Thursday, October 31, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, Hồi thứ 2

Hồi Thứ Hai : Ngô Quyền bày trận thiết trụ, Hoằng Tháo hùng hăng vào cửa tử.

Dẹp xong nội loạn, Ngô Quyền vào thành họp bàn với các tướng lĩnh về kế hoạch chống ngoại xâm. Thành Đại La trở thành trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai.  Trong một cuộc họp bàn, với lòng tự tin và làm chủ tình thế, Ngô Quyền nói :

- Hoằng Tháo là chỉ đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính tuy đông còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Không những phá được, mà nếu theo kế của ta, chỉ cần một trận chúng đã tan tác không có chổ chôn thây.

- Chẳng hay kế ấy thế nào, xin chủ tướng nói rõ - Kiều Công Hãn đứng ra thi lễ rồi hỏi -

- Chẳng vội, chẳng vội, thiên cơ lộ sớm ắt sự khó thành, nay ta chỉ nói sơ, sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là giao thông quan trọng từ biển Đông vào đất Việt ta. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông. Sông chảy qua một vùng núi non hiểm trở, có nhiều nhánh sông phụ đổ vào. Hạ lưu sông thấp, chịu ảnh hưởng của nước triều khá mạnh. Triều lên từ nửa đêm về sáng, cửa biển rộng mênh mông, nước trải rộng ra hai bên bờ đến hơn dặm. Đến gần trưa thì triều rút mạnh, chảy rất nhanh. Hai vạn quân địch đi vào chốn ấy, ta cũng ở chốn ấy mà giết địch, nước chảy qua cái phểu thế nào, địch đi vào đất ta thế ấy, chổ hẹp của phễu là cửa tử của chúng vậy. Ta soạn sẵn cáo thị này, phiền Kiều tướng quân ban bố cho dân các lộ được hay.

Nói rồi, Ngô Quyền liền đưa bản cáo thị cho Kiều Công Hãn, Công Hãn y lệnh, cho người thông báo đi khắp nơi, cáo thị rằng:

- Chúng ta là người Việt, là con lạc cháu hồng, là dân Văn Lang, Âu Lạc, ngàn năm nay bọn giặc phương Bắc đến đây, khiến chúng ta có nhà mà chẳng có nước, nhưng Bà Trưng vẫn nhớ, Bà Triệu vẫn nhớ, vua Mai vẫn nhớ, vua Lý vẫn nhớ, chúng ta quên được chăng? Nay, tên giặc già Lưu Cung có mắt chẳng tỏ, đứa trẻ ranh Hoàng Tháo chưa thấy Thái Sơn, chúng lại muốn chiếm nước ta lần nữa, đến bao giờ nước Việt được thiên thu vạn đại ? Nghe ta, đoàn kết lại, một cơn giận mà yên ngàn đời, khiến chúng kinh sợ mà chẳng dám vãng lai, khiến chúng mở mắt mà biết nước Nam ta có chủ. Cờ ta đã dựng, nhớ cội thì về !

Lời ấy truyền đi hào kiệt bốn phương đem quân hội tụ về Đại La dưới cờ đại nghĩa của Ngô Quyền. Trong số ấy có Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ. Ngô Quyền nhìn Bạch Hổ cười nói :

- Ta nghe Xương Ngập kể chuyện Bạch Hổ một đao lấy đầu Công Tiễn rồi bỏ đi, sao nay lại đến ?

- Khi đó ta biết tài của anh mà chưa biết chí của anh, nay biết rồi nên ta theo về.

Ngô Quyền trước nay vốn yêu tài của Bạch Hổ, nay được lời ấy mừng lắm, liền bảo:

- Tốt lắm, có Bạch Hổ, Cảnh Thạc cùng giúp, đại địch còn gì đáng lo. Thời cơ nay cũng đã đến, các tướng đợi lệnh !

- Xin nghe lệnh của chủ tướng ! - Các tướng đứng ra đồng thanh -

- Nay ta giao cho Kiều Công Hãn chia quân đóng ở Bình Kiều, Hạ Đoan, Lương Khê lo việc đốc thúc lương thảo và chi viện khi có lệnh. Các tướng Bạch Hổ, Công Trứ, Xương Ngập, Cảnh Thạc, Tam Kha cùng ta và đại quân men theo đường sông hành quân về cửa sông Bạch Đằng.

- Rõ.

Mùa thu 938, đại quân đến nơi, Ngô Quyền hạ lệnh đóng ở Lương Sâm, Gia Viện, Nhân dân khắp nơi nô nức mang vũ khí, thuyền chiến tham gia và ủng hộ quân đội. Chỉ riêng một thôn Gia Viện nơi Ngô Quyền đặt đại bản doanh cũng đã có hàng mấy chục trai tráng dưới quyền chỉ huy của Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố tình nguyện nhập ngũ. Chẳng mấy cốc quân số từ 6 ngàn mà lên đến hơn 1 vạn.

Khi ấy Công Trứ nói cùng Ngô Quyền :

- Trước đây, đại quân phần lớn là người Hoan Châu, Ái Châu, nay trước nạn Nam Hán xâm lược, dân các nơi đều về tụ nghĩa, ngàn năm qua đây là lần đầu lòng dân một hướng như vậy, nước Nam ta có tương lai rồi.

- Âu cũng là nhờ tổ tiên gia hộ, vận nước sẽ thịnh từ đây - Ngô Quyền cười đáp -

Vùng cửa sông và hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm điểm quyết chiến. Một hôm Ngô Quyền lệnh các tướng dậy sớm cùng đi dọc bờ sông quat sát, đến một đoạn, ông nhìn ngắm mãi rồi trỏ vào một cây sào, nói với Bạch Hổ :

- Bạch Hổ giúp ta cắm cây sào này vào giữ lòng sông.

Bạch Hổ nghe lệnh, cầm sào nhảy phóc lên chiếc thuyền nhỏ cạnh bờ, thuyền lướt ra đến giữ dòng liền cắm thật mạnh cây sào xuống, rồi lại chèo vào bờ. Ngô Quyền nhìn chiếc sào chìm trong dòng nước, nhớ được chính xác vị trí liền đó sai quân dựng trại bày tiệc rượu mời các tướng.

Các tướng thấy thế trong bụng ôm nhiều câu hỏi mà không biết bắt đầu từ đâu, đành cam nhẫn ngồi vào bàn tiệc. Các tướng ngồi đâu vào đó, Ngô Quyền ôn tồn nói :

- Hôm nay uống để đợi, chẳng uống để say, sau này Hoằng Tháo bỏ xác giữa dòng, ta lại mời các ngươi ra đây uống, và uống để say.

- Thưa cha, cha nói đợi là đợi điều gì ạ ? - Xương Ngập lên tiếng -

- Công Trứ, ông biết chăng ? - Ngô Quyền đưa mắt qua chổ Công Trứ hỏi -

- Chủ tướng cho cắm sào giữa dòng, lại ghi nhớ vị trí ấy, hẳn là đợi triều rút đo mực nước rồi.

Các tướng lúc ấy vẫn chưa hết hoài nghi, chỉ riêng Bạch Hổ và Ngô Quyền cùng cười, Ngô Quyền nói :

- Phải lắm, phải lắm. Ta vừa được tin mùa Đông này quân Nam Hán sẽ tiến quân, bây giờ cũng là lúc cần nói với mọi người kế sách của ta. Sông này triều lên vào giấc gần sáng, lại rút vào buổi trưa, ta nhờ Bạch Hổ cắm sào để các ngươi cùng biết mực nước sông này khi lên, xuống ra sao, canh mấy lên, canh mấy rút cạn.

- Chuyện ấy tôi đã rõ, nhưng chưa rõ dụng ý sâu xa của anh - Bạch Hổ nói -

- Ý của ta thế này, đem cọc nhọn làm bằng gỗ cứng đầu bít sắt đóng xuống lòng sông, đầu nhọn chếch về phía nguồn, giặc đến, đêm ta dụ chúng vào bãi cọc, rồi cự cho chúng không tiến thêm được, khi triều rút bãi cọc lộ ra, thuyền chúng ắt bị đâm thủng, lúc này ta dùng tên mồi lửa bắn ra thì chẳng hao lấy một binh mà cũng có thể giết vạn tên địch, chúng muốn kêu cứu cũng chẳng kịp. Kế này, các ngươi nói xem chổ hay chổ dở thế nào ?

- Thật là diệu kế, diệu kế - Các tướng nghe xong đều cùng trầm trồ cảm thán -

- Vậy là không có ai phản đối, tốt lắm, bây giờ những thứ ta cần là năm ngàn cọc nhọn bằng gỗ cứng, 20 vạn mũi tên, 500 thuyền loại nhỏ.

Lúc ấy, ở bên vách trại bỗng đâu có đứa trẻ khoảng 14, mười lăm tuổi, đứng ra trước Ngô Quyền và các tướng, cương nghị nói:

- Tướng quân, tiểu nhân chợt nghĩ, khi tàu địch mắc kẹt, lại gặp mưa tên của ta, lính giặc tất sẽ hoảng loạn mà nhảy xuống nước bơi vào tìm cái sống, chỉ e địch đông ta giết không ngớt. Tiểu nhân có ý thế này, ngoài việc chôn cọc nhọn bít sắt, ta cho cắm sào bằng tre vót nhọn như chông xen kẽ vào nhưng ngắn hơn một chút, đảm bảo giặc nhảy xuống chẳng có một khắc để bơi.

Trông ra thì chính là Đinh Bộ Lĩnh, con trai của Đinh Công Trứ, Bộ Lĩnh còn nhỏ mà thân hình rắn chắc, gương mặt tuấn tú, cặp mắt lanh lợi, khí khái. Ngô Quyền mỉm cười :

- Này cháu bé, vào đây ngồi với ta - đoạn quay qua các tướng hỏi - các ngươi thấy ý kiến đó thế nào?

Các tướng ai cũng cho là ý hay, duy có Công Trứ vẫn điềm nhiên không nói, còn Xương Ngập mặt có hơi xám lại. Ngô Quyền lại xoa đầu Bộ Lĩnh nói :

- Mọi người ở đây đều tán thành ý của cháu, lần này giết giặc cháu cũng có công đấy - Lại quay qua nói các tướng - Ngoài 5 ngàn cọc nhọn, 20 vạn mũi tên, 5 trăm thuyền nhỏ, chúng ta cần thêm 1 vạn chông tre, các ông nên nói truyền trong dân để bà con cùng chung sức đánh giặc, có dân giúp việc gì cũng xong.

Các tướng đều phấn khởi nhận lệnh, niềm tin chắc thắng cao hơn bao giờ hết. Sau buổi ấy, Ngô Quyền có đi tản bộ cùng Công Trứ, Bạch Hổ, ông vỗ vai Công Trứ nói :

- Đứa trẻ ấy, sau này tất làm nên việc lớn, nước Việt ta lại lo thiếu nhân tài sao.

Bạch Hổ mỉm cười cho là phải, Công Trứ đột nhiên ít nói đến lạ, chỉ chắp tay cảm tạ rồi đưa mắt nhìn xa, đánh thượt một cái rất kín.

Bấy giờ vào cuối năm 938. Trời rét, gió đông bắc tràn về, mưa dầm lê thê kéo dài hàng nửa tháng. Chính trong những ngày ấy, theo kế hoạch của Ngô Quyền, quân và dân ta lặn lội mưa rét, ngày đêm vận chuyển gỗ, dựng cọc.

Hàng nghìn cây gỗ lim, sến, đầu được vạt nhọn và bịt sắt được đem về đây cắm xuống hai bên bờ sông  thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn.

Khi triều rút các hàng cọc mới phơi ra, còn lúc sáng sớm nước mênh mông thì thuyền lớn qua lại hai bên bờ vẫn dễ dàng. Trận địa cọc được tiến hành rất gấp rút và chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng là mọi việc đã hoàn thành.

Việc vót tên cũng diễn ra thuận lợi, Công Trứ sai Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố vận động dân chúng, giao cho mỗi nhà vót 200 mũi tên, dân ai cũng vui vẻ nhận việc, nhiều người còn nhận vót 5 trăm, một ngàn.

Phần Bạch Hổ cùng Cảnh Thạc kén lấy 2000 tráng sỹ khỏe mạnh, chẳng bao lâu mà đóng được gần 1 ngàn thuyền nhỏ, Bạch Hổ lại lệnh cho người đặt trên mỗi đấy thuyền 4 ván gỗ vuông, có thể tháo rời bất kỳ lúc nào, Cảnh Thạc hỏi nguyên do thì Bạch Hổ cười nói :

- Thuyền nhỏ này, ý chủ tướng tất dùng để dụ địch, ông nói xem, khi ấy địch bắn tên tới, ông lấy gì ra đỡ ?

Mọi sự chuẩn bị đã xong chỉ còn chờ giặc tới.

***

Lại nói Hoằng Tháo khi ấy đã định ngày xuất quân, điểm binh xong, y cho vời các tướng vào trướng thống nhất quyết sách. Tháo thân hình to lớn cơ bắp cuồn cuộn, da mặt lỗ chỗ, môi dày mắt lớn rất bặm trợn, hắn lại có thói nói chuyện tiếng to, tính nóng bất đắc kỳ tử nên tướng dưới quyền ai cũng sợ, tuy thế nhưng cũng chẳng phải hạng kém trí thất phu, y từ nhỏ đã luyện tập võ nghệ sức địch muôn người, các món cung tên đao kiếm đều rành rẽ, binh thư cổ nhân đều đã đọc qua, hắn thường mặc chiếc áo choàng bằng da thú trong ấy chép đủ Binh Pháp Tôn Tử không thiếu lấy nửa từ.

Các tướng ngồi đâu vào đấy, Tháo trỏ lên bản đồ, chí đúng cửa sông Bạch Đằng nói lớn:

- 2 vạn quân ta sẽ cùng tiến vào cữa sông này, từ đó tiến thẳng về Đại La hội quân với Công Tiễn, nhưng nếu chỉ đi bằng đường sông tất bị mai phục, nay ta chia quân làm 3 đạo, hai đạo tả hữu mỗi đạo 6 ngàn quân dùng thuyền nhỏ dễ đổ bộ, vào sâu trong cữa sông thì lên bờ theo đường tiến về Đại La, ta dùng thuyền lớn đi bằng đường sông. Hội với nhau ở Đại La rồi, nghỉ ngơi, chờ sang xuân sẽ tiến vào Ái Châu, quân sĩ Tĩnh Hải quân đang hoang mang ly tán, Ngô Quyền có ba đầu sáu tay cũng chẳng giữ nổi mạng. Các ngươi về lãnh binh, sáng mai xuất phát.

Các tướng thi lễ định lui, thì có lính vào báo :

- Bẩm Giao Vương, do thám từ Tĩnh Hải quân về báo, Công Tiễn đã bị Ngô Quyền giết, Ngô Quyền lại đứng ra làm chủ tướng đang ráo riết chuẩn bị nghênh đón quân ta.

- Cho ngươi lui - đoạn nói luôn với các tướng - Các ngươi cũng lui luôn y lệnh ta mà làm.

- Giao Vương ! xin suy xét kỹ lại, Công Tiễn bị giết từ lâu, sao nay ta mới biết, ắt hẳn đấy là kế yếm trá của Ngô Quyền, bây giờ ta chưa thăm dò kỹ lưỡng đã tiến quân vào e sẽ gặp cơ quan mai phục do Quyền bày ra, khác nào từ nơi sáng đi vào nơi tối mà chẳng có lấy một ngọn đuốc.

Trông ra thì chính là Trước tác Tá Lang hầu Dung, Tháo trỏ Dung lớn giọng rằng :

- Ta sắp xuất binh, ngươi lại đem cái ủy mị đàn bà ra làm quân sỹ hoang mang, vẫn biết xưa nay đạo dùng binh phải biết địch biết ta, nhưng nay ngươi nên nhớ, Công Tiễn tuy nói nội ứng, nhưng sức hắn được bao nhiêu, ta cần hắn bởi cái danh, nếu chiếm được rồi danh ấy ta cần chăng, lại nữa đất Việt ngàn năm ly tán lòng người chẳng chung, Ngô Quyền được bao người để chọi với hai vạn quân tinh nhuệ của ta. Thuyền lớn ta tới, hắn dùng đủ chước thì cùng lắm là mai phục bắn tên phóng hỏa, ấy ta coi như muỗi đốt sừng trâu, ta đã chia quân làm 3 đạo, 2 đạo đánh bộ ấy cốt diệt mai phục, ngươi là kẻ trí phải hiểu lấy dụng ý ta rồi, sao còn lôi thôi rách việc.

Nói rồi bỏ vào trong, bỏ mặc Dung và các tướng lại. Dung buồn bã cùng đám thân cận đến phủ Tiêu Ích, Ích vừa thấy Dung đã vội vã hỏi :

- Thế nào ?

- Chẳng thay đổi được, Giao Vương xưa nay đã quyết ý, lời nào vào lỗ nhĩ đâu.

- Lẽ nào sẽ có Xích Bích trên đất Việt sao ?

- Ta e la còn hơn thế, Giao Vương chẳng bằng Tào Tháo, Ngô Quyền lại không thích dụng binh rườm rà đa sự như Gia Cát, lần trước đụng độ chắc ông đã biết.

Đêm đó, Dung ra nơi neo tàu chiến của quân Nam Hán, dùng máu viết lên áo 4 chữ : Cửa Tử Không Xa, rồi treo cổ tự vẫn.

Sáng ra, Hoằng Tháo sai người ném xác Dung xuống biển, rồi hạ lệnh tiến quân.



Trận chiến diễn ra thế nào, xin đọc hồi sau sẽ rõ.

Wednesday, October 30, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ nhất.

Lời mở:

Lâu nay, chúng ta biết rằng việc "kể chuyện lịch sử" của Việt Nam ta có quá ít hình thức, tất cả hầu như xoay quanh những tóm tắt sự kiện một cách khô khan trong sách giáo khoa, nhìn qua các nước, chúng ta đều tự hỏi : sao Việt Nam mình không làm như thế, không làm được như thế ?

Đó cũng là trăn trở của bản thân tôi, muốn làm một điều gì đó để khỏa lấp khoảng trống ấy, sự thiếu hụt ấy, nhưng vì khả năng hạn hẹp nên đó chỉ là những trăn trở trong vô vọng. Vừa rồi, có người bạn, nhân vì đọc được một số mẫu chuyện mang phong cách kiếm hiệp của tôi mà gợi ý về chuyện viết về lịch sử Việt Nam. Đó thực sự là ánh đuốc cuối đường hầm, tôi suy nghĩ thật nhiều về nó và quyết định nghiên cứu và chấp bút.

Cũng chưa biết những gì tôi viết ra đây có thành "tiểu thuyết" được hay không, nhưng xin phép được tạm gọi như vậy. Sau khi nghiên cứu, tôi thấy giai đoạn lịch sử từ thời Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng là cả một quá trình đầy biến động, với một chuỗi sự kiện và một hệ thống nhân vật lịch sử đồ sộ, nếu không làm cho nó trở nên sống động, rõ nét hơn thì quả là một thiếu sót trong việc "kể chuyện lịch sử" vậy.

Tiểu thuyết với tên "Loạn Thế Lộ Chân Long" kể về thời kỳ lịch sử từ lúc Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán đến khi Đinh Tiên Hoàng xưng đế, với nhân vật chính là Đinh Bộ Lĩnh. Chúng ta biết xưng "Đế" dễ, làm "Đế" khó, theo quan điểm của riêng tôi, Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên vừa xưng Đế và làm Đế ở Việt Nam, vì vậy mà nói "Lộ Chân Long".

Vì là tiểu thuyết nên sẽ có chổ chưa đúng với sự thật lịch sử, hoặc có những góc khuất lịch sử được giả thuyết hóa, hoặc có những chổ rút gọn, hoặc có những chổ thêm thắt, điều đó thật khó tránh khỏi, vì vậy mong nhận được sự phê bình xuất phát đúng quan điểm.

Trân Trọng. !

---------------------------------------------------------------------------------------

LOẠN THẾ LỘ CHÂN LONG

Hồi thứ nhất : Công Tiễn hành thích Tiết Độ Sứ. Ngô Quyền bàn mưu đánh giặc.

Đầu thế kỷ thứ 10, nhà Đường suy vong, quan quân các nơi nổi lên cát cứ lập quốc, đời sau gọi là Thập Quốc, nước ta khi ấy là Tĩnh Hải quân, anh hùng hào kiệt đất Việt nhân lúc Trung Quốc rối ren mà đứng lên giành quyền tự chủ.

Lợi dụng sự trống chỗ của Tiết độ sứ cai quản an toàn An nam, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy và tự xưng Tiết độ sứ năm 905, họ Khúc truyền được 3 đời. Năm 930 -931, hào trưởng ở Ái Châu, tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ diệt tướng Nam Hán, lại xưng Tiết độ sứ.

Dưới trướng Dương Đình Nghệ có các tướng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền vốn là con rể của Dương Đình Nghệ, được phong làm hào trưởng đất Ái Châu, Đinh Công Trứ làm hào trưởng đất Hoan Châu, Kiều Công Tiễn làm hào trưởng đất Phong Châu.

Năm 937, hào trưởng Phong Châu Kiều Công Tiễn thích sát Dương Đình Nghệ, tự xưng Tiết Độ Sứ, biến cố này mở ra một chương mới đầy biến động của lịch sử nước ta.

***

Lúc ấy, Ngô Quyền đang cùng các bộ tướng nghị sự ở trong phủ, bỗng đâu có lính phi ngựa về báo hung tin Tĩnh Hải quân Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Ngô Quyền nghe tin ấy rụng rời chân tay, ngồi phục xuống ghế không nói không rằng, Ngô phu nhân tựa vách tường ngất xỉu, Ngô Quyền phất tay ý bảo Xương Ngập bế mẹ vào trong.

Lúc Xương Ngập trở ra chính điện, không khí nặng nề vẫn chưa giảm bớt thậm chí còn pha thêm rất nhiều nộ khí, Ngô Quyền vẫn ngồi như pho tượng, chân mày rậm rạp nhíu lại, 2 mắt đỏ sọc, môi bậm chặt, chùm râu cằm nhọn hoắt vểnh lên, hai vai rộng gồng căng cứng. Xương Ngập chưa biết nói gì để an ủi cha thì lại có lính vào báo :

- Bẩm tướng quân, có hào trưởng Hoan Châu Đinh Công Trứ và các tướng Dương Tam Kha, Kiều Công Hãn về hội quân đang đứng ngoài chờ gặp tướng quân.

- Cho mời vào ! - Ngô Quyền cất tiếng, đưa tay vuốt mặt rồi chỉnh lại thế ngồi.

Ba người ấy cùng vào, vừa thấy Ngô Quyền, Dương Tam Kha đã quỳ xuống khóc lóc thảm thiết mà rằng:

- Cha ta xưa nay không bạc đãi họ Kiều, nay bị Kiều Công Tiễn hãm hại, ta không cam tâm, anh rể, tướng quân, người phải giúp ta báo thù, chủ trì công đạo.

- Thù này sao có thể bỏ qua, em mau đứng dậy ! - Ngô Quyền nói xong liên đưa mắt nhìn Đinh Công Trứ, Công Trứ bước lên nói :

- Sau khi Công Tiễn làm việc vô đạo, con hắn là Kiều Chuẩn không phục nên kéo về Phong Châu, ta cũng từ Hoan Châu ra đây hội quân với tướng quân để bàn đối sách vừa ra đến thì gặp Công Hãn tướng quân cũng trên đường vào Ái Châu, Công Hãn tướng quân cho hay Công Tiễn vì thấy bị cô lập, biết trước sau cũng bị tướng quân hỏi tội nên đã sai sứ cầu viện quân Nam Hán. Nay sự tình cấp bách, tất cả chúng tôi nghe theo Ngô tướng quân, tướng quân nén đau thương liệu sự cho nhanh kẻo giặc tràn bờ cõi khi ấy hối chẳng kịp.

Ngô Quyền nhìn qua Công Hãn, chỉ thấy Công Hãn gật đầu không nói, Ngô Quyền biết ý không hỏi thêm, khi ấy mới đứng lên khỏi ghế, trầm ngâm đi lại. Ngô Quyền thân cao tám thước, tuy tròn bốn mươi nhưng thân thể rất rắn chắc, bước bộ thanh thoát, cử chỉ oai vệ, có khí chất bậc bá vương. Được một lát, ông dõng dạc truyền lệnh:

- Sự tình cấp bách, thù riêng có thể hoãn, việc nước chẳng thể dừng, nay quân Nam Hán hẳn cũng nhân khi cha vợ ta vừa bị sát hại, lòng người hoang mang, quân tướng không phục mà đem quân vào chiếm nước ta lần nữa. Kiều Công Tiễn cho người sang sứ ắt nhận phần nội ứng về mình, ta phải trừ họa trong nước trước rồi mới bàn kế lui giặc. Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập nghe lệnh !

- Xin đợi lệnh ! - Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập cùng đứng ra chắp tay nói.

- Nay ta phong các người làm tả, hữu tiên phong, mỗi người kén lấy 2000 tráng sỹ, ngày đêm không nghỉ, tiến ra thành Đại La, đóng quân ở phía nam thành án binh bất động chờ mật lệnh của ta. Ta cùng Đinh tướng quân, Kiều tướng quân sẽ hội quân sau.

Mùa xuân năm 938, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập làm tiên phong, chỉ huy đạo quân 4000 tráng sỹ, kịp đến thành Đại La, đóng quân ở phía Nam thành liền 15 ngày án binh bất động.

Kiều Công Tiễn biết tin lòng như lửa đốt, quân cứu viện Nam Hán thì chờ mãi chẳng thấy, nghiêm lệnh cho quân sỹ đóng kín cổng thành không được giao chiến.

Ngày thứ 15, Dương Tam Kha cùng Ngô Xương Ngập lúc này cũng đã đứng ngồi không yên, kẻ giết cha, giết ông thì đang ở ngay trước mắt mà chờ mãi không thấy lệnh của chủ tướng, bất nhẫn, Tam Kha ban với Xương Ngập :

- Ta thấy sức quân ta không thua Công Tiễn, chờ mãi chẳng thấy lệnh của chủ tướng, chi bằng ta cho tiến đánh hạ được thành, trả được thù rồi chủ tướng muốn trách mắng cũng không được.

Xương Ngập chưa kịp nói gì thì có lính hỏa tốc đến báo:

- Thưa hai tướng quân, có thư của chủ tướng Ngô Quyền.

Hai người mở thư ra, trong thư viết :

- Ta biết tài sức các ngươi đủ lấy đầu Công Tiễn, chỉ e vì lửa hận mà hành sự lỗ mãng hại đến dân chúng, nay các người đóng quân đã lâu, lòng Công Tiễn bây giờ nào khác có kiến bò ong đốt, ta đoán rằng chỉ vài ngày nữa, hắn không chịu nổi mà âm thầm chạy về phía Bắc qua Nam Hán, các người để lại 1000 người dựng cờ xí làm nghi binh, còn lại chia ra từng tốp 100 người, theo các lộ tiến về phía Bắc mà mai phục, lúc ấy lấy đầu Công Tiễn như trở bàn tay lại chẳng đánh động người dân. Ta cùng các tướng sẽ ở thành Đại La đợi các ngươi.

Đọc xong thư, Tam Kha cảm thán rằng:

- Chẳng trách xưa cha ta ưu ái anh rể đến vậy, thật là anh tài trong các anh tài.

Nói rồi bèn y kế mà làm. Quân sỹ chia nhau, 1000 người ở lại nghi binh, còn lại chia nhau làm hai đường tiến về phía bắc, hội với nhau ở Thuận Thành.

Quả y như lời Ngô Quyền, Công Tiễn ngồi trong thành mà như bơi giữa vạc dầu, lại nghe tin đại quân ở Ái Châu đang kéo ra thì lại càng hoảng loạn, liền trong đêm cùng tuy tùng 100 người mở cửa phía bắc âm thầm mà chạy, sáng hôm sau ra đến Thuận Thành, đang định nghỉ chân thì lính tráng ở đâu kéo đến vây kín.

Dương Tam Kha đứng ra quát :

- Công Tiễn, cha ta xưa nay chưa hề bạc với ngươi, sao ngươi đem lòng hãm hại, lại quên chăng xưa người cùng cha ta, Ngô tướng quân, Đinh tướng quân đánh đuổi quân Nam Hán, nay lại muốn rước voi về giày mả Tổ. Công Tiễn, tội của ngươi, kể sao cho hết.

Lại quay qua nói với tùy tùng của Công Tiễn :

- Các tráng sỹ đây đều là người Việt, há lại theo loài cẩu tặc này sao, nay buông đao bỏ kiếm thì không những toàn mạng mà còn có thể theo bon ta đánh giặc lập công.

Đám tùy tùng nghe thế liền chịu hàng, riêng Công Tiễn người run như chuột ướt mưa, mặt cắt không ra giọt máu, chết trân. Lúc ấy, bỗng đâu có một mãnh tướng thân người lực lưỡng, lông mày rậm rạp, trừng mắt chẳng nói chẳng rằng lao đến một đao lấy đầu Công Tiễn.

Trông ra mới biết là hổ tướng Phạm Bạch Hổ vốn là một từng theo Dương Định Nghệ đánh quân Nam Hán, tự nhỏ đã nổi tiếng là người văn võ song toàn, thẳng thắn bộc trực, nay nhân vì biết hung tin, nổi giận kéo quân ra Đại La rồi đuổi theo Công Tiễn đến đây. Bạch Hổ chém xong, nắm lấy đầu Công Tiễn rồi cùng người của mình kéo đi trong sự ngỡ ngàng của Tam Kha, Xương Ngập.

***

Cũng khi ấy, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, lệnh:

- Người đem 2 vạn quân sang với danh nghĩa là cứu Công Tiễn. Dẹp được quân các nơi thì giết luôn Công Tiễn, đất ấy thời là đất của ngươi, của Đại Hán ta.

Lưu Nghiễm lại trông qua hỏi kế ở Sùng Văn hầu là Tiêu Ích. Ích nói:

- Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.

Vua Hán đang muốn hành quân nhanh để đánh chiếm lại Tĩnh Hải quân, nên không nghe theo kế của Tiêu Ích , sai Hoằng Tháo:

- Người đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào. Ta sẽ tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện.Quân ta thế mạnh, quân địch đang hoang mang, lấy đất ấy khác nào lấy đồ trong túi, há phải nề hà điều chi.

***

Lại nói chuyện Ngô Quyền, mật thư đến tay Tam Kha và Xương Ngập thì 2 ngày sau ông cũng Công Trứ và Công Hãn cũng kịp đến hội với quân đang đóng ở phía nam thành Đại La. Ngô Quyền sai Công Trứ đi trước vào thành phủ dụ dân chúng, còn mình cùng Công Hãn vào sau.

Công Trứ tuy là tướng dày dạn trận mạc, nhưng bề ngoài lại đạo mạo như một văn sỹ, Ngô Quyền sai ông vào phủ dụ cũng vì lý ấy, Công Trứ vào thành không gặp chút kháng cự nào, lại có lính đến báo:

- Bẩm tướng quân, Kiều Thuận cháu của Công Tiễn đưa quân chay về phía đông rồi.

- Xin tướng quân hạ lệnh truy đuổi. - một bộ tướng đứng ra nói -

- Không cần, hành quân lần này đã lấy mạng Công Tiễn, ông nội của Công Hãn nay lại truy cùng đuổi tận em  trai ông ta thì ông ta phục được sao, Ngô chủ tướng sai ta mà không sai Công Hãn cũng vì không muốn hắn khó xử vậy.

Ngô Quyền vào thành, dân chúng không ai không mừng, vừa lúc Tam Kha, Xương Ngập về tới, liền triệu các tướng vào phủ luận bàn. Các tướng vào đông đủ, chia ra ta hữu ngồi đâu vào đó, Ngô Quyền ôn tồn nói:

- Ta hay tin tên giặc già Lưu Nghiễm sai con hắn là Hoằng Tháo mang hai vạn quân qua đánh nước ta, thế địch lớn như vậy, các ngươi sợ chăng ?

Lúc ấy, các tướng đều nhớn nháo hoang mang, chỉ riêng Công Trứ là vẫn không thay đổi nét mặt, Ngô Quyền liền hỏi :

- Đinh tướng quân thấy thế nào ?

- Tôi vào sinh ra tử bao phen, lại còn biết sợ sao, thế nhưng các tướng đây đều là anh hùng, nay chỉ nghe hai van quân đã không khỏi sờn lòng thì dân chúng nghe tin sẽ ra sao ? Địch thế đông, ta thế ít, lại đem lòng lo sợ  thì địch chưa vào ta đã thua.

- Đúng thế, đúng thế, nay ta nói để các tướng hiểu rồi cùng nói truyền ra để lòng dân được vững, Hoằng Tháo là chỉ đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính tuy đông còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Không những phá được, mà nếu theo kế của ta, chỉ cần một trận chúng đã tan tác không có chổ chôn thây.

Muốn biết Ngô Quyền bày kế gì mà thắng địch trong 1 trận, xem hồi sau sẽ rõ.

Sunday, October 27, 2013

Nho Giáo - Việt Nam đang cần học chổ nào ?

Việt Nam ta, văn hóa gốc là văn minh lúa nước, tuy nhiên với hơn 1000 năm đô hộ đồng hóa cùng nhiều cuộc xâm lăng lớn nhỏ của các triều đại Trung Quốc thì không thể phủ nhận sự du nhập, giao thoa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà chủ đạo là Nho giáo lên văn hóa nước ta. 

Đến thế kỷ 20, với sự sụp đổ của chế độ phong kiến, Nho giáo mất vị thế, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại Trung Quốc trong thập niên 1960-1970. Ở nước ta cũng vậy. Theo lẽ thường, những gì đã qua, người ta thường cho là cổ hũ, lạc hậu và đi đến phủ định toàn bộ. Phủ định xã hội phong kiến, phủ định luôn Nho giáo.

Lại nữa, ký ức 2000 năm của dân tộc hiện hữu với sự đe dọa chủ quyền đến từ Trưng Quốc, gần đây và bây giờ là sự căng thẳng ở Biển Đông, khiến cho người Việt có tâm lý ghét Trung Quốc. Và cũng theo lẽ thường. khi ghét, người ta bài trừ, và bài trừ toàn bộ, bài trừ Trung Quốc, bài trừ luôn Nho Giáo.

Nay xét thấy : 

Trong lịch sử, dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, nhưng văn hiến của họ thì không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại còn đồng hóa luôn những kẻ đã chinh phục họ.

Trung Hoa trải qua hơn 2.000 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đất nước của họ vẫn không hề lụn bại, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen ngợi. 

Không phải chính trị, không phải vũ lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của họ, giúp đất nước họ trường tồn. Mà gây dựng nên nền văn hiến đó, công đầu thuộc về Nho giáo. 

Lại nữa, một hệ tư tưởng tồn tại hơn 2500 năm, và hiện tại vẫn đang duy trì được một sức ảnh hưởng sâu rộng, được nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học, văn hóa ... trên thế giới bỏ công nghiên cứu thì tư tưởng đó khó lòng mà nói là "tư tưởng vứt đi" được. 

Chúng ta luôn cầu sự tiến bộ, muốn tiến bộ thì cần học hỏi, học hỏi thì cần gạn lọc để tìm chổ hay, chổ phù hợp với hoàn cảnh của mình mà học, đó là lý do tôi viết bài này trình bày chổ hiểu vốn chưa nhiều (nhưng cũng tự nghĩ là tìm thấy chổ trọng tâm mình cần) của mình về Nho Giáo, rút ra cái chổ cần học theo suy nghĩ tạm thời của cá nhân. Cũng là nhân khi Việt Nam cho mở viện nghiên cứu về Khổng Tử vậy.

Tìm chổ học, chúng ta cần tìm đến cái chân tướng của lý thuyết ấy, việc chỉ nhìn bề mặt, hiện tượng cũng rất dễ dẫn đến sự phủ định một cách nông cạn. Ví như chổ Đạo Phật, nhiều người không nghiên cứu về Kinh - Luận hoặc nghiên cứu mà không hiểu được đến chổ nghĩa cùng tột của Kinh Luận, chỉ thấy một số hiện tượng như có nhiều người tới chùa cầu tài, cầu tự, cầu duyên ... mà quy kết Đạo Phật là mê tín, điều lạ lẫm nhất trong tư tưởng Phật Giáo. 

Nay cũng thế, muốn tìm chổ học được của Nho Giáo, ta tìm về cái tư tưởng thật sự của Khổng Tử.

Cũng giống như nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới người đời sau không thể nắm bắt các tư tưởng của Đức Khổng Tử một cách trực tiếp mà chỉ được biết các tư tưởng của ngài bằng các ghi chép do các học trò của ngài để lại.

Lại nữa, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc liền thực thi chính sách "đốt sách chôn Nho", đây là sự kiện khiến cho Kinh, sách bị thất truyền thất bản khiến đời sau có nhiều chổ hiểu lệch lạc.

Nhà Hán lập quốc, khôi phục Nho giáo, từ đây về sau, Nho giáo trở nên cực thịnh ở Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt xã hội. Nhưng cũng vì 2 nguyên nhân kể trên, cũng như để phù hợp với trình độ nhận thức của từng thời kỳ, thêm nữa là những thủ đoạn lợi dụng Nho giáo để trục lợi chính trị mà Nho giáo có nhiều chổ biến tướng sai khác, có xu hướng cực đoan hóa.

Trong quá trình đó, có 2 bước ngoặt, tạo ra nhiều hệ phái trong đó có Hán Nho và Tống Nho. 

Từ đời Xuân Thu Chiến Quốc về trước, quân quyền chưa thịnh, vả bấy giờ ở TQ, học thuyết chia ra nhiều phái, không phải một nhà nho mà thôi. Kế đó, nhà Tần thống nhất thiên hạ, Thủy Hoàng đặt ra những cái lễ "tôn quân ức thần", quân quyền mới mạnh lên. 

Nhà Hán nối lấy, y theo cả lễ pháp nhà Tần, lại bãi bỏ cả chư tử bách gia mà bắt thiên hạ chỉ tôn một Khổng giáo, ấy là nhà Nho cũng nhờ quân quyền mà được mạnh. 

Nghề thế, chén tạc phải có chén thù, nhà Nho mới càng tìm cách để quân quyền ngày một thịnh. Vua Hán hội chư nho gia viết sách Bạch Hổ Thông, các nhà nho đã mang sẵn tấm lòng đền ơn trả nghĩa, việc biên tập sách ấy lại thuộc dưới quyền quân chủ nữa, thì sinh ra ra thuyết Tam Cang. 

Tam-Cang là: Quân-thần, Phụ-tử, Phu-phụ. Vua tôi, cha con, chồng vợ; Chúa ở với tôi có đạo-đức, thì tôi thờ chúa mới tận kỳ trung; Cha ở với con từ-thiện, thì con thờ cha chí hiếu; Chồng giữ trọn nghĩa với vợ, thì vợ phải thủ tiết thờ chồng ấy là Tam-cang tức là đời có Ðạo.

Theo thuyết ấy thì vua, cha, chồng như là trọng, còn tôi, con, vợ thì khinh. Một bên có quyền, nhưng không cần nghĩa vụ, một bên kém quyền nhưng lại nặng nghĩa vụ với bên kia.

Đẻ sau mà khôn trước! Từ đó các vua, triều đại thay đổi nhau nhưng vẫn trọng thuyết tam cang để gia cố quyền lợi cho mình, thành ra không bao lâu mà nó đè sấp cái thuyết ngũ luân của Khổng Tử. Cho đến bây giờ ai cũng nói “cang thường”, “cang luân” hay là “tam cang ngũ thường”.

Tống Nho cũng theo thuyết Tam Cang ấy, nhưng có nhiều chổ phát triển lên cực đoan hơn và hình thức hơn, làm cho tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử đang truyền mà gần như là bặt truyền.

Vậy, những gì là tư tưởng nguyên thủy của Khổng Tử và Nho Giáo ?

Khổng Tử dạy có Ngũ Luân rằng : “Vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bầu bạn : năm điều ấy là đạo thông trong thiên hạ vậy”,  “Vua phải đạo vua, tôi phải đạo tôi, cha phải đạo cha, con phải đạo con”, “Làm vua người, đỗ ở nhân, làm tôi người, đỗ ở kính, làm con người, đỗ ở hiếu, làm cha người, đỗ ở từ, giao với người, đỗ ở tín”. 

Như vậy chúng ta thấy, tư tưởng của Khổng Tử không hề có sự nâng một bên lên, hạ một bên xuống mà khi nào cũng đối đãi với nhau. Bên nào cũng  được buộc cho một cái bổn phận đối với bên kia, chẳng qua bổn phận tùy theo địa vị mà khác. Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Học thuyết của Khổng Tử lập nên trên một chữ “nhân”. Nhân thì yêu người, yêu người thì cứu người. “Hiếu đễ là gốc sự làm nhân”, rồi suy đến “rộng ra ơn và giúp chúng”, cái mục đích của nhân là ở đó. Phương pháp thì là, bắt đầu từ cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, rồi đến tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.  “Từ thiên tử đến thứ nhân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Nhờ cái gốc vững vàng mà hành động đúng đắn, mọi người ở với nhau như “đo vuông”, nghĩa là bốn bên không lấn nhau mà xã hội được yên ổn thái bình.

Trong chữ “nhân” có nghĩa bình đẳng. Vì chữ “nhân” bởi chữ “nhị là hai” và chữ “nhân là người” ráp lại. Cho nên nhân, nghĩa là cái lòng yêu thương, kính trọng của hai người đối với nhau, mà cũng là cái bổn phận của hai người đều phải có. Vì vậy mà trong ngũ luân, mỗi một luân, bên này phải có bổn phận đối với bên kia. Nếu chếch đi một bên thì  mất cân bằng mà không gọi là nhân được. Nhờ một chữ nhân đó, mọi người ở với nhau đằm thắm, ấy là cái phước lớn của nhân loại.  Đó chính là BÌNH ĐẲNG CÓ TRẬT TỰ vậy.

Tiếc rằng, Việt Nam ta chịu ảnh hưởng, nhưng lại là ảnh hưởng của Hán Nho, Tống Nho nên những gì tàn sót lại đều được cho là hủ lậu, không mấy có ấn tượng tốt đẹp với người đương thời.

Nay muốn học, nên học cái bình đẳng có trật tự ấy. Vì sao ?

Xã hội hiện đại ngày nay, càng vǎn minh, con người dường như càng ít quan tâm đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều tri thức không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn, nhân loại sẽ suy đồi. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh trong thế kỷ 20, nên đời sống vật chất cải thiện rất nhiều. Nhưng đời sống vật chất càng tiến bộ, thì nền đạo đức và quan hệ giữa người với người càng xấu đi, nhất là làm cho mọi người mất niềm tin với nhau.

Dễ thấy, trò không còn là trò khi chẳng chịu lo học lại còn hỗn với thầy, thầy cũng chẳng còn là thầy khi chẳng làm gương cho trò, cha mẹ bỏ bê con cái, con cái lại chẳng biết đường hiếu kính, làm dân tính đủ đường lách luật, trốn thuế, chống người thi hành công vụ, hối lộ viên chức, làm cán bộ thì nhũng nhiễu, quan liêu, tham nhũng, tắc trách ... Mỗi người đã không giữ đạo cho riêng mình, trật tự mất đi, các giá trị đạo đức cũng tự đó mà băng hoại.

