23, 2013

Cái sự tinh tế trong quảng cáo - marketing (phần 2)

Mở đầu bằng một triết lý cho nó oách nhỉ (!?), Quảng cáo, marketing, không phải là mặc vào cho sản phẩm, dịch vụ một bộ cách rực rỡ, hay tô son trát phấn để nó trở nên lộng lẫy mà là làm toát lên cái thần của sản phẩm, dịch vụ, làm nổi bật lên được cái giá trị của nó.

Chiều nay online bắt gặp hình ảnh này :


Cùng với lời bình : Dù bạn có là ai và quyền lực đến thế nào thì gia đình vẫn luôn là điều quan trọng nhất.

Thực ra đó chỉ là phần "phản ứng phụ" cho thông điệp thực sự của của bức ảnh này mà thôi, thông điệp chính và cũng là mục đích của bức ảnh này đó là "hãy nhìn xem, ông ấy là một người bố tốt, ông ấy là một người yêu gia đình, và một người bố tốt, một người yêu gia đình, khi là một tổng thống ông ấy sẽ chăm lo cho gia đình bạn".

Cách Pr hình ảnh này là cách mà rất nhiều "người nổi tiếng" sử dụng để xây dựng thương hiệu cá nhân, nó được gọi là "quy tắc liên tưởng", quy tắc này được phát biểu rằng : khi hình ảnh của thương hiệu gắn liền với một hình ảnh tốt đẹp, người ta sẽ liên tưởng sự tốt đẹp đó đến và gán cho thương hiệu đó.

Các ngôi sao thường xuất hiện với "thú cưng" của mình để tạo cho các fan ý nghĩ rằng thần tượng của mình là người yêu động vật, các doanh nhân thường xuất hiện trong các buổi từ thiện để tạo cho khách hàng của họ sự thiện cảm khi nghĩ rằng họ là người có lòng nhân ái.

Quy tắc này rất dễ vận dụng, nhưng cũng có nguyên tắc khi áp dụng, đó là những gì bạn muốn người khác liên tưởng đến khi nghĩ về bạn phải là những giá trị thật có của bạn. Nếu không, rất dễ trở thành "tấn trò đời" đấy.

******

Ngày xưa, mình và đám bạn có một trò vui (mà hẳn là nhiều người từng chơi), đó là 2-3 người nhóm lại cùng nhìn về một điểm nhất định (nhìn lên trời chẳng hạn) thế là những đứa khác cũng tò mò nhìn theo, tràng cười bắt đầu khi họ phát hiện ra chẳng có gì để nhìn cả.

Đây là một hiện tượng tâm lý phổ biến, có thể gọi là "quy tắc đám đông" hay "quy tắc xã hội", con người có xu hướng quan tâm đến những gì mà đám đông, hay xã hội đang quan tâm, ví dụ du như vụ Huyền Chíp và cuốn sách Xách Balo Lên và Dzọt gần đây.

Quy tắc này cũng có khá nhiều nhà quảng cáo áp dụng kiểu đại loại như  "9/10 phụ nữ Việt Nam tin dùng Diana, bạn thì sao?" hay "Để xác lập kỷ lục phục vụ 2 tỷ bữa ăn cho gia đình Việt, mỗi khách hàng khi mua một gói mỳ Ba Miền sẽ được tằng kèm một chiếc tăm" ... đây là cách nêu con số để ẩn dụ cho đám đông, còn một cách cũng khá phổ biến đó là những thước phim quảng cáo với hình ảnh "biển người" như của C2, Không Độ, Vinaphone ...

Một số nhà hàng, cửa hiệu khi mới khai trương thường lót tay để có một lượng khách hàng đông đảo đến không ngờ làm cho người khác quan tâm, như StarFucks Coffee khi vưa qua Việt Nam, cách này cũng không nằm ngoài quy tắc trên.

******

Cũng không liên quan lắm, nhưng vì có chung từ "cam kết" nên mình nhắc lại chút.

Ngày còn là học sinh, bao nhiêu người đã từng bị viết "bản tự kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh" rồi nhỉ ? Mình thì bị khá nhiều lần, và nhớ mãi, trong một "bản tự kiểm điểm" luôn có phần "em xin hứa từ nay sẽ không sờ mông bạn gái trong lớp nữa, nếu tái phạm em xin chấp nhận để bạn ấy sờ lại". Đó là phần cam kết.

Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thuyết phục một nhóm người đã có cam kết về những việc liên quan đến thông điệp bạn truyền tải sẽ thu được kết quả cao hơn rất nhiều nhóm người chưa thực hiện bất kỳ một cam kết nào trước đó, và thuyết phục nhóm người đã cam kết bằng giấy trắng mực đen thì hiệu quả hơn nhóm cam kết bằng miệng.

Lấy ví dụ rằng, bạn đến 100 hộ gia đình và thuyết phục họ ký tên vào bản cam kết "tiết kiệm điện và năng lượng", sau khoảng 1 tuần bạn cho người đến chào bán bóng đèn Neon Điện Quang tiết kiệm điện thì lượng người chấp nhận mua sẽ cao hơn là khi ban chưa đưa ra bản cam kết kia.

Khi bạn đưa ban cam kết hay khảo sát kia để xin ý kiến hay chữ ký của khách hàng thì trước hết là bạn đã gieo vào đầu họ một ý niệm (ví dụ trên là ý niệm về tiết kiệm điện) sau nữa là bạn đã đưa khách hàng vào một cam kết, con người luôn có xu hướng làm những gì mình đã nói, đã nhất trí, đồng tình. Đây gọi là "quy tắc cam kết"

*****


Đến đây dừng. Nhỉ !

Sunday, September 22, 2013

Tranh luận về "Xách balo lên và đi" - tiêu chuẩn chân lý vẫn còn thấp.

Những ngày qua, như một phản ứng dây chuyền, Huyền Chíp và cuốn sách "Xách balo lên và đi" nóng lên và lan rộng khắp ngóc ngách internet.

Ban đầu tôi chẳng quan tâm lắm, bởi Huyền Chíp dù tôi đã biết từ lâu qua một số bài báo, nhưng không thật sự ấn tượng, cô ấy đã đi, đã đến, đã trải nghiệm đó là chuyện của cô ấy, lợi lạc gì cô ấy hưởng, tôi sẽ ấn tượng nhiều nếu là ai đó, làm được điều gì đó động trời cho đất nước và xã hội.

Sau khi, một số các trang mang "phanh phui bóc mẽ" những chi tiết phi lý trong cuốn sách của Huyền Chíp, tôi cố gắng tránh xa các thông tin này, bởi những gì tôi nhìn thấy là sự chửi bới quá khích của đa số người tham gia, kinh nghiệm cho thấy chẳng lợi lọc gì khi chen chân vào đám đông đang cực kỳ hung hãn bằng ngôn từ. 

Hôm nay, qua sự giới thiệu của một vài người, tôi có cơ duyên đọc được hai bài viết được đánh giá là "khách quan và có lý lẽ", thứ nhất  là bài Huyền Chip - Hay những lầm tưởng về du lịch bụi của tác giả Rosie Nguyễn và bài Tản mạn xung quanh "xách balo lên và đi" của bạn có tên facebook là Giáo Hoàng. 

Trước hết phải nói là mừng, vì bên cạnh đa số người thích dùng sự gai góc trong ngôn ngữ để che chắn cho vốn hiểu biết nông cạn của mình thì vẫn còn nhiều những người với thái độ ôn hòa đã làm bật lên sự sắc bén trong lý lẽ của họ.

Bài viết này, tôi không đi sâu và câu chuyện của Huyền Chíp, lý do là tôi không quan tâm và vì không quan tâm nên không đủ thông tin để đi sâu, điều tôi muốn bàn ở đây là thái độ bày tỏ quan điểm, cách bày tỏ quan điểm, sự chuẩn xác trong lập luận của các bên. 

Trước hết, nói về bài viết Huyền Chip - Hay những lầm tưởng về du lịch bụi của tác giả Rosie Nguyễn, bài này có một số lỗi ngụy biện :

1. Rosie nói : "Những người nghi ngờ Huyền Chip là những người chưa hiểu gì về cái gọi là đi bụi.", thay vì chứng minh những gì trong cuốn sách viết là xác thực thì người viết lại phủ đầu rằng ai nghì ngờ là thiếu hiểu biết. Đây được gọi là độc quyền chân lý, điều 1: Rosie đúng, điều 2: nếu Rosie sai thì xem lại điều 1.

2. Rosie lập luận rằng "Xin thưa, chỉ có những nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật, Úc mới yêu cầu chứng minh thu nhập/tài sản khi xin visa. .... Còn những quốc gia khác thì hầu như chỉ cần nộp hồ sơ là có thể lấy được. ...Thử xem các nước mà Huyền chip đã đi qua: Kenya, Ethiopia, Tazania... đa phần là những quốc gia nằm dưới cùng trong bảng xếp hạng GDP đầu người thế giới, họ có gì để lo sợ chứ?" 

Như vậy vô tình, người viết đã đưa ra quy luật rằng "cứ nước giàu thì xin Vísa khó, cứ nước nghèo thì xin Vía dễ, Huyền Chíp đi toàn nước nghèo nên xin Visa dễ là đúng rồi", đó chính là lỗi thủ tiêu ngoại lệ kiểu như "cắt thịt người là một tội ác, bác sỹ phẩu thuật cắt thịt người, nên mọi bác sỹ phẫu thuật đều gây tội ác". 

Có phải 25 (?) nước mà HC đã đi qua đều là những nước nghèo? Có phải những nước nghèo đều có thủ tục cấp visa rất đơn giản? Thay vì, trình hộ chiếu, hoặc chứng minh tất cả các nước Huyên Chíp đã đi qua đều có thủ tục cấp Visa rất đơn giản (25 nước là những nước nào, thủ tục cấp visa của mỗi nước ra sao?) thì người viết lại đánh đồng và thủ tiêu các ngoại lệ.

3. Rosie tiếp "Mình thách các bạn trẻ ra đi đấy, cứ liều mạng đi, xem có dám chăng. Cứ thử đi thử đi, để biết có thực sự nguy hiểm không." 

Vấn đề đặt ra là người khác quan ngại về việc, nếu hành động theo thông điệp của cuốn sách "Xách balo lên và đi" thì sẽ gặp "nguy hiểm" bởi vì cuốn sách có những chi tiết mà họ cho là "không đúng sự thật", rõ ràng rằng quan ngai này là chính đáng,  việc phó mặc mọi thứ cho một điều mà chưa biết thực hư là không nên.

Tuy nhiên, thay vì chứng minh sự thật, thì người viết lại "thách" người khác "liều mạng" để "tự chứng minh" xem có "nguy hiểm không", như thế là đã triệt tiêu mục đích tranh luận, "dừng tranh luận nữa, thử đi rồi sẽ biết". Có những người không yêu du lịch, mà yêu sự thật, họ không thể phí thời gian để thử điều họ không yêu thích trong khi tranh luận có thể đạt được điều họ mong mỏi. 

Lại nói đến bài viết  Tản mạn xung quanh "xách balo lên và đi" của bạn có tên facebook là Giáo Hoàng, đây là bài viết được đầu tư khá kỹ lưỡng, tác giả cũng bỏ ra một phần khá dài để dẫn bài với múc đích xác lập sự khách quan của mình khi đưa ra quan điểm tuy nhiên cũng không tránh khỏi các lỗi ngụy biện.

1.  Giáo Hoàng viết :  "Người viết chưa đọc toàn bộ “tác phẩm”, tuy nhiên đã đọc rất nhiều dẫn chứng, trích đoạn, ý kiến phân tích, dữ liệu được công bố trên mạng mà mọi người đã đưa ra, đã chất vấn. Những thông tin thu được đủ nhiều và đủ toàn diện để giúp đánh giá được vấn đề. Những ai không nhìn nhận được tổng quát và khách quan thì thật đáng tiếc vì đó là do hạn chế về tầm nhìn, về nhận thức của người đó."

Người viết thừa nhận rằng chưa đọc toàn bộ tác phẩm, nhưng lại cho rằng những thông tin thu được là đủ để đánh giá toàn diện, và cùng với lỗi "độc quyền chân lý", người viết xem những người mà với cùng những thông tin đó mà không đánh giá được toàn diện vấn đề thì bị hạn chế tầm nhìn và nhận thức.

2. Chính vì "chưa đọc toàn bộ tác phẩm, và thu thâp thông tin mới chỉ "đủ nhiều" nên người viết tiếp tục mắc lỗi : "Không rõ con số 25 nước là có chính xác không vì điều này còn phụ thuộc vào dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu, tuy nhiên chỉ cần xem các ảnh chụp là đủ biết Huyền Chip có đi lên tới hàng chục nước thật. Mặc dù trên thực tế có thể tới một nước rồi xuất cảnh luôn trong ngày và vẫn tính là một nước, nhưng chi tiết này không quan trọng lắm."

Trong khi chân lý thực sự cần được khẳng định là một con số, tức 25 hoặc một con số khác, bởi vấn đề đang tranh luận là sự thật trong cuốn sách "Xách balo lên và đi", trong cuốn sách này nói rằng Huyền Chíp đã đi qua 25 nước, và nếu như , cho dù người viết (Giáo Hoàng) với ngôn từ ôn hòa có nói "tuy nhiên chỉ cần xem các ảnh chụp là đủ biết Huyền Chip có đi lên tới hàng chục nước thật." thì vẫn là đã đặt nghi vấn trong chuyện này. 

Nếu kết luận là 25 thì Huyền Chíp nói thật, nếu là bất kỳ một con số nào khác, dù được phát biểu với cách nào cũng đều quy kết rằng Huyền Chíp nói dối. 

3. Tiếp theo, người viết đặt ra các nghi vấn "tại sao phải xóa nội dung trong web?", sựu thât về "chi tiết gãy ống đồng", "tại sao không cho xem hộ chiếu?" đi kèm là các lập luận, để các kết luận nghiêng về giả thuyết của mình tuy nhiên mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở nghi vấn mà chứ thể khẳng định.

Chính trong bài viết cũng nói rằng: "Sự thực như thế nào, chỉ có Huyền Chip mới rõ. Khi em không nói rõ ràng ra mọi việc thì tất cả chỉ biết vậy." thế nhưng lại có đoạn viết : "nội dung trong sách có những điểm được bịa ra như tiểu thuyết", đây là lỗi "chưa chứng minh được nó đúng thì suy ra nó sai, và ngược lại".

4. Phần kết luận Giáo Hoàng viết : "Đi để lấy trải nghiệm để ấm vào thân mình, đã bao nhiêu người làm điều đó mà chẳng viết sách. Còn đi để lấy thành tích về viết sách, tự mô tả mình như một nữ siêu nhân đầy may mắn để hợp thức hóa sự nổi tiếng của bản thân một cách chính thống bằng một quyển sách (ngoài chuyện nổi tiếng lâu nay ở trên mạng), thì điều đó không hay chút nào."

Chưa chứng minh được mệnh đề "động cơ đi du lịch của Huyền Chíp là để viết sách" mà người viết đã vội khẳng định rằng "đi để lấy thành tích về viết sách". Nhưng theo tôi, cho dẫu đi để viết sách thì vẫn cứ tốt, bởi muốn viết sách thì luôn cần trải nghiệm. 

Đi để trải nghiệm đơn thuần tốt, đi để trải nghiệm và chia sẽ trải nghiệm đó cũng tốt, không thể đánh đồng sự chia sẻ trải nghiệm với sự hám danh khi bạn chưa đủ cơ sở lý lẽ để khẳng định điều đó được. 

KẾT LẠI

2 bài viết vừa nêu trên, tuy các tác giả đã cố gắng để sử dụng ngôn từ một cách trung dung, đặt mình dưới cái nhìn khách quan nhưng cuối cũng vẫn chưa đạt được mục đích cuối cùng của phàn biện, nguyên nhân có lẽ bởi tiêu chuẩn chân lý vẫn chưa cao nên chưa đi đến được tận cùng của sự thật, chỉ dừng lại ở nghi vấn và định hướng dư luận theo giả thuyết của chính mình. 

Dù sao, đó thực sự cũng là một khởi sắc. Văn hóa phản biện là điều rất cần trong mọi lĩnh vực của xã hội, mà nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà giới trẻ thường nhận thức một cách cảm tính hơn là  lý tính, khi mà người ta thích nói hơn là thích suy nghĩ, khi mà chửi bị nhầm lẫn thành tranh luận. 

Friday, September 20, 2013

Chuyện phân biệt, kỳ thị vùng miền.

Chúng ta, người Việt Nam, tất thảy đều là nòi giống Lạc Hồng, kỳ thị nhau cũng chính là kỳ thị chính tổ tiên, gốc gác của mình, kỳ thị chính mình. Tuy nhiên, điều đó không phải ai cũng hiểu, và với sự thiển cận, mà sự thiển cận luôn vun đắp lên một cái tôi cao như núi, nhiều người vẫn thích phân biệt và kỳ thị vùng miền.

Đó là vấn đề nức nhối và dai dẳng trong xã hội ta, không khó để bạn bắt gặp cả trên internet và đời thực, có 3 kiểu phân biệt kỳ thị chính :

1. Kỳ thị ngôn ngữ

Nhiều người nghe người từ địa phương khác nói chuyện, họ thấy rằng nó không chuẩn với tiếng phổ thông, nên mới tỏ vẻ "ta đây nói chuẩn, còn chúng mày nói ngọng", gái góc hơn nhiều người còn "buồn nôn, phát ói" với giọng địa phương của người khác.

Thứ nhất, "nói ngọng" là một bệnh chứng trong các bệnh chứng liên quan đến "trở ngại trong giao tiếp bằng tiếng nói" bao gồm câm, nói lắp, nói khó, nói chậm ... Nguyên nhân của nói ngọng có nhiều, sau đây là một số nguyên nhân chính : 

- Do dị tật ở môi, vòm miệng
- Do phanh lưỡi ngắn
- Cử động miệng kém ở trẻ bại não/ Bệnh lý thần kinh
- Nghe kém do dị tật bẩm sinh ở tai
- Nghe kém do viêm tai giữa mãn tính, viêm tai xương chũm.

Người mắc chứng nói ngọng là một bất hạnh đối với họ, kẻ kỳ thị người nói ngọng là một kẻ vô lương tâm. 

Nhưng bản chất vấn đề chỉ là sự "bất đồng ngôn ngữ" ở mức độ sai lệch về cách phát âm, giọng và điệu của mỗi vùng miền so với cách phát âm "chuẩn" hoặc so với vùng miền khác. Có thể kể ra một số vùng ở miền Bắc thường phát âm N thành L, Ch thành Tr, người Miền Tây thường phát âm R thành G (cá rô => cá gô), người Trung Trung Bộ thường phát âm nguyên âm A thành Ô (đi làm => đi lồm), hay giọng mô tê răng rứa của người Bắc Trung Bộ.

Thứ hai, việc nói giọng đia phương là thói quen, tập quán của địa phương đó, không có chuyện xấu tốt mà là nên hay không nên sửa, cần hay không cần sửa. Theo tôi thì nên sửa nhưng không nên bỏ, sửa để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống (giao tiếp, nghiên cứu, làm việc ....) nhất là cách phát âm sai, tiếp đó là cách dùng từ , và không nên bỏ để giữ bản sắc địa phương mình, có câu "chém cha không bằng pha tiếng".

Nền tảng văn hóa Việt Nam ta là "văn hóa làng xã", như đã biết, cội gốc nước Việt là nên văn minh lúa nước, người trồng lúa có tập tục làm nhà gần các cánh đồng để tiện cho việc canh tác từ đó lập nên làng xã.

Từ thời xa xưa, làng xã là tổ chức cộng đồng khép kín. Đình làng thờ thành hoàng, tổ chức lễ hội. Lũy tre và cổng làng là điển hình của biên giới và cửa khẩu của “làng gia” với những luật lệ riêng.Gia đình, dòng tộc cũng đóng góp phong phú thêm truyền thống làng xã.

Chính vì thế, làng này với làng kia đã có sự khác nhau chứ đừng nói đến tỉnh này và tỉnh kia, đơn cử như ở chổ quê tôi, ngay trong xã, mỗi làng đều có ngữ điệu nói chuyện đặc trưng, ở làng tôi có câu đồng dao: Đại Đồng nói tiếng đai đai, ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột ... . Đại Đồng là một làng ngay kế làng tôi, thế mà tiếng của họ, người lang tôi mô tả là "đai đai". 

Giọng địa phương là tất yếu của văn hóa làng xã, thiết nghĩ nó chỉ là sự khác biệt, không có tốt xấu, trong thời đại ngày nay, khi lũy tre làng không còn đủ sức níu chân người trẻ, đi ra ngoài, chúng ta nên sửa ít nhất là từ phổ thông, để có thể giao tiếp tốt, làm việc tốt. Còn việc kì thị ngôn ngữ của người khác thì nói thật là rất thiển cận và thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc, cũng như thiếu lịch sự trong hành xử. 

2. Kỳ thị nguồn gốc.

Có những ý kiến đại loại kiểu như : Mình là mình không biết chửi bậy đâu, nhưng từ khi va vào các bạn ở đâu đến thành phố định cư làm mình nhiễm nặng, giờ hễ bức xúc cái gì là văng tục ngay.

Họ tự hào và vỗ ngực "ta đây dân thành phố", "ta đây là dân gốc" còn "chúng là đồ nhà quê", "đồ dân góp, dân pha"

Tôi kể cho các bạn vài mẫu chuyện:

Chuyện thứ nhất : Có một đôi bạn trẻ, một nam một nữ, từ nông thôn lên thành phố lập nghiệp, hôm nọ, với bộ dạng khá nhếch nhác họ vào một cửa tiệm để mua đồ, vốn là người nghèo, thói quen và cũng là buộc phải thế, họ lựa đồ rất lâu vấn đề chung quy cũng vì giá cả.

Khi lựa được món đồ ưng ý, họ mặc cả với bà chủ tiệm, nhưng không thành nên họ không mua, bà chủ khó chịu mỉa mai rằng : Đồ nhà quê !

Nghe thế, cô gái ồ lên nói với chàng trai : Anh có thấy cô chủ này quen không, hình như cô ấy là cháu ông địa chủ độc ác ở quê mình ngày xưa, trông quen lắm anh

Cô chủ tiệm nghe thế gắt lên: Đừng nói bậy, ông nội tôi là nông dân, không phải địa chủ.

Nói đến đấy, như vỡ lẽ ra cô chủ tiệm mặt đỏ gay, chết điếng, còn đôi bạn trẻ nháy mắt nhau tinh nghịch rồi đi về. 

Chuyện thứ hai :  Có thằng bé dân thành phố (Hà Nội) nó về quê tôi chơi (Nghệ An), nó ra vườn chơi với dì nó, dì nó đang hái rau, còn nó thì đứng ở rãnh giữa những luống khoai lang, và cất tiếng hỏi : 

- Dì ơi, sao nhà mình không trồng lang mà ăn, con thích rau lang lắm.

Có 3 điều cần nói :

Thứ nhất: Trước khi lên tiếng chửi người khác là "đồ nhà quê", "đồ dân góp" bạn có uốn lưỡi bảy lần, và trong thời gian uốn lưỡi có suy nghĩ xem "liệu ngày trước tổ tiên mình có ở nông thôn, có làm ruộng, có di cư bao giờ chưa nhỉ ?" không ?

Thứ hai: bạn có chắc rằng dân quê đều thô kệch thiếu văn minh, còn dân thành phố thì thanh lịch và thông thái chứ ?

Thứ ba:  Dân thành phố, dân gốc thanh lịch, và thông thái như thế tại sao không mang điều đó truyền lại cho "đồ nhà quê", "dân gop, dân pha" mà lại bị nhiễm các thói xấu rồi đi đổ tại ?

3. Kỳ thị tính cách.

Có những phát biểu kiểu như "dân tỉnh A toàn là bọn thế này, thế nọ", "bọn miền B là loại thế lọ thế chai" ... Họ mới chỉ tiếp xúc với một vài người thuộc vùng miền A và không có thiện cảm, thế là vơ vào cho rằng vùng miền đó ai cũng thế, và rồi ghét, rồi cố chứng tỏ mình đúng, mình có trải nghiệm rồi. 

Những người này làm tôi liên tưởng đến cô Phạm Ngà, cô này phán "trai Việt sex kém hơn trai Tây", tôi đã thầm rủa, chắc cô này đã làm tình với hết thảy trai Việt và tất cả trai Tây thì mới có được cái kết luận bất phàm như vậy . Đó chẳng qua chỉ là trò vơ đũa cả nắm của những người chưa đủ trải nghiệm mà thôi.

Chúng ta không phủ nhận rằng mỗi vùng miền do đặc trưng về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế khác nhau từ đó cũng hình thành nên những nét tính cách "tương đối chung" khác nhau có cả ưu điểm lẫn khuyết điểm.

Lấy ví dụ, người Tây Nguyên thường nổi loạn, phóng khoáng và nhạy cảm ...  vì họ sống ở vùng cao nguyên và có tới 6 tháng mùa mưa để "thả nỗi buồn". Người miền Trung thường rắn rỏi, khô khan, tiết kiệm ... vì họ sống một nơi có khí hâu khắc nghiệt, thổ nhưỡng khô hạn, kinh tế khó khăn ... . Người miền Nam thường thẳng thắn, bộc trực, người miền Bắc thường tế nhị hơn ... .

Đó là cái chung, còn con người tất nhiên mỗi người một khác, không ai giống ai, làm sao bạn hiểu được một người khi chỉ tiếp xúc và rút kết luận từ một người khác cùng vùng miền với người đó ?

KẾT LẠI

Đạo Phật có câu "Áo cà sa không làm nên nhà sư", cũng như thế bạn không thể trở thành người tốt đẹp nếu chỉ là được khoác lên mình cái danh "dân thành phố", "dân gốc", dân tỉnh này, dân miền nọ, nói giọng này giọng khác. Tốt hay xấu đến từ hành động, mà hành động kỳ thị phân biệt vùng miền thì chả tốt chút nào, nó chỉ thể hiện sự thiển cận mà thôi. 

Cũng có câu "kẻ bất hạnh là kẻ có nhiều người để ghét", bạn ghét người khác, người bất hạnh thiệt thòi là bạn, bởi bạn luôn phải khó chịu, tức giận khi gặp, đã thế, lại còn vơ đũa cả nắm để ghét toàn bộ tỉnh, toàn bộ vùng miền, ... thì bất hạnh càng lớn.

Ai đó tốt thì khích lệ phát huy, xấu thì phê bình chỉnh đốn riêng người đó, đó mới là cách của người hiểu biết, còn vơ hết vào để chửi bới kỳ thị chẳng có ích gì cả, lại còn gây mất đoàn kết khi chúng ta đều là đồng bào của nhau, chung dòng chung giống. 

Xa nhà mới hiểu tình cảm gia đình, xa quê hương mới hiểu tình đồng hương, xa tổ quốc mới hiểu tình đồng bào ... lang thang nơi đất khách quê người, bất chợt nghe được có người nói tiếng Việt Nam bất kể là tiếng vùng miền nào, bất kể đó là dân nông thôn hay dân thành phố, bất kể đó là người vùng nào ... lúc đó bạn sẽ hiểu ... nhưng sẽ muộn đấy. 

Thursday, September 19, 2013

Đọc Mùa Lạc - Đừng đứng nhìn với tâm hồn khô héo.

Mấy ngày nay thiên hạ kháo nhau một câu chuyện khá ly kỳ như sau: Con trai của nhà văn Nguyễn Khải, được cô giáo giao bài tập là phân tích tác phẩm "mùa lạc", thì cậu bé về nhà nhờ bố làm (vì Nguyễn khải chính là tác giả của "mùa lạc"). Ai dè khi trả bài cô giáo phê "Không hiểu ý tác giả".

Đi kèm câu chuyện trên là một tràng những ý kiến ra chiều lắc đầu với "nền giáo dục Việt Nam", song khi được hỏi là nguồn gốc câu chuyện này là từ đâu, do ai kể thì không một ai trong số những kẻ đang bận lắc đầu biết được.

Tôi tìm hiểu kỹ thì biết đây "được cho là" một câu chuyện vui giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa và MC Lại Văn Sâm trong một chương trình truyền hình phát trên VTV3 vào ngày 04/09/2011. Chưa kể đến chuyện một giáo viên không khó để biết phụ huynh của học sinh mình là một nhà văn lớn, chưa kể đến việc giữa những văn sỹ thường có những câu chuyện tiếu lâm với nhau, thì với việc "nếu có" một sự trái ngoe như câu chuyện kể thì đáng lẽ phải phê bình người giáo viên ấy, thì đám đông lại thích vơ đũa cả nắm.

Mà đám đông đó là ai, họ chỉ là học sinh, sinh viên, hoặc là những người còn rất trẻ, không biết họ có chăm lo cho việc học bằng việc "lên án" hệ thống giáo dục hay không, không biết họ đã từng đọc Mùa Lạc một lần chưa.

Bỏ qua miệng đời vốn "đông và nguy hiểm", đây là cơ duyên để tôi đọc lại Mùa Lạc thêm một lần nữa, sau rất nhiều năm lãng quên, vì vậy nên tôi có những cảm nhận mới, và sâu hơn những gì một cậu trai cấp 3 là tôi ngày trước có thể cảm nhận.

Mùa Lạc, cốt chuyện thật giản dị, nhưng với ngôn từ điêu luyện Nguyễn Khải đã trải ra trước mặt người đọc một tấm hình nền hoang tàn, thô ráp, khô quạch để rồi từ những hoang tàn, những thô ráp, những khô quạch ấy lại mọc lên những mầm xanh, rồi cái màu xanh ấy lan xa lan rộng phủ lên tất cả như giọt mực nhỏ vào ly nước trong, màu xanh ấy rộ lên hi vọng, chuốt mượt tâm hồn đầy gai góc của con người.

Thông điệp xuyên suốt câu chuyện ấy, toát lên từ hai mảng màu ấy : “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”

Điều đó cũng toát lên từ Đào một phụ nữ "trâu qua xá, mạ qua thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân", sau khi trải qua tất cả những gì mà một "phận bạc" có thể, cô tìm được hạnh phúc với "thiếu úy lò gạch" là Dịu, người đàn ông thật thà vốn cũng đã qua một đời vợ :

"Dạo đi trảy đỗ chị mới gặp đồng chí thiếu uý lò gạch lần đầu hai bên nói chuyện với nhau cũng dửng dưng. Hôm nay bắt tay vào vụ gieo ngô, số phận hai người đã gắn bó làm một. Đoạn đời từ hôm qua trở về trước đã lùi về quá khứ, cái tia hy vọng mỏng manh như không thể có thực sẽ là những ngày sống hiện nay. Chị nhìn mọi người với ánh mắt biết ơn, vì mặc dù họ đùa bỡn họ chế giễu nhưng tất cả đều hoan hỉ vun đắp hạnh phúc cho hai người."

 Toát lên từ Huân, một chiến sỹ cách mạng, vốn dạn dày sương gió, đã kinh qua sự khốc liệt của những năm kháng chiến :

"Những mũi gai thép đâm, những vệt nứa cứa, những chấm đen ở lỗ chân lông của bệnh sốt rét rừng, màu xanh của thiếu ăn và bệnh tật đều đã được những tế bào mới, những dòng máu mới xoá mờ đi, thay thế, soi mặt mình trong gương anh không thấy đổi khác mấy, có lẽ chỉ thêm vài vết nhăn ở mi dưới mắt, ở cạnh sống mũi, còn thì vẫn mái tóc dày mượt ấy, đôi mắt hơi nâu ấy, và hàm răng đều trắng."

Hay toát lên từ mảnh đất Hồng Cúm - Điện Biên nơi từng là một chiến trường ác liệt mà những gì sót lại sau đó là những xác xơ có thể giết chết hồn người :

"Mới mùa xuân năm ngoái đất này còn ngợp lên một rừng cây chó đẻ, dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhừ nát vì những hố bom, những giao thông hào. Rải rác còn có những đoạn xương người, những mảnh vải nhựa, vài lưỡi xẻng hoen rỉ, một gói tiền bọc vải đã mục nát, những khẩu súng ngắn và tiểu liên, dấu vết còn lại của những người anh hùng Điện Biên ngày trước. Mấy tháng trời liền lưỡi xẻng đi trước, vết chân người theo sau san rừng, đào cây, gỡ mìn. Có người đã hy sinh, có người mang thương tật, dây thép gai chọc nát bàn tay, mồ hôi thấm rách từng loạt quần áo, da thịt héo quắt vì nắng, vì gió Lào, mồm lở, chân phù vì thiếu rau xanh, mùa xuân còn đầy thương tích chiến tranh, cuối hạ, đầu thu nước lũ tràn ngập, mùa đông buốt giá. Một năm đã đi qua. Mùa xuân thứ hai đã đến. Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khác của đất hoang..."

Giữa màu đen xạm của những hoang tàn xác xơ và màu xanh của hy vọng mát tươi, có một ranh giới mong manh, nhưng không phải ai cũng có thể đặt cả hai chân qua cái ranh giới ấy, nếu không có nghi lực, niềm tin, sự lao động hăng say, sự kiên trì nhẫn nại.

Ngẫm lại cuộc đời mình, qua bao nhiều năm phiêu bạt đó đây, làm đủ nghề và cũng chịu không ít khổ, đến nay, tuy chưa làm được gì nhiều cho chính mình và xã hội, nhưng tôi đã tìm thấy con đường của mình, tìm thấy hi vọng, tìm thấy Mùa Lạc của tương lai.

Đất nước cũng thế, qua bao nhiêu gian khó, đi lên từ bom đạn, máu xương, đi lên từ nghèo đói, lạc hậu, đất nước của hôm nay dẫu chưa thật ven tròn nhưng đã sáng hơn rất nhiều, màu xanh đã mọc lên từng vạt, cảnh hoang tàn đang dần được tưới đẫm nước hi vọng.

Để đất nước đi lên, đi tiếp, đi vững chắc, để bước qua những mong manh ranh giới của những mảng màu vẫn cần dựng xây, cần sự hăng say lao động, cần bền lòng tin, giữ vững lý tưởng không buông lung.

Màu xanh đã phủ, Mùa Lạc đã đến với đất Điện Biên đổ nát, bởi đôi tay, khối óc của những con người kiên cường trong gian khó, ngày nay, thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, trong điều kiện thuận lợi hơn về mọi mặt, có thể dùng tâm sức của mình mang màu xanh cho đất nước được chăng ?

Các bạn trẻ, ví như "hệ thống giáo dục" mà các bạn hằng vãn than dè bỉu là mảnh đất xác xơ Hồng Cúm ấy, thì các bạn phải là những Huân, Đào, Lâm, Duệ ... mang màu xanh đến cho nó. Các bạn là tương lai của đất nước, nhưng màu xám hôm nay chính là nhiệm vụ của bạn ngày mai, hãy nghĩ cách đào xới, vun trồng, tưới tắm thay vì đứng nhìn với những tâm hồn khô héo.

"Nhìn công việc làm mỗi ngày tưởng như con người bất lực, nhìn lại cả một năm không ngờ sức vóc mình lại có thể thay đổi cuộc sống nhiều đến thế."

Wednesday, September 18, 2013

Đạo Đa Cấp

Chuyện kiếm tiền xưa nay có vô vàn cách và vô vàn nghề nghiệp, nhưng tưu chung thì chỉ xoay quanh một số mô hình cơ bản, theo cái nhìn của tôi thì nó có 3 mô hình chính như sau.

- Mô hình cộng: Mô hình này thường thể hiện dưới hình thức làm thuê, hoặc kinh doanh nhỏ lẻ theo phương châm "lấy công làm lời", theo mô hình này, thu nhập của bạn trong một chu kỳ (tuần hoặc tháng) thường là một khoảng cố định.

Mỗi chu kỳ bạn làm được một khoản A với công sức trực tiếp, sau một khoảng thời gian thu nhập của bạn sẽ là A + A + .... .

- Mô hình xoắn ốc : Mô hình này thường thể hiện dưới hình thức đầu tư tài chính, chứng khoán các kiểu, kể cả đầu tư vào vé số, số đề hay cá độ đá banh, theo mô hình này thu nhập của bạn sẽ lớn lên theo hình xoắn ốc.

Giả sử bạn có 1 khoản A đầu tư mà thu lợi a, thì sau đó bạn lại dùng khoản (A+a) để đâu tư và thu lợi b, cứ như thế vòng quay đồng tiền sẽ ngày càng mở rộng.

- Mô hình nhân : Mô hình này thể hiện dưới hình thức kinh doanh quy mô tương đối lớn, bao hàm cả đa cấp.

Công thức của mô hình này là A * n , trong đó A là giá trị cốt lõi hay giá trị đơn vị, n thể hiện cho quy mô. Tuy vào lĩnh vực khác nhau mà A sẽ khác nhau. Ví dụ:

+ Với Phở 24 thì A chính là một cửa tiệm, càng nhiều cửa tiệm (n càng lớn) thì thu nhập càng cao. Vậy nên chiến lược của công ty này không gì khác ngoài việc làm cho của tiệm của mình trở nên hoàn hảo (hoàn thiện quy trình phục vụ, hệ thống nhận diện ... ) , sau đó mở rộng quy mô.

+ Với Viettel thì A là một khách hàng , càng nhiều khách hàng thì doanh thu càng cao. Cũng như thế, chiến lược nói chung của các công ty viễn thông là chăm sóc tốt khách hàng (công ty nào cũng có hệ thống chăm sóc khách hàng đồ sộ) và truyền thông tìm kiếm khách hàng mới.

Đến với vấn đề chính của bài viết, nói về Đa Cấp, mô hình của đa cấp là mô hình Nhân, nên việc các công ty Đa Cấp tự cho mình khác với "kinh doanh truyền thống" là một điều nhảm nhí vì chính họ cũng không hiểu được bản chất của việc kinh doanh.

Giá trị đơn vị A của một công ty đa cấp chính là Nhà Phân Phối, chính vì thế chiến lược chính của các công ty đa cấp quay đi quẩn lại cũng chỉ có 2, một là đào tạo kỹ năng bán hàng cho nhà phân phối, hai là "lôi kéo" được càng nhiều nhà phân phối càng tốt.

Từ đây phải nói rằng, đa cấp là một hình thức kinh doanh rất hay, nhưng thành bại hay tốt xấu là do người vận hành, mà cụ thể là ở những điểm sau :

+Đạo tạo nhà phân phối thế nào
+Lôi kéo nhà phân phối mới ra sao
+Có cân bằng được 2 chiến lược trên hay không.

Nếu làm được nhưng việc trên một cách bài bản, khoa học thì sẽ mang lại hiệu quả cực cao và bền vững, bằng chứng là sự phát triển của kinh doanh đa cấp ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên đây lại là một hình thức kinh doanh không dễ gì vận dụng tốt, và rất dễ mắc lỗi. Lỗi thường mắc có 4, những gì là 4 ?

1. Nôn nóng kiếm tiền.

Cả người đào tạo (nhà phân phối F (n)) lẫn người học (nhà phân phối F (n+1)) đều nôn nóng kiếm tiền, bởi mục đích của họ khi tìm đến Đa Cấp không gì khác ngoài tiền, chính vì thế sau những khóa đào tạo ngắn ngủ, lẻ tẻ cùng với nhưng hứa hẹn trong tương lai về một mức thu nhập khủng khiếp, họ lao vào kiếm tiền, và vì với kỹ năng có hạn, tự tin và ham muốn có thừa, họ thường chỉ tìm đến và thuyết phục được nhưng người quen thân.

2. Giáo điều

Với áp lực phải có hệ thống nhà phân phối của mình để tăng mức thu nhập, người ta tuyển nhà phân phối một cách tràn lan, không có một chuẩn mực nào cả, không cần bằng cấp cũng chả cần năng lực, chính sự không có tiêu chí tuyển người này mà dân đến "quy mô ngày càng lớn, hiệu quả ngày càng giảm".

Thêm vào đó, để thuyết phục người khác vào hệ thống của mình,  người ta nghĩ ra vô vàn những giáo điều ví như "chúng ta khác với kinh doanh truyền thống", "không cần bằng cấp cũng có thể làm giàu" ... vân vân và vân vân .. vì lý do này nếu bạn để ý thì sẽ nhận thấy Đa Cấp có nét gì đó như một tôn giáo, với đức tin về một sự giàu có dễ dàng (và ảo vọng).

Đó là lý do vì sao tôi đặt tựa bài viết là Đạo Đa Cấp.

3. Mất cân bằng

Như đã nói ở trên, trong mô hình kiếm tiền Nhân, A * n , chiến lược đàu tiên là hoàn thiện cái giá trị đơn vị A, sau đó mới mở rông quy mô n. Tuy nhien với đa cấp, vì không có một sự kiểm soát nào mang tính quản trị, nên tính tự phát rất cao, khi A chưa đến đâu thì n đã nở rộ. Chính vì vậy sinh ra một sự phát triển rất ảo.

4. Không có sứ mệnh phục vụ.

Lỗi lớn nhất mà hầu hết các công ty đa câp đều mắc phải chính là lỗi thứ 4 này, trong kinh doanh người ta có câu "nếu chạy theo đam mê tiền sẽ chạy theo bạn, nếu bạn chạy theo tiền nó sẽ ghê sợ bạn", người ta cũng nói để thành công phải "đem đam mê của mình phục vụ cho nhiều người" phục vụ được càng nhiều người thì bạn càng thành công. Bởi thế nên mời có khẩu hiệu "hãy phục vụ, tiền sẽ đến với bạn".

Phục vụ là sứ mệnh của mọi công ty, riêng có đa cấp tính phục vụ rất ít được xem trọng, điều họ xem trọng nhất là bán hàng (tức là tiền) điều này thể hiện ngay trong tên gọi của nó Bán hàng đa cấp hay kinh doanh đa cấp. Hoạt động xuyên suốt nhất của của đa cấp là bán hàng và bán hàng, không gì quan trọng hơn bán hàng.

Chính vì tiền là mục đích theo đuổi duy nhất nên thường có xu hướng đẩy người tham gia đa cấp dùng mọi cách dù tốt dù không tốt để kiếm tiền.

-------------

Kết lại, bài viết không phủ định bán đa cấp, mà nhấn mạnh rằng đây là một hình thức kinh doanh rất hiệu quả nhưng khó vận dụng rất dễ mắc lỗi. Đặc biệt với mặt bằng về trình độ bán hàng ở Việt Nam thì lại càng là mảnh đất màu mỡ để những sự biến tướng của hình thức kinh doanh này phát triển.

Monday, September 16, 2013

Bồ Tát Sợ Nhân, Chúng Sinh Sợ Quả !

Ngày nay, cảnh sát đông nhưng tội phạm ngày càng nhiều, giáo dục tốt nhưng đạo đức càng suy thoái, công nghệ hiện đại nhưng con người càng kém hạnh phúc. Vì Sao ?

Nền tảng Phật Giáo là chính là thuyết Nhân - Duyên - Quả, Nhân tức nguyên nhân, Duyên là những tương tác khác lên Nhân để biến Nhân thành Quả (kết quả). Phật giáo chủ trương rằng không có bất cứ một vị thần linh nào tạo nên vạn vật và con người, cũng như quyết định số phận của con người và vạn vật.

Tự thân mình gieo nhân thì sẽ gặt quả, gieo nhân quá khứ gặt quả hiện tại, gieo nhân quá khứ gặt quả tương lai, gieo nhân hiện tại gặt quả hiện tại, gieo nhân hiện tại gặt quả tương lai. Gieo nhân chính là tạo "Nghiệp", tạo nghiệp thiện lành thì gặt quả thiện lành, tạo nghiệp ác dữ thì gặt quả ác dữ, đã tạo nghiệp thì chắc chắn phải gặt quả, nghiệp chưa trả trong quá khứ đến hiện tại và vị lai phải trả gọi là Nợ.

Theo Phật giáo, "Ngũ Uẩn" đều "không thật có" (tức Vô Ngã) ví như thân mạng này sinh ra thì tất phải bệnh, tất già đi và chết, sáng còn tối mất (Vô thường), vì sao lại "không thật có", bởi vì nó không theo ý của chúng ta, trời đang mưa chúng ta muốn nắng cũng không được, thân mạng bệnh tật chúng ta muốn khỏe mạnh lại cũng không được.

Chúng sanh vì chấp rằng Vô Ngã là Có Ngã (Chấp Ngã), cho rằng "ngũ uẩn" là "thật có", vì chấp như thế nên mới Tham Ái Sân Si, vì Si nên thấy tiền cho rằng tiền là "thật có" nên sinh lòng Tham, Ái , Tham Ái khởi lên nên thân phải cố công giành lấy tiền, giành không được thì sinh tâm Sân hận. Bởi thế mà chúng sanh tạo nghiệp không ngừng, gặt quả không ngừng, nghiệp trả không hết trong kiếp này lại là nợ của kiếp sau cứ thế đắp chìm trong bể trầm luân.

Nghiệp tạo từ Thân, Miệng và Ý, có 10 nghiệp ác trong đó thân nghiệp có 3 (sát sinh, trộm cắp và tà dâm), khẩu nghiệp có 4 (nói dối, nói hai lời, nói lời hung dữ, nói lời bóng bẩy), ý nghiệp có 3 (tham dục, sân giận, tà kiến).

Người gieo nghiệp ác khi nghiệp lực đủ thì sẽ gặt quả xấu, sinh vào đường xấu ( Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), tuy nhiên chúng sanh phần nhiều không đủ căn cơ để nhìn thấu nhân quả, bởi vậy mà có câu "BỒ TÁT SỢ NHÂN - CHÚNG SINH SỢ QUẢ".

Bồ Tát là Bậc Giác Ngộ, các ngài hiểu rõ lý Nhân - Duyên - Quả, nên biết sợ gieo nhân (ác), vì gieo nhân tất gặt quả, nên các ngài không gieo nhân ác mà chỉ phát nguyện làm việc thiện lành phổ độ chúng sinh.

Còn chúng sinh vì không hiểu, không tin hoặc buồng lung niềm tin và nhân quả, rơi vào "thường kiến", "đoạn kiến", "tà kiến" nên cứ mặc sức làm những việc dữ ác để đến khi nhận lấy quả báo đau khổ mới biết thì đã quá muộn, vậy nên gọi là "Chúng sinh sợ quả".

"Thường kiến" tức là cho rằng linh hồn là bất biến, kiếp này sinh làm thân A thì kiếp sau cũng sinh làm thân A, hay bây giờ giàu có thì mai này vẫn cứ giàu có, vì nghĩ là bất biến nên cứ thoải mái gieo nhân dữ ác.

"Đoạn kiến" tức là cho rằng linh hồn sẽ mất đi hoàn toàn, chết là hết, hay bây giờ làm xong việc là xong không liên quan đến tương lại, vì nghĩ như thế nên cứ thoải mái gieo nhân dữ ác.

"Tà kiến" tức cho rằng chẳng có nhân quả, tất cả là số mệnh do một vị thần linh nào đó sắp xếp sẵn, giàu sang phú quý, an vui hạnh phúc hay không do thượng đế ban cho cả, nghĩ thế nên tha hồ tạo tác.

Ngày nay, cảnh sát đông nhưng tội phạm ngày càng nhiều, giáo dục tốt nhưng đạo đức càng suy thoái, công nghệ hiện đại nhưng con người càng kém hạnh phúc. Vì Sao ?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức có rất nhiều, nhưng điều căn bản nhất đó là: Con người ngày nay không tin nhân quả, thậm chí nhạo báng nhân quả, cho rằng thành thực chính là kẻ ngốc, gian ác mới là tài cán, thông minh.

Đang có cả một quá trình thỏa hiệp với cái ác, cái dữ, ví như có người ủng hộ Mỹ phát động chiến tranh đánh các nước, mà không nghĩ đến việc có bao nhiều người sẽ phải chết, không nghĩ đến việc dân tộc của họ từng gánh chịu một cuộc chiến đau thương tuong tự.

Ví như có người tôn vinh kẻ xả súng giết người trong một vụ việc ở Thái Bình vừa qua là "anh hùng chống tham nhũng". Ví như có người đứng ngoài cổ vũ, khích bác để sân hận trên biển Đông leo thang hòng mưu lợi riêng.

Ví như có người cho rằng "hối lộ cho được việc", ví như có người cho rằng "người ta hối lộ tội gì mình không nhận". Ví như có người cho rằng "phải biết uống rượu mới được lòng cấp trên", ví như có người cho rằng "phải dùng bia rượu, gái đẹp để chiều lòng đối tác".

Ví như có người cho rằng "ra đường phải hổ báo mới không thiệt phần mình", ví như có người cho rằng "cứ nên a dua kẻ mạnh để được an thân". Ví như có người cho rằng "20 tuổi còn trinh trắng là lạc hậu", ví như có người cho rằng "sự trinh trắng có nghĩa lý gì trong thời đại này".

Ví như có người cho rằng "cần tham gia từ thiện, bố thí để quảng cáo, pr", ví như có người cho rằng "người ta bố thí, từ thiện chẳng qua là để Pr - quảng cáo" (trong khi mình chẳng làm gì). Ví như có người cho rằng "mình thất bại lại tại số phận, tại A, tại B, chẳng phải tại mình", ví như có người cho rằng "người khác thành công là nhờ thân nhờ thế chứ chẳng nhờ khả năng của chính họ".

Ví như có người bỏ tiền của để xem bói , giải hạn, hầu đồng cầu cho được tiền tài, ví như có người hỗn với thầy cô, chửi mắng mẹ cha. Ví như có người nợ nần rồi bùng nợ vì cho rằng nếu trốn đi thì chẳng ai tìm ra, ví như có người cho rằng chẳng nên bố thí, giúp đỡ cho ai khác.

Ví như có người cho rằng "tiền của họ, họ muốn tiêu thế nào đó là quyền của họ", ví như có người cho rằng bằng mọi cách phải giàu có để không bị rẻ khinh. ...

Do loại tâm lý đó chi phối nên một bộ phận người trong xã hội không hề sợ, không hề kiêng kỵ bất cứ điều gì mà họ không dám làm. Tuy có bị pháp luật nghiêm cấm, trừng trị nhưng không hạn chế được bao nhiêu.

Thêm vào đó là nền kinh tế thị trường và văn minh vật chất là động cơ thúc đẩy tính tham dục và tự ngã của con người ngày càng tăng thịnh, nó từng ngày, từng giờ huỷ hoại, đe doạ con đê đạo đức vốn đã suy yếu. Trước sự thật đó khiến mọi người phải ý thức được rằng: Nếu không khôi phục được văn hóa đạo đức cho xã hội ngày nay, chẳng những quan hệ đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế của nước ta, mà còn liên quan đến sự thịnh suy, tồn vong của đất nước.

Sự hủ bại của tâm lý đạo đức làm đảo lộn những giá trị, tiêu chuẩn, quan niệm về nhân sinh, xã hội và các mối quan hệ. Để cải tiến được tình trạng đó, trước hết phải đề xướng tư tưởng “Thiện ác nhân quả báo ứng”.

Trước khi làm gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó, hãy như Bồ Tát, biết sợ nhân ác dữ.

Monday, September 9, 2013

Cái sự tinh tế trong quảng cáo - marketing (Phần 1)

Có "phần 1" nghĩa là sẽ có phần 2 hoặc không, điều đầu tiên chính là đừng bao giờ làm quảng cáo và marketing theo logic có sẵn :v

Hôm trước, tớ có đi cà phê với cả 2 thằng bạn, quán cà phê này có 3 tầng, khi đến gần quán, một thằng bạn hỏi thằng còn lại (tớ theo chủ nghĩa "gì đũng được" nên không bị hỏi) :

- Thích ngồi ở dưới hay leo lên tầng 3
- Ngồi ở dưới đi.

Tớ quan sát thấy, thằng bạn tuy là hỏi nhưng trong lòng nó rất muốn lên ngồi tầng 3 (hỏi để kiếm thêm phiếu cho phe đa số mà thôi), gương mặt nó có vẽ bất nhẫn, nên tớ nói :

- Mày thất bại vì mày nói "ở dưới" trước, nó sẽ tạo ấn tượng đầu tiên, thêm nữa, mày dùng động từ tiêu cực là "leo" nên nó chọn ở dưới là đúng rồi.

Thế là thằng này quay qua nói với thằng kia:

- Thích ngôi trên hay ngồi dưới.
- Ngồi dưới đi.

Nó lại quay qua bảo tớ :

- Thấy chưa, nó vẫn chọn ở dưới.
- Mày lại thất bại vì, nó đã có "quán tính tư duy", nó đã chọn ở dưới, thì sẽ cố gắng bảo vệ lựa chọn ấy, và khi mày lặp đi lặp lại câu hỏi đó thì quán tính ấy lại càng lớn - tớ đáp -

Chúng ta có gì nào, gây ấn tượng đầu tiên, dùng từ ngữ tích cực cho đối tượng, và tránh lặp lại nhưng thông điệp thất bại.

Cũng là hôm ấy, trên đường về, chúng tôi đi qua các "quán nhậu liên hoàn", và "vinh hạnh" được các đồng chí nhân viên của mỗi quán mời mọc rất nhiệt tình.

Thật ra hiện tượng này tôi đã quan sát từ lâu, và cũng tự trải nghiệm, có một điều các chủ quán đã bỏ qua đó là "chèo kéo khách" đã trở thành một khái niệm xấu trong tâm thức của mọi người, vì vậy việc cho các "trai gọi đứng đường vẫy khách" là phản tác dụng vì nó gây cho khách hàng cảm giác "bị chèo kéo"

Thay vì làm điều đó, đầu tư cho cái biển "Quán Nhậu Gà Móng Đỏ" lớn hơn 1 chút, rõ hơn 1 chút, có lẽ sẽ hiệu quả hơn. Đừng mong người ta trả tiền cho bạn, khi bạn mang cho họ điều họ không thích thú.

Ngày trước trong một lần "đi dạo và quan sát" tớ nghiệm ra một thứ mà tớ gọi là "ngưỡng an toàn của khách hàng", điều này được phát biểu dài dòng như sau :

Khi 100 người đứng ở bìa rừng, bạn nói với họ rằng ở giữa rừng có một bầy thú dữ, 100 người ấy đi vào rừng và trở ra, họ chắc chắn sẽ đi được những quảng đường khác nhau, quảng đường đó chính là "ngưỡng an toàn" của họ, đi được đến đó, họ cảm thấy nguy hiểm và không thể đi tiếp.

Cũng vậy, khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ khách hàng luôn có "ngưỡng an toàn" của riêng mình, người bình dân sẽ gặp "trở ngại tâm lý" khi đối diện với một nơi sang trọng, đó chính là nguyên nhân thất bại của những "quán bình dân" nhưng trang trí kiểu "cao cấp" (có cữa kính các kiểu)

Không chỉ ứng dụng trong trưng bày sản phẩm, dịch vụ, mà trong quảng cáo cũng nên tinh tế với ngưỡng an toàn của khách hàng. Đặc biệt thấy các mẫu quảng cáo Oto và Bất Động Sản cứ như thể sinh ra để phục vụ người ngoài hành tinh, điều đó làm những người vốn có đủ tiền nhưng chẳng dám nghĩ đến.

Tạm kết, đợi phần 2 ... hên xui :v

Vì sao giáo dân Công Giáo dễ "làm loạn" ?

Tôi từng có thời gian có thể gọi là "sống trong lòng giáo xứ", hồi đó tôi làm trong một xưởng sản xuất Tượng Công Giáo, ở gần nhà thờ Fatima, Thủ Đức, TP. HCM, nhờ cơ duyên ấy mà tôi cũng hiểu ít nhiều về Công Giáo. Hàng ngày làm ra những bức tượng của các vị như Chúa Jesus, Đức Mẹ Maria, Mẹ Fatima, Thánh Cả Giuse, Tổng Lãnh Thiên Thần Michael ... những câu chuyện về các vị, và sự mường tượng ra thế giới của các vị tạo cho tôi một niềm phấn khích rất mạnh.

Tôi gặp, tiếp xúc những giáo dân, họ rất tuyệt vời, nếu chỉ dùng một từ để miêu tả về họ, tôi sẽ dùng từ "thanh lịch" cho những nữ giáo dân, "ôn hòa" cho những nam giáo dân. Tôi có tham gia hầu hết những lễ hội, nghi lễ trong một năm ở nhà thờ Fatima, duy có nghi thức ăn một loại bánh mà bên đạo gọi là "thịt chúa" thì tôi không thực hiện, bởi tôi nghĩ mình là người ngoại đạo thì không nên.

Tôi nhớ có lần trong thời lễ 5 giờ sáng, vị linh mục giảng với giáo dân rằng (tôi chỉ nhớ nôm na) : "chúng ta là những Kito Hữu, những người làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi, vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được nói bậy, nói dối ... bởi nếu như vậy người khác sao có thể tin sự làm chứng của chúng ta ..."., tôi hiểu ra vì sao những giáo dân tôi tiếp xúc lại thanh lịch và ôn hòa như vậy, và tôi tin rằng Chúa Jesus đã dạy cho tín đồ của ngài những điều thật tốt đẹp.

Là người ngoại đạo, nhưng tôi dành nhiều sự kính ngưỡng cho Chúa Jesus, cho những giá trị nhân bản mà ngài để lại cho nhân loại, vì vậy, tôi đã phải rất cẩn thận đắn đo khi viết bài này, để chắc chắn rằng những phân tích của mình là khoa học và khách quan.

Từ năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (sau này là Cộng Hòa XHCN Việt Nam) đã luôn coi trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, cọi trọng hòa hợp tôn giáo tín ngưỡng và tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển.

Nhà nước ta chỉ một ngày sau lễ Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong phiên họp đầu tiên vào ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”, coi đó là một trong sáu nhiệm vụ của Nhà nước còn non trẻ.

Sau đó, thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký văn bản ngày 20/9/1945, trong đó Điều I ghi rõ: “Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả những nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng, không được xâm phạm”.

Nhưng văn bản có tính pháp luật tiêu biểu và hoàn chỉnh nhất trên chặng đường đầu tiên xây dựng luật pháp về tôn giáo, tín ngưỡng là Sắc lệnh số 234-SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Điều 15 trong Sắc lệnh ghi rõ: “việc tự do, tín ngưỡng, thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hoà luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện”.

Hiện nay trên cả nước có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn tu hành được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với gần 24 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), 83.000 chức sắc, 250.000 chức việc, 46 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 25.000 cơ sở thờ tự, trong đó Phật giáo có khoảng 11 triệu tín đồ, Công giáo gần 7 triệu tín đồ, Cao đài khoảng 2,4 triệu tín đồ, Tin lành hơn 1 triệu tín đồ,…

Thế nhưng, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn rất phức tạp, mà tâm điểm là Công Giáo. Vừa rồi, có vụ giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên - Nghệ An đòi công an thả phạm nhân bất thành dẫn đến bạo loạn, việc này không quá lạ lẫm với những ai quan tâm đến những tin tức an ninh, chính trị, đã từng biết đến những vụ như Thái Hà, ... Phải thừa nhận rằng, bên cạnh nhưng giáo dân, linh mục luôn sống "tốt đời đẹp đạo", "phúc âm trong lòng dân tộc" thì còn đó nhiều những người mang tư tưởng chống đối nhà nước bất chấp lý lẽ, đi ngược với lời răn của Chúa.

Vì sao tôi nói là "bất chấp lý lẽ, đi ngược với lời răn của Chúa" ? Cùng xét trong vụ Mỹ Yên Vừa rồi. 

2 giáo dân Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi  vô cớ đánh đập, bắt giữ trái phép và phá hoại tài sản người khác ở xã Nghi Phương  bị bắt, ấy là hợp lẽ, hợp luật. Nhưng bất chấp lý lẽ và pháp luật, bà con giáo dân ở đây lại đòi thả người, khi bất thành lại gây bạo loạn.

Trong cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo do Ban Giáo lý mà người đứng đầu là Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh cùng bốn nhà dòng ở Thành Phố Hồ Chí Minh (Dòng Ðức Bà, Hội dòng Phan-Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ, Dòng Thánh Phao-lô thành Chartres và Dòng Chúa Quan Phòng) dựa trên các bản tiếng Pháp, Anh, Ý và Ðức, dịch ra tiếng Việt từ năm 1993 để giáo huấn con chiên, trong Mục 6-Lương tâm đã ghi rất rõ "Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người...Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... ".

Rõ ràng việc tụ tập đông người, đập phá của công, xâm hại thân thể người khác không thể nào gọi là “thi hành điều thiện” được. Thay vì để “tránh điều ác” họ lại xông vào làm việc ác. Cho dù họ luôn mồm biện minh cho hành động đó là để cứu “anh em thân hữu” đang bị “chính quyền giam giữ trái phép”. Đó là điều hoàn toàn bịa đặt. Và kể cả trong trường hợp như vậy, thì Giáo lý Công giáo cũng không cho phép họ làm điều đó vì Giáo lý đã nghiêm cấm “Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt”.

Thánh tông đồ Phao-lô liệt kê một loạt các đặc điểm của đức mến: "Ðức mến thì nhẫn nhục, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả". Thế nhưng, một số giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên đã có những hành vi trên cả “nóng giận” và hả hê khi đập phá, chửi bới, lăng mạ người khác. Tất cả những hành động đó hoàn toàn đi ngược lại với những điều răn trong giáo lý của họ.

Đó là các giáo dân, còn với linh mục thì sao? Lẽ ra với cương vị và bổn phận của mình họ phải ra sức can ngăn những hành động đi ngược lại Giáo lý Hội thánh Công giáo thì họ lại thờ ơ bỏ mặc, thậm chí là có những hành động hùa theo. Chắc chắn họ là những người nắm rõ, hiểu sâu Giáo lý Công giáo. Nên họ không thể nào không biết trong Giáo lý đã nói rõ là "Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã". Họ đã không làm vậy mà thậm chí còn “bật đèn xanh” “Cha sẽ làm hết trách nhiệm của mình, nếu cha không làm được (đòi thả người vô điều kiện-PV)thì các con muốn làm gì thì làm", chủ động đẩy cho giáo dân của mình “vấp ngã”, phản lại Giáo lý. Như thế là họ đã mắc tội.

Theo định nghĩa của Giáo lý Hội thánh Công giáo tại Mục 8- Tội lỗi thì “Tội là một hành vi nghịch với lý trí, làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại”. Hành động của họ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối đoàn kết lương-giáo và đã thật sự “vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại”. Giáo lý cũng đã chỉ rõ: tội là một hành vi cá nhân. Ngoài ra, chúng ta còn có trách nhiệm mang các tội do những người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào đó, bằng cách: tham gia một cách trực tiếp và cố tình ra lệnh, xúi giục hoặc tán thành;che đậy, hoặc không ngăn cản, khi có bổn phận phải can ngăn; bao che những người làm điều ác.

Đằng này một số linh mục tại chỗ, không hiểu vô tình hay cố ý ra “Thông cáo” và công bố “Thư chung” vu khống “lực lượng công quyền vào nhà dân, đập vỡ tượng thánh trên bàn thờ, phá phách bàn thờ tổ tiên, hành hung và bắt người vô tội”. Vậy là họ cũng đã mắc phải tội. Vì Thánh Kinh nhiều lần liệt kê các thứ tội và cảnh báo "Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ". Thứ tội mà một số người “bề trên” đã ra “Thông cáo”, “Thư chung” ở Tòa Giám mục Xã Đoài phạm phải chính là tội “làm chứng gian”.

Như vậy, mới chỉ phân tích và đối chứng ở một vài điểm trong Giáo lý Hội thánh Công giáo đã thấy nổi rõ lên một điều là: tất cả những hành vi, lời nói của một số giáo dân ở Giáo xứ Mỹ Yên và một số người trong cương vị chăn dắt họ, hành xử đối với vụ việc gây rối trật tự xã hội, chống đối chính quyền ở xã Nghi Phương vừa vi phạm nghiêm trọng luật pháp, vừa vi phạm nghiêm trọng Giáo lý Công giáo. Nói đúng ra là họ đã có những hành động phản bội lại Giáo lý của chính họ. Đây là điều mà các giáo dân chân chính, kính chúa, yêu nước không bao giờ chấp nhận.

Bởi Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã răn “Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích. Ðời sống xã hội trước hết phải được coi là một thực tại tinh thần. Thực tại này bao gồm việc trao đổi các kiến thức trong ánh sáng chân lý. Thực thi các quyền và chut oàn các bổn phận, cùng nhau tìm hiểu sự thiện hảo luân lý, chung hưởng cái đẹp thanh cao dưới mọi hình thức chính đáng, luôn sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì tốt đẹp nhất của mình và mong ước cho nhau được ngày càng phong phú về mặt tinh thần. Ðây là những giá trị phải nuôi dưỡng và định hướng cho những sinh hoạt văn hóa, kinh tế, tổ chức xã hội, các phong trào và các thể chế chính trị, pháp luật và mọi sinh hoạt khác nữa của đời sống xã hội trong tiến trình chuyển biến không ngừng của nó”.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao họ, những giáo dân và linh mục lại hành động bất chấp pháp luật và giáo lý như vậy ? Dễ làm loạn như vậy ?

Nguyên nhân có rất nhiều, nhưng tôi xin đưa ra đây 3 nguyên nhân chính nhất (theo tôi)

I. MÂU THUẪN LỊCH SỬ :

Như chúng ta đa biết Công giáo tại Việt Nam được bắt đầu từ khi các nhà truyền giáo phương tây đầu tiên đến Việt Nam để rao giảng đạo Công giáo, khi ấy còn gọi là Đạo Gia-tô.

Ngày 3 tháng 7 năm 1645 linh mục Alexandre de Rhodes rời Việt Nam về Roma để báo cáo cho Tòa Thánh về những tiến triển mau chóng trong việc truyền đạo tại Việt Nam, nhất là xin gửi một số giám mục đến truyền giáo tại Việt Nam, nơi mà ông gọi là "cánh đồng truyền giáo phì nhiêu" để củng cố nền móng cho Giáo hội.

Ông được Roma (Vatican) cho phép đi khắp đất Pháp đi tìm những ơn kêu gọi, tìm những linh mục sẵn sàng xung phong và tiếp tục công việc đã khởi sự với nhiều thành quả may mắn: tại đây mới có Hội Thừa sai Paris (Missions Étrangères de Paris). Hội ra đời năm 1658 và được chấp nhận năm 1664 dưới thời Giáo hoàng Alexandro VII. Vị Giáo hoàng này đã ký sắc lệnh bổ nhiệm hai miám mục đầu tiên cho Viễn Đông: Giám mục Phanxicô Pallu và Giám mục Lambert de la Motte.

Về sau, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, mối quan hệ của Công Giáo ở Việt Nam và quân Pháp là rất bền chặt. Sử gia người Pháp Georges Coulet từng nhận xét trong quyển Cultes et Religions de l’Indochine Annamite (Saigon) như sau: “Công giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược đất nước này”.

Năm 1950 Quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo dụ số 10 điều chỉnh các tổ chức hội đoàn trong đó các tôn giáo được xem như các hiệp hội. Đạo dụ này đặt ra những hạn chế đối với các hội đoàn, tôn giáo như chỉ cho phép các hội đoàn, tôn giáo có nguồn thu nhập là các lệ phí hội viên (hình thức đặt thùng lạc quyên, công đức là bất hợp pháp); hạn chế bất động sản của các hội, tôn giáo: chính quyền có thể buộc đấu giá các bất động sản của các hiệp hội, tôn giáo; chính quyền vì lý do trị an có thể không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép lập hội... Đặc biệt trong đạo dụ này có điều khoản 44 có quy định chế độ "ưu tiên đặc biệt" cho các hội truyền giáo Thiên chúa giáo, đặt Công giáo ra ngoài sự điều chỉnh của đạo dụ này. Thực chất đây là một chính sách thiên vị về tôn giáo của nhà cầm quyền bảo hộ Pháp. Ngô Đình Diệm sau khi trở thành Tổng thống đã cho bãi bỏ hầu hết các sắc lệnh của chính quyền thực dân trước đây nhưng vẫn giữ nguyên đạo dụ số 10 duy trì tình trạng thiên vị về tôn giáo.

Mối liên hệ khắng khích giữa Công giáo và thực dân Pháp đã tích cực giúp cho cộng đồng Công giáo Việt Nam chiếm được những miếng đất "đắc địa" trên khắp miền đất nước. Những miếng đất tốt nhất, ngay tại trung thâm thành phố hay thị xã, được được xây nhà thờ hay cơ sở công giáo. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà thờ ngày nay chễm chệ "ngồi" trên những miếng đất rất tốt tại các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn. Vụ việc Thái Hà có thể coi là tàn dư của mối quan hệ này.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và sau này là Đế Quốc Mỹ, có rất nhiều đồng bào công giáo đã cầm súng vì tự do, độc lập của dân tộc, tiêu biểu như gia đình Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, tuy nhiên phải thừa nhận hầu hết người Công Giáo thời ấy lại có tư tưởng thân Pháp, Mỹ, đặc biệt chính quyền VNCH có thể coi là một chính quyền Công Giáo (cả hai ông Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu đều là người Công giáo).

Quyền lực của Công Giáo trong thời Việt Nam Cộng Hòa là rất lớn, dưới các năm cầm quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm, việc đặt Thiên chúa giáo vượt ra ngoài sự điều chỉnh của đạo dụ số 10 đã làm các thế lực thân Thiên chúa giáo, "lực lượng Công giáo" lộng hành và tha hóa. Từ chỗ đặt mục tiêu số một là dùng hữu thần chống vô thần cộng sản để giúp sức và hỗ trợ chính quyền (như kỳ vọng của đạo dụ số 10 thông qua biện pháp phát triển giáo hội, giáo dân) họ đã chuyển mục tiêu chính sang ưu tiên số một là phát triển nhanh giáo hội, đưa các giáo dân vào nắm các cương vị cao trong chính quyền (kể cả các giáo dân là cộng sản mới cải đạo hoặc bị tình nghi là cộng sản) thông qua biện pháp chèn ép và phân biệt đối xử đối với Phật giáo.

Các thế lực chính trị thân Thiên chúa giáo, cũng như "lực lượng Công giáo" trong chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã giảm bớt dần ảnh hưởng của Phật giáo, hạn chế ảnh hưởng của các thế lực chính trị thân Phật giáo cũng như xóa bỏ ảnh hưởng của các "lực lượng Phật giáo" thông qua việc nhanh chóng phát triển số lượng giáo dân Công giáo ở miền Nam Việt Nam: họ ưu tiên bổ nhiệm những người theo Công giáo vào các vị trí chính quyền và quân đội, dùng tuyên truyền công khai nói xấu Phật giáo, ca ngợi Công giáo, giành cho các xứ đạo Công giáo các điều kiện kinh tế tài chính xã hội thuận lợi nhất trong khi đó hạn chế tài sản, kinh tài của các tôn giáo khác. Khuyến khích, dụ dỗ và để người dân, công chức cải đạo sang Công giáo, cưỡng ép khi có cơ hội những gia đình có thân nhân theo cộng sản hoặc những người có tư tưởng thân cộng phải cải đạo để được chở che.

Đặc biệt trong quá trình đấu tranh chống cộng sản và xây dựng ấp chiến lược thì đa số nạn nhân là người theo Phật giáo các chiến dịch chống cộng vừa chống cộng sản vừa kết hợp chống Phật giáo: có một số không nhỏ Phật tử bị quy kết là thân cộng và bị truy bức; nhiều người, để yên ổn tránh liên đới, phải cải đạo sang Công giáo ; quy mô cải đạo ở các tỉnh miền Trung được mở rộng vì đó là khu vực cai quản rất khắc nghiệt của Ngô Đình Cẩn (em trai út của Ngô Đình Diệm – cố vấn Trung phần và, trên thực tế, là người cai quản toàn quyền miền Trung). Trong các ấp chiến lược chính quyền chỉ cho dựng nhà thờ Công giáo mà không cho lập chùa , cũng như trong quân đội chỉ có nha tuyên uý công giáo chứ không có nha tuyên uý phật giáo , chính phủ biến các sự kiện trong đời sống Công giáo thành các lễ hội quốc gia...

Giám mục Ngô Đình Thục, anh trai Tổng thống Diệm, có tham vọng trở thành Hồng y Giáo chủ nên cố gắng tuyên truyền tại Toà thánh La Mã rằng ở miền Nam Việt Nam đã có 60% dân số theo Công giáo và Phật giáo đã suy tàn không còn hoạt động ... các anh em của Tổng thống là Ngô Đình Thục, Ngô Đình Nhu, Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn lạm dụng các ảnh hưởng của chính quyền càng làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử tôn giáo.

Đến năm 1963 tình hình kỳ thị Phật giáo của các thế lực chính trị thân Thiên chúa giáo đã lên đến cực điểm và sự kiện Phật đản 1963 chỉ là sự bùng nổ của các mâu thuẫn đã chứa chất lâu năm trong lòng xã hội miền Nam Việt Nam.



Ngày nay, có thể nói mọi thứ đã đổi khác, Công Giáo bình đẳng với tất cả những tôn giáo khác, những công dân khác, và phần nhiều họ hài lòng với sự bình đẳng đó. Tuy nhiên sự mâu thuẫn trong lịch sử không phải ngày một ngày hai mà phai nhòa, chính vì thế còn nhiều người có tư tưởng chống phá nhà nước.

II. NIỀM TIN LẦM LẠC

Mô hình của một tôn giáo thường sẽ là : Thần (Thánh, Chúa ... ) + Sứ Giả (người truyền tin, tu sỹ, linh mục ..... (có vai trò trung gian)) + Tín Đồ

Ở Đạo Giáo thì đó sẽ là : Các vị tiên trường sinh bất tử + Đạo sĩ + Tín đồ, ở Đạo Hồi là : Thượng Đế (Allah Đấng Tối Cao) + Sứ Giả + Tín Đồ (Adam là sứ giả đầu tiên, Muhammad là sứ giả cuối cùng, hiện tại Đạo hồi không có sứ giả cũng không có tu sĩ), ở Đạo Mẫu là : Thánh Mẫu +  Thầy Đồng + Tín Đồ ...

Duy có Đạo Phật thì khác, Phật là Thầy, Tăng là Bạn, tất cả theo nhân quả mà không có một đấng sáng tạo nào, vì đó mà nhiều người cho rằng Đạo Phật không thuần túy là một tôn giáo. Tuy nhiên ngày nay, một bộ phận Phật Giáo không còn giữ được sự nguyên thủy của nó nên mô hình Phật là Thầy, Tăng là Bạn cũng sai khác ít nhiều, có thiên hướng giống như mô hình các tôn giáo khác.

Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo độc thần, theo đúng mô hình nói trên : Thiên Chúa  (Chúa Ba Ngôi : Cha - Con - Và Các Thánh Thần) + Linh Mục + Tín Đồ.

Vấn đề nằm ở chổ những "người trung gian" nhận mình là cầu nối giữa Thần và người, nên lời nói của họ rất khả tín với tín đồ, niềm tin đó đôi khi mù quáng và lầm lạc, thay vì tin và chỉ tin những gì Thần răn dạy trong kinh sách, giáo lý thì tín đồ lại phó thác toàn bộ ý chí của mình cho những "người trung gian" đó.

Vụ Mỹ Yên vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

III. MÔ HÌNH TỔ CHỨC MANG MÀU SẮC CHÍNH TRỊ

Công Giáo là tôn giáo duy nhất có mô hình tổ chức phân quyền như một mô hình nhà nước, toàn bộ hệ thống giáo hội trên khắp thế giới đều đặt dưới sự lãnh đạo của Thánh Quốc Vatican.

Vatican là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ bao gồm một vùng đất được xây tường bao kín, nằm trong lòng thành phố Rôma, Ý. Với diện tích xấp xỉ 44 hécta (108,7 mẫu Anh), đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới.

Dù được xem là quốc gia độc lập có diện tích nhỏ nhất thế giới, nhưng ảnh hưởng của Vatican lại hiện diện gần như trên toàn cầu.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 1960, phe của ứng viên Richard Nixon từng tiến hành một chiến dịch tuyên truyền rằng nước này sẽ bị “Vatican hóa” nếu ông John F.Kennedy thuộc đảng Dân chủ thắng cử. Theo tạp chí Newsweek, phe Nixon khi đó tuyên bố mối quan hệ thân thiết với Vatican sẽ khiến chính sách của đối thủ Kennedy bị Tòa thánh chi phối. Quả thực, điều này trở thành một đòn độc khiến ứng viên đảng Dân chủ lao đao khi nhiều người dân Mỹ lúc bấy giờ lo ngại bị điều hành bởi Vatican. Sau đó, nhờ sự may mắn cùng những nỗ lực hết mình, ông Kennedy mới chiến thắng. Thậm chí còn có cáo buộc rằng phe của ứng viên này đã gian lận phiếu bầu chứ thực tế không hề chiến thắng. Khó khăn mà Tổng thống Kennedy trải qua trở thành minh chứng cho sự ảnh hưởng của quốc gia nhỏ bé Vatican.

Về mặt cơ học, Vatican chỉ có diện tích tương đương 0,5 km2 và dân số khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, Vatican được xem như trung tâm giáo quyền của Giáo hội Công giáo Rome (gọi tắt là công giáo), nên tất cả những tín đồ công giáo toàn thế giới đều là “con dân” về mặt tinh thần của quốc gia nhỏ bé này.

Theo cơ quan thông tấn Zenit của Vatican, dựa trên những thống kê từ năm 2000 - 2008, công giáo có khoảng 1,16 tỉ tín đồ khắp thế giới. Cũng theo thống kê này, tính đến năm 2008, công giáo có tổng cộng 5.002 giám mục trên thế giới, tăng hơn 10% so với con số 4.541 hồi năm 2004. Mỗi giám mục phụ trách một giáo phận, góp phần tạo nên một tổ chức lâu đời và được xem là lớn nhất thế giới. Vì vậy, Vatican nói chung và bản thân các giáo hoàng nói riêng có ảnh hưởng không nhỏ trên toàn cầu.

7 triệu công dân Việt Nam, tức khoảng 7% dân số đồng thời lại chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt ý chí với một quốc gia khác, đó là điều cần đặt dấu hỏi, một dấu hỏi về sự ảnh hưởng trong tư tưởng chính trị, nhất là với một quốc gia theo CNXH như chúng ta.

KẾT LẠI : Sự ảnh hưởng từ bên ngoài, niềm tin lầm lạc, và tàn dư của nhưng mâu thuẫn lịch sử chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiễn tượng "thích làm loạn" của một bộ phận không nhỏ người theo Công Giáo ở Việt Nam.

Xin nhắc lại Giáo Lý của Hội Thánh thay cho kết bài như một lời nhắn gửi đến những tín đồ Công Giáo đang còn thiếu tinh thần xây dựng : “Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích. Ðời sống xã hội trước hết phải được coi là một thực tại tinh thần. Thực tại này bao gồm việc trao đổi các kiến thức trong ánh sáng chân lý. Thực thi các quyền và chu toàn các bổn phận, cùng nhau tìm hiểu sự thiện hảo luân lý, chung hưởng cái đẹp thanh cao dưới mọi hình thức chính đáng, luôn sẵn sàng chia sẻ cho tha nhân những gì tốt đẹp nhất của mình và mong ước cho nhau được ngày càng phong phú về mặt tinh thần. Ðây là những giá trị phải nuôi dưỡng và định hướng cho những sinh hoạt văn hóa, kinh tế, tổ chức xã hội, các phong trào và các thể chế chính trị, pháp luật và mọi sinh hoạt khác nữa của đời sống xã hội trong tiến trình chuyển biến không ngừng của nó”.

Sunday, September 8, 2013

Cái Tâm đánh mất chổ nào ?

Từ lâu lắm rồi, tôi chẳng có hứng thú gì với những game show tuyển lựa tài năng âm nhạc của Việt Nam từ Idol cho đến The Voice ... Lý do có lẽ cũng trùng với rất nhiều người, tôi ngán ngẩm những chiêu trò hợm hĩnh của những "người của công chúng" quá rồi.

Gần đây, hiện tượng Phương Mỹ Chi nổi lên từ The Voice "Nhí", tôi có nghe em hát, và rất yêu mên giọng hát của em, nhưng cũng không vì thế mà theo giõi chương trình này, sáng nay vừa online đã thấy cơ hồ người lớn tranh cãi nhau, chặt chém nhau về PMC và Quang Anh, tôi cũng chẳng quan tâm lắm, buột miệng "lại trò đời của đám người lớn trên đầu trẻ con" rồi làm việc khác.

Cho đến khi đọc bài viết : Tại Sao Phương Mỹ Chi Bị Loại? (http://triethocduongpho.com/2013/09/07/tai-sao-phuong-my-chi-bi-loai/ ) có đoạn viết rằng :
Cảm thấy tội nghiệp cho PMC vì nhờ e mà chương trình thành công nhưng sau đó thì thay vì biết ơn mà đem em ra làm đủ chiêu trò để họ kiếm lợi nhuận, và tất cả các thí sinh khác cũng vậy. Anh tin chắc e là thí sinh được nhiều người yêu mến nhất từ trước đến nay. Chúc cả 3 em sẽ thành công trên con đường mình chọn.
 Thì tôi nghĩ cũng cần góp chút tiếng nói, chút góc nhìn. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói :"có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó", thế nhưng vụ việc này lại là mình chứng điển hình cho câu "Đã bất tài lại còn thất đức ấy là thảm họa.", đó đang là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm trong xã hội ta.

Một số "nhà báo" vì bất tài không thể viết được những bài báo hay, lại còn thất đức nên cố công xuyên tạc, moi móc tạo nên những bài viết gây "sốc" rồi đếm tiền trên lưng thiên hạ.

Một số tay "kỹ sư" vì bất tài không thể tạo nên những công trình tầm cỡ, lại còn thất đức nên tìm mọi cách ăn bớt "rút lõi" công trình, đếm tiền trên sự nguy hiểm đang chực chờ người dân, trên sự tốn hao kinh phí nhà nước.

Một số "quan chức" vì bất tài không nghĩ ra được những phương án, chính sách ích nước lợi dân, lại còn thất đức nên tìm cách nhũng nhiễu bòn mót những đồng tiền xương máu của đồng bào.

Một số "nhân sỹ, trí thức" vì bất tài chẳng có đóng góp gì để xây dựng đất nước, lại thất đức nên quay ra chửi bới nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bợ đỡ ngoại bang, kiếm tiền bằng miệng lưỡi.

Cũng giống như thế, ban tổ chức của những chương trình "game show" này, không đủ tài để tạo nên một cuộc chơi công bằng, hấp dẫn, trong sáng đúng với mục đích "tuyển chọn tài năng" lại còn thất đức nên nghĩ đủ điều, đủ chiêu đủ trò để moi móc tiền khán giả, kiếm tiền trên công sức của thí sinh.

Suy cho cùng, chữ đức chữ tài thường gắn liền với nhau, kẻ bất tài mà hãnh tiến, tất yếu sẽ dùng thủ đoạn thất đức để tiến thân, kẻ thất đức thì thường tự tay che mờ lối đi vào biển tri thức.

Nguyễn Du viết : "Chữ Tâm kia mới bằng 3 chữ Tài", có Tâm thì không hại người, có Tâm thì sẽ đến được với cái Tài đích thực (cái tài ích nước lợi dân), có Tâm thì cái Tài mới vươn tới được cái Tầm, Tâm bằng 3 lần Tài là vậy.

Ấy thế mà ngày nay, Tài đâu chưa thấy nhưng cái Tâm thì đang vơi đi. Khi được hỏi :  So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói? - Nhạc Sỹ Nguyễn Ánh 9 trả lời :

Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.

Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.

Cái Tâm không có thì khó mà có những tác phẩm có Tầm, đó là quy luật mà không phải "nghệ sỹ" nào cũng hiểu, vì không hiểu nên người ta cứ chạy theo cái trước mắt để rồi vùi lấp cái Tài tiềm năng của chính mình, biến mình thành kẻ phải dùng chiêu trò để có được những "thành công đầy khiếm khuyết".

Nói cái riêng trong lĩnh vực âm nhạc, cũng là để nói đến cái chung cho tất cả mọi người, trong kinh doanh người ta có câu "nếu bạn chạy theo đam mê thì thì tiền chạy theo bạn, nếu bạn chạy theo tiền nó sẽ bỏ rơi bạn" , trong tình yêu có câu "hãy yêu rồi bạn sẽ được yêu" , nghĩa của những câu này không nằm ngoài lời khuyên "hãy để chữ Tâm lên đầu".

Lan man một chút, mới đây ở Đà Nẵng có một vụ kiện "lạ", thành phố Đà Nẵng khởi kiện “nhân tài” là một số học viên trong chương trình đào tạo chất lượng cao của Đà Nẵng có dấu hiệu, không chịu quay về làm việc cho thành phố theo đúng hợp đồng.

Khi bản thân đang còn khó khăn, được thành phố mở đường đón nhận, hỗ trợ đi học thành tài, ký hợp đồng đàng hoàng. Chỉ vì vô vàn lý do cá nhân, lợi ích cá nhân mà “nhân tài” này tự ý chấm dứt hợp đồng.

Lúc đi hẳn ai cũng dõng dạc mà rằng "cố gắng hết sức để học tập, nghiên cứu để về xây dưng quê hương", nhưng rồi, cuối cùng họ phủi phui vì "đất nước không có đủ điều kiện".

Đất nước chưa có điều kiện, mới phải gửi "nhân tài" đi học để về xây dựng đất nước, chứ đất nước giàu rồi, đủ điều kiện rồi thì còn cần gì ? Đó là chưa nói chuyện các vị ấy đi học bằng tiền thuế của dân, từ ngân sách nhà nước.

Chuyện "nhân tài" được TP. Đà Nẵng chăm bẵm nhưng vẫn không níu chân được, rồi còn xảy ra lình xình, có nguy cơ kiện tụng lớn, phức tạp. Ngẫm ra thấy cụ Nguyễn Du ngày xưa nói "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" vẫn còn nguyên giá trị vàng mười.

Để kết bài xin trích lá thư, lời nhắn nhủ của một người cha cho con trai :

Đôi chân của con một lúc nào đó sẽ mệt mỏi, cần nghỉ ngơi. Đôi chân ấy cần phải biết dừng đúng lúc, biết cúi xuống trước ba mẹ tổ tiên, trước một nhân cách lớn mà con gặp trong cuộc đời; nhưng tuyệt đối không được quỳ xuống trước khó khăn, quyền uy, địa vị hay tiền tài. ...

... Và sau cùng, dù sau này con đi đâu đến đâu, đừng quên mang theo bên mình chữ "Tâm" con nhé. Hãy luôn giữ nó như là hành trang trong suốt cuộc đời nhé con trai, một người đàn ông chân thật của ba.

Thursday, September 5, 2013

Muốn "thần kỳ", hãy nêu cao dân tộc chủ nghĩa.

Sự so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng sự so sánh nào cũng mang ta đến với một suy ngẫm, miễn rằng tìm được điểm tương đồng hợp lý. Con đường của một dân tộc nếu đem so với một đời người, tất nhiên có khập khiễng, nhưng so sánh con đường để trở nên lớn mạnh của một dân tộc với con đường để thành công của một con người hẳn là sẽ có nhiều điều để rút ra.

Bạn là một người nghèo, bạn cần ý chí làm giàu gấp chín gấp  mười lần người khác, bạn mới có thể thành công. Bạn tiếp thu kém khi học tập, bạn cần sự cần cù gấp chín, gấp mười lần người sáng dạ để có thể học tốt. Nếu bạn kém may mắn hơn người khác về mặt thể chất, có lẽ ý chí nghị lực của bạn càng cần hơn nhiều lần nữa.

Một đất nước, một dân tộc, nếu đi sau dân tộc khác, xuất phát điểm thấp hơn đất nước khác, dân tộc đó, đất nước đó, cần lắm ý chí , nghị lực và sự đoàn kết của triệu triệu con dân mới mong có thể tạo ra sự "thần kỳ" sánh vai với bạn bè năm châu.

Đất nước ta, "sáng chắn bão giông, chiều ngắn nắng lửa", 1000 năm chịu sự đô hộ của Trung Quốc, 100 làm nô lệ Thực dân Pháp, hơn 20 năm chống Đế quốc Mỹ.

Chiến tranh kết thúc, "súng gươm vứt bỏ, lại hiên như xưa", nhưng chúng ta là đối mặt với hậu quả của chiến tranh, số người Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 3 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế xã hội và môi trường mà cuộc chiến đã gây ra. Trong đó có tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao nhất thế giới. Hàng vạn nạn nhân chất độc hóa học tại Việt Nam hiện nay .

Một nửa diện tích rừng mưa của Việt Nam bị phá hủy. Mỹ đã rải ở miền Nam Việt Nam 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học, sự tàn phá môi trường do Mỹ gây ra lớn đến mức đã làm phát sinh một từ tiếng Anh mới, ecocide. Việt Nam đã trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới. Số bom ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, gấp gần 3 lần tổng số tấn bom sử dụng trong Thế chiến thứ hai, trong cái gọi là "chính sách lunarization" (Mặt Trăng hóa). Cơ sở hạ tầng ở cả hai miền Việt Nam đã bị phá hoại gần hết. Tính bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom đạn Mỹ.

"Mỹ cút, Ngụy nhào" chúng ta lại phải chống bọn bành trướng Bắc Kinh ở Tây Bắc, chống bọn diệt chủng Ponpot ở Tây Nam. Rồi thì lệnh cấm vận kinh tê của Mỹ, rồi thì sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội.

Tất cả đã làm chúng ta tụt lại phía sau những Hàn, Nhật, Sing ...  giờ đây, khi các nước đang băng băng tiến trên con đường giàu mạnh, chúng ta mới bắt đầu bước vào vạch xuất phát, muốn bắt kịp và vươn lên tất nhiên như đã nói chúng ta cần lắm : " ý chí , nghị lực và sự đoàn kết của triệu triệu con dân "

Mông Cổ, trước khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất là một đất nước nội chiến liên miên, các bộ lạc không ai chịu ai, họ đánh nhau trong khi vẫn phải è lưng cống nạp có Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn với chính sách đoàn kết, nêu cao tinh thần người Mông Cổ đã biết đất nước này thành một quốc gia hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Người Nhật, trước 1945 họ đã lớn mạnh nhờ chủ nghĩa dân tộc, sau 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử hủy diệt 2/4 hòn đảo lớn, tất cả là đống tro tàn, nhưng rồi cũng với chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ ấy, một lần nữa Nhật Bản tạo nên điều thần kỳ.

Người Nhật, người Hàn đều ưu tiên sử dụng hàng hóa của đất nước mình, đó không phải điều mới nghe lần đầu, và không đâu xa, ấy chính là biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia.

Việt Nam cũng với tình thần dân tộc ấy mà đã làm nên điều thần kỳ là đánh đuổi 2 thế lực hùng mạnh Pháp - Mỹ, nhưng khi hòa bình, có vẻ như tinh thần ấy chưa được thế hệ hôm nay đưa vào công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước.

Sáng nay, sau khi viết bài "Thế hệ sau sẽ mang đất nước về đâu ?" tôi đã nghĩ, giá như mà thế hệ hôm nay có được một nủa cái tinh thần vì dân tộc ấy, thì ngày Việt Nam lớn mạnh như Bác Hồ từng mong nào có xa xôi gì ?

Ngày nay, một số bạn đã "không biết thương cho Tổ Quốc mình chịu nhiều cay đắng tủi nhục , cả dân tộc phải nghiến răng vùng dậy đánh ngoại xâm, thống nhất đất nước , để rồi muộn màng thiệt thòi, nay muốn tiến lên phải thống nhất (ít nhất như người ta) , phải nỗ lực (ít nhất như người ta) , phải biết hy sinh cái tôi của mình, dẹp bỏ cái thù hận và phải biết thông cảm với những hạn chế của một đất nước muộn màng nên tạm thời phải chịu hạn chế nhiều mặt" thì thôi, lại còn so sánh và đòi hỏi, thậm chí còn lật ngược cả lịch sử, trách cha ông "sao nỡ đánh Mỹ, cứ để Mỹ ở Việt Nam thì Việt giàu như Hàn Quốc rồi".

Nghiệt ngã quá đất mẹ Việt Nam ơi, sao người không giàu sẵn, văn minh sẵn, để cho thế hệ hôm nay tha hồ ăn chơi, tha hồ so sánh.

Thức tỉnh đi, cha ông hi sinh bảo vệ đất nước, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho "sự hi sinh ấy được giữ đúng ý nghĩa của nó", rằng phải xây dựng đất nước thật lớn mạnh, rằng phải lao động hết mình vì đất nước, chứ không phải ngập trong game, trong bia rượu, tiệc tùng ... để rồi đồ án tốt nghiệp phải đi copy, để rồi than vãn trình độ mình không tìm được việc, để rồi bằng sự bất tài của mình lại dùng chiêu trò để kiếm tiền của đồng bào.

Mà chẳng cần gì phải to tát, không phân biệt vùng miền, không lai căng sính ngoại, không bảo thủ quá trớn ấy là chủ nghĩa dân tộc. Nâng cao kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, ấy chính là chủ nghĩa dân tộc. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ưu tiên dùng hàng Việt ấy là chủ nghĩa dân tộc.

Trước khi làm việc gì hãy tự hỏi "điều này có gây hại, có lợi gì cho đất nước của tôi không" thế là đã đủ rồi, khó lắm không ?

Wednesday, September 4, 2013

Thế hệ sau sẽ mang đất nước về đâu ?

Sáng ra, nghe tin nhạc sỹ Hoàng Hà ra đi, lặng lẽ quá và vì lặng lẽ quá nên bàng hoàng quá đỗi. Bất giác, cũng như để xua đi những ý nghĩ mông lung, tôi bật nhạc và hát theo bài hát bất hủ "Đất Nước Trọn Niềm Vui" của ông : 

Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!
Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.
Sài Gòn ơi!
Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng.  
Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!
Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân.
Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn.  
Ôi! hạnh phúc vô biên!
Hát nữa đi em, những lời yêu thương.
Hò ơ...ớ hò...ớ hò...ớ hò....
Hội toàn thắng náo nức đất nước,
Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang,
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam,
Tổ quốc anh hùng!  
Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn
Mà vẫn ngoan cường
Giành một ngày toàn thắng. Đẹp quá!  
Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh,
Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương,
Ta muốn ca vang bước chân
Những người chiến sĩ giải phóng kiên cường!  
Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời,
Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời,
Trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam.
Cuộc chiến thắng kẻ thù đã có bài đồng ca và khúc khải hoàn của nó, giống như và cũng hay như thời thắng Pháp. Mở đầu bài ca viết ở giọng pha trưởng, tác giả đã ghi trên khuông nhạc: “Thiết tha – Rộn ràng – Say đắm”. 

Vậy là người hát đã được chỉ dẫn để hóa thân vào tình cảm đó. Và câu nhạc mở đầu với những đảo phách “thình lình” đã diễn tả được cái trạng thái bắt đầu nghiêng ngả của một người ngấm men chiến thắng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ/ tung bay/ Rộn ràng và/ mê say/ Những bước chân dồn về đây...” Âm nhạc được lặp lại và để dâng lên say đắm hơn. 

Nếu trước đó ít lâu, vào đầu mùa xuân, ở Sài Gòn chưa giải phóng, Trịnh Công Sơn còn trăn trở với “Một cõi đi về” mà “trăm năm vô biên – Chưa từng hội ngộ – Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà...”, thì chỉ sau vài tháng, vào một ngày cuối tháng tư, Hoàng Hà đã có câu trả lời: “Ôi! Hạnh phúc vô biên/Hát nữa đi em/Những lời yêu thương...” 

Âm nhạc thực sự chất ngất, diễn tả niềm vui không nói được nên lời bằng đoạn hát giọng ngâm “Hơ... ơ... ờ”. Sau chất ngất, là trạng thái rạo rực đến bay bổng, đến thăng hoa: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang... ” 

Vẫn âm nhạc ấy, nhưng đoạn quay lại được tạo thêm rạo rực bởi đảo phách lại xuất hiện: “Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương/Ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ” Âm nhạc với ca từ như mê đi trong ánh sáng hoa đăng của giây phút diệu kỳ khải hoàn: “Tổ quốc muôn đời trọn vẹn/Cả non sông thống nhất/Rạng rỡ Việt Nam...” - Nguồn sóng nhạc -

"Vững tin bao nhiêu năm rồi một ngày vui giải phóng", "đã bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường" để rồi hôm nay đây "bước chân dồn" dưới "muôn ánh sao vàng, rừng cơ tung bay", niềm vui, niềm hân hoan hạnh phúc nhen nhóm, kìm nén từ lâu đã bung tỏa khắp đất trời, "sắt son đã vang khải hoàn".

Trong ngày "hội toàn thắng náo nức đất nước" ấy, tác giả mà cũng như toàn dân tộc, muốn "bay lên say ngắm sông núi hiên ngang", muốn "reo vang", muốn "ôm hôn mỗi tấc đất quê hương" ... Tôi vẫn thường "nổi da gà" khi chìm đắm vào bài hát này, cảm nhận được hồn mình muốn bay lên, muốn tỏa ra, thấm vào hồn người hồn đất của dân tộc.

Tôi lại nhớ lại lời của anh Thạc trong nhật ký của mình: “tự hào lắm khi được lang thang trên mảnh đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn ai hạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người…"

Chắc rằng, nếu được đi trong rừng cờ của ngày đại thắng ấy, hẳn anh Thạc cũng sẽ có những áng văn đồng cảm với nhạc sỹ Hoàng Hà, với những chiến sỹ giải phóng quân và với cả dân tộc.

38 năm đã trôi qua, niềm vui ấy ắt hẳn còn vẹn nguyên trong lòng những cựu chiến binh, nhưng có lẽ đã nhạt phai ít nhiều trong lòng thế hệ đi sau, chúng tôi không được sống trong thời khắc trọng đại ấy, không được trải nghiệm cuộc sống mà xung quanh ai cũng là một anh hùng, mang tấm lòng sáng trong chiến đấu và bảo vệ quê hương.

Không trải nghiệm, nghĩa là không sâu sắc. Khi tôi đọc Đặng Thùy Trâm, tôi đã không biết bao lần phải thốt lên câu cảm phục, những anh thương binh trốn trạm xá để chiến đấu khi vết thương còn chưa bình phục, những nụ cười rang rỡ trước, sau và ngay cả khi đối mặt với cái chết, những con người bình thường mà anh hùng làm sao, bởi trong lòng họ chỉ có tổ quốc, chỉ có lòng yêu nước vô hạn, không có những vụn vặt, những tính toan hơn thua như chúng tôi ngày nay.

Đọc  những dòng như dứt, rút từ gan ruột của anh Vũ Chí Dũng trước lúc hi sinh:

“…Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư. Thư phải về tới tay những người đang sống… 
Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn. 
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng. 
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích – Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh. 
Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ."
Tôi tự hỏi, thế hệ tôi có đang làm cho sự hi sinh của các ông, các chú, các anh "giữ được đúng ý nghĩa hay không?". Tôi nghĩ về những thanh niên đây nhiệt huyết đang ngày đêm học tập, lao động, xây dựng quê hương đất nước, tôi vui. Nhưng tôi cũng nghĩ về những bạn trẻ đang quên mình trong thế giới game, đang khóc thét vì thần tượng xứ Hàn, đang quỳ gối van lơn người yêu, đang đảo điên trong quán bar, thả mình trong những buôi tiệc tùng không điểm kết ... chua xót.

Nhạc sĩ Hoàng Hà ra đi, đó âu cũng là thuận theo lẽ vô thường, rồi cũng với lẽ vô thường ấy, những người cuối cùng của thế hệ hào hùng ấy cũng sẽ ra đi. Họ mang theo nỗi niềm gì cho đất nước hôm nay cho thế hệ hôm nay ?

Lịch sử còn mới như in, còn chiếu rọi đường đi của ngày hôm nay, để thế hệ hôm nay nhìn về và nhìn lên, thế nhưng, có những kẻ vẫn trẽn trơ xuyên tạc nó, lịch sử sẽ viết thế nào khi những chứng nhân lịch sử còn lại cũng sẽ ra đi.

Đường đi của ngày hôm nay được khai phá bằng máu, bạn tôi ơi, hãy một lần nhìn lại.

Sunday, September 1, 2013

Những chú hề thông minh hay sự tù túng trong tư duy.

Có một câu chuyện khá lâu rồi, lần ấy tôi đi phỏng vấn xin việc, tay trưởng phòng nhân sự đưa cho tôi một quả bóng tenis và hỏi :

- Em nói xem, căn phòng này có bao nhiêu mặt ?
- Có sáu mặt - tôi đáp
- Bây giờ em nghĩ xem làm thế nào để ném quả bóng em đang cầm trên tay để cho quả bóng lại về đúng tay em.

Tôi bắt đầu huyên thuyên về việc ném trái banh theo hướng tạo 1 góc nhất định để đường đi của trái banh là một hình thoi ... và các giả thuyết đậm kiến thức hình học khác. Nhưng khi tôi dừng lại, đưa mắt nhìn tay trưởng phòng chờ đợi thì anh ta nói :

- Những cách của em đều rất hay, nhưng có một cách đơn giản khác đó là ném nhẹ quả bóng lên, và nó sẽ rơi xuống vào tay em bởi tác dụng của trọng lực.

Lần ấy, cuối cùng, tôi cũng được tuyển dụng (tất nhiên là không phải vì mớ kiến thức hình học của mình) nhưng tôi vẫn không bao giờ quên việc mình trở thành thằng hề như thế nào. Thật ra, cách ném bóng lên là cách đầu tiên tôi nghĩ đến nhưng có một ý nghĩ mạnh mẽ hơn đến ngay sau đó : "mọi chuyện không đơn giản thế được".

Không chỉ rút ra bài học rằng phải "luôn nghĩ đến mục đích của mình và đơn giản hóa mọi chuyện", sau vố đau ấy, tôi còn ngộ ra được nhiều thứ, có lần tôi đưa cho bạn tôi hình vẽ của một cái mê cung với 4 cữa đi vào A - B - C - D, một lối đi ra E và bảo:  làm cách nào để ra khỏi mê cung ?

Các bạn tôi đều nhanh chóng đưa ra đáp án là đi vào cửa C thì sẽ ra khỏi mê cung, họ cùng đắc ý nhìn về phía tôi chờ đợi đáp án, tôi đoán chắc họ đang sẵn sàng để nở mũi với sự thông minh và nhanh ý của mình, nhưng khi tôi nói rằng : "thật ra tất cả chúng ta đều đang ở ngoài mê cung rồi không cần phải chọn lối vào làm gì", thì họ phản ứng như thể tôi là kẻ "chơi xấu"

Những câu chuyện nhỏ, nhưng tôi ngẫm thấy ý nghĩa của nó vô cùng lớn, chúng ta thường đi theo những lựa chọn có sẵn để đi vào mê cung, làm phức tạo hóa mọi chuyện lên và rồi ai tìm được lựa chọn tốt hơn thì nhận mình là kẻ thông minh.

Chúng ta thường tự ném mình xuống dòng nước, rồi mới chọn bơi theo dòng nào, thay vì ngồi trên bờ, vạch ra lộ trình thích hợp cho riêng mình rồi mới bơi. Cách của chúng ta  là so sánh các lựa chọn A - B - C - D, thấy cái nào hay hơn thì chọn cái đó.

Bởi thế mới có chuyện cãi nhau xem Chủ Nghĩa Cộng Sản, Chủ Nghĩa Tư Bản xem cái nào hay hơn, Đa Nguyên Đa Đảng với Đơn Nguyên Đơn Đảng cái nào hay hơn, người ta không tự hỏi rằng Việt Nam muốn đến đâu, Việt Nam cần gì, cái nào thì phù hợp với người Việt.

Trong cuốn "Bóng Tôi Của Anh Sáng" của chú Đông La có viết với đại ý rằng, TBCN có mặt tốt đó là động lực trong phát triển kinh tế, CNXH có mặt tốt đó là những giá trị nhân bản, nhân đạo, Việt Nam đang vận hành "kinh tế thị trường, định hướng XHCN", thế thì tại sao chúng ta không cùng xây dựng một hình mẫu mới  với mặt tốt của cả 2 như đã từng là hình mẫu trong việc chống ngoại xâm mà cứ phải tranh cãi xem cái nào hơn cái nào ?

Theo tôi, đó là một suy nghĩ rất đúng đắn, tại sao cứ phải lựa chọn bên này hay bên kia, mà không phải là lựa chọn một con đường riêng cho chúng ta ?

Philip Kotler, một trong bốn nhà quản trị ảnh hưởng bậc nhất thế giới, người được mệnh danh là “cha đẻ” của ngành Marketing hiện đại đã phải thốt lên rằng: “Hiện nay Trung Quốc là "công xưởng" của thế giới, Ấn Độ là "văn phòng" của thế giới. Còn Việt Nam tại sao không trở thành "bếp ăn" của thế giới?”

Tất nhiên với tầm nhìn của một nhà quản trị, một cây cổ thụ trong ngành Marketing, Kotler có lý khi cho rằng VN có thể trở thành "bếp ăn của thế giới" nếu như tập trung đầu tư và phát triển, nhưng ở đây tôi không bàn đến việc VN có thể làm điều đó không mà là Việt Nam phải là một cái gì đó riêng (là bếp ăn của thế giới hay gì đó) nếu muốn phát triển.

Để tồn tại trong một thế giới "ngày càng phẳng" chúng ta không thể là trung bình trong tất cả mọi thứ mà phải suất sắc trong một thứ, so sánh, lựa chọn và rập khuôn chỉ khiến chúng ta trở thành những bản sao tồi tệ.

Chúng ta theo Nga làm công nghiệp nặng, bây giờ công nghiệp nặng của ta đứng ở đâu ? Đầu thập niên 90 Trung Quốc làm tập đoàn kinh tế nhà nước đa lĩnh vực, chúng ta cũng làm theo, để rồi những EVN, VinaShin rời xa lĩnh vực chính và thua lỗ. Rồi chúng ta học theo Mỹ làm thị trường tự do, cũng may là chưa quá trớn, nếu không khủng hoảng 2008 sự điêu đứng sẽ không dừng lại ở đó, mới chỉ có Bất Động Sản chết lâm sàn mà thôi.

Đừng chạy theo những sự lựa chọn có sẵn, hãy tạo nên những giá trị của riêng mình.

Đó là những chuyện hớn lớn lao một chút, nay chuyển qua chuyện nhỏ, ví như âm nhạc, khán giả cứ mãi tranh luận xem nhạc Hàn hay hơn hay nhạc Us & Uk hay hơn, ca sỹ cũng cố bắt chước nhạc Hàn nhạc Anh - Mỹ mà quên mất là cần có cái riêng của Việt Nam. Điện ảnh cũng cố bắt chước phong cách của nước ngoài, thời trang cũng cố bắt chước phong cách của nước ngoài, không Hàn thì Tây.

Chúng ta có nền văn minh lúa nước rực rỡ bậc nhất, đã từng có một thời Lý - Trần thịnh trị nhất nhì châu Á, chúng ta có tiếng nói riêng, trang phục riêng, món ăn riêng, các loại hình nghệ thuật riêng, có tính cách con người riêng ... Vậy thì tại sao cứ mãi miết chạy theo người khác, sao không để thế giới gọi tên Việt Nam ?

Chúng ta đang cố biến mình thành một bản sao hỗn tạp của nước ngoài, mà chẳng đỉ về đâu cả. Có câu chuyện rằng :

"Tôi đã trải qua những tháng năm đẹp nhất đời trong vòng tay một người phụ nữ không phải vợ tôi". Diễn giả nổi tiếng nói dõng dạc, cả hội trường lặng ngắt. "Người đó là mẹ tôi". Cả hội trường ồ lên.  
Một chàng trai trong đám đông quyết định áp dụng kiểu nói này trong bữa tiệc ở nhà. Anh ta nói xong câu đầu và không có cơ hội nói câu sau. Anh ta phải đi cấp cứu vì bị vợ hắt nguyên nồi canh sôi vào người.  
Bài học rút ra: Ngay cả khi dùng hàng nhái, bạn vẫn có thể phải trả giá rất đắt.
Học cái hay của người khác là rất tốt, nhưng cái hay đó phải là cái hay phù hợp, có những điều hay, người ta thành công, nhưng khi ta áp dụng thì không được như ý, bởi ý tưởng đó không sinh ra để giành cho chúng ta.

Vì vậy, hãy thôi so sánh Việt Nam với nước khác rồi kết luận như đinh đóng cột rằng nếu Việt Nam làm như thế thì sẽ được như thế. Bạn có thể đang là một chú hề thông minh trong sự tù tùng tư duy của mình.