Thursday, September 19, 2013

Đọc Mùa Lạc - Đừng đứng nhìn với tâm hồn khô héo.

Mấy ngày nay thiên hạ kháo nhau một câu chuyện khá ly kỳ như sau: Con trai của nhà văn Nguyễn Khải, được cô giáo giao bài tập là phân tích tác phẩm "mùa lạc", thì cậu bé về nhà nhờ bố làm (vì Nguyễn khải chính là tác giả của "mùa lạc"). Ai dè khi trả bài cô giáo phê "Không hiểu ý tác giả".

Đi kèm câu chuyện trên là một tràng những ý kiến ra chiều lắc đầu với "nền giáo dục Việt Nam", song khi được hỏi là nguồn gốc câu chuyện này là từ đâu, do ai kể thì không một ai trong số những kẻ đang bận lắc đầu biết được.

Tôi tìm hiểu kỹ thì biết đây "được cho là" một câu chuyện vui giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa và MC Lại Văn Sâm trong một chương trình truyền hình phát trên VTV3 vào ngày 04/09/2011. Chưa kể đến chuyện một giáo viên không khó để biết phụ huynh của học sinh mình là một nhà văn lớn, chưa kể đến việc giữa những văn sỹ thường có những câu chuyện tiếu lâm với nhau, thì với việc "nếu có" một sự trái ngoe như câu chuyện kể thì đáng lẽ phải phê bình người giáo viên ấy, thì đám đông lại thích vơ đũa cả nắm.

Mà đám đông đó là ai, họ chỉ là học sinh, sinh viên, hoặc là những người còn rất trẻ, không biết họ có chăm lo cho việc học bằng việc "lên án" hệ thống giáo dục hay không, không biết họ đã từng đọc Mùa Lạc một lần chưa.

Bỏ qua miệng đời vốn "đông và nguy hiểm", đây là cơ duyên để tôi đọc lại Mùa Lạc thêm một lần nữa, sau rất nhiều năm lãng quên, vì vậy nên tôi có những cảm nhận mới, và sâu hơn những gì một cậu trai cấp 3 là tôi ngày trước có thể cảm nhận.

Mùa Lạc, cốt chuyện thật giản dị, nhưng với ngôn từ điêu luyện Nguyễn Khải đã trải ra trước mặt người đọc một tấm hình nền hoang tàn, thô ráp, khô quạch để rồi từ những hoang tàn, những thô ráp, những khô quạch ấy lại mọc lên những mầm xanh, rồi cái màu xanh ấy lan xa lan rộng phủ lên tất cả như giọt mực nhỏ vào ly nước trong, màu xanh ấy rộ lên hi vọng, chuốt mượt tâm hồn đầy gai góc của con người.

Thông điệp xuyên suốt câu chuyện ấy, toát lên từ hai mảng màu ấy : “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”

Điều đó cũng toát lên từ Đào một phụ nữ "trâu qua xá, mạ qua thì, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân", sau khi trải qua tất cả những gì mà một "phận bạc" có thể, cô tìm được hạnh phúc với "thiếu úy lò gạch" là Dịu, người đàn ông thật thà vốn cũng đã qua một đời vợ :

"Dạo đi trảy đỗ chị mới gặp đồng chí thiếu uý lò gạch lần đầu hai bên nói chuyện với nhau cũng dửng dưng. Hôm nay bắt tay vào vụ gieo ngô, số phận hai người đã gắn bó làm một. Đoạn đời từ hôm qua trở về trước đã lùi về quá khứ, cái tia hy vọng mỏng manh như không thể có thực sẽ là những ngày sống hiện nay. Chị nhìn mọi người với ánh mắt biết ơn, vì mặc dù họ đùa bỡn họ chế giễu nhưng tất cả đều hoan hỉ vun đắp hạnh phúc cho hai người."

 Toát lên từ Huân, một chiến sỹ cách mạng, vốn dạn dày sương gió, đã kinh qua sự khốc liệt của những năm kháng chiến :

"Những mũi gai thép đâm, những vệt nứa cứa, những chấm đen ở lỗ chân lông của bệnh sốt rét rừng, màu xanh của thiếu ăn và bệnh tật đều đã được những tế bào mới, những dòng máu mới xoá mờ đi, thay thế, soi mặt mình trong gương anh không thấy đổi khác mấy, có lẽ chỉ thêm vài vết nhăn ở mi dưới mắt, ở cạnh sống mũi, còn thì vẫn mái tóc dày mượt ấy, đôi mắt hơi nâu ấy, và hàm răng đều trắng."

Hay toát lên từ mảnh đất Hồng Cúm - Điện Biên nơi từng là một chiến trường ác liệt mà những gì sót lại sau đó là những xác xơ có thể giết chết hồn người :

"Mới mùa xuân năm ngoái đất này còn ngợp lên một rừng cây chó đẻ, dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhừ nát vì những hố bom, những giao thông hào. Rải rác còn có những đoạn xương người, những mảnh vải nhựa, vài lưỡi xẻng hoen rỉ, một gói tiền bọc vải đã mục nát, những khẩu súng ngắn và tiểu liên, dấu vết còn lại của những người anh hùng Điện Biên ngày trước. Mấy tháng trời liền lưỡi xẻng đi trước, vết chân người theo sau san rừng, đào cây, gỡ mìn. Có người đã hy sinh, có người mang thương tật, dây thép gai chọc nát bàn tay, mồ hôi thấm rách từng loạt quần áo, da thịt héo quắt vì nắng, vì gió Lào, mồm lở, chân phù vì thiếu rau xanh, mùa xuân còn đầy thương tích chiến tranh, cuối hạ, đầu thu nước lũ tràn ngập, mùa đông buốt giá. Một năm đã đi qua. Mùa xuân thứ hai đã đến. Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở, man rợ khác của đất hoang..."

Giữa màu đen xạm của những hoang tàn xác xơ và màu xanh của hy vọng mát tươi, có một ranh giới mong manh, nhưng không phải ai cũng có thể đặt cả hai chân qua cái ranh giới ấy, nếu không có nghi lực, niềm tin, sự lao động hăng say, sự kiên trì nhẫn nại.

Ngẫm lại cuộc đời mình, qua bao nhiều năm phiêu bạt đó đây, làm đủ nghề và cũng chịu không ít khổ, đến nay, tuy chưa làm được gì nhiều cho chính mình và xã hội, nhưng tôi đã tìm thấy con đường của mình, tìm thấy hi vọng, tìm thấy Mùa Lạc của tương lai.

Đất nước cũng thế, qua bao nhiêu gian khó, đi lên từ bom đạn, máu xương, đi lên từ nghèo đói, lạc hậu, đất nước của hôm nay dẫu chưa thật ven tròn nhưng đã sáng hơn rất nhiều, màu xanh đã mọc lên từng vạt, cảnh hoang tàn đang dần được tưới đẫm nước hi vọng.

Để đất nước đi lên, đi tiếp, đi vững chắc, để bước qua những mong manh ranh giới của những mảng màu vẫn cần dựng xây, cần sự hăng say lao động, cần bền lòng tin, giữ vững lý tưởng không buông lung.

Màu xanh đã phủ, Mùa Lạc đã đến với đất Điện Biên đổ nát, bởi đôi tay, khối óc của những con người kiên cường trong gian khó, ngày nay, thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, trong điều kiện thuận lợi hơn về mọi mặt, có thể dùng tâm sức của mình mang màu xanh cho đất nước được chăng ?

Các bạn trẻ, ví như "hệ thống giáo dục" mà các bạn hằng vãn than dè bỉu là mảnh đất xác xơ Hồng Cúm ấy, thì các bạn phải là những Huân, Đào, Lâm, Duệ ... mang màu xanh đến cho nó. Các bạn là tương lai của đất nước, nhưng màu xám hôm nay chính là nhiệm vụ của bạn ngày mai, hãy nghĩ cách đào xới, vun trồng, tưới tắm thay vì đứng nhìn với những tâm hồn khô héo.

"Nhìn công việc làm mỗi ngày tưởng như con người bất lực, nhìn lại cả một năm không ngờ sức vóc mình lại có thể thay đổi cuộc sống nhiều đến thế."

1 comment: