Friday, May 1, 2015

THÁNG 4 & SỰ THỎA HIỆP

Sự thỏa hiệp luôn mang lại yên ổn tạm thời, đó là lý do chúng ta thích thỏa hiệp, mỗi bên nhường một tý dĩ nhiên sẽ không đẩy cả 2 sang các thái cực khác nhau khiến mâu thuẫn thêm sâu rộng. Tuy nhiên thỏa hiệp không phải là phương án của mọi vấn đề, vấn đề về lợi ích có thể thỏa hiệp, nên thỏa hiệp, mỗi ngày có hàng triệu thỏa hiệp lợi ích xảy ra. Cũng có những điều không thể thỏa hiệp.

Thiện - ác, sự thật - dối trá là những điều như vậy, cái thiện không thể thỏa hiệp với cái ác để tìm sự yên bình mục ruỗng, sự thật không thể thỏa hiệp với dối trá để cho ra nửa cái bánh mì được. Diễn biến hòa bình chính là đi từ đấu tranh với cái ác thành sự thỏa hiệp, đi từ việc bảo vệ sự thật đến mơ hồ lẫn lộn.

Một mùa 30/4 nữa lại về và vài kẻ lại tìm cách thỏa hiệp với gai góc của lịch sử dù lịch sử chẳng bao giờ mịn màng. Tôi đã chán lên mạng đọc những luận điệu tâm lý chiến của hơn 40 năm về trước, tôi biết ngày này năm sau, năm sau nữa nó sẽ lặp lại, lặp lại cho đến khi người ta biết thế nào là phản đòn của lịch sử. Nhưng tôi vẫn viết, viết riêng cho ngày thiêng liêng này, không vì điều gì cả. 

Xâm lược? Nội chiến? Kháng chiến? Ý thức hệ? 

Một cuộc chiến ngôn từ để xác định ngôn từ cho cuộc chiến 21 năm trường kỳ ấy diễn ra còn trường kỳ hơn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Người ta đòi hỏi phải công nhận "Mỹ không xâm lược", "Đó là nội chiến", "Một cuộc chiến ý thức hệ" ... . Nhiều người cũng chạy theo để khẳng định "Mỹ xâm lược", "Đó là kháng chiến", "Ý thức hệ chỉ là đòn tâm lý chiến của Mỹ" ... . Để làm gì?

 Mỹ đã rải ở miền Nam Việt Nam 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học. Số bom ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, gấp gần 3 lần tổng số bom sử dụng trong Thế chiến thứ hai trong cái gọi là "chính sách lunarization" (Mặt Trăng hóa).

Trong chiến tranh 5 triệu tính mạng người Việt bị cướp đi, 50% diện tích rừng bị phá hủy, mỗi người dân Việt Nam phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom đạn Mỹ. Sau chiến tranh, hàng triệu tấn bom mìn chưa phát nổ còn sót lại trong lòng đất làm hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương từ 1975 đến nay, gây ô nhiễm 6,6 triệu ha đất (chiếm 20% diện tích Việt Nam), khiến chính phủ Việt Nam phải chi mỗi năm khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả bom mìn.

Có kẻ đến nhà bạn, cầm ghế dập lên đầu bố bạn, lấy dao đâm vào bụng mẹ bạn, tuột quần ỉa lên bàn thờ nhà bạn, bạn còn ngồi cãi nhau với thằng hàng xóm xem nó đến xâm lược hay tặng quà làm gì? Để làm gì? Tại sao phải chạy theo cái vỏ ngôn từ mà bỏ quên đi bản chất sự việc?

Tôi thì cóc quan tâm là xâm lược hay không, nội chiến hay không, ý thức hệ là cái quái quỷ gì, chỉ cần mày đến đây tưới bom rải đạn lên đầu dân tao, chỉ cần mày chạy theo thằng ăn cướp quay lưng chỉa súng vào dân tộc thì mày phải chết, và tao mừng là mày đã chết. Không có lý luận gì cao sang, không có gì để thỏa hiệp.

Chính sách sai lầm với người VNCH sau 1975? 

Thông thường ở các cuộc chiến trên thế giới (đã xảy ra) thì ngay sau chiến thắng sẽ là 1 cuộc thanh trừng đẫm máu. 

Để dẹp tan các kẻ chống lại Cách Mạng (Tư Sản Pháp, 1789), Hội Nghị Quốc Ước và Ủy Ban An Toàn Công Cộng đã cho lập ra một cơ quan cảnh sát chính trị tối cao, gọi là Ủy Ban An Ninh Tổng Quát (the committee of General Security) có mục đích bảo vệ Nước Cộng Hòa, chống lại các kẻ nội thù. 

Trong thời kỳ Khủng Bố của nước Pháp từ năm 1793 tới năm 1794, vào khoảng 40,000 người đã bị giết, một số lớn khác bị cầm tù. Riêng tại thành phố Paris kể từ tháng 9-1793 tới tháng 6-1794, vào khoảng 2,500 người đã bị đưa lên máy chém guillotine. 

Mà nước Cộng Hòa Pháp được xây dựng trên căm bản của bản "Tuyền Ngôn về các Quyền lợi của Con người", hiện nay vẫn là "biểu tượng" về "Dân chủ - nhân quyền" đó nha, không phải dạng vừa đâu. Rộng đấy! 

Việt Nam, 1975, khi quân giải phóng chưa vào Sài Gòn, ngụy quân đã tuyên truyền về 1 cuộc tắm máu do Cộng Sản gây ra, nhưng điều đó không xảy ra, quân giải phóng vào Sài Gòn trong sự hân hoan của người dân và không có dấu hiệu nào cho thấy có sự giết chóc sau giải phóng. Nghĩa là nhân từ, nhân đạo rồi.

Còn đi cải tạo Biểu tượng cảm xúc smile Xin thưa, trộm chó, trộm gà bắt được nếu không bị dân đánh nhừ tử thì cũng đi tù, đi cải tạo, đừng nói chi đến phản quốc, bán nước. Ờ thì không phải bán nước, chỉ là a dua theo người ta để chống lại đất nước thôi. Sao cũng được, nhưng đã có tội thì phải trả giá, đắt hay rẻ thì cũng phải nhận lãnh.

Đó là logic nhân quả. Còn xét về việc quản trị 1 đất nước, không bao giờ có chuyện để cho 1 lực lượng lớn có tư tưởng chống phá (hoặc có nguy cơ gây bất ổn) tồn tại mà không có biện pháp. Chưa kể đến hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam sau 1975, nếu ngày đó mà không đưa họ đi cải tạo thì VN còn loạn nữa, chẳng đủ sức đâu mà đánh Ponpot với TQ.

Sau khi thống nhất đất nước Việt Nam không phải "lưỡng đầu thọ địch" mà là "tứ đầu thọ địch". Ở biên giới Tây Nam quân Ponpot quấy nhiễu (1977, 1978), ở biên giới Tây Bắc quân TQ xâm lấn (1979), trong nước thì Fulro rồi Hoàng Cơ Minh cùng tàn dư VNCH âm mưu "phục quốc", kinh tế thì cấm vận tứ bề. Ngày đó không đưa những người từng phục vụ cho chế độ cũ (VNCH) vào quản chế thì có lẽ đến bây giờ đất nước còn chưa yên tiếng súng.

"Thuyền nhân" họ ra đi vì tự họ muốn, không ai ép buộc cả, một nơi nào đó giàu có hơn vẫy gọi họ, họ đi. Tôi chẳng than khóc cho họ, những người đã rời bỏ đất nước trong khó khăn. Ai muốn đi thì đi, điều đó tốt, đất nước này, dân tộc này vẫn trường tồn mà không cần họ.

Ấy thế mà tôi thấy nhiều người cố trốn tránh khi bị nhắc đến vấn đề ấy, đó là sự thỏa hiệp. Với tôi thì ngay cả bây giờ nếu đem gom hết các "anh chị em dâm chủ" đi cải tạo, quản chế, tôi ủng hộ 2 tay, ngay và luôn, vì như thế đất nước yên bình lắm, cũng bớt đi được vài cá thể ăn hại.

Hòa giải, hòa hợp?

Điều ngu xuẩn nhất mà tôi từng đọc thấy là việc những kẻ bán nước thua cuộc lại ra điều kiện hòa giải. Logic trong việc hòa giải xưa nay chỉ có 3: Một là hai bên đánh nhau chưa phân thắng bại hoặc chưa thấy rõ thắng bại mà không muốn tiếp tục cuộc chiến nên hòa giải, hai là bên chính nghĩa chia bàn tay tha thứ ra với bên lầm lỡ, ba là bên lầm lỡ biết hối lỗi mong quay lại con đường sáng. 

Chưa thấy ở đâu mà những kẻ tàn dư bán nước thua cuộc 40 năm sau còn đòi ra điều kiện để được hòa giải. Việc này nên được ghi vào sách, mục "những câu chuyện đếch thể tin nổi" mới đúng. 

Sau 1975, nhiều người Việt xuất ngoại, nhưng người còn tấm lòng với đất nước họ lo làm ăn, khi trở nên khá giả họ đã âm thầm trở về mà không cần đợi nhà nước ra chính sách hòa giải, hòa hợp. Còn cũng có 1 bộ phận chống Cộng cực đoan (CCCĐ), ảo tưởng phục quốc cứ suốt ngày biểu tình chống phá.

Bọn CCCĐ, tôi nói thật, toàn khố rách áo ôm, ăn rồi ngồi không hưởng trợ cấp mấy trăm quen ấy mà, suốt ngày đi biểu tình thì thời gian đâu là mà việc kiếm tiền. Đám lười lao động này thì có hòa giải cũng chả góp sức được gì cho đất nước đâu. 

Hết gửi thỉnh nguyện thư lại trình đạo luật này nọ chống lại đất nước thì ai hòa giải cho nổi. Nói chuyện thỏa hiệp với chúng nó để không vui trong ngày vui thống nhất là chuyện không thể nào. Không thể.

Tôi cứ vui ngày vui lớn, cứ gọi 30/4 là đại thắng mua xuân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự thật nó vậy, không bao giờ được thỏa hiệp. Cũng như bộ ngoại giao kiên quyết phản đối đạo luật bẩn thỉu của Canada thôi.

HẾT!

30/4 năm sau lại tiếp.

Wednesday, December 31, 2014

NHO GIAO, VIỆT NAM ĐANG CẦN HỌC CHỔ NÀO? (post lại)


[Lưu ý: bài viết này không nhăm mục đích trả lời câu hỏi nên hay không nên mở Học Viện Khổng Tử, chuyện đó chẳng có gì phải bàn cả, cái gì hay thì học, vậy thôi. Chúng ta có Đại Học Thiên Chúa Giáo, Đại Học Việt Nhật, thì có Học Viện Khổng Tử là bình thường, Kpop, Hentai, Hippi đầy khắp nơi kia kìa]

Việt Nam ta, văn hóa gốc là văn minh lúa nước, tuy nhiên với hơn 1000 năm đô hộ đồng hóa cùng nhiều cuộc xâm lăng lớn nhỏ của các triều đại Trung Quốc thì không thể phủ nhận sự du nhập, giao thoa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà chủ đạo là Nho giáo lên văn hóa nước ta.

Đến thế kỷ 20, với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, Nho giáo mất vị thế, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại Trung Quốc trong thập niên 1960-1970. Ở nước ta cũng vậy. Theo lẽ thường, những gì đã qua, người ta thường cho là cổ hũ, lạc hậu và đi đến phủ định toàn bộ. Phủ định xã hội phong kiến, phủ định luôn Nho giáo.

Lại nữa, ký ức 2000 năm của dân tộc hiện hữu với sự đe dọa chủ quyền đến từ Trưng Quốc, gần đây và bây giờ là sự căng thẳng ở Biển Đông, khiến cho người Việt có tâm lý ghét Trung Quốc. Và cũng theo lẽ thường. khi ghét, người ta bài trừ, và bài trừ toàn bộ, bài trừ Trung Quốc, bài trừ luôn Nho Giáo.

Nay xét thấy :

Trong lịch sử, dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, nhưng văn hiến của họ thì không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại còn đồng hóa luôn những kẻ đã chinh phục họ.

Trung Hoa trải qua hơn 2.000 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đất nước của họ vẫn không hề lụn bại, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen ngợi.

Không phải chính trị, không phải vũ lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của họ, giúp đất nước họ trường tồn. Mà gây dựng nên nền văn hiến đó, công đầu thuộc về Nho giáo.

Lại nữa, một hệ tư tưởng tồn tại hơn 2500 năm, và hiện tại vẫn đang duy trì được một sức ảnh hưởng sâu rộng, được nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học, văn hóa ... trên thế giới bỏ công nghiên cứu thì tư tưởng đó khó lòng mà nói là "tư tưởng vứt đi" được.

Chúng ta luôn cầu sự tiến bộ, muốn tiến bộ thì cần học hỏi, học hỏi thì cần gạn lọc để tìm chổ hay, chổ phù hợp với hoàn cảnh của mình mà học, đó là lý do tôi viết bài này trình bày chổ hiểu vốn chưa nhiều (nhưng cũng tự nghĩ là tìm thấy chổ trọng tâm mình cần) của mình về Nho Giáo, rút ra cái chổ cần học theo suy nghĩ tạm thời của cá nhân. Cũng là nhân khi Việt Nam cho mở viện nghiên cứu về Khổng Tử vậy.

Tìm chổ học, chúng ta cần tìm đến cái chân tướng của lý thuyết ấy, việc chỉ nhìn bề mặt, hiện tượng cũng rất dễ dẫn đến sự phủ định một cách nông cạn. Ví như chổ Đạo Phật, nhiều người không nghiên cứu về Kinh - Luận hoặc nghiên cứu mà không hiểu được đến chổ nghĩa cùng tột của Kinh Luận, chỉ thấy một số hiện tượng như có nhiều người tới chùa cầu tài, cầu tự, cầu duyên ... mà quy kết Đạo Phật là mê tín, điều lạ lẫm nhất trong tư tưởng Phật Giáo.

Nay cũng thế, muốn tìm chổ học được của Nho Giáo, ta tìm về cái tư tưởng thật sự của Khổng Tử.

Cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới người đời sau không thể nắm bắt các tư tưởng của Đức Khổng Tử một cách trực tiếp mà chỉ được biết các tư tưởng của ngài bằng các ghi chép do các học trò của ngài để lại.

Lại nữa, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc liền thực thi chính sách "đốt sách chôn Nho", đây là sự kiện khiến cho Kinh, sách bị thất truyền thất bản khiến đời sau có nhiều chổ hiểu lệch lạc.

Nhà Hán lập quốc, khôi phục Nho giáo, từ đây về sau, Nho giáo trở nên cực thịnh ở Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt xã hội. Nhưng cũng vì 2 nguyên nhân kể trên, cũng như để phù hợp với trình độ nhận thức của từng thời kỳ, thêm nữa là những thủ đoạn lợi dụng Nho giáo để trục lợi chính trị mà Nho giáo có nhiều chổ biến tướng sai khác, có xu hướng cực đoan hóa.

Trong quá trình đó, có 2 bước ngoặt, tạo ra nhiều hệ phái trong đó có Hán Nho và Tống Nho.

Từ đời Xuân Thu Chiến Quốc về trước, quân quyền chưa thịnh, vả bấy giờ ở TQ, học thuyết chia ra nhiều phái, không phải một nhà nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống nhất thiên hạ, Thủy Hoàng đặt ra những cái lễ "tôn quân ức thần", quân quyền mới mạnh lên.

Nhà Hán nối lấy, y theo cả lễ pháp nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một Khổng giáo, ấy là nhà Nho cũng nhờ quân quyền mà được mạnh.

Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà Nho mới càng tìm cách để quân quyền ngày một thịnh. Vua Hán hội chư nho gia viết sách Bạch Hổ Thông, các nhà nho đã mang sẵn tấm lòng đền ơn trả nghĩa, việc biên tập sách ấy lại thuộc dưới quyền quân chủ nữa, thì sinh ra ra thuyết Tam Cang.

Tam-Cang là: Quân-thần, Phụ-tử, Phu-phụ. Vua tôi, cha con, chồng vợ; Chúa ở với tôi có đạo-đức, thì tôi thờ chúa mới tận kỳ trung; Cha ở với con từ-thiện, thì con thờ cha chí hiếu; Chồng giữ trọn nghĩa với vợ, thì vợ phải thủ tiết thờ chồng ấy là Tam-cang tức là đời có Ðạo.

Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như là trọng, còn tôi, con, vợ thì khinh. Một bên có quyền, nhưng không cần nghĩa vụ, một bên kém quyền nhưng lại nặng nghĩa vụ với bên kia.

Đẻ sau mà khôn trước! Từ đó các vua, triều đại thay đổi nhau nhưng vẫn trọng thuyết tam cang để gia cố quyền lợi cho mình, thành ra không bao lâu mà nó đè sấp cái thuyết ngũ luân của Khổng Tử. Cho đến bây giờ ai cũng nói “cang thường”, “cang luân” hay là “tam cang ngũ thường”.

Tống Nho cũng theo thuyết Tam Cang ấy, nhưng có nhiều chổ phát triển lên cực đoan hơn và hình thức hơn, làm cho tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử đang truyền mà gần như là bặt truyền.

Vậy, những gì là tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử và Nho Giáo ?

Khổng Tử dạy có Ngũ Luân rằng : “Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn : năm điều ấy là đạo thông trong thiên hạ vậy”, “Vua phải đạo vua, tôi phải đạo tôi, cha phải đạo cha, con phải đạo con”, “Làm vua người, đỗ ở nhân, làm tôi người, đỗ ở kính, làm con người, đỗ ở hiếu, làm cha người, đỗ ở từ, giao với người, đỗ ở tín”.

Như vậy chúng ta thấy, tư tưởng của Khổng Tử không hề có sự nâng một bên lên, hạ một bên xuống mà khi nào cũng đối đãi với nhau. Bên nào cũng được buộc cho một cái bổn phận đối với bên kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà khác. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Học thuyết của Khổng Tử lập nên trên một chữ “nhân”. Nhân thì yêu người, yêu người thì cứu người. “Hiếu đễ là gốc sự làm nhân”, rồi suy đến “rộng ra ơn và giúp chúng”, cái mục đích của nhân là ở đó. Phương pháp thì là, bắt đầu từ cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, rồi đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. “Từ thiên tử đến thứ nhân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Nhờ cái gốc vững vàng mà hành động đúng đắn, mọi người ở với nhau như “đo vuông”, nghĩa là bốn bên không lấn nhau mà xã hội được yên ổn thái bình.

Trong chữ “nhân” có nghĩa bình đẳng. Vì chữ “nhân” bởi chữ “nhị là hai” và chữ “nhân là người” ráp lại. Cho nên nhân, nghĩa là cái lòng yêu thương, kính trọng của hai người đối với nhau, mà cũng là cái bổn phận của hai người đều phải có. Vì vậy mà trong ngũ luân, mỗi một luân, bên này phải có bổn phận đối với bên kia. Nếu chếch đi một bên thì mất cân bằng mà không gọi là nhân được. Nhờ một chữ nhân đó, mọi người ở với nhau đằm thắm, ấy là cái phước lớn của nhân loại. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Tiếc rằng, Việt Nam ta chịu ảnh hưởng, nhưng lại là ảnh hưởng của Hán Nho, Tống Nho nên những gì tàn sót lại đều được cho là hủ lậu, không mấy có ấn tượng tốt đẹp với người đương thời.

Nay muốn học, nên học cái bình đẳng có trật tự ấy. Vì sao ?

Xã hội hiện đại ngày nay, càng vǎn minh, con người dường như càng ít quan tâm đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều tri thức không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn, nhân loại sẽ suy đồi. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh trong thế kỷ 20, nên đời sống vật chất cải thiện rất nhiều. Nhưng đời sống vật chất càng tiến bộ, thì nền đạo đức và quan hệ giữa người với người càng xấu đi, nhất là làm cho mọi người mất niềm tin với nhau.

Dễ thấy, trò không còn là trò khi chẳng chịu lo học lại còn hỗn với thầy, thầy cũng chẳng còn là thầy khi chẳng làm gương cho trò, cha mẹ bỏ bê con cái, con cái lại chẳng biết đường hiếu kính, làm dân tính đủ đường lách luật, trốn thuế, chống người thi hành công vụ, hối lộ viên chức, làm cán bộ thì nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, tắc trách ... Mỗi người đã không giữ đạo cho riêng mình, trật tự mất đi, các giá trị đạo đức cũng tự đó mà băng hoại.

Nay ứng cái sự bình đẳng có trật tự ấy để biết, mỗi người đều có quyền bình đẳng ngang nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với xã hội như nhau, nhưng phải giữ "trật tự", con phải đúng là con, cha mẹ phải đúng là cha mẹ, cán bộ phải đúng là cán bộ, dân phải đúng là dân, chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ.

Nếu hỏi định nghĩa nào cho "thầy", "trò", "chồng", "vợ" ... thì câu trả lời tất nhiên là những chuẩn mực của xã hội đương thời dành cho địa vị ấy, chứ không thể áp dụng chuẩn mực cũ được, học có gạn lọc là như vậy.

Nói thêm rằng, song song với việc nghiên cứu, chắt lọc được cái đáng học ở Nho Giáo (mà theo cá nhân minh là chổ kể trên) thì cần xóa đi cái cái ảnh hưởng tiêu cực thâm căn cố đế của Hán Nho, Tống Nho lên xã hội đương thời, có như thế mới phát huy được hết tác dụng.

Kể ra đây 3 điều cần sớm gạt bỏ :

Thứ nhất : Tư tưởng khinh nông, dễ dàng nhận thấy tư tưởng của người nông dân ngay nay thường là "nghèo cũng phải cho cu Tèo đi học", "đi học lấy cái chữ, mà thoát khỏi cái cày con trâu con ạ" ... , những người thành đạt cũng từ đó mà sinh ra tâm lý khinh nhờn nghề nông, nhà nước thì "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", có quan tâm nông nghiệp cũng đang trong tâm lý "nghĩa vụ phải làm". Đây rõ ràng là ảnh hưởng tiêu cực từ Nho Giáo.

Câu hỏi đặt ra là sao không đào tạo nông dân để từ đó có được những người làm nông tay nghề cao, đầu tư cho nông nghiệp để có được những sản phẩm chất lượng cao, mà lại xa rời nông nghiệp vốn là văn hóa gốc rễ của dân tộc.

Thứ hai : Bệnh học chữ, đời xưa, học chữ, thi đỗ, ra làm quan, đời nay cũng cầu cái chữ để cốt tiến thân lập nghiệp, giáo dục cũng thiên về dạy cái chữ, thành ra xã hội nhiều người nói hơn người làm, thừa thầy, thiếu thợ. Đây cũng là một cái ảnh hưởng của nho giáo.

Ngày nay, không chỉ học "cái chữ" mà kĩ năng thực hành, tinh thần, thể chất cũng cực kỳ quan trọng, phải có sự cơ cấu lại, bổ sung thêm, cải cách nền giáo dục để bỏ đi cái tàn sót tư tưởng này.

Thứ ba : Thói quen nịnh trên hiếp dưới, Hán Nho, Tống Nho hình thức hóa Nho Giáo, trọng thứ bậc, giai cấp cấp xa hội, khiến cho kẻ dưới sợ kẻ trên mà sinh xu nịnh, kẻ trên khinh kẻ dưới mà sinh hiếp đáp. Tàn sót đến tận ngày nay.

Vì vậy, phải làm cho dân hiểu luật, nắm bắt được quyền của mình mà không e sợ người trên, thủ tục hành chính đơn giản để dân không thấy phiền hà mà cầu cạnh. Răn đe đủ với người có quyền mà tắc trách, quan liêu.

Ngoài 3 điều ấy, tất nhiên còn nhiều chổ khác nữa, nhưng có lẽ thật khó hệ thống vì nó quá rộng, ở mọi khía cạnh của cuộc sống, vậy nên xin phép không kể ra.

Friday, December 26, 2014

Quản Trị Học với Phật Học là y chang nhau ...?

Gần đây trên mạng có nhiều bài phân tích rồi rút ra bài học từ phim Tây Du Ký, một câu hỏi trái khoáy đặt ra là “tại sao Đường Tăng “vô dụng” lại lãnh đạo được Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại”.http://www.webtretho.com/forum/f76/tai-sao-duong-tang-vo-dung-lai-tro-thanh-nguoi-lanh-dao-con-ton-ngo-khong-tai-phep-thi-lai-la-ke-lam-cong-1993792/

Mình cho rằng đây là một cách đặt vấn đề hết sức vớ vẩn, khi mà những người viết lấy cái nhìn từ Quản Trị Học áp dụng lên những biểu trưng của giáo lý Phật giáo, tức là bình xét một vấn đề trên hệ quy chiếu này dựa trên hệ trục của một hệ quy chiếu khác, nó phi và phản khoa học cho cả việc nghiên cứu Quản Trị Học lẫn Phật Học.

Tương tự như việc bạn xem phim Đội Bóng Thiếu Lâm của Châu Tinh Trì sau đó so sánh các kỹ năng của các nhân vật trong phim với Ronaldo, Messi, De Gea ... (những cầu thủ ngoài đời thực), nó chẳng đi tới đâu, bởi Đội Bóng Thiếu Lâm vốn là một bộ phim thuộc thể loại siêu thực, thế giới phim khác hoàn toàn với thế giới thực.

Bản thân mình chỉ thích xem, chứ không thực sự thích bình Tây Du Ký, bởi trơng TDK bên cạnh việc ẩn dụ các giáo lý Phật Giáo thì có xen lẫn cả Đạo Giáo, nét đặc trưng vô cùng riêng biệt của Trung Quốc khi họ luôn muốn đạo gốc của họ (Đạo Giáo) ảnh hưởng lên và đồng hóa các đạo du nhập khác, trong đó có Phật Giáo.

Đó là một việc đau lòng mà ngay cả ở Việt Nam ta cũng xảy ra (dù rằng đó là một sự địa phương hóa, giao thoa tôn giáo một cách tự nhiên chứ không phải cưỡng ép như TQ), toàn bộ kinh điển và tinh thần nhân sinh do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại có giá trị vô cùng to lớn đối với nhân loại, bản thân nó đã chồng chứa rất nhiều tầng nghĩa cao sâu khác nhau không dễ gì để hiểu hết, huống chi lại bị phiên nhiễm, tam sao thất bản.

Trong bài viết “Nho Giáo, Việt Nam cần học chổ nào?” (http://kichbanquangcao.blogspot.com/2013/10/nho-giao-viet-nam-ang-can-hoc-cho-nao.html), mình có viết về việc kinh sách của Khổng Tử bị tam sao thất bản, sau lại bị hậu bối xuyên tạc, thêm thắt phục vụ nhiều mục đích khác nhau (trong đó có chính trị), khiến cho ý nghĩa cao đẹp ban đầu trong tư tưởng Khổng Tử bị mất đi, bị hoen ố. Không Tử nói Ngũ Thường, không nói Tam Cang, Khổng Tử nói bình đẳng, không nói chính phụ trọng khinh, nhưng Hán Nho, Tống Nho làm lệch lạc đi tất cả. Chẳng phải quá đau lòng sao?

Ở Việt Nam, nói đến Đạo Phật, nhiều người lại nghĩ ngay đến mê tín dị đoan, đến xem bói, xem quẻ, cầu tự, cầu danh, cầu tài ... Đấy hoàn toàn là hậu quả của việc phiên nhiễm các tôn giáo địa phương và việc hiểu chưa đúng chổ tột cùng của kinh sách mà ra. Thế giới quan Phật Giáo là thế giới quan Duy Vật, biện chứng của Phật Giáo là biện chứng Nhân - Quả, Duyên - Nghiệp, ngay chính bản thân đức Phật cũng không phải là đấng cứu thế có thể tạo - ban hay dùng quyền năng để thay đổi số phận 1 con người. Phật Giáo thuần túy, tuyệt đối không có mê tín.

Những cái hiểu sai chất chồng lên nhau như vậy, làm đau lòng những người học Phật, mình chỉ dám nhận là người “đọc” Phật thôi nhưng cũng cảm thấy đau lòng như vậy. Chính vì lẽ ấy mà dù loạt bài viết về “Đường Tăng vô dụng” kia, tuy vớ vẩn, nhưng làm mình vô cùng phẫn nộ. Đạo Phật bị hiểu sai đã đủ nhiều, xin làm ơn, hãy để Đạo Phật được yên. Đừng mang những lối nghĩ ngu xuẩn của mình để phán xét Phật Giáo nữa.

Tại sao ngu xuẩn? Tại vì dùng hệ quy chiếu của Quản Trị Học để bình xét các ẩn dụ Phật Học nhưng ngay cả kiến thức về Quản Trị Học cũng sai cơ bản, nhận thức về Quản Trị Học vô cùng u tối, thể hiện sự bất mãn mù quáng với hiện thực đời sống mà bản thân đang lạc lõng.

Lan man một tý, mình học đại học 1 năm thôi, và may mắn được học Quản Trị Học Căn Bản, mình học rất tài tử, giáo trình hầu như không hề ngó qua, đối với Quản Trị Học chỉ nhớ được câu thần chú “Đặt Mục Tiêu, Lên Kế Hoạch, Đốc Thúc Thực Hiện, Kiểm Soát”. Sau này đi làm cũng may mắn được mấy lần quản lý người ta, cách làm của mình rất đơn giản: đặt mục tiêu tối thiểu + thiết lập quy trình chung và các công cụ hỗ trợ + đưa ra hệ thống thưởng, phạt, thu nhập và việc còn lại là lên facebook chém gió. May mắn thêm một lần nữa, team của mình luôn luôn là team hoạt động cực hiệu quả. Có một điều là mình không bao giờ bán hàng giỏi hơn những bạn trong team, tuy thế, dù phần lớn thời gian là để chém gió nhưng chắc chắn mình không vô dụng.

Đặt câu hỏi tại sao Đường Tăng không thần thông quảng đại lại lãnh đạo được Tề Thiên Đại Thánh là cả một sự ngu dốt thâm sâu rồi, trả lời vì “Đường Tăng vô dụng” thì tầng sâu ấy lại thêm được mấy phần. Quản lý được chia thành ba cấp, sơ cấp, trung cấp và cao cấp ở mỗi cấp khả năng kỹ thuật, chiến thuật, chiến lược có sự cần thiết nặng nhẹ khác nhau, tuyệt đối không có ai vô dụng mà được việc cả. Ở cấp quản lý càng cao, đòi hỏi về kỹ thuật càng thấp, đòi hỏi về tầm nhìn càng tăng, đó là Đòi Hỏi, chứ không phải là Bắt Buộc Tất Yếu, quản lý cấp cao cần có tầm nhìn xa, rộng, khả năng hoạch định chiến lược tốt và nếu anh ta giỏi kỷ thuật thì chả làm sao hết. Hẳn là người viết tức tối vì mình tài năng hơp sếp của mình chăng khi nói “muốn làm lãnh đạo thì phải (bắt buọc tất yếu) vô dụng”?

Hay như việc kết luận “cái mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có là “các mối quan hệ””, người viết viết (liệt kê) về các mối quan hệ, nhưng anh/chị ta không giải thích được các mối quan hệ có vai trò gì và tại sao lại có các mối quan hệ đó. Đó một lần nữa lại “thể hiện sự bất mãn mù quáng với hiện thực đời sống mà bản thân đang lạc lõng.” Nhiều bạn trẻ vẫn thường chửi người khác vì “đi lên nhờ các mối quan hệ”, coi đó như là một sự đáng ghê tởm lắm, và bài viết rõ là có dụng ý gãi vào chổ ngứa của các bạn trẻ hay chửi ít làm này.

Đến bao giờ các bạn mới ý thức được “các mối quan hệ” cũng là một “nguồn lực” bên cạnh nhân lực, tài lực, vật lực và thông tin? Nếu xem đó là một nguồn lực thì phải có quá trình chuẩn bị trước khi lên một kế hoạch, nó hiển nhiên đóng vai trò trong sự thành công của một kế hoạch chứ chả phải điều gì đáng ghê tởm cả. Bạn ghê tởm nhân tố đưa bạn đến thành công, thành công sẽ ghê tởm bạn. “Xây dựng các mối quan hệ” là một dạng tài năng, một tài năng quan trọng, câu sấm truyền “quảng cáo thoái vị, PR (quan hệ công chúng) lên ngôi” đã lan đến tận từng lũy tre rồi mà các bạn đang ở đâu, lỗ cua chắc?

PR không phải các em trẻ đẹp đứng chào khách, không phải là một vài bài viết lố lăng đăng lên báo, nó là một hệ thống tổng hòa các tương tác (nội dung lẫn hình thức) của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với những nhóm đối tượng trọng yếu nhằm thiết lập những liên hệ bền chặt mà từ đó khai thác được các lợi ích đáp ứng tiến trình của các kế hoạch, chiến lược. Khi mình còn làm Marketing cho một công ty luật, trong kế hoạch Marketing tổng thể luôn dành đất cho PR rất nhiều, “những nhóm đối tượng trọng yếu” là nhân viên (marketing nội bộ), khách hàng (chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm một chính sách tương ứng), luật gia (luật sư, chuyên viên luật), báo giới, chính quyền, các đối tác, ... Nói xem chuyện đó có gì đáng ghê tởm? Nếu người viết am hiểu về quản trị học thì phải kết luận rằng “Đường Tăng có khả năng xây dựng các mối quan hệ tốt hơn Tôn Ngộ Không”, mới đúng tinh thần “rút ra bài học”, chứ không phải kiểu cay cú với đời, tiếp tục ru ngủ bản thân và những người khác, tự an ủi rằng “lỗ cua mát lắm” như vậy.

Trên đây là phân tích qua loa, gọi là chiều lòng người viết để nhìn trên cái nhìn Quản Trị Học, còn về căn bản, muốn bình Tây Du Ký, bạn hay bất kỳ ai cũng phải có hiểu biết về Phật Học, không những thế cái hiểu đó phải thâm sâu ở mức độ nhất định. Tây Du Ký là một chuỗi dài những ẩn dụ cho những giáo lý Phật Giáo. Đi thỉnh kinh, đi Tây Trúc thì không phải đi đến Tây Trúc mang những cuốn tập có chép kinh về mà là đến với Phật, đến với giác ngộ. “Tám mươi mốt nạn quỷ ngăn đường” thì không phải là 81 lần đụng độ với yêu quái các kiểu, mà là những cám dỗ từ ngoại cảnh. Năm thầy trò không hẳn là Đường Tăng, Tôn Ngô Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, Bạch Mã mà còn là Tâm, Trí, Dục Vọng, những lầm chấp của một con người, trong đó tâm sáng, tâm tĩnh, trí huệ (không phải trí tuệ) sẽ dẫn lối ...
(đọc thêm "Giải mã truyện Tây Du Ký" :https://docs.google.com/file/d/0BwSQuh8bXA_KNjBOc0lVb016ZTQ/edit (mình chưa đọc))

Trong Phật Giáo không có khái niệm người lãnh đạo, chỉ có người thầy, người dẫn lối, người bạn đồng hành (Đức Phật chỉ nhận mình là người hướng dẫn mà thôi), người đạt được tầng tu tập cao hơn sẽ hướng dẫn người sau, làm cho người sau ngộ ra chân lý mà tiến tu. Người đi tìm giác ngộ, trước phải dùng trí tuệ để hiểu, sau phải dùng trí huệ để ngộ, Tôn Ngộ Không chí trí tuệ xuất chúng hơn người nhưng chưa có được cái trí huệ của bậc tu như Đường Tăng, hẳn vì lẽ đó mà anh ta có pháp danh là Ngộ Không, cốt để nhắc anh ta một chữ “Không”. (Giải thích 1 từ trí huệ rất khó, mình hiểu nhưng viết ra có lẽ lại là thảm họa, bạn nào có nhiệt tâm thì tìm hiểu nhé, trong kiến giải Kinh Tinh Yếu Bát Nhã có giải thích rõ cái này)

http://tangthuphathoc.net/tapsach/vothuongnietban-01.htm

Ngộ Không đại náo thiên cung, luyện thành mắt thần có thể nhìn rõ thật giả ở đời, thật giả ở đây thuộc về lý trí, trí tuệ, nhưng anh ta không nhìn ra được “Sắc - Không” (thuộc về trí huệ). Sắc - Không (Có - Không) ở đây không phải là sự xuất hiện (có 1 ngôi nhà nhỏ ven hồ) mà là thấy được ngôi nhà tuy có mà không có, có đó nhưng chỉ 1 môi lửa thì thành không có (vô thường), có đó nhưng không thật một ngôi nhà mà do cột kèo, mái lợp tạo thành (vô ngã)... . Ngộ Không có thể nhìn gái đẹp ra yêu quái, Đường Tăng nhìn gái đẹp như không. Ngộ Không thấy yêu quái mà sinh sân giận, dấn mình sâu vào vô minh. Bát Giới thấy gái đẹp, trí tuệ lu mờ, dục vọng nổi lên toan làm điều xằng bậy, dấn mình vào vô minh. Đường Tăng thấy gái đẹp quán biết đẹp sẽ tàn (vô thường), đẹp ấy do giả hợp mà thành (vô ngã), nên coi như không, hoặc giả (ở tầng tu cao hơn) nhìn người biết đó là người, nhìn gái đẹp cũng biết đó là người mà thôi (đối cảnh vô tâm), vì thế là tâm không động, khẩu không xuất, thân không hành (tức không tạo nghiệp). Đó là trí huệ của Đường Tăng.

Vì thế trên đường đến giác ngộ, đến với sự tỉnh thức, Đường Tăng là người hướng dẫn các học trò.

Hãy tưởng tượng có một ngôi nhà với 5 cái cửa, giữa nhà có một ngọn đèn sáng, ánh sáng của ngọn đèn này sáng khắp căn nhà, phà ra năm cái cửa, có một người đứng ở cửa trông ra ngoài khoảng đêm tối mênh mông, người đó chính là mỗi chúng ta, chúng ta bỏ sáng tìm tối ấy là vô minh, nhìn cảnh bên ngoài vô thường, vô ngã không thực có mà cứ nghĩ là thực có, nhìn hoa thấy hoa thơm hoa đẹp, liền muốn hái làm của riêng mình từ đó mà sinh ra tham, ái, sân, si, mạn, nghi, ác, thủ. Tham thì cầu, ái thì luyến nhớ, tất cả dẫn con người đi đến chổ tạo nghiệp, gieo nghiệp nhân thì gặt nghiệp quả, cứ thế mà sinh diệt luân hồi mãi. Nay thấy khổ muốn thoat khổ, liền nhớ ra phía sau lưng chúng ta là ngọn đèn, ấy chính là Phật tánh của mỗi người vậy, chỉ cần quay đầu là thấy ngay hay có câu “hối đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ). Một cái quay đầu ấy, dễ mà không dễ, trước phải có lòng tín Phật, sau phải dùng giới - định - huệ mà tiến tu.

Tín Phật trước là tin rằng mỗi người đều có Phật tánh ( Đức Thích Ca nói : Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành), tin rằng bản thân sẽ trở thành Phật, sau là tin vào những gì Đức Phật răn dạy lấy đó làm phương tiện tu tập. Giới ấy là việc dựng lên bức tường rào quanh ngôi nhà ấy để ngăn giữ không cho ý, khẩu, thân tạo nghiệp (một cách hình thức thì Phật tử vừa quy y phải thọ 5 giới (không nói dối, không trộm cắp, không tà hạnh, không uống rượu, không sát sinh), những người tu sâu thêm sẽ thọ thêm nhiều các giới khác). Định là an nhiên, tĩnh tại ở trong Giới. Huệ là ở sâu trong Định mà giác ngộ chân lý. Nếu xét ý nghĩa ẩn dụ thì Đường Tăng là biểu trưng cho lòng tín Phật, cho giới - định - huệ; Ngộ Không là biểu trưng cho lý trí; Ngộ Năng là biểu trưng cho tham ái, Ngộ Tĩnh là biểu trưng cho sân khuể, Bạch Mã là biểu trưng cho si mờ.

Lý trí luôn bay nhảy không ngừng, lúc thế này một niệm sau lại thế khác, ý khởi thì khẩu xuất, khẩu xuất thì thân hành, thân hành thì nghiệp tạo, cứ thế trầm mình vào luân hồi khổ nạn. Tham mà không có được (cầu bất đắc) thì khổ, yêu thương phải chia lìa (ái biệt ly) thì khổ, giận lên thì cũng tự khổ, si mờ thì dìm mình mãi trong khổ. Một người có lòng tín Phật, biết siết vòng kim cô lên lý trí, kiềm chế tham ái, đè nén sân giận, dẫn lối cho si mờ, thì trước sau cũng tìm đến được bến tỉnh thức, bờ giác ngộ, thấy được Phật Tánh của mình. Tôn Ngộ Không có thể hô biến là tới Tây Trúc, nhưng không đến được với Phật, còn Đường Tăng, nếu không có Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh thì một cái ngoái đầu là đã thấy Phật.

Kết lại, khi nào chúng ta cần quản trị học? Khi chúng ta có muột mục tiêu và cần từ 2 người trở lên để thực hiện. Khi nào chúng ta đến với Phật? Khi chúng ta chẳng cần mục tiêu nào nữa, muốn buông bỏ để đi tìm an nhiên, tĩnh tại. Vì đôi đường đôi ngã như thế, Quản trị học không bao giờ chạm được đến giáo lý Phật Giáo. Tuy nhiên mình khuyên ngược lại, bạn nào đang học quản trị, làm quản trị thì nên đọc Phật, thứ nhất nó rèn luyện cho bạn khả tư duy hệ thống và sâu, thứ 2 nó mở ra cho bạn một thế giới quan vô cùng rộng lớn, khiến cho tầm nhìn của bạn cũng rộng hơn, thứ 3 những tri thức về tâm lý học ở trong Phật học là rất thâm sâu mà Quản trị học thì xem chừng chỉ là cách nói khác của “dẫn dắt tâm lý” mà thôi.