Sunday, September 1, 2013

Những chú hề thông minh hay sự tù túng trong tư duy.

Có một câu chuyện khá lâu rồi, lần ấy tôi đi phỏng vấn xin việc, tay trưởng phòng nhân sự đưa cho tôi một quả bóng tenis và hỏi :

- Em nói xem, căn phòng này có bao nhiêu mặt ?
- Có sáu mặt - tôi đáp
- Bây giờ em nghĩ xem làm thế nào để ném quả bóng em đang cầm trên tay để cho quả bóng lại về đúng tay em.

Tôi bắt đầu huyên thuyên về việc ném trái banh theo hướng tạo 1 góc nhất định để đường đi của trái banh là một hình thoi ... và các giả thuyết đậm kiến thức hình học khác. Nhưng khi tôi dừng lại, đưa mắt nhìn tay trưởng phòng chờ đợi thì anh ta nói :

- Những cách của em đều rất hay, nhưng có một cách đơn giản khác đó là ném nhẹ quả bóng lên, và nó sẽ rơi xuống vào tay em bởi tác dụng của trọng lực.

Lần ấy, cuối cùng, tôi cũng được tuyển dụng (tất nhiên là không phải vì mớ kiến thức hình học của mình) nhưng tôi vẫn không bao giờ quên việc mình trở thành thằng hề như thế nào. Thật ra, cách ném bóng lên là cách đầu tiên tôi nghĩ đến nhưng có một ý nghĩ mạnh mẽ hơn đến ngay sau đó : "mọi chuyện không đơn giản thế được".

Không chỉ rút ra bài học rằng phải "luôn nghĩ đến mục đích của mình và đơn giản hóa mọi chuyện", sau vố đau ấy, tôi còn ngộ ra được nhiều thứ, có lần tôi đưa cho bạn tôi hình vẽ của một cái mê cung với 4 cữa đi vào A - B - C - D, một lối đi ra E và bảo:  làm cách nào để ra khỏi mê cung ?

Các bạn tôi đều nhanh chóng đưa ra đáp án là đi vào cửa C thì sẽ ra khỏi mê cung, họ cùng đắc ý nhìn về phía tôi chờ đợi đáp án, tôi đoán chắc họ đang sẵn sàng để nở mũi với sự thông minh và nhanh ý của mình, nhưng khi tôi nói rằng : "thật ra tất cả chúng ta đều đang ở ngoài mê cung rồi không cần phải chọn lối vào làm gì", thì họ phản ứng như thể tôi là kẻ "chơi xấu"

Những câu chuyện nhỏ, nhưng tôi ngẫm thấy ý nghĩa của nó vô cùng lớn, chúng ta thường đi theo những lựa chọn có sẵn để đi vào mê cung, làm phức tạo hóa mọi chuyện lên và rồi ai tìm được lựa chọn tốt hơn thì nhận mình là kẻ thông minh.

Chúng ta thường tự ném mình xuống dòng nước, rồi mới chọn bơi theo dòng nào, thay vì ngồi trên bờ, vạch ra lộ trình thích hợp cho riêng mình rồi mới bơi. Cách của chúng ta  là so sánh các lựa chọn A - B - C - D, thấy cái nào hay hơn thì chọn cái đó.

Bởi thế mới có chuyện cãi nhau xem Chủ Nghĩa Cộng Sản, Chủ Nghĩa Tư Bản xem cái nào hay hơn, Đa Nguyên Đa Đảng với Đơn Nguyên Đơn Đảng cái nào hay hơn, người ta không tự hỏi rằng Việt Nam muốn đến đâu, Việt Nam cần gì, cái nào thì phù hợp với người Việt.

Trong cuốn "Bóng Tôi Của Anh Sáng" của chú Đông La có viết với đại ý rằng, TBCN có mặt tốt đó là động lực trong phát triển kinh tế, CNXH có mặt tốt đó là những giá trị nhân bản, nhân đạo, Việt Nam đang vận hành "kinh tế thị trường, định hướng XHCN", thế thì tại sao chúng ta không cùng xây dựng một hình mẫu mới  với mặt tốt của cả 2 như đã từng là hình mẫu trong việc chống ngoại xâm mà cứ phải tranh cãi xem cái nào hơn cái nào ?

Theo tôi, đó là một suy nghĩ rất đúng đắn, tại sao cứ phải lựa chọn bên này hay bên kia, mà không phải là lựa chọn một con đường riêng cho chúng ta ?

Philip Kotler, một trong bốn nhà quản trị ảnh hưởng bậc nhất thế giới, người được mệnh danh là “cha đẻ” của ngành Marketing hiện đại đã phải thốt lên rằng: “Hiện nay Trung Quốc là "công xưởng" của thế giới, Ấn Độ là "văn phòng" của thế giới. Còn Việt Nam tại sao không trở thành "bếp ăn" của thế giới?”

Tất nhiên với tầm nhìn của một nhà quản trị, một cây cổ thụ trong ngành Marketing, Kotler có lý khi cho rằng VN có thể trở thành "bếp ăn của thế giới" nếu như tập trung đầu tư và phát triển, nhưng ở đây tôi không bàn đến việc VN có thể làm điều đó không mà là Việt Nam phải là một cái gì đó riêng (là bếp ăn của thế giới hay gì đó) nếu muốn phát triển.

Để tồn tại trong một thế giới "ngày càng phẳng" chúng ta không thể là trung bình trong tất cả mọi thứ mà phải suất sắc trong một thứ, so sánh, lựa chọn và rập khuôn chỉ khiến chúng ta trở thành những bản sao tồi tệ.

Chúng ta theo Nga làm công nghiệp nặng, bây giờ công nghiệp nặng của ta đứng ở đâu ? Đầu thập niên 90 Trung Quốc làm tập đoàn kinh tế nhà nước đa lĩnh vực, chúng ta cũng làm theo, để rồi những EVN, VinaShin rời xa lĩnh vực chính và thua lỗ. Rồi chúng ta học theo Mỹ làm thị trường tự do, cũng may là chưa quá trớn, nếu không khủng hoảng 2008 sự điêu đứng sẽ không dừng lại ở đó, mới chỉ có Bất Động Sản chết lâm sàn mà thôi.

Đừng chạy theo những sự lựa chọn có sẵn, hãy tạo nên những giá trị của riêng mình.

Đó là những chuyện hớn lớn lao một chút, nay chuyển qua chuyện nhỏ, ví như âm nhạc, khán giả cứ mãi tranh luận xem nhạc Hàn hay hơn hay nhạc Us & Uk hay hơn, ca sỹ cũng cố bắt chước nhạc Hàn nhạc Anh - Mỹ mà quên mất là cần có cái riêng của Việt Nam. Điện ảnh cũng cố bắt chước phong cách của nước ngoài, thời trang cũng cố bắt chước phong cách của nước ngoài, không Hàn thì Tây.

Chúng ta có nền văn minh lúa nước rực rỡ bậc nhất, đã từng có một thời Lý - Trần thịnh trị nhất nhì châu Á, chúng ta có tiếng nói riêng, trang phục riêng, món ăn riêng, các loại hình nghệ thuật riêng, có tính cách con người riêng ... Vậy thì tại sao cứ mãi miết chạy theo người khác, sao không để thế giới gọi tên Việt Nam ?

Chúng ta đang cố biến mình thành một bản sao hỗn tạp của nước ngoài, mà chẳng đỉ về đâu cả. Có câu chuyện rằng :

"Tôi đã trải qua những tháng năm đẹp nhất đời trong vòng tay một người phụ nữ không phải vợ tôi". Diễn giả nổi tiếng nói dõng dạc, cả hội trường lặng ngắt. "Người đó là mẹ tôi". Cả hội trường ồ lên.  
Một chàng trai trong đám đông quyết định áp dụng kiểu nói này trong bữa tiệc ở nhà. Anh ta nói xong câu đầu và không có cơ hội nói câu sau. Anh ta phải đi cấp cứu vì bị vợ hắt nguyên nồi canh sôi vào người.  
Bài học rút ra: Ngay cả khi dùng hàng nhái, bạn vẫn có thể phải trả giá rất đắt.
Học cái hay của người khác là rất tốt, nhưng cái hay đó phải là cái hay phù hợp, có những điều hay, người ta thành công, nhưng khi ta áp dụng thì không được như ý, bởi ý tưởng đó không sinh ra để giành cho chúng ta.

Vì vậy, hãy thôi so sánh Việt Nam với nước khác rồi kết luận như đinh đóng cột rằng nếu Việt Nam làm như thế thì sẽ được như thế. Bạn có thể đang là một chú hề thông minh trong sự tù tùng tư duy của mình.

6 comments:

  1. Vậy mà những người tự xưng là nhân sĩ, trí thức thì cứ ra rả cái loa chúng ta phải theo Phương Tây. Uổng phí sự học ! Tự hạ thấp mình ! Làm loạn đất nước !

    ReplyDelete
  2. Em cuồng anh rồi cũng nên :3

    ReplyDelete
  3. Đời không đơn giản như bạn nghĩ là "Chúng ta có thể ngồi trên bờ, vạch ra lộ trình thích hợp cho riêng mình rồi mới bơi đâu,"

    ReplyDelete
  4. Rất hay !!!, tuy nhiên cũng chỉ là "một góc nhìn từ đáy giếng" :3

    ReplyDelete