Monday, September 16, 2013

Bồ Tát Sợ Nhân, Chúng Sinh Sợ Quả !

Ngày nay, cảnh sát đông nhưng tội phạm ngày càng nhiều, giáo dục tốt nhưng đạo đức càng suy thoái, công nghệ hiện đại nhưng con người càng kém hạnh phúc. Vì Sao ?

Nền tảng Phật Giáo là chính là thuyết Nhân - Duyên - Quả, Nhân tức nguyên nhân, Duyên là những tương tác khác lên Nhân để biến Nhân thành Quả (kết quả). Phật giáo chủ trương rằng không có bất cứ một vị thần linh nào tạo nên vạn vật và con người, cũng như quyết định số phận của con người và vạn vật.

Tự thân mình gieo nhân thì sẽ gặt quả, gieo nhân quá khứ gặt quả hiện tại, gieo nhân quá khứ gặt quả tương lai, gieo nhân hiện tại gặt quả hiện tại, gieo nhân hiện tại gặt quả tương lai. Gieo nhân chính là tạo "Nghiệp", tạo nghiệp thiện lành thì gặt quả thiện lành, tạo nghiệp ác dữ thì gặt quả ác dữ, đã tạo nghiệp thì chắc chắn phải gặt quả, nghiệp chưa trả trong quá khứ đến hiện tại và vị lai phải trả gọi là Nợ.

Theo Phật giáo, "Ngũ Uẩn" đều "không thật có" (tức Vô Ngã) ví như thân mạng này sinh ra thì tất phải bệnh, tất già đi và chết, sáng còn tối mất (Vô thường), vì sao lại "không thật có", bởi vì nó không theo ý của chúng ta, trời đang mưa chúng ta muốn nắng cũng không được, thân mạng bệnh tật chúng ta muốn khỏe mạnh lại cũng không được.

Chúng sanh vì chấp rằng Vô Ngã là Có Ngã (Chấp Ngã), cho rằng "ngũ uẩn" là "thật có", vì chấp như thế nên mới Tham Ái Sân Si, vì Si nên thấy tiền cho rằng tiền là "thật có" nên sinh lòng Tham, Ái , Tham Ái khởi lên nên thân phải cố công giành lấy tiền, giành không được thì sinh tâm Sân hận. Bởi thế mà chúng sanh tạo nghiệp không ngừng, gặt quả không ngừng, nghiệp trả không hết trong kiếp này lại là nợ của kiếp sau cứ thế đắp chìm trong bể trầm luân.

Nghiệp tạo từ Thân, Miệng và Ý, có 10 nghiệp ác trong đó thân nghiệp có 3 (sát sinh, trộm cắp và tà dâm), khẩu nghiệp có 4 (nói dối, nói hai lời, nói lời hung dữ, nói lời bóng bẩy), ý nghiệp có 3 (tham dục, sân giận, tà kiến).

Người gieo nghiệp ác khi nghiệp lực đủ thì sẽ gặt quả xấu, sinh vào đường xấu ( Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), tuy nhiên chúng sanh phần nhiều không đủ căn cơ để nhìn thấu nhân quả, bởi vậy mà có câu "BỒ TÁT SỢ NHÂN - CHÚNG SINH SỢ QUẢ".

Bồ Tát là Bậc Giác Ngộ, các ngài hiểu rõ lý Nhân - Duyên - Quả, nên biết sợ gieo nhân (ác), vì gieo nhân tất gặt quả, nên các ngài không gieo nhân ác mà chỉ phát nguyện làm việc thiện lành phổ độ chúng sinh.

Còn chúng sinh vì không hiểu, không tin hoặc buồng lung niềm tin và nhân quả, rơi vào "thường kiến", "đoạn kiến", "tà kiến" nên cứ mặc sức làm những việc dữ ác để đến khi nhận lấy quả báo đau khổ mới biết thì đã quá muộn, vậy nên gọi là "Chúng sinh sợ quả".

"Thường kiến" tức là cho rằng linh hồn là bất biến, kiếp này sinh làm thân A thì kiếp sau cũng sinh làm thân A, hay bây giờ giàu có thì mai này vẫn cứ giàu có, vì nghĩ là bất biến nên cứ thoải mái gieo nhân dữ ác.

"Đoạn kiến" tức là cho rằng linh hồn sẽ mất đi hoàn toàn, chết là hết, hay bây giờ làm xong việc là xong không liên quan đến tương lại, vì nghĩ như thế nên cứ thoải mái gieo nhân dữ ác.

"Tà kiến" tức cho rằng chẳng có nhân quả, tất cả là số mệnh do một vị thần linh nào đó sắp xếp sẵn, giàu sang phú quý, an vui hạnh phúc hay không do thượng đế ban cho cả, nghĩ thế nên tha hồ tạo tác.

Ngày nay, cảnh sát đông nhưng tội phạm ngày càng nhiều, giáo dục tốt nhưng đạo đức càng suy thoái, công nghệ hiện đại nhưng con người càng kém hạnh phúc. Vì Sao ?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức có rất nhiều, nhưng điều căn bản nhất đó là: Con người ngày nay không tin nhân quả, thậm chí nhạo báng nhân quả, cho rằng thành thực chính là kẻ ngốc, gian ác mới là tài cán, thông minh.

Đang có cả một quá trình thỏa hiệp với cái ác, cái dữ, ví như có người ủng hộ Mỹ phát động chiến tranh đánh các nước, mà không nghĩ đến việc có bao nhiều người sẽ phải chết, không nghĩ đến việc dân tộc của họ từng gánh chịu một cuộc chiến đau thương tuong tự.

Ví như có người tôn vinh kẻ xả súng giết người trong một vụ việc ở Thái Bình vừa qua là "anh hùng chống tham nhũng". Ví như có người đứng ngoài cổ vũ, khích bác để sân hận trên biển Đông leo thang hòng mưu lợi riêng.

Ví như có người cho rằng "hối lộ cho được việc", ví như có người cho rằng "người ta hối lộ tội gì mình không nhận". Ví như có người cho rằng "phải biết uống rượu mới được lòng cấp trên", ví như có người cho rằng "phải dùng bia rượu, gái đẹp để chiều lòng đối tác".

Ví như có người cho rằng "ra đường phải hổ báo mới không thiệt phần mình", ví như có người cho rằng "cứ nên a dua kẻ mạnh để được an thân". Ví như có người cho rằng "20 tuổi còn trinh trắng là lạc hậu", ví như có người cho rằng "sự trinh trắng có nghĩa lý gì trong thời đại này".

Ví như có người cho rằng "cần tham gia từ thiện, bố thí để quảng cáo, pr", ví như có người cho rằng "người ta bố thí, từ thiện chẳng qua là để Pr - quảng cáo" (trong khi mình chẳng làm gì). Ví như có người cho rằng "mình thất bại lại tại số phận, tại A, tại B, chẳng phải tại mình", ví như có người cho rằng "người khác thành công là nhờ thân nhờ thế chứ chẳng nhờ khả năng của chính họ".

Ví như có người bỏ tiền của để xem bói , giải hạn, hầu đồng cầu cho được tiền tài, ví như có người hỗn với thầy cô, chửi mắng mẹ cha. Ví như có người nợ nần rồi bùng nợ vì cho rằng nếu trốn đi thì chẳng ai tìm ra, ví như có người cho rằng chẳng nên bố thí, giúp đỡ cho ai khác.

Ví như có người cho rằng "tiền của họ, họ muốn tiêu thế nào đó là quyền của họ", ví như có người cho rằng bằng mọi cách phải giàu có để không bị rẻ khinh. ...

Do loại tâm lý đó chi phối nên một bộ phận người trong xã hội không hề sợ, không hề kiêng kỵ bất cứ điều gì mà họ không dám làm. Tuy có bị pháp luật nghiêm cấm, trừng trị nhưng không hạn chế được bao nhiêu.

Thêm vào đó là nền kinh tế thị trường và văn minh vật chất là động cơ thúc đẩy tính tham dục và tự ngã của con người ngày càng tăng thịnh, nó từng ngày, từng giờ huỷ hoại, đe doạ con đê đạo đức vốn đã suy yếu. Trước sự thật đó khiến mọi người phải ý thức được rằng: Nếu không khôi phục được văn hóa đạo đức cho xã hội ngày nay, chẳng những quan hệ đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế của nước ta, mà còn liên quan đến sự thịnh suy, tồn vong của đất nước.

Sự hủ bại của tâm lý đạo đức làm đảo lộn những giá trị, tiêu chuẩn, quan niệm về nhân sinh, xã hội và các mối quan hệ. Để cải tiến được tình trạng đó, trước hết phải đề xướng tư tưởng “Thiện ác nhân quả báo ứng”.

Trước khi làm gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó, hãy như Bồ Tát, biết sợ nhân ác dữ.

1 comment: