Friday, September 20, 2013

Chuyện phân biệt, kỳ thị vùng miền.

Chúng ta, người Việt Nam, tất thảy đều là nòi giống Lạc Hồng, kỳ thị nhau cũng chính là kỳ thị chính tổ tiên, gốc gác của mình, kỳ thị chính mình. Tuy nhiên, điều đó không phải ai cũng hiểu, và với sự thiển cận, mà sự thiển cận luôn vun đắp lên một cái tôi cao như núi, nhiều người vẫn thích phân biệt và kỳ thị vùng miền.

Đó là vấn đề nức nhối và dai dẳng trong xã hội ta, không khó để bạn bắt gặp cả trên internet và đời thực, có 3 kiểu phân biệt kỳ thị chính :

1. Kỳ thị ngôn ngữ

Nhiều người nghe người từ địa phương khác nói chuyện, họ thấy rằng nó không chuẩn với tiếng phổ thông, nên mới tỏ vẻ "ta đây nói chuẩn, còn chúng mày nói ngọng", gái góc hơn nhiều người còn "buồn nôn, phát ói" với giọng địa phương của người khác.

Thứ nhất, "nói ngọng" là một bệnh chứng trong các bệnh chứng liên quan đến "trở ngại trong giao tiếp bằng tiếng nói" bao gồm câm, nói lắp, nói khó, nói chậm ... Nguyên nhân của nói ngọng có nhiều, sau đây là một số nguyên nhân chính : 

- Do dị tật ở môi, vòm miệng
- Do phanh lưỡi ngắn
- Cử động miệng kém ở trẻ bại não/ Bệnh lý thần kinh
- Nghe kém do dị tật bẩm sinh ở tai
- Nghe kém do viêm tai giữa mãn tính, viêm tai xương chũm.

Người mắc chứng nói ngọng là một bất hạnh đối với họ, kẻ kỳ thị người nói ngọng là một kẻ vô lương tâm. 

Nhưng bản chất vấn đề chỉ là sự "bất đồng ngôn ngữ" ở mức độ sai lệch về cách phát âm, giọng và điệu của mỗi vùng miền so với cách phát âm "chuẩn" hoặc so với vùng miền khác. Có thể kể ra một số vùng ở miền Bắc thường phát âm N thành L, Ch thành Tr, người Miền Tây thường phát âm R thành G (cá rô => cá gô), người Trung Trung Bộ thường phát âm nguyên âm A thành Ô (đi làm => đi lồm), hay giọng mô tê răng rứa của người Bắc Trung Bộ.

Thứ hai, việc nói giọng đia phương là thói quen, tập quán của địa phương đó, không có chuyện xấu tốt mà là nên hay không nên sửa, cần hay không cần sửa. Theo tôi thì nên sửa nhưng không nên bỏ, sửa để phù hợp với yêu cầu của cuộc sống (giao tiếp, nghiên cứu, làm việc ....) nhất là cách phát âm sai, tiếp đó là cách dùng từ , và không nên bỏ để giữ bản sắc địa phương mình, có câu "chém cha không bằng pha tiếng".

Nền tảng văn hóa Việt Nam ta là "văn hóa làng xã", như đã biết, cội gốc nước Việt là nên văn minh lúa nước, người trồng lúa có tập tục làm nhà gần các cánh đồng để tiện cho việc canh tác từ đó lập nên làng xã.

Từ thời xa xưa, làng xã là tổ chức cộng đồng khép kín. Đình làng thờ thành hoàng, tổ chức lễ hội. Lũy tre và cổng làng là điển hình của biên giới và cửa khẩu của “làng gia” với những luật lệ riêng.Gia đình, dòng tộc cũng đóng góp phong phú thêm truyền thống làng xã.

Chính vì thế, làng này với làng kia đã có sự khác nhau chứ đừng nói đến tỉnh này và tỉnh kia, đơn cử như ở chổ quê tôi, ngay trong xã, mỗi làng đều có ngữ điệu nói chuyện đặc trưng, ở làng tôi có câu đồng dao: Đại Đồng nói tiếng đai đai, ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột ... . Đại Đồng là một làng ngay kế làng tôi, thế mà tiếng của họ, người lang tôi mô tả là "đai đai". 

Giọng địa phương là tất yếu của văn hóa làng xã, thiết nghĩ nó chỉ là sự khác biệt, không có tốt xấu, trong thời đại ngày nay, khi lũy tre làng không còn đủ sức níu chân người trẻ, đi ra ngoài, chúng ta nên sửa ít nhất là từ phổ thông, để có thể giao tiếp tốt, làm việc tốt. Còn việc kì thị ngôn ngữ của người khác thì nói thật là rất thiển cận và thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc, cũng như thiếu lịch sự trong hành xử. 

2. Kỳ thị nguồn gốc.

Có những ý kiến đại loại kiểu như : Mình là mình không biết chửi bậy đâu, nhưng từ khi va vào các bạn ở đâu đến thành phố định cư làm mình nhiễm nặng, giờ hễ bức xúc cái gì là văng tục ngay.

Họ tự hào và vỗ ngực "ta đây dân thành phố", "ta đây là dân gốc" còn "chúng là đồ nhà quê", "đồ dân góp, dân pha"

Tôi kể cho các bạn vài mẫu chuyện:

Chuyện thứ nhất : Có một đôi bạn trẻ, một nam một nữ, từ nông thôn lên thành phố lập nghiệp, hôm nọ, với bộ dạng khá nhếch nhác họ vào một cửa tiệm để mua đồ, vốn là người nghèo, thói quen và cũng là buộc phải thế, họ lựa đồ rất lâu vấn đề chung quy cũng vì giá cả.

Khi lựa được món đồ ưng ý, họ mặc cả với bà chủ tiệm, nhưng không thành nên họ không mua, bà chủ khó chịu mỉa mai rằng : Đồ nhà quê !

Nghe thế, cô gái ồ lên nói với chàng trai : Anh có thấy cô chủ này quen không, hình như cô ấy là cháu ông địa chủ độc ác ở quê mình ngày xưa, trông quen lắm anh

Cô chủ tiệm nghe thế gắt lên: Đừng nói bậy, ông nội tôi là nông dân, không phải địa chủ.

Nói đến đấy, như vỡ lẽ ra cô chủ tiệm mặt đỏ gay, chết điếng, còn đôi bạn trẻ nháy mắt nhau tinh nghịch rồi đi về. 

Chuyện thứ hai :  Có thằng bé dân thành phố (Hà Nội) nó về quê tôi chơi (Nghệ An), nó ra vườn chơi với dì nó, dì nó đang hái rau, còn nó thì đứng ở rãnh giữa những luống khoai lang, và cất tiếng hỏi : 

- Dì ơi, sao nhà mình không trồng lang mà ăn, con thích rau lang lắm.

Có 3 điều cần nói :

Thứ nhất: Trước khi lên tiếng chửi người khác là "đồ nhà quê", "đồ dân góp" bạn có uốn lưỡi bảy lần, và trong thời gian uốn lưỡi có suy nghĩ xem "liệu ngày trước tổ tiên mình có ở nông thôn, có làm ruộng, có di cư bao giờ chưa nhỉ ?" không ?

Thứ hai: bạn có chắc rằng dân quê đều thô kệch thiếu văn minh, còn dân thành phố thì thanh lịch và thông thái chứ ?

Thứ ba:  Dân thành phố, dân gốc thanh lịch, và thông thái như thế tại sao không mang điều đó truyền lại cho "đồ nhà quê", "dân gop, dân pha" mà lại bị nhiễm các thói xấu rồi đi đổ tại ?

3. Kỳ thị tính cách.

Có những phát biểu kiểu như "dân tỉnh A toàn là bọn thế này, thế nọ", "bọn miền B là loại thế lọ thế chai" ... Họ mới chỉ tiếp xúc với một vài người thuộc vùng miền A và không có thiện cảm, thế là vơ vào cho rằng vùng miền đó ai cũng thế, và rồi ghét, rồi cố chứng tỏ mình đúng, mình có trải nghiệm rồi. 

Những người này làm tôi liên tưởng đến cô Phạm Ngà, cô này phán "trai Việt sex kém hơn trai Tây", tôi đã thầm rủa, chắc cô này đã làm tình với hết thảy trai Việt và tất cả trai Tây thì mới có được cái kết luận bất phàm như vậy . Đó chẳng qua chỉ là trò vơ đũa cả nắm của những người chưa đủ trải nghiệm mà thôi.

Chúng ta không phủ nhận rằng mỗi vùng miền do đặc trưng về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế khác nhau từ đó cũng hình thành nên những nét tính cách "tương đối chung" khác nhau có cả ưu điểm lẫn khuyết điểm.

Lấy ví dụ, người Tây Nguyên thường nổi loạn, phóng khoáng và nhạy cảm ...  vì họ sống ở vùng cao nguyên và có tới 6 tháng mùa mưa để "thả nỗi buồn". Người miền Trung thường rắn rỏi, khô khan, tiết kiệm ... vì họ sống một nơi có khí hâu khắc nghiệt, thổ nhưỡng khô hạn, kinh tế khó khăn ... . Người miền Nam thường thẳng thắn, bộc trực, người miền Bắc thường tế nhị hơn ... .

Đó là cái chung, còn con người tất nhiên mỗi người một khác, không ai giống ai, làm sao bạn hiểu được một người khi chỉ tiếp xúc và rút kết luận từ một người khác cùng vùng miền với người đó ?

KẾT LẠI

Đạo Phật có câu "Áo cà sa không làm nên nhà sư", cũng như thế bạn không thể trở thành người tốt đẹp nếu chỉ là được khoác lên mình cái danh "dân thành phố", "dân gốc", dân tỉnh này, dân miền nọ, nói giọng này giọng khác. Tốt hay xấu đến từ hành động, mà hành động kỳ thị phân biệt vùng miền thì chả tốt chút nào, nó chỉ thể hiện sự thiển cận mà thôi. 

Cũng có câu "kẻ bất hạnh là kẻ có nhiều người để ghét", bạn ghét người khác, người bất hạnh thiệt thòi là bạn, bởi bạn luôn phải khó chịu, tức giận khi gặp, đã thế, lại còn vơ đũa cả nắm để ghét toàn bộ tỉnh, toàn bộ vùng miền, ... thì bất hạnh càng lớn.

Ai đó tốt thì khích lệ phát huy, xấu thì phê bình chỉnh đốn riêng người đó, đó mới là cách của người hiểu biết, còn vơ hết vào để chửi bới kỳ thị chẳng có ích gì cả, lại còn gây mất đoàn kết khi chúng ta đều là đồng bào của nhau, chung dòng chung giống. 

Xa nhà mới hiểu tình cảm gia đình, xa quê hương mới hiểu tình đồng hương, xa tổ quốc mới hiểu tình đồng bào ... lang thang nơi đất khách quê người, bất chợt nghe được có người nói tiếng Việt Nam bất kể là tiếng vùng miền nào, bất kể đó là dân nông thôn hay dân thành phố, bất kể đó là người vùng nào ... lúc đó bạn sẽ hiểu ... nhưng sẽ muộn đấy. 

1 comment: