Sáng ra, nghe tin nhạc sỹ Hoàng Hà ra đi, lặng lẽ quá và vì lặng lẽ quá nên bàng hoàng quá đỗi. Bất giác, cũng như để xua đi những ý nghĩ mông lung, tôi bật nhạc và hát theo bài hát bất hủ "Đất Nước Trọn Niềm Vui" của ông :
Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!
Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.
Sài Gòn ơi!
Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng.
Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!
Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân.
Thành Đồng ơi! Sắt son đã vang khải hoàn.
Ôi! hạnh phúc vô biên!
Hát nữa đi em, những lời yêu thương.
Hò ơ...ớ hò...ớ hò...ớ hò....
Hội toàn thắng náo nức đất nước,
Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang,
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam,
Tổ quốc anh hùng!
Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn
Mà vẫn ngoan cường
Giành một ngày toàn thắng. Đẹp quá!
Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh,
Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương,
Ta muốn ca vang bước chân
Những người chiến sĩ giải phóng kiên cường!
Đêm hoa đăng, những môi cười là bó hoa đời tươi thắm tuyệt vời,Cuộc chiến thắng kẻ thù đã có bài đồng ca và khúc khải hoàn của nó, giống như và cũng hay như thời thắng Pháp. Mở đầu bài ca viết ở giọng pha trưởng, tác giả đã ghi trên khuông nhạc: “Thiết tha – Rộn ràng – Say đắm”.
Đẹp niềm tin mãi mãi Tổ Quốc muôn đời,
Trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam.
Vậy là người hát đã được chỉ dẫn để hóa thân vào tình cảm đó. Và câu nhạc mở đầu với những đảo phách “thình lình” đã diễn tả được cái trạng thái bắt đầu nghiêng ngả của một người ngấm men chiến thắng: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ/ tung bay/ Rộn ràng và/ mê say/ Những bước chân dồn về đây...” Âm nhạc được lặp lại và để dâng lên say đắm hơn.
Nếu trước đó ít lâu, vào đầu mùa xuân, ở Sài Gòn chưa giải phóng, Trịnh Công Sơn còn trăn trở với “Một cõi đi về” mà “trăm năm vô biên – Chưa từng hội ngộ – Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà...”, thì chỉ sau vài tháng, vào một ngày cuối tháng tư, Hoàng Hà đã có câu trả lời: “Ôi! Hạnh phúc vô biên/Hát nữa đi em/Những lời yêu thương...”
Âm nhạc thực sự chất ngất, diễn tả niềm vui không nói được nên lời bằng đoạn hát giọng ngâm “Hơ... ơ... ờ”. Sau chất ngất, là trạng thái rạo rực đến bay bổng, đến thăng hoa: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang... ”
Vẫn âm nhạc ấy, nhưng đoạn quay lại được tạo thêm rạo rực bởi đảo phách lại xuất hiện: “Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương/Ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ” Âm nhạc với ca từ như mê đi trong ánh sáng hoa đăng của giây phút diệu kỳ khải hoàn: “Tổ quốc muôn đời trọn vẹn/Cả non sông thống nhất/Rạng rỡ Việt Nam...” - Nguồn sóng nhạc -
"Vững tin bao nhiêu năm rồi một ngày vui giải phóng", "đã bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan cường" để rồi hôm nay đây "bước chân dồn" dưới "muôn ánh sao vàng, rừng cơ tung bay", niềm vui, niềm hân hoan hạnh phúc nhen nhóm, kìm nén từ lâu đã bung tỏa khắp đất trời, "sắt son đã vang khải hoàn".
Trong ngày "hội toàn thắng náo nức đất nước" ấy, tác giả mà cũng như toàn dân tộc, muốn "bay lên say ngắm sông núi hiên ngang", muốn "reo vang", muốn "ôm hôn mỗi tấc đất quê hương" ... Tôi vẫn thường "nổi da gà" khi chìm đắm vào bài hát này, cảm nhận được hồn mình muốn bay lên, muốn tỏa ra, thấm vào hồn người hồn đất của dân tộc.
Tôi lại nhớ lại lời của anh Thạc trong nhật ký của mình: “tự hào lắm khi được lang thang trên mảnh đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn ai hạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người…"
Chắc rằng, nếu được đi trong rừng cờ của ngày đại thắng ấy, hẳn anh Thạc cũng sẽ có những áng văn đồng cảm với nhạc sỹ Hoàng Hà, với những chiến sỹ giải phóng quân và với cả dân tộc.
38 năm đã trôi qua, niềm vui ấy ắt hẳn còn vẹn nguyên trong lòng những cựu chiến binh, nhưng có lẽ đã nhạt phai ít nhiều trong lòng thế hệ đi sau, chúng tôi không được sống trong thời khắc trọng đại ấy, không được trải nghiệm cuộc sống mà xung quanh ai cũng là một anh hùng, mang tấm lòng sáng trong chiến đấu và bảo vệ quê hương.
Không trải nghiệm, nghĩa là không sâu sắc. Khi tôi đọc Đặng Thùy Trâm, tôi đã không biết bao lần phải thốt lên câu cảm phục, những anh thương binh trốn trạm xá để chiến đấu khi vết thương còn chưa bình phục, những nụ cười rang rỡ trước, sau và ngay cả khi đối mặt với cái chết, những con người bình thường mà anh hùng làm sao, bởi trong lòng họ chỉ có tổ quốc, chỉ có lòng yêu nước vô hạn, không có những vụn vặt, những tính toan hơn thua như chúng tôi ngày nay.
Đọc những dòng như dứt, rút từ gan ruột của anh Vũ Chí Dũng trước lúc hi sinh:
“…Nhưng rồi các bạn giục kết thúc lá thư đi thôi. Thời gian không chờ chúng tôi nữa. Chúng tôi đã cảm thấy sắp đến giờ phải từ giã cõi đời này rồi. Trước khi ra đi, thư phải được bảo quản cẩn thận để tránh thời gian mưa nắng phũ phàng. Thư. Thư phải về tới tay những người đang sống…
Nếu lá thư này được về với đồng đội chúng tôi trong Trung đoàn BG quân giải phóng miền Nam hay một đơn vị bạn nào đó qua đây, xin chuyển lên giùm cấp trên.Tiểu đội Giải phóng quân chúng tôi trong Trung đội “Ký Con” đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn.
Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa. Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng.
Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích – Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh.
Mùa Xuân giữa rừng miền Đông Nam Bộ."Tôi tự hỏi, thế hệ tôi có đang làm cho sự hi sinh của các ông, các chú, các anh "giữ được đúng ý nghĩa hay không?". Tôi nghĩ về những thanh niên đây nhiệt huyết đang ngày đêm học tập, lao động, xây dựng quê hương đất nước, tôi vui. Nhưng tôi cũng nghĩ về những bạn trẻ đang quên mình trong thế giới game, đang khóc thét vì thần tượng xứ Hàn, đang quỳ gối van lơn người yêu, đang đảo điên trong quán bar, thả mình trong những buôi tiệc tùng không điểm kết ... chua xót.
Nhạc sĩ Hoàng Hà ra đi, đó âu cũng là thuận theo lẽ vô thường, rồi cũng với lẽ vô thường ấy, những người cuối cùng của thế hệ hào hùng ấy cũng sẽ ra đi. Họ mang theo nỗi niềm gì cho đất nước hôm nay cho thế hệ hôm nay ?
Lịch sử còn mới như in, còn chiếu rọi đường đi của ngày hôm nay, để thế hệ hôm nay nhìn về và nhìn lên, thế nhưng, có những kẻ vẫn trẽn trơ xuyên tạc nó, lịch sử sẽ viết thế nào khi những chứng nhân lịch sử còn lại cũng sẽ ra đi.
Đường đi của ngày hôm nay được khai phá bằng máu, bạn tôi ơi, hãy một lần nhìn lại.
Bài viết xúc động lắm bạn. Cảm ơn những tình cảm và trăn trở của bạn, hy vọng đây cũng là những suy tư trăn trờ của nhiều bạn trẻ VN khác nữa dù đang ở trong hay ngoài đất nước.
ReplyDeleteđúng đó bạn
DeleteMong sao đất nước có thật nhiều bạn trẻ có tài, có tâm, biết trước biết sau như bạn Đông Tuyền đây, hay bạn Thanh Tùng, Thiếu Long, Lê Lan Hương ...
ReplyDelete