Monday, September 23, 2013

Cái sự tinh tế trong quảng cáo - marketing (phần 2)

Mở đầu bằng một triết lý cho nó oách nhỉ (!?), Quảng cáo, marketing, không phải là mặc vào cho sản phẩm, dịch vụ một bộ cách rực rỡ, hay tô son trát phấn để nó trở nên lộng lẫy mà là làm toát lên cái thần của sản phẩm, dịch vụ, làm nổi bật lên được cái giá trị của nó.

Chiều nay online bắt gặp hình ảnh này :


Cùng với lời bình : Dù bạn có là ai và quyền lực đến thế nào thì gia đình vẫn luôn là điều quan trọng nhất.

Thực ra đó chỉ là phần "phản ứng phụ" cho thông điệp thực sự của của bức ảnh này mà thôi, thông điệp chính và cũng là mục đích của bức ảnh này đó là "hãy nhìn xem, ông ấy là một người bố tốt, ông ấy là một người yêu gia đình, và một người bố tốt, một người yêu gia đình, khi là một tổng thống ông ấy sẽ chăm lo cho gia đình bạn".

Cách Pr hình ảnh này là cách mà rất nhiều "người nổi tiếng" sử dụng để xây dựng thương hiệu cá nhân, nó được gọi là "quy tắc liên tưởng", quy tắc này được phát biểu rằng : khi hình ảnh của thương hiệu gắn liền với một hình ảnh tốt đẹp, người ta sẽ liên tưởng sự tốt đẹp đó đến và gán cho thương hiệu đó.

Các ngôi sao thường xuất hiện với "thú cưng" của mình để tạo cho các fan ý nghĩ rằng thần tượng của mình là người yêu động vật, các doanh nhân thường xuất hiện trong các buổi từ thiện để tạo cho khách hàng của họ sự thiện cảm khi nghĩ rằng họ là người có lòng nhân ái.

Quy tắc này rất dễ vận dụng, nhưng cũng có nguyên tắc khi áp dụng, đó là những gì bạn muốn người khác liên tưởng đến khi nghĩ về bạn phải là những giá trị thật có của bạn. Nếu không, rất dễ trở thành "tấn trò đời" đấy.

******

Ngày xưa, mình và đám bạn có một trò vui (mà hẳn là nhiều người từng chơi), đó là 2-3 người nhóm lại cùng nhìn về một điểm nhất định (nhìn lên trời chẳng hạn) thế là những đứa khác cũng tò mò nhìn theo, tràng cười bắt đầu khi họ phát hiện ra chẳng có gì để nhìn cả.

Đây là một hiện tượng tâm lý phổ biến, có thể gọi là "quy tắc đám đông" hay "quy tắc xã hội", con người có xu hướng quan tâm đến những gì mà đám đông, hay xã hội đang quan tâm, ví dụ du như vụ Huyền Chíp và cuốn sách Xách Balo Lên và Dzọt gần đây.

Quy tắc này cũng có khá nhiều nhà quảng cáo áp dụng kiểu đại loại như  "9/10 phụ nữ Việt Nam tin dùng Diana, bạn thì sao?" hay "Để xác lập kỷ lục phục vụ 2 tỷ bữa ăn cho gia đình Việt, mỗi khách hàng khi mua một gói mỳ Ba Miền sẽ được tằng kèm một chiếc tăm" ... đây là cách nêu con số để ẩn dụ cho đám đông, còn một cách cũng khá phổ biến đó là những thước phim quảng cáo với hình ảnh "biển người" như của C2, Không Độ, Vinaphone ...

Một số nhà hàng, cửa hiệu khi mới khai trương thường lót tay để có một lượng khách hàng đông đảo đến không ngờ làm cho người khác quan tâm, như StarFucks Coffee khi vưa qua Việt Nam, cách này cũng không nằm ngoài quy tắc trên.

******

Cũng không liên quan lắm, nhưng vì có chung từ "cam kết" nên mình nhắc lại chút.

Ngày còn là học sinh, bao nhiêu người đã từng bị viết "bản tự kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh" rồi nhỉ ? Mình thì bị khá nhiều lần, và nhớ mãi, trong một "bản tự kiểm điểm" luôn có phần "em xin hứa từ nay sẽ không sờ mông bạn gái trong lớp nữa, nếu tái phạm em xin chấp nhận để bạn ấy sờ lại". Đó là phần cam kết.

Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thuyết phục một nhóm người đã có cam kết về những việc liên quan đến thông điệp bạn truyền tải sẽ thu được kết quả cao hơn rất nhiều nhóm người chưa thực hiện bất kỳ một cam kết nào trước đó, và thuyết phục nhóm người đã cam kết bằng giấy trắng mực đen thì hiệu quả hơn nhóm cam kết bằng miệng.

Lấy ví dụ rằng, bạn đến 100 hộ gia đình và thuyết phục họ ký tên vào bản cam kết "tiết kiệm điện và năng lượng", sau khoảng 1 tuần bạn cho người đến chào bán bóng đèn Neon Điện Quang tiết kiệm điện thì lượng người chấp nhận mua sẽ cao hơn là khi ban chưa đưa ra bản cam kết kia.

Khi bạn đưa ban cam kết hay khảo sát kia để xin ý kiến hay chữ ký của khách hàng thì trước hết là bạn đã gieo vào đầu họ một ý niệm (ví dụ trên là ý niệm về tiết kiệm điện) sau nữa là bạn đã đưa khách hàng vào một cam kết, con người luôn có xu hướng làm những gì mình đã nói, đã nhất trí, đồng tình. Đây gọi là "quy tắc cam kết"

*****


Đến đây dừng. Nhỉ !

1 comment: