Sunday, September 8, 2013

Cái Tâm đánh mất chổ nào ?

Từ lâu lắm rồi, tôi chẳng có hứng thú gì với những game show tuyển lựa tài năng âm nhạc của Việt Nam từ Idol cho đến The Voice ... Lý do có lẽ cũng trùng với rất nhiều người, tôi ngán ngẩm những chiêu trò hợm hĩnh của những "người của công chúng" quá rồi.

Gần đây, hiện tượng Phương Mỹ Chi nổi lên từ The Voice "Nhí", tôi có nghe em hát, và rất yêu mên giọng hát của em, nhưng cũng không vì thế mà theo giõi chương trình này, sáng nay vừa online đã thấy cơ hồ người lớn tranh cãi nhau, chặt chém nhau về PMC và Quang Anh, tôi cũng chẳng quan tâm lắm, buột miệng "lại trò đời của đám người lớn trên đầu trẻ con" rồi làm việc khác.

Cho đến khi đọc bài viết : Tại Sao Phương Mỹ Chi Bị Loại? (http://triethocduongpho.com/2013/09/07/tai-sao-phuong-my-chi-bi-loai/ ) có đoạn viết rằng :
Cảm thấy tội nghiệp cho PMC vì nhờ e mà chương trình thành công nhưng sau đó thì thay vì biết ơn mà đem em ra làm đủ chiêu trò để họ kiếm lợi nhuận, và tất cả các thí sinh khác cũng vậy. Anh tin chắc e là thí sinh được nhiều người yêu mến nhất từ trước đến nay. Chúc cả 3 em sẽ thành công trên con đường mình chọn.
 Thì tôi nghĩ cũng cần góp chút tiếng nói, chút góc nhìn. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói :"có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó", thế nhưng vụ việc này lại là mình chứng điển hình cho câu "Đã bất tài lại còn thất đức ấy là thảm họa.", đó đang là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm trong xã hội ta.

Một số "nhà báo" vì bất tài không thể viết được những bài báo hay, lại còn thất đức nên cố công xuyên tạc, moi móc tạo nên những bài viết gây "sốc" rồi đếm tiền trên lưng thiên hạ.

Một số tay "kỹ sư" vì bất tài không thể tạo nên những công trình tầm cỡ, lại còn thất đức nên tìm mọi cách ăn bớt "rút lõi" công trình, đếm tiền trên sự nguy hiểm đang chực chờ người dân, trên sự tốn hao kinh phí nhà nước.

Một số "quan chức" vì bất tài không nghĩ ra được những phương án, chính sách ích nước lợi dân, lại còn thất đức nên tìm cách nhũng nhiễu bòn mót những đồng tiền xương máu của đồng bào.

Một số "nhân sỹ, trí thức" vì bất tài chẳng có đóng góp gì để xây dựng đất nước, lại thất đức nên quay ra chửi bới nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bợ đỡ ngoại bang, kiếm tiền bằng miệng lưỡi.

Cũng giống như thế, ban tổ chức của những chương trình "game show" này, không đủ tài để tạo nên một cuộc chơi công bằng, hấp dẫn, trong sáng đúng với mục đích "tuyển chọn tài năng" lại còn thất đức nên nghĩ đủ điều, đủ chiêu đủ trò để moi móc tiền khán giả, kiếm tiền trên công sức của thí sinh.

Suy cho cùng, chữ đức chữ tài thường gắn liền với nhau, kẻ bất tài mà hãnh tiến, tất yếu sẽ dùng thủ đoạn thất đức để tiến thân, kẻ thất đức thì thường tự tay che mờ lối đi vào biển tri thức.

Nguyễn Du viết : "Chữ Tâm kia mới bằng 3 chữ Tài", có Tâm thì không hại người, có Tâm thì sẽ đến được với cái Tài đích thực (cái tài ích nước lợi dân), có Tâm thì cái Tài mới vươn tới được cái Tầm, Tâm bằng 3 lần Tài là vậy.

Ấy thế mà ngày nay, Tài đâu chưa thấy nhưng cái Tâm thì đang vơi đi. Khi được hỏi :  So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói? - Nhạc Sỹ Nguyễn Ánh 9 trả lời :

Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.

Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.

Cái Tâm không có thì khó mà có những tác phẩm có Tầm, đó là quy luật mà không phải "nghệ sỹ" nào cũng hiểu, vì không hiểu nên người ta cứ chạy theo cái trước mắt để rồi vùi lấp cái Tài tiềm năng của chính mình, biến mình thành kẻ phải dùng chiêu trò để có được những "thành công đầy khiếm khuyết".

Nói cái riêng trong lĩnh vực âm nhạc, cũng là để nói đến cái chung cho tất cả mọi người, trong kinh doanh người ta có câu "nếu bạn chạy theo đam mê thì thì tiền chạy theo bạn, nếu bạn chạy theo tiền nó sẽ bỏ rơi bạn" , trong tình yêu có câu "hãy yêu rồi bạn sẽ được yêu" , nghĩa của những câu này không nằm ngoài lời khuyên "hãy để chữ Tâm lên đầu".

Lan man một chút, mới đây ở Đà Nẵng có một vụ kiện "lạ", thành phố Đà Nẵng khởi kiện “nhân tài” là một số học viên trong chương trình đào tạo chất lượng cao của Đà Nẵng có dấu hiệu, không chịu quay về làm việc cho thành phố theo đúng hợp đồng.

Khi bản thân đang còn khó khăn, được thành phố mở đường đón nhận, hỗ trợ đi học thành tài, ký hợp đồng đàng hoàng. Chỉ vì vô vàn lý do cá nhân, lợi ích cá nhân mà “nhân tài” này tự ý chấm dứt hợp đồng.

Lúc đi hẳn ai cũng dõng dạc mà rằng "cố gắng hết sức để học tập, nghiên cứu để về xây dưng quê hương", nhưng rồi, cuối cùng họ phủi phui vì "đất nước không có đủ điều kiện".

Đất nước chưa có điều kiện, mới phải gửi "nhân tài" đi học để về xây dựng đất nước, chứ đất nước giàu rồi, đủ điều kiện rồi thì còn cần gì ? Đó là chưa nói chuyện các vị ấy đi học bằng tiền thuế của dân, từ ngân sách nhà nước.

Chuyện "nhân tài" được TP. Đà Nẵng chăm bẵm nhưng vẫn không níu chân được, rồi còn xảy ra lình xình, có nguy cơ kiện tụng lớn, phức tạp. Ngẫm ra thấy cụ Nguyễn Du ngày xưa nói "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài" vẫn còn nguyên giá trị vàng mười.

Để kết bài xin trích lá thư, lời nhắn nhủ của một người cha cho con trai :

Đôi chân của con một lúc nào đó sẽ mệt mỏi, cần nghỉ ngơi. Đôi chân ấy cần phải biết dừng đúng lúc, biết cúi xuống trước ba mẹ tổ tiên, trước một nhân cách lớn mà con gặp trong cuộc đời; nhưng tuyệt đối không được quỳ xuống trước khó khăn, quyền uy, địa vị hay tiền tài. ...

... Và sau cùng, dù sau này con đi đâu đến đâu, đừng quên mang theo bên mình chữ "Tâm" con nhé. Hãy luôn giữ nó như là hành trang trong suốt cuộc đời nhé con trai, một người đàn ông chân thật của ba.

3 comments: