Tuesday, December 17, 2013

VỤ HÔI BIA - CÓ HAY KHÔNG SỰ DÀN DỰNG CỦA TRUYỀN THÔNG?

Một chuỗi sự việc liên hoàn  xe bia bị đổ, người dân hôi của, hãng bia đòi tài xế bồi thường, mạnh thường quân lập quỹ ủng hộ tài xế, hãng bia tuyên bố không đòi bồi thường, và những tình tiết hậu vụ việc đã thu hút được đáng kể sự theo dõi của dư luận trong suốt thời gian qua.

Việc nào thu hút sự chú ý tất nhiên thu hút cả sự xét nét, và sau khi vạch tìm ghép nối, cảm thấy câu chuyện có phần mang tính "kịch", nhiều người đã cho rằng đã có sự can thiệp dàn dựng của truyền thông mà đạo diễn chính là Tiger.

Có người đặt nghi ngờ ngay từ đầu, tức kể cả vụ tai nạn đổ bia cũng là dàn dựng, người dè dặt hơn thì dừng lại ở việc hoài nghi sự can thiệp của truyền thông và Tiger sau vụ tai nạn mang tính chất "chớp cơ hội làm PR".

Vốn không muốn đau đầu với những vụ việc liên quan đến truyền thông, song khi đọc bài viết với tựa đề: VỤ HÔI BIA: NỰC CƯỜI VỚI CÁC "CHUYÊN GIA" CHÉM GIÓ RẰNG CÓ SỰ DÀN DỰNG TRUYỀN THÔNG. thì tôi nghĩ cũng thú vị.

Tác giả bài viết cũng được xem là một "chuyên gia" mới nổi trong giới truyền thông, PR. Tôi cũng từng được đọc nhiều bài viết chất lượng với những góc nhìn sâu sắc, độc đáo của anh ta.

Tuy nhiên bài viết này tôi đánh giá là một sự giải thích hời hợt, một xô nước chữa cháy vụng về dù đã cố gắng khéo léo đánh lừa độc giả, kéo họ vào những cái nhìn thiên lệch và những kết luận võ đoán.

1. Tác giả viết rằng :
Vụ tai nạn này bản chất không phải là khủng hoảng truyền thông của hãng bia. Đối tượng bị chỉ trích và ném đá ở đây là những người dân tham gia hôi của ở Đồng Nai nói riêng và một thói xấu của người Việt Nam chúng ta nói chung. Nên về nguyên tắc, hãng bia không phải chịu bất cứ ảnh hưởng tiêu cực thực tế nào. Cho nên họ đâu cần "xử lý" cái gì!
Thứ nhất, người làm truyền thông phải hiểu rõ quyền lực của dư luận, với dư luận thì "tôi không làm gì sai" không bao giờ đồng nghĩa với "tôi không có rủi ro gì". Thực tế chứng minh, khi có thông tin Tiger bắt tài xế Hậu đền tiền dư luận đã nổi giận với sự vô cảm đó như thế nào, thậm chí một bộ phận đã đòi tẩy chay Tiger.

Vì vậy, rõ ràng, với một vụ việc thu hút đông đảo sự chú ý như thế này, nếu không xử lý một cách khéo léo, nguy cơ rủi ro và rơi vào khủng hoảng truyền thông là rất cao.

Thêm vao đó, logic rằng "vì không có nguy cơ khủng hoảng nên không cần xử lý khủng hoảng, vì không cần xử lý khủng hoảng nên không liên quan" mà nột logic mang tính ngụy biện theo kiểu "tôi muốn du lịch nên tôi đến Sapa, tôi không đến Sapa suy ra tôi không đi du lịch".

Ngoài Sapa còn nhiều lựa chọn khác để du lịch, cũng vậy, ngoài mục tiêu xử lý khủng hoảng còn nhiều mục tiêu khác kéo truyền thông phải can thiệp. Cụ thể trong vụ việc này, sau vụ tai nạn, Tiger hoàn toàn có thể biến nó thành cơ hội quảng bá, cơ hội quảng bá chứ không phải xử lý khủng hoảng.

2. Tác giả cho rằng việc kéo dài thời gian đưa ra quyết định xử lý vụ việc (tuyên bố không đòi bồi thường) của Tiger là vì "thực hiện đầy đủ theo quy trình làm việc chuyên nghiệp của các công ty lớn" và cho rằng muốn lấy 1 đồng của các "ông lớn" này cần phải có 10 con dấu!

Tác giả viết thêm:
Vừa xong, việc một ngân hàng rất lớn gọi điện đòi nợ khách hàng số tiền chỉ đúng... 1đ cũng là chuyện "thật như đùa" của quy trình doanh nghiệp. Nghe thì có vẻ rất buồn cười nhưng đấy mới là chuyên nghiệp.
Rõ ràng tác giả đã đồng nhất giữa chuyên nghiệp và nguyên tắc, rằng chuyện nghiệp là phải theo nguyên tắc, làm việc theo nguyên tắc là chuyên nghiệp đó là một nhận định sai hoàn toàn. Chuyên nghiệp vốn phải hiểu là "nguyên tắc hóa những gì được cho là hiệu quả nhất", hiệu quả mới chính là chuyên nghiệp chứ không phải nguyên tắc, vì vậy chuyên nghiệp bao gồm cả việc xử lý linh động, nhanh, gọn.

Vì thế, luôn luôn có cái gọi là "quy trình ngoài quy trình" để xử lý những tình huống đặc biệt ở những doanh nghiệp lớn thậm chí là những doanh nghiệp nhỏ vừa, bản thân tôi cũng từng xây dựng một quy trình làm việc tổng thể và rõ ràng trong những tình huống đặc biệt tốc độ xử lý là điều được ưu tiên hàng đầu.

Với Tiger, một hãng bia danh tiếng mà nói, làm sao lại không có được sự linh động như vậy. Thêm vào đó, khoản tiền mấy trăm triệu đối với Tiger nói chung và kinh phí truyền thông - quảng cáo của Tiger nói riêng thật chẳng thấm vào đâu.

So sánh hiệu quả của việc "không đòi bồi thường" trong vụ việc thu hút chú ý này và bỏ ra mấy trăm triệu để mua quảng cáo trên ti vi thì rõ ràng quyết định đã có thể đến từ rất sớm.

3. Tác giả nêu ra hai phương pháp tung hứng cảm xúc ứng dụng trong truyền thông là "hạ thấp kỳ vọng người đối diện" và "gương sáng phố phường", dụng ý của việc này đơn giản là tung hỏa mù, nhấn mạnh sự am hiểu của mình trong lĩnh vực truyền thông để gia cố niềm tin của độc giả đối với nhưng kết luận của mình. "Hãy tin tôi, tôi là một người am hiểu lĩnh vực này".

Dù đặt cái tên nào, mang tính hàn lâm hay "chuyên môn" ra sao thì logic của phương pháp ấy chỉ có một đó là tạo nên một sự so sánh cao thâp chênh lệch hòng khiến người tiếp nhận thỏa mãn với những gì mình đưa ra cho họ, không có gì là quá cao siêu hay khó áp dụng như tác giả mô tả cả. Các doanh nghiệp xưa nay và trong kinh doanh buôn bán bình thường người ta áp dụng đầy rẫy, đề giá bán 2 triệu, giảm giá 800 ngàn, bán với giá 1 triệu 200 ngàn trong khi thực giá cũng chỉ có 1 triệu 200 ngàn là thủ thuật dễ thấy nhất trên các tờ rơi được phát hàng ngày trên các tuyến phố.

Tung hỏa mù như thế, nhưng tác giả hoàn toàn không chứng mình được rằng Tiger không áp dụng hai phương pháp mà tác giả nêu ra, thế nhưng lại khẳng định chắc nịch rằng không hề có sự can thiệp dàn dựng của truyền thông.

***

Một khi có ý muốn chứng minh Thât - Giả, Dàn Dựng - Tự Nhiên phải đưa ra được bằng chứng sát thực, đằng này chỉ có vài lời nói suông, đã nói suông lại còn nói không hợp lý lẽ, cố tình đánh lừa người đọc như thế thật trái với Slogan "Tell The Truth" (nói sự thật) của tác giả.

Quay lại với việc CÓ HAY KHÔNG SỰ DÀN DỰNG CỦA TRUYỀN THÔNG ?

Trước hết chúng ta thừa nhận vài trò của báo giới trong vụ việc này là rất quan trọng, ít nhất là vai trò "kéo đẩy" còn có vai trò "hạt nhân" hay không thì tôi chưa dám khẳng định, đơn giản vì tôi là người nhìn nhận chứ không phải người trong cuộc hay người điều tra.

1. Có rất nhiều vụ hôi của trước đó như chỉ đến khi vụ việc này diễn ra, đồng loạt các báo mới thổi lên thành tầm cỡ "quốc nhục", VTV thậm chí còn làm một chương trình đối thoại về văn hóa ứng xử trong tình huống tương tự.

2. Hàng loạt các bài viết ra lò mỗi ngày khai thác và cập nhật tỉ mẩn nhất có thể về diễn biến vụ việc, lèo lái dư luận từ cung bậc này qua cung bậc khác để rồi hạ màn êm đẹp.

Cũng như bao người đứng ở vai trò là người nhìn nhận, tôi xin đưa ra nhưng câu hỏi "tại sao" sau đây:

1. Tại sao xe chở hàng nặng, dễ hư hỏng và cồng kềnh lại không có che chắn và chằng buộc để nó đổ "đẹp mắt" như vậy?

2. Tại sao ban đầu đồi bồi thường, sau đó lại quyết định không đòi bồi thường nữa, dù lúc này với quỹ ủng hộ của các mạnh thường quân anh Hậu hoàn toàn có khả năng chi trả ?

3. Tại sao anh Hậu là lái xe cho một hãng vận tải lớn, theo quan sát của tôi, người làm nghề này có thể thiếu thốn nhưng không phải nghèo lại được mô tả như người "chẳng có gì" ?

4. Tại sao anh Hậu không bị bồi thường mà còn giữ lại 40% số tiền ủng hộ  để rồi sau đó lại trả hết mà không trả hết ngay từ đầu ?

Cuối cùng, điều mà báo giới dù tỉ mẩn đến đâu cũng chẳng thèm khai thác đó là tất cả các xe chở bia đều được bảo hiểm toàn bộ tai nạn, vậy thì điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm là gì ?.

Thông tin "từ chối đền bù" của công ty bảo hiểm mà báo chí đăng không xuất phát từ công ty bảo hiểm mà xuất phát từ anh Hậu, đây là một điểm lạ cần đặt dấu hỏi.

Tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm hàng hóa nội địa của công ty cổ phần Bảo Hiểm Bưu Điện (nơi công ty anh Hậu mua bảo hiểm) thì thấy ghi rõ :
-Đối tượng bảo hiểm:
     Hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam
    Vỏ container vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 
-Phạm vi bảo hiểm:
    Cháy hoặc nổ;
    Động đất, bão lụt, gió lốc, sóng thần và sét đánh;
    Phương tiện vận chuyển bị đắm, bị lật đổ, bị rơi, mắc cạn, đâm va nhau hoặc đâm va vào vật thể khác hay bị trật bánh;
    Cây gãy đổ, cầu cống, đường hầm và các công trình kiến trúc khác bị sập đổ;
    Phương tiện chở hàng mất tích;
    Hy sinh tổn thất chung. 
-Loại trừ:
    Chiến tranh, đình công, nội chiến, cách mạng, khởi nghĩa, phản loạn hoặc quần chúng nổi dậy, CƯỚP, mìn, thủy lôi, bom hoặc các dụng cụ chiến  tranh khác;
    Hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của phóng xạ hay nhiễm phóng xạ phát sinh từ việc sử dụng năng lượng nguyên tử, hạt nhân và/hoặc phản ứng hạt nhân, phóng xạ tương tự;
    Hành động xấu cố ý hay hành vi phạm pháp của người được bảo hiểm hay người làm công cho họ;
    Những mất mát, hư hỏng hay chi phí do khuyết tật vốn có hoặc do tính chất đặc thù của loại hàng hóa được bảo hiểm;
    Xếp hàng quá tải đối với hàng chở nguyên chuyến;
    Đóng gói sai quy cách, bao bì không thích hợp hoặc hàng bị hỏng từ trước khi xếp lên phương tiện vận chuyển;
    Rò chảy thông thường, hao hụt trọng lượng hay giảm thể tích thông thường của hàng hóa được bảo hiểm trong quá trình vận chuyển;
    Phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông;
    Những mất mát, hư hỏng hay chi phí có nguyên nhân trực tiếp do chậm trễ, dù chậm trễ đó do một rủi ro được bảo hiểm;
    Hàng hoá bị tổn thất trước khi cấp đơn bảo hiểm;
    Hàng hoá chở quá địa điểm kết thúc hành trình ghi trên đơn bảo hiểm.

Phát biểu với báo giới, anh Hậu nói rằng công ty bảo hiểm từ chối bồi thường vì cho rằng hàng hóa bị cướp, điều này hoàn toàn vô lý.

Thứ nhất, đó không phải hành vi cướp, vì hành vi cướp được mô tả trong luật hình sự là  hành vi sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng ngay tức khắc vũ lực đối với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi của người hôi bia trong vụ này chỉ có thể quy về hanh vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản" mà thôi (!?).

Hơn nữa hành vi đó diễn ra trong tai nạn chứ không phải diễn ra độc lập, điều khoản loại trừ của sản phẩm bảo hiểm chỉ loại trừ trường hợp hàng hóa bị cướp (độc lập) chứ không loại trừ các khả năng mất mát do bên thứ ba trong tai nạn.

Với những bằng chứng có được anh Hậu và công ty chủ quản hoàn toàn chứng minh được điều đó. Vậy thì thiệt hại của vụ tại nạn về mặt tài chính anh Hậu vốn không phải là người chịu trách nhiệm đền bù mà là công ty bảo hiểm.

Hỏi rằng tất cả những gì diễn biến sau đó phải giải thích làm sao?

Monday, December 2, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 18

Kiều Công Hãn bị mất hai mãnh tướng, từ đó thủy chung đóng cổng thành không ra đánh, lại cho cung thủ sẵn sàng trên thành, khiến cho quân Lĩnh vây riết mấy ngày trời mà không dám đánh vào. Cuối cùng không có cách nào xoay chuyển tình hình Lĩnh đành kéo quân về Phong Châu Thượng.

Từ đó, cứ cách vài ngày, Lĩnh lại sai các tướng thay phiên đem quân đến đánh, nhưng Công Hãn vẫn bền chí bền gan thủ mãi, hơn hai tháng ròng rã, chẳng bên nào bắn ra một mũi tên, cứ quân Lĩnh kéo đến lại kéo về, còn quân họ Kiều không mảy may muốn đánh.

Đúng phải lúc tiết trời mua đông nhiều mưa dâm, lương thả sắp cạn, lòng quân chán nản, đánh mãi không được, Đinh Bộ Lĩnh tính đường phải rút quân thì Lưu Cơ đứng ra hiến kế : 

-         Tôi có một cách, chủ tướng xem thế nào ! 

-         Cách gì nói ta nghe !

-         Mùa đông, có một thứ mà quân dân trong thành Phong Châu Hạ buộc phải ra ngoài tìm kiếm đó là củi khô để sưởi ấm, bây lâu nay ta không phát giác chắc chắn là do họ ra khỏi thành vào lúc đêm. Nay ta cho lập các đồn kiểm soát không cho quân trong thành ra kiếm củi khô, tất chẳng lâu ta gọi phải ra hàng.

Đúng lúc đó có lính vào trình thư của Trịnh Tú gửi từ Đại La, Bộ Lĩnh mở thư ra đọc, thư viết:

“Chủ tướng hơn hai tháng vây riết mà không phá được Phong Châu Hạ, khiến cho Tú tôi ở Đại La cũng ngày đêm lo cái lo ấy, hôm nay ngồi bên bếp sưởi bất giác nghĩ quân Công Hãn trong thành cũng cần sưởi ấm lắm lắm, nên viết thư này ngỏ với chủ tướng nên tìm cách tuyệt lấy đường vận củi khô tất quân họ Kiều phải hàng. Thiển ý của Trịnh Tú.”

Lĩnh đọc xong đem thư đưa cho Lưu Cơ xem, rồi cả hai cùng cười, Lĩnh nói:

-         Quả nhiên có Trịnh Tú, Lưu Cơ ta chẳng phải lo gì, hai ngươi ở hai nơi mà đầu nghĩ cũng một chuyện, thật hay thay, kế ấy diệu lắm, nhưng ta chỉ e làm thế dân trong thành sẽ oán, đến khi lấy được rồi khó mà an, cũng cách ấy, nhưng ta nghĩ nên cho người giả làm tiều phu, tìm cách vào được trong thành làm nội ứng, Lưu Cơ thấy thế nào?

-         Chủ tướng tính thế là rất chu toàn, tôi không có ý khác.

Quả đúng như Trịnh Tú, Lưu Cơ tính toán, đang đêm, nhân lúc quân Bộ Lĩnh không vây đánh, dân trong thành Phong Châu Hạ mới được phép theo cổng thành phía Nam ra ngoài kiếm củi khô.

Đêm đó, Đinh Điền dẫn theo một trăm người ăn vận như dân thường, nhập vào đoàn tiều phu ấy cùng kiếm củi, sau đó lẩn theo vào thành mà lính canh công không hề phát giác.

Sáng hôm sau, khác mọi lần, Đinh Bộ Lĩnh đích thân dẫn quân đi vây đánh, Kiều Công Hãn ra đứng trên cổng thành trỏ xuống nói:

-         Bộ Lĩnh không lấy làm buồn chán sao?

-         Cũng có một chút!

-         Vậy sao không rút đi cho sớm, còn kịp nấu bánh chưng ăn tết?

-         Hôm nay tôi đến chào Kiều tướng quân đây.

Công Hãn nghe đến đó chợt mặt biến sắc, biết Bộ Lĩnh không phải hạng hay nói chơi, lại không trông thấy Nguyễn Bặc và Đinh Điền đâu liền thét quân giữ chặt các cổng thành.

Nhưng khi Công Hãn hiểu chuyện thì đã quá muộn, ở cổng phía Nam, lính canh bị Đinh Điền chém hết cả, cổng thành lại mở toang đón quân Nguyễn Bặc tiến vào, hai tướng lại đánh thốc tới cổng tây mở cổng cho đại quân của Bộ Lĩnh và các tướng kéo vào.

Công Hãn, Kiều Thuận thất trận phòng thủ, cùng nhau mở cổng thành phía Đông, mang theo ba ngàn quân tháo chạy.

Anh em họ Kiều nhắm hướng sông Đà mà chạy, quân Bộ Lĩnh cũng đuổi rát phía sau, cùng đường, Kiều Thuận bảo anh mình:

-         Lĩnh đang đuổi tới, chết cả hai chi bằng sống một, nay để em chặn hậu, còn anh đưa người vượt sông mà chạy.

Công Hãn nghe theo, dẫn người vượt sông, Bộ Lĩnh đem quân tới, Kiều Thuận ra chặn đánh, Thuận nói:

-         Đinh Bộ Lĩnh, hôm nay ta và ngươi một sống một còn ở đây.

-         Kiều Thuận, xưa cha ta tha mạng cho ông ở Đại La, nay ta lại đối mặt với ông ở đây, xem như họ Đinh ta và ông có ác duyên trước sau cần phải cắt.

Lĩnh nói rồi sai Đinh Liễn vào đánh, Đinh Liễn bao năm qua được Nguyễn Bặc, Đinh Điền chỉ dạy, võ nghệ cũng chẳng thuộc hạng thường. Liễn lăm lăm mũi thương tế ngựa vào đâm Kiều Thuận, Thuận nhanh tay đỡ được, nhưng bị Liễn mượn thế quật cán thương vào lưng. Thuận tức tối, quay ngựa lao vào đánh Liễn, hai bên hăng như mổ lợn tết mà mãi chưa phân cao thấp, cuối cùng Liễn vờ thua chạy, Thuận đuổi rát, nào ngờ bị trúng hồi mã thương của Liễn ngã ngựa mà chết.

Lúc đó Công Hãn đã kịp qua sông, đứng trên bờ rõ nước mắt trông em rồi tế ngựa cùng quân sỹ chạy. Đinh Liễn thưa :

-         Xin cha cho được mang quân vượt sông truy đuổi.

-         Không cần, ông ta chạy không qua nổi đất Ái Châu đâu – Bộ Lĩnh đáp –

Đinh Bộ Lĩnh quay lại hàng phục hết quân lính trong thành Phong Châu Hạ, lại mở kho lương phát cho dân chuẩn bị đón tết, dân trong vùng ai nấy đều hoàn hỷ, xong xuôi đâu vào đấy, Bộ Lĩnh cắt cử người trông coi đất Phong Châu còn mình kéo đại quân về Đại La.

Lĩnh vượt sông, cố tình đi ngang đất Đường Lâm, Ngô Nhật Khánh nghe tin cho người ra vời Lĩnh ghé thành, sứ đến mời Lĩnh im không nói chỉ dùng mũi thương gạch hai vạch chéo nhau trên mặt đất rồi lại kéo quân thẳng về Đại La. 

Về đến Đại La, nhân lúc đông đủ, Cự Lang lúc này mới đứng ra hỏi: 

- Lúc qua Đường Lâm, Nhật Khánh cho người vời sao chủ tướng đáp lại còn vẽ hai vạch chéo là ý gì ?

Bổ Lĩnh cười trông qua Lưu Cơ nói: 

- Lưu Cơ hiểu lý ấy chăng ?

- Ta đã đánh dẹp hết Cảnh Thạc đến Nguyễn Siêu và cả Công Hãn, đương nhiên đã trở thành đạo quân lớn nhất mà ai cũng phải kiêng dè. Ngô Nhật Khánh là kẻ yếu vía tất lo sợ bị quân ta đến đánh. Nay chủ tướng vờ làm vẻ bí ẩn là để Nhật Khánh sợ càng thêm sợ. Theo tôi đoán thì chẳng bao lâu nữa Khánh sẽ tự mang quân đến hàng. - Lưu Cơ nói -

- Ta quả có ý ấy, nhưng cũng chưa dám chắc mình hiểu hết con người Nhật Khánh, Nhật An, nên đợi thêm mấy ngày nữa xem sao. Sao bây giờ vẫn chưa có tin từ Ái Châu nhỉ?

Đinh Liễn đứng ra chắp tay hỏi: 

- Thưa cha, cha muốn biết tin gì từ Ái Châu vậy? 

- Tin của Lê Hoàn.

Lê Hoàn được Chân Lưu đại sư gửi gắm cho Bộ Lĩnh, Lĩnh cũng thấy Hoàn là người khí khái, sau khi rời Ái Châu thì giao cho cùng Đinh Liễn ở lại lo việc lương thảo, sau Liễn ra Động Giang hội quân, thì ở Ái Châu giao cả cho Hoàn. 

Hoàn cũng là kẻ tài ngạo trời đất, nhận lệnh ở lại trông coi Ái Châu, quân sỹ trên dưới không ai không nghe phục, Hoàn thường đưa người vào Hoan Châu, Nhật Nam mộ lính, cũng như để yên các đất ấy, nên mấy năm Bộ Lĩnh đem quân đi chinh chiến mà chẳng cần lo gì Ái Châu, Hoan Châu, Nhật Nam.

Bộ Lĩnh đuổi Kiều Công Hãn đến bờ sông Đà, đoán Công Hãn sẽ xuôi về đất Ái Châu nên viết thư gửi Lê Hoàn, thư chỉ có mấy chữ : 

"Tướng có thể giết, lính thì bắt sống cho trọn"

Hoàn nghe theo, đem lính chặn đường bày mai phục đợi Công Hãn. 

Kiều Công Hãn vượt được sông Đà thoát khỏi sự truy đuổi của Bộ Lĩnh, nhưng biết không thể quay về chiếm lại thành nữa, bèn dẫn lính theo hướng Ái Châu mà chạy, khi chay qua một đoạn đường mà một bên là vách núi đá vôi, bên kia một ngọn đồi với cây cối khá um tùm, bỗng đâu có quân ra chặn đánh. 

Tướng ra chặn chính là Lê Hoàn, Hoàn quát lớn: 

- Quân sỹ bên kia, ai muốn sống thì nên đứng dồn sang bên phải.

Nói rồi đưa tay ra hiệu, tức thời, lính bên vách núi bên trái trổ ra, sẵn sàng dùng đá ném xuống. Quân của Công Hãn hoảng sợ, đứng dồn cả về bên phải. Hoàn lúc đó lại quát lớn :

- Quân sỹ bên kia, ai muốn sống thì nên đứng dồn qua bên trái.

Nói xong lại đưa tay ra hiệu, thì trong những lùm cây trên ngọn đồi bên trái nhất tề cung thủ trổ ra nhắm nỏ và bên trái quân Công Hãn. Quân Công Hãn hoảng loạn, xô đẩy chen chúc nhau mà đứng. Công Hãn lúc này mới quát hỏi: 

- Ngươi la ai mà chặn đánh quân ta?

- Tôi là Lê Hoàn, bộ tướng của Đinh Bộ Lĩnh, chủ tướng tôi bảo tôi chờ ngài ở đây hơn 4 tháng rồi.

Kiều Công Hãn cả quân lẫn tướng nghe thế thì thất kinh, lính của Công Hãn nghe thế càng thêm hoảng loạn, buông giáo bỏ tướng quay đầu bỏ chạy. Công Hãn đứng sững, chưa biết phải thế nào thì Lê Hoàn đã tế ngựa đến toan chém, Công Hãn đỡ được, vừa đánh vừa chạy, Hoàn dừng ngựa, hiệu cho cung thủ nhắm Công Hãn mà bắn, Công Hãn đỡ được ba bốn, chẳng đỡ được chín mười trúng tên mà chết.

Lính của Công Hãn trên đường chạy lại bị chăn đánh, liền hàng cả, Hoàn bố trí cho hàng binh ấy về Phong Châu, còn mình không đợi lệnh, tự mình dẫn quân ra Đại La hội với Bộ Lĩnh.

Gặp Bộ Lĩnh, Hoàn thi lễ rồi nói:

- Tôi đã giết Công Hãn, bắt sống hết lính của ông ta lại cho về Phong Châu hết theo lời chủ tướng, đáng lẽ viết thư báo rồi chờ lệnh, nhưng thuộc hạ thấy các đất lân cận Ái Châu đều đã được yên, không cần phải trông giữ quá cẩn trọng nữa, nên mạo muội dẫn quân ra đây hội với chủ tướng, xin theo lập công.

- Tốt lắm, ngươi ra hội quân cũng hợp ý ta, trước sau gì ta cũng gọi ngươi ra thôi. 

Cuối mùa đông năm 967, sau khi Kiều Công Hãn bị Lê Hoàn giết ở Ái Châu, hai sứ Kiều Thuận, Kiều Công Hãn coi như mất, đây là trân đánh ngặt nghèo nhất của Đinh Bộ Lĩnh, cả hành quân lẫn vây đánh mất bốn tháng, thương vong gân một ngàn, thu phục gần một vạn hàng binh, yên được đất Phong Châu. Kiều Thuận, Kiều Công Hãn tuy hai mà một, chia nhau giữ Phong Châu, quân dẹp loạn đến chống cự được hơn ba tháng thì thua chạy, các tướng đều chết hết, quân sỹ thương vong gần hai ngàn, còn lại đều theo hàng Đinh Bộ Lĩnh.

Đầu mùa xuân năm 968, Đinh Bộ Lĩnh hội hết các tướng ra Đại La, bàn kế vượt sông dẹp các sứ Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê, Lã Đường. Quân của Bộ Lĩnh lúc này đã lên đến   bốn năm vạn, chia nhau đóng ở khắp các đất Phong Châu, Ái Châu, Đăng Châu, Thái Bình, Trường Yên, Động Giang, Tây Phù Liệt, nay chỉ để số ít lại giữ thành, còn lại theo các tướng ra hết Đại La. 

Quân tập trung ở Đại La lên đến gần ba vạn, khí thế nuốt càn khôn. Đương lúc Bộ Lĩnh đang nghị sự cùng các tướng, có lính vào báo: 

- Thưa chủ tướng, có Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm đến hội quân.

- Mời vào - Lĩnh nói, đoạn mỉm cười nói với Lưu Cơ - Ông đúng rồi !

Ngô Nhật Khánh nghe tin Đinh Bộ Lĩnh thắng trận ở Phong Châu, trên đường về Đại La có ngang qua Đường Lâm, bèn cho người vời vào thành, Lĩnh không đáp lại còn vạch ha vạch chéo trên đất, sứ giả về thuật lại chuyện ấy khiến trong lòng Khánh lo lắm. 

Khánh cho gọi Nhật An đến nói: 

- Anh cho người mời Đinh Bộ Lĩnh, ông ta không đáp lại còn vạch hai vạch chéo xuống đất rồi đi, em nói xem ấy là ý gì, phải chăng ông ta muốn ám chỉ thành Đường Lâm ta là mục tiêu tiếp theo?

- Điều ấy không thể võ đoán được, duy có điều, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh khắp nơi thế như chẻ tre, các sứ lớn đều bj ông ta dẹp hết cả, quân ta cũng chẳng giữ mãi Đường Lâm này được, theo em thấy nên theo hàng Bộ Lĩnh mới là kẻ thức thời.

Khánh nghe thế im lặng không nói, trong bụng dùng giằng mãi, nữa muốn giữ đất Đường Lâm tự mình làm chủ một cõi nhưng sợ thế ấy chẳng bền, Đinh Bộ Lĩnh có thể đến lấy đất này bất cứ lúc nào, đến lúc ấy lại thành giặc chưa biết chừng.

Khánh chưa hạ quyết tâm thì đã nghe tin ở Đại La, quân của Đinh Bộ Lĩnh từ khắp nơi hội về có đến gần 3 vạn, cả kinh chẳng dám kê gối nghĩ ngợi thêm, liền cùng Nhật An dẫn quân đến hội xin làm bộ tướng. 

Lĩnh mời Khánh vào, hỏi : 

- Nhật Khánh đến tìm ta có việc gì chăng?

- Lần trước có hẹn với Đinh tướng quân, thế nguy của Đường Lâm được giải liền dẫn quân theo làm bộ tướng, sau lại hiềm nhiều nỗi mà trễ hẹn ấy, hôm nay tôi đến một lòng xin theo vậy.

- Nhật Khánh giữ đất Đường Lâm riêng mình một cõi chẳng phải tốt hơn theo ta làm bộ tướng sao, lợi hại đã nghĩ thông chưa?

- Chuyện ấy vốn đã sớm không cần nghĩ, tôi trước sau một lòng kính ngưỡng muốn theo về, xin Đinh tướng quân chấp thuận cho. 

- Ngươi đã nói thế, ta cũng đành thuận lòng vậy.

Cũng đầu năm 968, Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm cả tướng lẫn quân hơn năm ngàn theo về với Đinh Bộ Lĩnh, 12 sứ quân nay chỉ còn bốn sứ, tất cả đều đóng phía mạn bắc sông Hồng. Lĩnh muốn một trận mà dẹp 4 sứ ấy thống nhất đất nước, liền nói với các tướng:

- Ta cuối năm 965 thì khởi binh, đến nay cũng đã ba năm, nhờ các tướng mà đánh đâu được đó, nay thấy các tướng và quân sỹ tuy chưa mỏi, nhưng binh biến bao năm lòng dân cũng đã mỏi, mười hai sứ quân nay chỉ còn bốn, ta muốn một trận cho xong để dân yên nước ổn, nên hội các tướng về đây cả mà luận kế. Các tướng thấy thế nào?

Lưu Cơ đứng ra nói: 

- Trong 4 sứ quân này, Nguyễn Khoan và Nguyễn Thủ Tiệp vốn đã có mối liên kết, gần đây Nguyển Thủ Tiệp lại liên kết với Lý Khuê, theo đã đó, nếu ta không nhanh đánh tới thì 4 sứ liên kết với nhau, lúc ấy khó càng thêm khó. Thiết nghĩ nên chia quân làm bốn đạo, vượt sông áp sát các thành Tam Đái của Nguyễn Khoan, Tiên Du của Thủ Tiệp, Siêu Loại của Lý Khuê, Tế Giang của Lã Đường, rồi mới tùy cơ mà ứng biến.

- Nguyễn Khoan đóng ở Tam Đái cách xa so với 3 sứ kia là không đáng lo nhất, ba sứ còn lại rất có thể họ sẽ liên kết, ứng cứu lẫn nhau khi ta tiến đánh, vì vậy ta nên cho người đóng ở giữa các sứ này. - Trinh Tú nói thêm -

- Tốt lắm. Nay ta giao cho Nguyễn Bặc, Đinh Liễn điểm năm ngàn quân tiến đánh Tế Giang của Lã Đường. Lưu Cơ, Đinh Điền điểm năm ngàn quân tiến đánh Siêu Loại của Lý Khuê. Phạm Hạp, Cự Lang lãnh năm ngàn quân tiến đánh Tiên Du của Nguyễn Thủ Tiệp. Trần Thăng, Trần Thái, Nhật Khánh điểm quân đến chặn giữa các sứ. Ta, Trịnh Tú và Lê Hoàn sẽ lãnh binh tiến đánh Tam Đái.

Mùa xuân 968, đại quân của Đinh Bộ Lĩnh vượt sông, quyết một trận thống nhất đất nước.

Kết quả thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.


Sunday, December 1, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 17

Quân Nguyễn Siêu bị đuổi rát đến mé sông thì cùng đường, may thay lúc ấy có đội thuyền nhân hơn một trăm ngang qua, Siêu và lính xin qua sông, thuyền nhân liền chịu, không ngờ đến gần giữa sông thì bị thuyền nhân dùng sào tre gạt cả xuống sông. Quân Siêu bơi vào bờ thì bị bắt sống hết, Nguyễn Bặc túm lấy Siêu, bắt giải về trại Bộ Lĩnh, Lĩnh trỏ Siêu nói:

- Ngươi hiểu tội mình không ?


Siêu đáp: 


- Đánh trận, giết tướng địch là lẽ thường sao gọi là tội.


- Thế còn đám lính của ngươi khi ấy chưa kịp chạy qua lũy phòng thủ, sao ngươi vẫn giết.


- Chí muốn xưng hùng bá thì lòng tiếc chi mấy tên nhãi tốt.


- Ngươi vì muốn tranh hùng bá mà mạng quân lính của mình cũng coi như rác, vậy khi giành được thiên hạ rồi há lại chẳng dùng máu dân để rửa ngai vàng sao.


Nói rồi Lĩnh giận, toan chém thì Nguyễn Bặc gàn xin :

- Xin chủ tướng để hắn cho tôi tùy ý xử lý.

Bộ Lĩnh gật đầu, Bặc kéo Siêu về trại, đem trói vào cột rồi sai lính canh nghiêm cẩn, ai cũng thấy lạ, cứ nghĩ Siêu sẽ chết ngay khi rơi vào tay Nguyễn Bặc. Lính cũ của Nguyễn Bồ, Đinh Thiết cả lính gốc Hoa Lư đều tụ tập trước trại Nguyễn Bặc mà hỏi :


- Chúng tôi dốc lòng đánh Nguyễn Siêu chỉ mong ngày đêm sớm được báo thù cho tướng cũ chúng tôi là Nguyễn Bồ, Đinh Thiết, nay thấy tướng quân bắt được Siêu mà không giết đi thật chẳng cam lòng.


- Ta trói hắn ở đây, cốt đợi khi toàn thắng, lúc đó sẽ cột hắn vào đuôi ngựa mà kéo đi, giễu về đất Hoa Lư bắt hắn tạ tội với dân Trường Yên rồi giết chưa muộn, có như thế lòng ta mới thỏa.


Lính nghe thế đều tạm yêu lòng.

Lại nói Nguyễn Hiền, từ khi nhận mệnh ở lại, đóng cửa thành, thủ mãi, Hiền sai cung thủ sẵn sàng ngày đêm, lại sai chất đá trên thành phòng khi quân của Bộ Lĩnh dùng thang công thành. Quân Bộ Lĩnh sợ thương vong nhiều, chỉ vây ngoài chặn đường lương thảo mà chưa dám đánh vào. Một hôm Hiền nghe tin Siêu bị bắt nhốt trong trại quân Nguyễn Bặc, liền hội các tướng tìm cách cứu Siêu.

Hôm đó, đang lúc nửa đêm, bỗng đâu có toàn lính mấy chục người đột nhập vào trại quân Nguyễn Bặc, chúng nhanh chóng hạ hết lính canh, dùng đuốc soi vào hết các trại , lúc thấy trong trại có bóng người bị trói vào cột, chúng hỏi:

- Có phải Siêu chủ tướng đấy không ?

- Ta đây, mau cởi trói cho ta.

Chúng cởi trói cho Siêu, dẫn Siêu ra khỏi trại, rồi lên ngựa, một mạch phi về Tây Phù Liệt, Nguyễn Bặc được tin cả kinh, cùng lính tế ngựa đuổi theo. Quân Siêu chạy vè gần thành thì có lính vào báo với Hiền:

- Thưa tướng quân, Siêu chủ tướng đang ruội ngựa về thành, phía sau cách một dặm, quân Nguyễn Bặc đang đuổi rát.

- Mau, mau mở cổng thành. - Hiền lệnh -

Quân Siêu còn cách thành mấy trượng thì cổng thành mở, vừa qua cỗng thành, bỗng dâu trong đám lính tháp tùng Siêu có một người tế ngựa đến gần Siêu nắm lấy cổ áo sau của Siêu ném cả người ra phía sau, trông ra thì đó chính là Đinh Điền, Siêu bị ném xuống đất hoảng hồn, lồm cồm bò dậy, lúc này Nguyễn Bặc đã kịp đuổi đến, lăm lăm cây thương lao vào Siêu, Siêu chẳng kịp tránh, thương đâm thấu ngực hộc máu mà chết.

Lính canh cổng cả kinh, lao vào đánh, bị Điền, Bặc chém hết, hai tướng cầm thương ngạo nghễ giữa cổng thành, lính của Hiền chẳng giám vào nữa, lúc này đại quân của Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang, Đinh Liễn kịp đến, cả bọn sáu người đánh thốc vào trong thành.

Lính về báo, Hiền cười khổ :

- Chẳng ngờ Nguyễn Bặc, Đinh Điền không những một thân võ nghệ mà còn một bụng hiểm kế nữa, thiên hạ này tất thuộc về Đinh Bộ Lĩnh mà thôi.

Nguyễn Hiền sai lính mở cồng thành phía nam, cùng quân chạy mãi, đến gần bờ lũy mà xưa Hiền cho đắp, bỗng đâu quân Bộ Lĩnh trổ ra, dùng nỏ nhắm vào Hiền mà bắn, chẳng thể né, mấy chục mũi tên bắn trúng Hiền, Hiền gục trên ngựa chết, quân Hiền hàng hết.

Tháng 8 năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên sứ quân Nguyễn Siêu, Lĩnh bị mất bốn tướng, lính thương vong khoảng ba ngàn, thu phục hơn sáu ngàn hàng binh. Nguyễn Siêu và các tướng đều chết cả, lính thương vong hơn ba ngàn còn lại hoặc hàng Bộ Lĩnh hoặc tản mát đi hết.


Đinh Bộ Lĩnh cho an dân đâu vào đấy, qua tháng 9 năm 967 sau khi chia người coi giữ các đất mới kéo đại quân về Đại La, đến Đại La Lĩnh họp các tướng lại bàn: 


- Sau Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu thì Kiều Công Hãn là một sứ lớn, các tướng nói xem nên dùng cách nào mới phục được sứ này?


Lưu Cơ đứng ra thưa


- Kiều Công Hãn cùng em là Kiều Thuận chia nhau giữ đất Phong Châu, Thuận lập thành ngay sau Công Hãn tạo thế ỷ dốc tiện ứng cứu lẫn nhau. Muốn phục Công Hãn phải phục được Kiều Thuận trước để cô lập Công Hãn. Lại nói đất này mặt Bắc giáp sông Hồng, mặt Nam giáp sông Đà, ta muốn đánh đều phải vượt sông, nếu không thể đánh nhanh thắng nhanh thì cả ứng cứu lẫn lương thảo quân ta đều gặt rất nhiều khó khăn. 


- Đúng như Lưu tướng quân nói, trong tình thế này chỉ còn cách hạ thật nhanh Kiều Thuận để làm lớn thanh thế, sau đó dùng kế nghi binh hòng cho Kiều Công Hãn vì sợ mà chạy ra khỏi chổ hiểm yếu của chính mình mới mong dành phần chắc thắng. - Phạm Hạp nói thêm - 


- Đất của anh em họ Kiều bốn mặt đều có sông, nếu ta theo mặt nam sông Đà mà tiến thì chỉ qua sông một lần nhưng sông ấy lại phải khúc nước xiết, đường hành quân có nhiều núi non. Còn như theo mặt bắc sông Hồng mà tiến thì phải vượt sông hai lần - Cự Lang nói thêm -

Lúc này Bộ Lĩnh mới nói gọn ý các tướng:


- Được rồi, ý các tướng ta đã rõ, nay quân ta phải đóng giữ khắp nơi chỉ có thể kéo gần một vạn quân đi đánh anh em họ Kiều, trong khi quân Phong Châu cũng phải hơn một vạn 5 ngàn, vì vậy khi lâm trân phải ứng biến cho khéo mới mong giành thượng phong. Nay ta giao cho các tướng chia quân làm hai đạo, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền điểm 5000 quân vượt sông Hồng theo bờ sông mà hành quân. Ta cùng Phạm Hạp, Cự Lang sẽ điểm 5000 quân men theo sông Đà mà tiến quân. Đinh Liễn áp tải lương thảo theo đại quân còn Trịnh Tú ở lại giữ Đại La chi viện khi cần. 



Lại nói chuyện Kiều Công Hãn, từ sau khi Ngô Vương tạ thế, Dương Tam Kha lộng quyền thì ở mãi đất Phong Châu chẳng chịu ra ngoài, cũng không nghe lệnh triều đình, sau khi Tấn Vương mất Công Hãn chiêu mộ thêm quân sỹ, tự mình lập sứ cũng cốt chỉ mong giữ đất Phong Châu mãi cho họ Kiều.

Tuy nhiên Kiều Thuận, em Công Hãn thì lại không thế, Thuận từ sau khi bị Ngô Vương đuổi chạy khỏi thành Đại La, trong lòng vẫn chưa phục, vẫn muốn mang họ Kiều thêm lần nữa đến với ngôi cao.

Thuận về Phong Châu, xây thành cất lũy cùng với Công Hãn tạo thế ỷ dốc nhưng hễ có cơ hội y liền thuyết phục Công Hãn đem binh ra ngoài. Lúc Đinh Bộ Lĩnh đem quân qua Đăng Châu, Thuận bàn với Công Hãn đánh lấy Đường Lâm của Ngô Nhật Khánh sau đó chiếm luôn Động Giang nhưng Công Hãn chẳng nghe.

Nay bỗng đâu có tin Đinh Bộ Lĩnh đang đem quân đến đánh, Thuận từ thành Phong Châu Thượng đến chổ Công Hãn trách:

-    - Trước anh không nghe em, giờ Lĩnh kéo quân gần tới rồi, biết làm sao ?

-    - Đất Phong Châu này trăm năm nay của họ Kiều ta, chí anh chỉ mong giữ mãi đất này, chẳng mong làm chuyện lớn lao. Huống chi, Đinh Bộ Lĩnh là con rồng lớn đang buổi vẫy vùng, ta giữ đất này đã khó, mong gì tiến đánh đất của hắn.

-    - Anh có kế gì ứng phó chưa ?

-    - Đất Phong Châu này 3 mặt giáp sông, lưng dựa núi, quân Lĩnh đến thì dễ nhưng muốn ở lâu thì khó vì quân chi viện hoặc tiếp lương chắc chắn phải vượt sông, ta chỉ cần giữ vững hai thành, lại ngăn quân chi viện tiếp lương thì chỉ trong hơn một tháng là Lĩnh phải rút.

-     - Cụ thể thế nào?

-     - Lĩnh đến tất sẽ vây thành Phong Châu Thượng của em, đánh nhanh thắng nhanh để phá thế ỷ dốc, hòng cô lập anh cuối cùng phá Phong Châu Hạ, lúc đó em cứ đóng kín cửa thành, đừng ra đánh, chuyện còn lại để anh lo.

Kiều Thuận biết anh mình xưa nay tính toán luôn chu toàn trước sau nên không thắc mắc gì thêm, về thành chuẩn bị đón quân Bộ Lĩnh.

Hai đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh hành quân hơn nửa tháng thì kịp đến, vượt sông hội với nhau trên đất Phong Châu Thượng, Bộ Lĩnh lệnh cho toàn quân ngay trong đêm đến vây thành của Kiều Thuận.

Quân của Kiều Thuận đã có chuẩn bị từ trước, thủ mãi ở trong thành không ra đánh, mặc cho Bộ Lĩnh vây ráp khiêu khích ở bên ngoài. Không đánh vào được Lĩnh đành phải cho quân rút ra dựng trại đóng lại cách thành mấy dặm.

Hơn năm sáu ngày sau, Kiều Thuận thủ riết, Công Hãn án binh bất động, Đinh Bộ Lĩnh cứ vây đánh trong vô vọng như vậy. Ngày thứ 7, đang đêm, Đinh Bộ Lĩnh lại cho quân đến vây thành của Kiều Thuận, đang chưa có cách nào công thành, thì có lính đến báo:

-         Thưa chủ tướng, Đinh Liễn tướng quân áp tải lương thảo vừa đến thì bị tướng của Kiều Công Hãn là Kiều Chấn mang quân đến đánh cướp. Đinh Liễn tướng quân sai thuộc hạ đến báo đẻ chủ tướng kịp có đối sách.

-         Ngươi quay lại nói với Đinh Liễn, cứ y kế mà làm – đoạn quay qua nói với các tướng – Cơ hội đến rồi !

Lại nói Đinh Liễn, được Bộ Lĩnh giao cho áp tải lương thảo, Liễn được Bộ Lĩnh lệnh phải chủ động đến trễ hơn đại quân bảy ngày.

Đang đêm, vừa lúc mang hết lương thảo từ bên bờ bên kia qua sông thì đã bị Kiều Chấn từ đâu mang quân đến tập kích, Liễn bị bất ngờ cự được một lúc đành phải bỏ lại lương thảo mà chạy.

Kiều Chấn cướp được lương thảo, mang hết về thành, về đến thành vừa lúc tờ mờ sáng, quân ở trong thấy cờ của Chấn liền mở cổng, Chấn tế ngựa vào, nào ngờ từ hai bên Phạm Hạp, Cự Lang mang quân đánh theo vào.

Kiều Chấn giật mình cả kinh, biết bị trúng kế, vội quay ngựa thét quân đánh thốc trở ra. Chấn vừa ra đến cổng thì Phạm Hạp, Cự Lang đã đánh tới, Chấn vừa tả xung hữu đột, cố sức đánh lui hai tướng vừa gào lính đóng cổng thành lại.

Đánh được một lúc, Phạm Hạp vung trường đao đánh bay thương của Chấn, liền lúc đó Cự Lang đâm thương tới, Chấn trúng thương vào bụng, liền dùng tay giữ chặt thương không cho Cự Lang rút thương ra, lại bị đao của Phạm Hạp xả xuống vai.

Chấn lúc này đau đớn tột cùng nhưng vẫn cố gắng dùng chút sức tàn cản bước hai tướng, cho đến khi cổng thành đóng, Chấn mới gục chết.

Bộ Lĩnh chứng kiến cảnh ấy, chỉ biết lắc đầu, gọi hai tướng Phạm Hạp, Cự Lang rút quân ra, lúc ấy trời vừa sáng, Kiều Công Hãn đứng trên cổng thành nói xuống:

-         Bộ Lĩnh cớ sao mang quân xâm phạm đất Phong Châu của họ Kiều ta?

-         Đất chung của người Việt làm gì riêng của họ nào?

-         Ta đâu có động đến Bộ Lĩnh?

-         Ngài không có nửa ngón tay chạm đến tôi, nhưng tôi xem nước phải thống nhất mới vững mạnh, xưa ngài cùng cha tôi, Ngô Vương đánh giặc chẳng phải là vì ý ấy ư?

-         Ta không nghĩ nhiều thế đâu, bờ cõi không yên đất Phong Châu tất liên lụy nên ta theo Ngô Vương đánh giặc, nay bờ cõi đã định, ta chỉ muốn giữ lấy đất của mình.

-         Vì cái nghĩ không cùng như thế, nên tôi phải mang quân đánh ngài vậy.

-         Được, ta xem chúng ta phải một phen đao kiếm. Dám hỏi Bộ Lĩnh sao biết ý ta mà tương kế tựu kế ?

-         Tôi mang quân đến, các tướng của tôi nghĩ phải đánh Phong Châu Thượng để phá thế ỷ dốc, ngài cũng nghĩ tôi sẽ đánh Phong Châu Thượng, tôi chiều theo ý các tướng và ý của ngài mà đánh Phong Châu Thượng dẫu biết ở đó đã có chuẩn bị, đánh vào không được.

-         Sao biết thế mà vẫn đánh ?

-         Tôi chiều theo ý ngài, thì ngài mới chiều ý tôi chứ. Tôi vờ đánh Phong Châu Thượng mà kỳ thực trong lòng muốn lấy Phong Châu Hạ trước, nhưng đánh riết mấy ngày, Phong Châu Hạ án binh bất động, đành phải đợi quân áp tải lương thảo đến.

-         Sao phải đợi như thế?

-         Ngài xưa theo Ngô Vương thường được giao cho trọng trách đốc thúc lương thảo, như người thợ rèn nhớ búa, người thợ săn nhớ cung, lúc đánh trận ngài tất nghĩ chuyện cướp lương thảo của đối phương trước. Tôi nhân đó, cho quân cắm cờ xí nghi binh vờ vây đánh Phong Châu Thượng, còn mình kéo đại quân đến đây.

-         Quả nhiên thiên hạ đồn chẳng sai, Bộ Lĩnh đúng là dụng binh rất giỏi.

-         Chỉ tiếc rằng, Kiều Chấn anh dũng hơn người, nên kế hoạch của tôi phải có chút thay đổi.
-         Thay đổi thế nào?

Bộ Lĩnh cười đáp:

-         Ngài sẽ sớm biết thôi.

Nói rồi hiệu cho toàn quân dạt ra hai bên, tạo thành lối trống từ ngoài đến cổng thành Phong Châu Hạ, đúng lúc đó có một tướng dẫn hơn hai ngàn quân nhắm hướng cổng thành thốc ngựa chạy tới, phía sau một tướng khác đang đuổi rát, trông ra thì là Kiều Thuận chạy còn Đinh Điền đuổi.

Kiều Thuận năm sáu ngày bị vây đánh, an tâm thủ trong thành, nào ngờ đến sáng ngày thứ bảy đứng trên thành trông ra thấy chỉ toàn là cờ xí và giả binh, nghĩ bụng, Đinh Bộ Lĩnh bày nghi binh ở đây, chắc chắn đang vây đánh Phong Châu Hạ, liền điểm binh đến định phối hợp với quân Phong Châu Hạ một trận mà lui quân Lĩnh.

Thuận vừa kéo quan qua đất Phong Châu Hạ bỗng đâu quân Đinh Điền trổ ra đánh tập hậu, Thuận không có đường rút, đành nhắm thành Phong Châu Hạ mà chạy, Đinh Điền được thế đuổi riết, lùa quân Thuận như chăn vịt.

Thuận chạy đến, Công Hãn vội cho người mở cổng thành, Đinh Bộ Lĩnh lệnh cho các tướng đánh theo vào một lần nữa, Đinh Điền đánh rát phía sau, hai bên tả hữu Phạm Hạp, Cự Lang đánh bừa qua, hậu quân của Thuận tan tác cả.

Phạm Hạp, Cự Lang theo Đinh Điền đuổi đánh đến cổng thành, Thuận chạy được vào trong, đúng lúc đó trong thành lại có một tướng rất dũng mãnh đánh bật quân Bộ Lĩnh ra, đó chính là Kiều Hưng em của Kiều Chấn.

Hưng và Chấn theo dưới trướng Công Hãn cả hai đều võ nghệ tinh thông, sức địch muôn người, trung thành một dạ. Chấn vừa hi sinh giữ cổng thành, nay Hưng vì muốn bảo vệ Kiều Thuận mà một mình dẫn quân lao ra cự với cả ba tướng cửa Bộ Lĩnh.

Đinh Điền hiệu cho Phạm Hạp, Cự Lang đánh vào cổng thành, còn mình đối phó với Kiều Hưng. Hưng đấu với Điền được vài chiêu, quay ra sau thấy Phạm Hạp, Cự Lang đã giáp cổng thành, đành bỏ Điền tế ngựa đến, vung đao toan chém Phạm Hạp.

Phạm Hạp xoay ngươi đưa cán trường đao lên đỡ được, hất lưỡi đao của Hưng ra lại nhân thế chém ngang, Hưng phải rụt người mà tránh. Cự Lang đánh đến cổng thành đã gần đóng kín, Lang xáp lại thì Kiều Thuận ở trong lệnh cho lính đâm thương trở ra, Cự Lang không còn cách nào, đâm bừa thương vài cái rồi đứng nhìn cửa thành đóng lại.

Kiều Hưng thấy thế vừa mừng vừa lo, kéo cương, quát lính đánh ra mở đường máu để chạy, quân Bộ Lĩnh vây kín, Hưng trông ra phía Bắc là vòng vây mỏng nhất, nên kéo quân đánh về hướng ấy.

Nào ngờ đánh tới thì Nguyễn Bặc đã án ngữ sẵn từ khi nào, Bặc cầm thương quất ngựa lao thẳng vào Hưng, Hưng vung đao toan chém, Bặc thúc ngựa chạy nhanh hơn thoát được nhát đao ấy trong tích tắc, xoay người như chớp, dùng thương đâm tới phía sau lưng của Hưng.

Kiều Hưng không kịp phản ứng, trúng một thương bên mạng sườn phải, bấm bụng chịu đau, thúc ngựa chạy, lúc đó có một tráng sỹ chẳng giáp chẳng thương, để mình trần lao về phía Hưng, dùng hai tay đẩy Hưng cả người lẫn ngựa ngã nhào, Hưng chịu không nổi, hộc máu mà chết. Tráng sỹ ấy, chính là Đinh Điền.

Bộ Lĩnh cho lệnh rút quân, đem xác Kiều Hưng, Kiều Chấn chôn cất đàng hoàng trước cổng thành Phong Châu Hạ, Lĩnh than:

-         Nếu không có hai ngươi thì ta lấy được Phong Châu rồi, bây giờ chắc phải đợi hết mùa đông.

-         Cũng may, họ không phải người của Nguyễn Siêu hay Cảnh Thạc. – Lưu Cơ nói thêm vào –

Về đến trại, Bộ Lĩnh lệnh cho Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, đến hội với Đinh Liễn lấy thành Phong Châu Thượng mà Kiều Thuận bỏ lại, còn mình và các tướng lại bàn nhau vây đánh Phong Châu Hạ.

Thành Phong Châu Thượng không còn chủ tướng, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Liễn đến lấy như lấy đồ trong túi, chỉ vây hơn hai ngày thì quân trong thành ra hàng hết ráo. Được thành, cả bọn bàn với nhau đến hội quân giúp Bộ Lĩnh phá Phong Châu Hạ, đang lúc mưu sự dang dở thì lính báo quân Lĩnh kéo về đến.

Thì ra, Kiều Công Hãn bị mất hai mãnh tướng, từ đó thủy chung đóng cổng thành không ra đánh, lại cho cung thủ sẵn sàng trên thành, khiến cho quân Lĩnh vây riết mấy ngày trời mà không dám đánh vào. Cuối cùng không có cách nào xoay chuyển tình hình Lĩnh đành kéo quân về Phong Châu Thượng.

Từ đó, cứ cách vài ngày, Lĩnh lại sai các tướng thay phiên đem quân đến đánh, nhưng Công Hãn vẫn bền chí bền gan thủ mãi, hơn hai tháng ròng rã, chẳng bên nào bắn ra một mũi tên, cứ quân Lĩnh kéo đến lại kéo về, còn quân họ Kiều không mảy may muốn đánh.
Kiều Thuận nóng ruột bàn với anh:

-         Thủ mãi như vậy, chi bằng đang đêm ta mang quân tập kích, quân Lĩnh đã hơn hai tháng chỉ đến vây rồi về chắc đã lơi là phong thủ.

-         Em chớ xem thường Bộ Lĩnh, trước đây phá quân hai thôn Đường Nguyễn, Lĩnh còn vờ thiếu lương dụ quân hai thôn ra mà bắt trọn, lính của Lĩnh đều có kỷ luật đâu dễ gì lơi là cảnh giác. Ta hai lần mở cổng thành là hai lần mất tướng không thể khinh suất thêm được.

-         Chẳng lẽ đợi mãi như vậy?

-         Ta nóng ruột, quân Lĩnh cũng vậy, mùa Đông mưa dầm, quân vây đánh càng dễ nản lòng, ta thì gan với Lĩnh thì ta ở thế thượng phong chứ chẳng phải hạ, cầm cự được hơn hai tháng là đang thắng chẳng phải đang thua, em vội cái gì. Giữ thành cho khéo, không quá 1 tháng nữa Lĩnh tất phải rút, khi đó truy kích chưa muộn.

Lại nói quân Đinh Bộ Lĩnh ở Phong Châu Thượng cũng đang rối bời, Đinh Liễn báo:

-         Quân lương lần trước bị cướp hết mà tựu kế không thành, lương thảo do Kiều Thuận để lại chỉ đủ dùng trong một tháng nữa, với tình hình này, không sớm phá được Phong Châu Hạ chúng ta buộc phải rút quân thôi.

-         Gần đây trời rét đậm, lại thêm mưa dầm, cứ vài ngày lại phải đi vây đánh trong vô vọng, quân sỹ của ta đang hết sức chán nản, xin chủ tướng cân nhắc – Cự Lang nói thêm –

Bộ Lĩnh lúc này mới trầm ngâm đáp:

-         Lần trước vây thành Thanh Oai của Cảnh Thạc cũng vào đúng mùa đông, nhưng khi ấy ta gần Ái Châu dễ tiếp lương, lại vây đánh trong thế nhàn chủ động, lần này đúng là tình thế khác hẳn. Nếu không có kế sách hay chắc chắn phải rút quân thôi.

***


Muốn biết Đinh Bộ Lĩnh xử trí thế nào, xem hồi sau sẽ rõ. 

Sunday, November 17, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 16

Theo kế của Bộ Lĩnh, bọn Nguyễn Bồ đem rơm khô chất thành đống, mỗi đống gần nửa trượng, cứ cách một trượng thì có một đống, lại cho chất ít rơm ướt lên. Hôm đó, lính do thám về báo quân Trần Côn, Khánh Trí chỉ còn cách hai dặm, Bồ sai người đốt lửa, lại cho cung thủ sẵn sàng, Khánh Trí vốn là tướng trẻ ít kinh nghiệm trận mạc, thấy khói mù trời vẫn thốc quân tiến mãi.

Tiền quân của Trí, Côn vừa lú khỏi đám khói, hàng ngàn mũi tên đã lao tới, người ngựa té nhào hết cả, Trần Côn múa thương gạt tên ra hết, lúc đó Nguyễn Bồ tế ngựa đến vung trường đao chém ngang, Côn ngã người trên mình ngựa né được, lại vỗ ngựa chạy qua xoay người nhắm vai Bồ mà chém, lưỡi đao chưa đến thì đã Nguyễn Phục ở ngoài tế ngựa vào đỡ được.

Phục khỏe hơn theo đà đè đao của Côn xuống, Côn cố sức rút mãi chẳng được, bất ngờ Phục buông đao, Côn theo trớn ngửa người lên, vô tình để lộ điểm yếu, đúng lúc đó lưỡi đao của Nguyễn Bồ tìm đến. Côn gục chết trên ngựa, Khánh Trí lúc này đang mãi đánh với Đinh Thiết, Cao Sơn trông qua thấy Côn thua, nhìn lại sau thấy quân mình tan tác hết liền quay ngựa bỏ chạy.

Đinh Thiết, Cao Sơn đang đánh, thấy Trí bỏ chạy, vỗ ngựa theo, nào ngờ chạy được một đoạn, Trí xoay người dùng nỏ bắn lại, Đinh Thiết không kịp tránh trúng tên ngã ngựa mà chết. Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục từ xa thấy cả giận, thét quân đuổi rát, cả lính lẫn trướng của Trí thấy nộ khí cắm đầu chạy.

Trí càng chạy, bọn Nguyễn Bồ càng đuổi, vừa say trận vừa say giận cứ mãi miết đuổi mà không biết đã qua đất Tây Phù Liêt tự lúc nào. Khi Trí vừa lao ngựa qua một bờ đất mới đắp thì phía bên kia lính của Nguyễn Siêu trổ lên dùng nỏ mà bắn, cả quân Trí chưa qua khỏi bờ lũy lẫn tiền quân của bọn Nguyễn Bồ đều chết hết. Nguyễn Phục, Cao Sơn chống được một lúc cũng trúng tên chết cả, Nguyễn Phục gào lên động cả đất trời, lao ngựa đến cắp lấp xác em mình và Cao Sơn rút chạy, được một đoạn cũng trúng tên vào lưng.

Hậu quân còn hơn hai ngàn, mang xác 3 tướng và dìu Nguyễn Bồ về thành Đăng Châu, Bộ Lĩnh và các tướng nghe tin chạy như bay từ trong thành ra ngoài đón. Thấy Lĩnh ra, Bồ quỳ phục xuống lạy một cái, rồi trông qua Nguyễn Bặc nói :

- Anh thấy Đinh Thiết bị Khánh Trí bắn chết, cả giận đuổi sang đất Tây Phù Liệt bị mai phục liên lụy đến em Phục và Cao Sơn. Nay anh không còn được lâu, em phải đem sức mà phò chủ tướng thay cho anh và em Phục.

Nói xong thổ huyết mà đi.  Bộ Lĩnh ngửa mặt lên trời ngăn không cho nước mắt rơi, còn Nguyễn Bặc lặng thinh không nói, khụy xuống ôm lấy anh mình.

Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục vốn là anh và em ruột của Nguyễn Bặc, còn Đinh Thiết là em của Đinh Điền, xưa nay việc huấn luyện binh sỹ ở Hoa Lư, Bộ Lĩnh đều giao cho bốn tướng này cả mà chẳng bận lo gì, nay bốn tướng chết đi chỉ trong một trận, lòng Bộ Lĩnh tiếc thương bao nhiêu càng căm hận Nguyễn Siêu bấy nhiêu.

Lĩnh cho làm tang rất hậu, nhưng từ đó án binh bất động, các tướng không biết là chủ ý gì. Một hôm Lĩnh gọi bọn Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang ra tản bộ bên bờ sông, Lĩnh nói:

- Việc huấn binh, xưa nay ta giao cả cho Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn mà chẳng cần lo, nay bốn tướng chết trong tay quân siêu mà ta lại án binh bất động tất trong lòng các ngươi có nhiều nghi.

Lĩnh lúc này trông qua Nguyễn Bặc, Bặc im lặng không nói, Lĩnh lại tiếp:

- Ta biết ngươi cũng như Đinh Điền  rất nóng lòng báo thù, nhưng ta xem Nguyễn Hiền không phải là kẻ vừa, bên hắn sợ ta báo thù tất hiến kế bày mai phục khắp nơi, nay ta vì giận mà tiến quân khác nào nướng quân, đó là bài học của Nguyễn Bồ vậy, lỡ như ta mất một trong số các ngươi hay Đinh Điền hay Trịnh Tú ta biết làm sao.

Nguyễn Bặc lúc này mới đứng ra nói:

- Thuộc hạ chỉ mong sớm lấy đầu Nguyễn Siêu, nhưng một lòng tin vào chủ tướng, nay chủ tướng đem tâm sự ra nói chắc là đã đến lúc xuất quân?

- Bây giờ đã là tháng 7, ta xem chẳng mấy ngày nữa là vào mùa bão, bão vừa tan nhân đó tiến quân tất phá được cơ quan mai phục, lại nữa, nếu ta vây thành Nguyễn Siêu sợ phải vượt sông qua mà hội với Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, sau bão tất có lũ, hắn muốn vượt sông cũng phải đợi mấy ngày, ta xáp lại mà đánh lại lo gì không thắng, đầu Nguyễn Siêu, Nguyễn Hiền khi đó dành cho ngươi và Đinh Điền.

- Xin chủ tướng cho lệnh điểm binh ! - các tướng đồng thanh-

- Nay Nguyễn Bặc làm tiên phong lãnh năm ngàn quân ra đóng ở gần Tây Phù Liệt, Lưu Cơ, Phạm Hạp và ta sẽ cầm đại quân phía sau. Cự Lang mang thư của ta về Động Giang trao cho Trịnh Tú, Đinh Điền rồi ở lại trợ giúp cánh ấy.

Các tướng được lệnh, tức tốc điểm binh, mong sớm báo thù.

Phần quân Nguyễn Siêu sau khi hạ được bốn tướng của Bộ Lĩnh không những không vui thắng trận lại ngày đêm lo sợ Bộ Lĩnh đem đại quân báo thù, đem sự ấy nói với các tướng:

- Chẳng chóng thì chày quân Bộ Lĩnh cũng sang báo thù, Bộ Lĩnh cầm quân chẳng phải như bọn Nguyễn Bồ, trong tay hắn lại có đại quân, các ngươi nói nên thế nào?

Nguyễn Hiền đứng ra thưa:

- Vẫn là câu ngồi đợi không bằng hành động trước, ta nay gia cố cơ quan mai phục ở phía Đăng Châu, lại tiến đánh Động Giang để làm suy yếu cánh quân này, khi chúng kéo vào tất ta cự được.

Khánh Trí nghe thế liền chắp tay:

- Xin chủ tướng cho tôi lãnh binh đi đánh Động Giang.

Nguyễn Siêu thuận tình, cho Khánh Trí dẫn năm ngàn quân.

Trí dẫn quan đi, đến một ngọn đồi nhỏ biết bên kia là đất Động Giang, Trí sai đóng lại mé bên này đồi, nghĩ rằng đợi khi gần sáng sẽ kéo quân qua đánh bất ngờ. Sáng hôm sau, quân Trí vừa xuống đến chân đồi chưa kịp chỉnh đốn đội  hình thì đã thấy Trịnh Tú, Cự Lang, Đinh Liễn mang quân đến chặn.

Bọn Trịnh Tú, Đinh Liễn, Đinh Điền ở lại giữ Động Giang, chờ lệnh phạt Nguyễn Siêu, nào ngờ giữa yên lành tin dữ Đinh Thiết, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Cao Sơn tử trận về đến, Đinh Liễn, Đinh Điền toan mang quân qua báo thù, Trịnh Tú gàn mãi chưa được thì Cự Lang mang thư Bộ Lĩnh đến. Thư viết:

"Nguyễn Bồ vì cả giận, mang quân qua Tây Phù Liệt mà gặp họa, ta xót thương vô cùng, nay nếu các ngươi cũng cả giận mà làm chuyện tương tự, sa vào lưới của Nguyễn Hiền thì ta biết phải làm sao? Ta xem qua mấy trận vừa rồi thấy Nguyễn Hiền dụng binh, thích lấy chủ động làm trọng, tất không lâu nữa sẽ mang quân qua đánh Động Giang, Trịnh Tú làm chủ cắt cử người giữ thành và điều binh đi chặn đánh cho khéo. Lui được quân ấy, thì đóng lại, theo  kế ta bày Cự Lang chờ khi tiến quân vây thành của Nguyễn Siêu."

Trịnh Tú y lệnh, cắt lại mỗi thành hơn 500 quân để giữ, còn lại cho Đinh Điền làm tiên phong lãnh ba ngàn quân còn mình và Đinh Liễn, Cự Lang dẫn đại quân theo sau. Quân đến ngọn đồi ngăn giữa hai đất Động Giang, Tây Phù Liệt, Đinh Điền mang quân lên đỉnh đồi đóng chiếm cao điểm, nhưng khi thấy tướng giặc là Khánh Trí, kẻ giết em mình, Điền sợ từ trên đánh xuống Trí chạy mất, bèn cho quân tản đi.

Quả nhiên Khánh Trí mang quân đến không thấy gì khả nghi, yên dạ cho quân đóng lại rồi vượt đồi vào sáng hôm sau. Lúc này Cự Lạng, Đinh Liễn, Trịnh Tú ra chăn đánh, Trí trông lên đã thấy Đinh Điền ngất ngưởng trên đỉnh núi, Trí trong dạ kêu khổ, đành làm bạo thúc quân tới đánh bọn Trịnh Tú.

Vừa tế ngựa đến đã gặp Cự Lang ra chặn, Trí chém tới, Lang vỗ ngựa đến đỡ, khi ngựa vừa qua lại trở thương đâm ra sau, thương đi xượt qua mạn sườn của Trí, Trí thất kinh nửa tức tối, quay ngựa lại đuổi Cự Lang toan chém, Lang ruổi ngựa về phía ngọn đồi, Trí cũng chạy theo, đúng lúc đó, Đinh Điền ở trên đỉnh đồi nhảy phóc xuống ngựa, cầm một cái sào tre dài lao xuống nhăm thằng Trí mà chạy.

Trí mải đuổi Cự Lang, lúc sau trông lên thì quá muộn, sào tre của Đinh Điền lao đến đâm vào bụng Trí, hất Trí bay xa mấy trượng, Đinh Điền chồm đến như con hổ lớn, ngồi lên bụng Trí cắm sâu con dao vào tim hắn. Trí trợn mắt nhìn Điền mà chết.

Quân của Trí thấy tướng mình chết trong tình thế đang bị vây kín, lại được Trịnh Tú kêu gọi nên hàng cả. Trịnh Tú định yên hàng binh thì cho đóng lại mé sườn đồi bên Động Giang.

Nguyễn Siêu nghe Khánh Trí chết thì cả kinh, sai người đắp lũy phía Động Giang phòng quân Trịnh Tú. Cuối tháng 7 năm ấy, trời bão lớn quân Bộ Lĩnh cả hai cánh nhân đó tiến quân, quân đến các lũy mà Siêu cho đắp, lúc này bùn lầy đã lên nửa ống chân, quân Siêu tản đi tránh bão gần hết, chỉ còn vài chốt, Nguyễn Bặc sai tiền quân cầm khiên gỗ đi trước, đến nơi cho gác lên chổ bùn lầy mà tiến, quân Lĩnh qua lũy như chẻ tre.

Hai đạo quân lớn của Đinh Bộ Lĩnh vượt hết cơ quan mai phục của Siêu, tiến gần đến thành Tây Phù Liệt, Siêu cuống bàn với Nguyễn Hiền:

- Hai cánh của của Bộ Lĩnh đã sát thành, nay ta lãnh một nửa quân, vượt sông tìm hai em ta cầu viện, còn ngươi ở lại cố gắp giữ lấy thành.

Hiền chịu lệnh, ở lại giữ thành, Bộ Lĩnh kéo đến sai Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang, ở lại vây thành, còn mình cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Đinh Liễn đuổi riết lấy Nguyễn Siêu.

Siêu thúc quân chạy đến bờ sông Hồng đang lúc nửa đêm lại thấy nước dâng cao chảy mạnh, chưa dám vượt sông, sai quân đóng lại cách bờ 1 dặm, đợi sáng ra mới tính. Nào ngờ đến gần sáng Nguyễn Bặc, Đinh Điền kịp đến sai người phóng lửa đốt hết trại, quân Siêu hoảng loạn chạy mãi ra sát mé sông. Lĩnh đuổi đến, sai quân đứng lại, Đinh Liễn thắc mắc hỏi:

- Sao không cho đánh tới thưa cha ?

- Không nên, cùng quân thì đánh càn, lối thoát của chúng đã tận, ta tới tất chúng liều mình mà đánh, dẫu có thắng mà máu đổ nhiều cũng đâu có hay.

- Thế phải làm sao thưa cha?

- Đợi chút nữa tất có kịch hay.

Lĩnh vừa dứt lời, trông ra đã thấy một đội thuyền nhân hơn một trăm chèo độc mộc tiến gần quân Nguyễn Siêu, Siêu như vớ được vàng gọi thuyền nhân đến xin qua sông, thuyền nhân chịu nghe. Siêu lên thuyền trước, quân lính chia nhau lên sau. Đi được gần nửa sông, bỗng nhiên thuyền nhân dùng sào tre gạt quân Siêu xuống sông cả, lúc đó một thuyền nhân cởi nón lá ra cười ha hả, trông ra thì là Phạm Bạch Hổ.

Quân Siêu đạp nước bơi vào bờ thì đã thấy giáo chỉa vào cổ, Siêu bị Nguyễn Bặc bắt sống.

Bặc xử thế nào với Siêu, xem hồi sau sẽ rõ.












Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 15

Phạm Bạch Hổ từ sau khi Ngô Vương mất, Tam Kha phế Xương Ngập thì ở mãi đất Đăng Châu chẳng chịu lệnh triều đình nữa, duy có hai lần động binh đều là theo kế của Bộ Lĩnh. Năm 965,Tấn Vương mất, các sứ quân nổi lên khắp nơi, Hổ cũng tự mình lập sứ xưng là Phạm Phòng Át cốt để các sứ khác không xâm lấn.

Nhưng trời chẳng thuận lòng người, Nguyễn Siêu đóng ở Tây Phù Liệt gần với đất của Phòng Át, Siêu lại theo thói người Phương Bắc muốn xưng hùng xưng bá, kết với hai em là Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Khoan đánh lấn ra ngoài. Siêu thường sai quân đang đêm đánh qua đất Đăng Châu, đánh đến đâu lại lập đồn trại đến đó, Bạch Hổ vì thế phải mang quân đánh trả.

Bạch Hổ tuy đã 57 tuổi nhưng một đời võ nghệ nên thân thủ vẫn rất lanh lẹ, cơ thể rắn chắc, dũng mãnh chẳng vơi, Hổ vốn cũng là kẻ túc trí nên quân Siêu đánh lấn đến đâu Hổ đòi lại bằng hết, cứ thế giằng co mãi mà chưa bên nào chịu nản.

Có lần Siêu sai Trần Côn dẫn hai ngàn quân đánh sâu vào đất Đăng Châu, quân Hổ ra nghênh đánh, được một lúc thua chạy, Côn được thế đuổi riết. Côn đuổi đến mội cánh đồng đang mùa gặt thì bỗng đâu quân của Hổ từ các đụn rơm khô trổ ra đánh, Phạm Bạch Hổ tế ngựa lại gần, trở cán thương giáng xuống đầu Côn, Côn đỡ được nhưng vì lực đánh quá mạnh mà hai tay tê dại run lẩy bẩy, thất kinh, Côn kéo cương ngựa quay đầu bỏ chạy.

Quân Trần Côn khi ấy chết gần nửa, thấy tướng chạy như lánh tà cũng chạy theo, chạy được hơn mười dặm, chưa kịp hoàn hồn thì có một tướng trẻ dẫn một ngàn quân ra chặn đánh, Côn quát hỏi:

- Ngươi là ai, hà cớ chi chặn đường quân ta ?

- Ta là Phạm Cự Lang, cháu của Phòng Át, ngươi đánh lấn đất chú ta, tất nhiên ta phải lo.

Nói rồi thúc quân xáp lại đánh, quân Côn vừa mất vía, nay lại thêm trận, chẳng đánh cũng tự tan, chia nhau chạy, Côn chưa biết làm sao đã thấy mũi thương của Cự Lang nhắm yết hầu lao tới. Côn nghiêng đầu né được trong gang tấc, Cự Lang thuận tay chém ngang làm mũ của Côn bay xuống đất, Côn dính đòn choáng váng, mặt mày sây sẩm, chẳng dám đánh lại thúc ngựa chạy.

Hai vố suýt chết làm Côn chẳng dám ngoảnh đầu lại, một mạch cùng mấy trăm tàn quân kéo về Tây Phù Liệt, gần đến đất mình tưởng đã yên, nào ngờ lại có một tướng trẻ ra chặn, Côn Lại hỏi:

- Ngươi lại là ai ?

- Ta họ Phạm, tên có một chữ là Hạp, anh trai của Phạm Cự Lang, em ta muốn lấy đầu ngươi mà chưa đặng được nên ta đến giúp.

Côn nghe đến họ Phạm thì tá hóa, chẳng dám vào đánh, lệnh cho lính tiến lên chặn, còn mình thúc ngựa chạy, Phạm Hạp lấy ngọn giáo của người lính bên cạnh phóng về phía Côn, giáo đâm đúng vào cổ ngựa. Côn theo ngựa ngã té nhào, lật đật bò dậy cứ thế cắm đầu chạy, Hạp chỉ nhìn theo cười chẳng đuổi.

Côn về thành, thuật mọi sự với Siêu, Siêu chưa nói gì, thì Nguyễn Hiền đứng ra thưa:

- Một Phạm Bạch Hổ ta đã khó đối phó, nay lại mọc đâu ra Phạm Hạp, Phạm Cự Lang, họ Phạm được thế tất cùng nhau đến đánh ta, chi bằng ta điều đại quân trấn giữ trước để chiếm thượng phong.

Siêu cho là phải, phong cho Nguyễn Khánh Trí làm tiên phong, Trần Côn làm tá dực, Nguyễn Hiền làm tổng quản, điểm binh ra trấn gần đất Đăng Châu.

Lại nói Cự Lang, Phạm Hạp sau khi đánh Côn như đánh chuột đồng, thì hội với nhau rồi cùng kéo về thành Đăng Châu gặp Bạch Hổ, Hổ gặp hai cháu thì lạ lắm bèn hỏi:

- Hai cháu theo Bộ Lĩnh lập không ít công lao, nay vì sự gì lại đến đây?

- Thưa chú, sau khi Tấn Vương mất, cha cháu cũng rời Cổ Loa về Nam Sách, ông và cha sai chúng cháu theo Đinh Bộ Lĩnh, từ ngày theo về biết tài đức chủ tướng động đất trời nên một lòng trung chẳng nghi ngại, nay đến gặp chú cũng vị lệnh chủ tướng đó thôi.

- Chuyện thế nào kể chú nghe.

- Cách đây mấy ngày, chủ tướng sau khi hạ được sứ Cảnh Thạc thì muốn đến bàn với chú kế phạt Nguyễn Siêu, khi gần đến đất Đăng Châu thì lính hướng đạo báo có một đạo hai ngàn quân tiến vào, biết là quân của Siêu và thể nào cũng bị chú đánh lui, nên sai chau và em cháu chia nhau chặn đường rút khiến cho chúng khiếp sợ mà chẳng dám sang quấy.

- Thế Bộ Lĩnh nay ở đâu?

- Dạ ở ngoài đợi thưa chú!

- Mời vào cho chú.

Nhìn Bộ Lĩnh, Bạch Hổ xúc động đến lạ, cảm giác ấy giống như khi gần Ngô Vương năm xưa, Bộ Lĩnh không còn là một cậu bé, nhưng ánh mắt vẫn sáng như chớp, cái uy dũng của bậc bá vương toát trong từng bước đi. Chia chủ khách ngồi đâu vào đấy, Bộ Lĩnh nói:

- Hai mấy năm không gặp mà Phạm tướng chẳng thay đổi gì vẫn cang cường như xưa.

- Còn cháu thì đã thay đổi nhiều, không còn là đứa trẻ hì hục đào hố bên bờ biển năm xưa nữa, năm đó ta phục quân để bảo vệ cháu mà tim muốn nhảy khỏi lồng ngực. Bây giờ đã là chủ tướng của đạo quân mạnh nhất rồi, nhanh thật.

Hai người ôn hết chuyện xưa, bất giác Bộ Lĩnh hỏi:

- Đất Đăng Châu này có nhỏ quá với Phạm tướng chăng ?

- Ta có chút sức chỉ theo người tài đức làm việc lợi nước ích dân khi cần chứ nào có muốn xưng hùng bá mà đo đất lớn nhỏ.

- Nay nước gặp loạn, Phạm tướng thấy đã đến khi cần chưa?

- Tâm, khẩu ta phục một người từ lâu, cũng một lòng muốn theo, chỉ chờ dịp cho người thiên hạ biết vì sao Bạch Hổ ta lại phục đó thôi.

- Phạm tướng nói xem dịp ấy phải thế nào?

- Ví như Bộ Lĩnh chỉ mang 2 ngàn quân qua đây, còn quân ta có gần một vạn, ta để 5 ngàn giũ thành, mang theo năm ngàn ra nghênh đánh Bộ Lĩnh làm sao cho ta phục.

Lúc đó có lính vào báo:

- Thưa Phạm chủ tướng, ở ngoài có các tướng của Đinh tướng quân là Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn xin gặp.

- Mời vào!

Bọn Nguyễn Bồ đi vào thi lễ xong xuôi mới chắp tay thưa với Bộ Lĩnh:

- Biết chủ tướng đến Đăng Châu nên tôi cùng Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn từ Thái Bình qua gặp.

- Các ngươi có mang theo quân không ?

- Thưa, 5 ngàn.

- Quân ấy ở đâu ?

- Thưa, sợ có hiểu lầm nên đóng ngoài đất Đăng Châu, đợi có sự đồng ý của Phạm tướng mới dám qua.


Bộ Lĩnh gật đầu trông qua Bạch Hổ nói;

- Giả như quân của Nguyễn Bồ kéo vào tập hậu năm ngàn quân của Phạm tướng, trước chặn sau đánh riết tới thì phải tính làm sao?

- Ta khi ấy làm hiệu cho quân trong thành ra đuổi theo Nguyễn Bồ, còn mình bỏ mặc quân tập hậu cứ thốc thẳng hướng Bộ Lĩnh mà đánh, Bộ Lĩnh tính làm sao?

- Khi ấy thời phải chạy về phía Tây Phù Liệt.

- Không sợ quân Nguyễn Siêu chặn đánh sao?

- Phạm Hạp, Phạm Cự Lang đã có màn ra mắt với quân Nguyễn Siêu, tất Siêu trong lòng nghĩ rằng chúng ta đã kết liên minh, nay thấy quân tổng cộng gần một vạn năm ngàn kéo đến, tưởng là đến đánh Siêu, đâu biết đang đuổi đánh nhau, Siêu khi ấy nấp trong thành chẳng thấy mặt, nói gì đến chặn đánh.

- Bộ Lĩnh chạy mãi như thế làm sao ta phục?

Lúc ấy lại có lính vào báo:

- Thưa Phạm chủ tướng có tướng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ của Đinh tướng quân ở ngoài xin gặp.

Bặc, Cơ vào thì lễ đâu vào đấy, đang định nói thì Bạch Hổ cười lớn :

- Ta hiểu rồi, ta hiểu rồi.

- Phạm tướng hiểu thế nào?

Bạch Hổ trông qua Nguyễn Bặc hỏi:

- Ngươi mang theo bao nhiêu quân?

- Thưa, ba ngàn quân.

- Mai phục ở đâu ?

- Chúng tôi đâu có ý mai phục gì trên đất ngài, chỉ là theo lệnh chủ tướng cho quân giúp dân gặt lúa hai bên đường thôi.

Bạch Hổ lúc này cười một tràng sảng khoái, mọi người cùng cười theo, nhân lúc vui vẻ Hổ sai người bày tiệc rượu đãi Lĩnh và mọi người. Tiệc xong, Hổ lại cùng Lĩnh và các tướng dạo tên thành, Hổ nói:

- Ngoài Ngô Vương ra, xưa nay người khiến ta tâm phục khẩu phục một lòng muốn theo chỉ có Bộ Lĩnh, hôm nay ta thử Lĩnh cốt để bộ tướng và quân lính của ta cũng một lòng như thế, quân ta có gần một vạn, nay giao cả cho Bộ Lĩnh, thân già này cũng còn chút sức, Bộ Lĩnh cứ sai bảo chớ nề hà, gì chứ bọn Trần Côn ta còn chém được mười đứa.

Giữa mùa hạ năm 967, Phạm Bạch Hổ từ bỏ địa vị sứ quân của mình, theo về với Đinh Bộ Lĩnh, mười hai sứ quân nay chỉ còn tám, quân của Bộ Lĩnh đã lên đến gần 3 vạn, chia nhau đóng ở Hoa Lư, Thái Bình, Đăng Châu, Động Giang, Bình Kiều.

Lại nói Nguyễn Siêu, trấn mãi ở gần Đăng Châu mà mãi chẳng thấy quân họ Phạm qua đánh, lại nghe tin Bạch Hổ đã theo Đinh Bộ Lĩnh thì kinh sợ gọi các tướng đến bàn:

- Tay trái của Lĩnh ở Động Giang, tay phải ở Đăng Châu trước sau gì cũng bóp cổ chúng ta, các người nghĩ nên làm thế nào?

Nguyễn Hiền thưa:

- Quân Lĩnh thế mạnh, trước sau cũng đánh sang ta, chi bằng nhân lúc Lĩnh còn ở Đăng Châu ta bất ngờ đánh sang chiếm các đồn nhỏ gần đất của ta át vía của Lĩnh để phòng trước.

Nguyễn Siêu cho là phải sai Nguyễn Khánh Trí, Trần Côn điểm năm ngàn quân qua đánh các đồn trại nhỏ mới lập của Đinh Bộ Lĩnh ở Đăng Châu.

Tin ấy đến chổ Lĩnh, các tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn đứng ra thưa :

- Chủ tướng, anh em chúng tôi trước giữ Hoa Lư, sau giữ Thái Bình, chưa được xông pha lập công, trong lòng thấy thẹn, nay xin chủ tướng cho chúng tôi lãnh binh đi đánh.

Lĩnh ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Được thôi các ngươi lãnh năm ngàn quân ra đóng chờ quân Trí, Côn khi nào cần đánh ta sẽ cho người đến báo.

Bọn Nguyễn Bồ y lệnh, điểm quân ra đóng lại. Đóng quân được hai ngày thì nghe tin bọn Trí, Côn kéo gần đến, đúng lúc đó có thư của Bộ Lĩnh, thư rằng:

"Ta xem trời sắp trở gió, nay rơm rạ cũng đã khô hết chất đầy đồng, khi địch sắp đến thì sai lính đốt đi, khói theo gió thổi, giặc tất chẳng nhìn xa được phía trước, khi chúng vừa ló khỏi đám khói bụi ấy thì các người đến đánh, chúng bất ngờ tất hoảng loạn mà bại. Giặc chạy, nhớ đuổi hết đất Đăng Châu thì dừng, Nguyễn Siêu sợ ta nên mới đánh phủ đầu đòi ra oai, bên đất hắn chắc đã đắp lũy bày mai phục."

Kế ấy có thành không, xem hồi sau sẽ rõ.