Nay ứng cái sự bình đẳng có trật tự ấy để biết, mỗi người đều có quyền bình đẳng ngang nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với xã hội như nhau, nhưng phải giữ "trật tự", con phải đúng là con, cha mẹ phải đúng là cha mẹ, cán bộ phải đúng là cán bộ, dân phải đúng là dân, chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ.

Nếu hỏi định nghĩa nào cho "thầy", "trò", "chồng", "vợ" ... thì câu trả lời tất nhiên là những chuẩn mực của xã hội đương thời dành cho địa vị ấy, chứ không thể áp dụng chuẩn mực cũ được, học có gạn lọc là như vậy.

Nói thêm rằng, song song với việc nghiên cứu, chắt lọc được cái đáng học ở Nho Giáo (mà theo cá nhân minh là chổ kể trên) thì cần xóa đi cái cái ảnh hưởng tiêu cực thâm căn cố đế của Hán Nho, Tống Nho lên xã hội đương thời, có như thế mới phát huy được hết tác dụng.

Kể ra đây 3 điều cần sớm gạt bỏ :

Thứ nhất : Tư tưởng khinh nông, dễ dàng nhận thấy tư tưởng của người nông dân ngay nay thường là "nghèo cũng phải cho cu Tèo đi học", "đi học lấy cái chữ, mà thoát khỏi cái cày con trâu con ạ" ... , những người thành đạt cũng từ đó mà sinh ra tâm lý khinh nhờn nghề nông, nhà nước thì "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", có quan tâm nông nghiệp cũng đang trong tâm lý "nghĩa vụ phải làm". Đây rõ ràng là ảnh hưởng tiêu cực từ Nho Giáo.

Câu hỏi đặt ra là sao không đào tạo nông dân để từ đó có được những người làm nông tay nghề cao, đầu tư cho nông nghiệp để có được những sản phẩm chất lượng cao, mà lại xa rời nông nghiệp vốn là văn hóa gốc rễ của dân tộc.

Thứ hai : Bệnh học chữ, đời xưa, học chữ, thi đỗ, ra làm quan, đời nay cũng cầu cái chữ để cốt tiến thân lập nghiệp, giáo dục cũng thiên về dạy cái chữ, thành ra xã hội nhiều người nói hơn người làm, thừa thầy, thiếu thợ. Đây cũng là một cái ảnh hưởng của nho giáo.

Ngày nay, không chỉ học "cái chữ" mà kĩ năng thực hành, tinh thần, thể chất cũng cực kỳ quan trọng, phải có sự cơ cấu lại, bổ sung thêm, cải cách nền giáo dục để bỏ đi cái tàn sót tư tưởng này.

Thứ ba : Thói quen nịnh trên hiếp dưới, Hán Nho, Tống Nho hình thức hóa Nho Giáo, trọng thứ bậc, giai cấp  cấp xa hội, khiến cho kẻ dưới sợ kẻ trên mà sinh xu nịnh, kẻ trên khinh kẻ dưới mà sinh hiếp đáp. Tàn sót đến tận ngày nay.

Vì vậy, phải làm cho dân hiểu luật, nắm bắt được quyền của mình mà không e sợ người trên, thủ tục hành chính đơn giản để dân không thấy phiền hà mà cầu cạnh. Răn đe đủ với người có quyền mà tắc trách, quan liêu.

Ngoài 3 điều ấy, tất nhiên còn nhiều chổ khác nữa, nhưng có lẽ thật khó hệ thống vì nó quá rộng, ở mọi khía cạnh của cuộc sống, vậy nên xin phép không kể ra.

Saturday, October 26, 2013

Phật Giáo & Ngoại Cảm

Vừa rồi đài truyền hình VTV phát một phóng sự nêu lên một số sự thật về các nhà ngoại cảm, nhanh chóng lan truyền, tạo nên một cú sốc đối với dư luận nói chung và những người hằng tin tưởng nói riêng.

Xét thấy, thói quen của dư luận xưa nay, thường vì những cụm từ như "vạch trần sự thật", "phanh phui sự giả dối", ... mà đi đến sự phủ định toàn bộ những gì liên quan đã diễn ra.

Ví như trong việc này, từ chổ nêu lên "một số sự thật" của phóng sự ấy mà cho rằng toàn bộ những cuộc tìm kiếm mộ liệt sỹ đếu là lừa đảo, từ chổ một số nhà ngoại cảm dùng thủ đoạn để qua mặt người khác mà cho rằng toàn bộ các nhà ngoại cảm khác đều như vậy.

Lại nữa, có những sự huyền bí được xây dựng dựa trên sự thật hoặc những hoài nghi chưa thể phủ định mà tạo được lòng tin, sự huyền bí giả dối khi bị phanh phui, người ta thường theo đó mà phủ định luôn phần sự thật nền móng hoặc những hoài nghi chưa thể phủ định ấy.

Ví như trong việc này, từ chổ "một số sự thật" được phơi bày trong phóng sự của VTV người ta có thể theo nước đẩy thuyền mà phủ định luôn sự tồn tại của thần thức con người sau khi chết.

Vì những lẽ như vậy, tôi viết bài này với mong muốn xác định những gì không thể hoặc chưa thể phủ định, trên cơ sở tri thức về Phật Giáo, khoa học và từ Phật Giáo, khoa học của bản thân. Chổ đến của bài viết này là những người có lòng tin với Phật Giáo và những người coi khoa học là kim chỉ nam trong nhận thức.

Anh Xtanh từng nói : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó. Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học "

Nguyên văn: The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science - Trích từ "Collected famous quotes from Albert"

Trên tinh thần "Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" những kiến giải sau đây sẽ là sự thật đối với người tín Phật, và là "những hoài nghi chưa thể phủ định" đối với người chỉ hài lòng với khoa học thực nghiệm.

Phật Giáo nói : Con người được cầu thành từ thất đại : đất, nước, gió, lửa, kiến đại, không đại và thức đại. Đất, nước, gió, lửa hợp lại là Thân, kiến đại, không đại, thức đại hợp lại là Tâm. Sau khi chết, thân tứ đại rã ra trở về với đất, nước, gió, lửa, còn phần Tâm thì thường còn, lúc này gọi là Thần Thức.

Trên cơ sở khoa học:Điều này trong thực tế được minh chứng rất nhiều do những người chết lâm sàng rồi sống lại kể: khi thần thức của họ ra khỏi cơ thể, họ nhìn thấy tất cả mọi người xung quanh đang xem họ, cấp cứu thân xác họ, điều này khẳng định sự biết vẫn còn nguyên khi hồn lìa khỏi xác.

Một người chết lâm sàn, chị Marline, kể lại : “Tôi bỗng cảm thấy không còn đau đớn trong lồng ngực nữa. Người tôi nhẹ tênh, nổi phình lên trần nhà, phía sau các chụp đèn phủ đầy bụi. Tôi phát bực mình, sao phòng mổ lại bẩn thỉu thế! Phía dưới, các bác sĩ đang loay hoay quanh một xác chết. Phải mất một lúc tôi mới hiểu, đó chính là cái xác của tôi... ”

Năm 1910, Walter Kilner, kỹ thuật viên tại Bệnh viện St Thomas’s (Anh) tuyên bố đã chế tạo được một bộ kính lọc đặc biệt, có thể cho phép quan sát được trường năng lượng của con người. Patrick O’Donnell, một chuyên gia X-quang tại Chicago (Mỹ) đã sử dụng thiết bị này để quan sát một người sắp chết.

Khi bác sĩ tuyên bố bệnh nhân qua đời, O’Donnell thấy trường năng lượng tỏa ra xung quanh thi thể như một vầng sáng và biến mất ngay sau đó. Tiếp tục quan sát thi thể cũng không  thể phát hiện ra năng lượng nữa. Trường năng lượng của cơ thể vốn có hào quang (uara), khi thể xác không còn hào quang, không còn vầng sáng có nghĩa là thể xác đã mất đi trường năng lượng, năng lượng mất đi này chính là Thần Thức.

Cho đến nay, các nhà khoa học phương Tây vẫn chưa thống nhất: Vì sao người ta có thể nhìn được sau khi đã chết? Một số ý kiến cho rằng, đó là vì não bộ vẫn còn sống sau khi tim ngừng đập. Nhưng vì không được cung cấp ôxy nên người bệnh bị rơi vào trạng thái mê sảng. Nhiều người khác lại khẳng định, đó là kết quả của hiệu ứng tràn hoóc môn, xảy ra khi cơ thể giải phóng tất cả các hoóc môn dự trữ vào thời điểm tim ngừng đập. Vài nhóm khoa học khác lại cho rằng ý thức vẫn tiếp tục sống, ngay cả khi cơ sở vật chất của nó là não bộ đã chết.

Như vậy, dù khoa học chưa thể có lời lý giải căn kẽ, nhưng bước đầu đã ghi nhận có thể có sự tồn tại của thần thức. Đây là sự "hoài nghi chưa thể phủ định" thứ nhất.

Phật Giáo nói: Tâm người gồm Chân Tâm (Phật Tánh) và Vọng Tâm, theo chổ hiểu tạm thời của mình thì khi kiến đại hợp với không đại ấy là Chân Tâm, khi kiến đại hợp với thức đại ấy là Vọng Tâm.

Kiên đại tức sự thấy, nghe, ngửi, xúc chạm ..., Thức đại tức Thọ (cảm nhận), Tưởng (phân biệt), Hành (quyết định), Thức (nhận thức), khi kiến đại hợp với thức đại thì sẽ sinh ra cảm giác yêu, ghét, tốt, xấu ... từ đó mà sinh tâm muốn lấy hoặc bỏ, từ tâm muốn lấy bỏ mà sinh ra sân hận ... các trạng thái tâm lý và nhận thức khác, Phật Giáo gọi đó là vô minh (Vọng Tâm).

Vì vô minh nên chúng sinh tạo nghiệp, theo lý nhân quả, tạo nghiệp nhân ắt có nghiệp báo, vì thế mà chúng sinh luân hồi trong lục đạo. Lục đạo tức Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Người, A tu la (thần), Trời, con người sau khi chết, thần thức sẽ theo nghiệp dẫn và duyên hợp mà đầu thai vào các cõi.

Sau khi chết, thần thức thường trải qua giai đoạn trung gian, chuyển tiếp trước khi tái sanh. Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sanh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục. Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sanh. 

Mắt thường của chúng ta, chỉ thấy được cõi Người và Súc Sanh chứ không thấy được các cõi khác, theo chổ hiểu tạm thời của mình các cõi kia thuộc vào một chiều không gian khác nên không thể thấy, vì vậy những câu chuyện về việc thấy ma, thấy quỷ ... có hình có tướng thường Phật Giáo không chấp nhận.

Phật giáo không hề có quan niệm về một dạng sống được gọi là “cõi âm”. Thế giới quan của Phật giáo là vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới Ta bà gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hai cõi Sắc và Vô sắc là cõi giới của thiền định. Cõi Dục gồm lục đạo là các loài Trời, A tu la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Cõi âm hoặc âm phủ chỉ là quan niệm dân gian dùng để chỉ thế giới của người chết đối lập với cõi người sống (cõi dương).

Trên cơ sở khoa học và thực tiễn : Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương.

Về tới "nhà", Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đã mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.

Câu chuyện của Elina Markand đã trở thành đề tài đầy hấp dẫn cho giới khoa học. Thực tế, trong lịch sử từng có không ít trường hợp tương tự, và hiện tượng “nhớ về quá khứ” không nhất thiết phải bắt đầu từ một chấn thương nào đó, như trường hợp của Elina Markand.

Một số nhà khoa học đã thử đưa ra một lý thuyết giải thích hiện tượng trên với khái niệm "trí nhớ gene": Nếu các vùng "ngủ" trong ADN bị kích thích, con người có thể "trở về tiền kiếp". Họ bỗng nhớ lại gốc gác La Mã hoặc Ai Cập từ xa xưa. Cũng do ảnh hưởng bởi tiền kiếp mà nhiều người có thói quen xoa râu quai nón, mặc dù trên mặt không hề có râu. Người khác lại có thói quen nhấc vạt áo vét, y như động tác vén váy dài đang mặc khi vượt qua vũng nước.

Lại có một số nhà vật lý và sinh học đưa ra cách giải thích vấn đề trên bằng “kết cấu phách”. "Phách" ở đây tất nhiên không phải là "phách" trong âm nhạc, mà là một khái niệm chỉ "phần bất biến" của con người, còn được hiểu là "phần năng lượng tách ra dưới dạng sóng". Khi người chết, “phách” liền tan vào vũ trụ. Vì thế, “phách” có thể hiểu là một loại “trường sóng hạt cơ bản nhẹ”, hoặc là “tập hợp những năng lượng thông tin cá thể”.

Như vậy, tuy khoa học chưa giải thích thấu đáo nhưng cũng đã ghi nhận hiện tượng nhớ về tiền kiếp, đây là "sự hoài nghi chưa thể phủ định" thứ 2.

Phật Giáo nói : Khi tâm người thanh tịnh, các phiền não được dứt bỏ, Vọng Tâm không còn thì sẽ trở về với Chân Tâm, như đã nói theo chổ hiểu tạm thời của mình thì Chân Tâm là sự khế hợp giữa kiến đại và không đại.

Trong kinh Lăng Nghiêm có nói "nhất tinh minh sinh lục hòa hợp", "nhất tinh minh" ở đây, theo chổ hiểu của mình, chính là không đại, Phật Giáo mô tả đó là thể rỗng rang không tướng mạo "đã không tướng mạo nào có lớn nhỏ. Không lớn nhỏ nào có bờ mé nên không trong ngoài, không trong ngoài nên không gần xa, không gần xa nên không này kia, không này kia nên không đi đến, không đi đến nên không sanh tử, không sanh tử nên không xưa nay, không xưa nay nên không mê ngộ, không mê ngộ nên không phàm thánh, không phàm thánh nên không nhiễm tịnh, không nhiễm tịnh nên không phải quấy, không phải quấy nên tất cả danh ngôn đều không thật có. Cả thảy đều không như vậy, thì tất cả căn cảnh, tất cả vọng niệm, cho đến muôn ngàn tướng mạo, muôn ngàn danh ngôn đều không thật có. Ðấy há không phải là cái không-tịch xưa nay, cái không vật xưa nay sao?" - Thiền sư Phổ Chiếu -

"Lục hòa hợp" ở đây chính là kiến đại, gồm có tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc chạm, tánh biết. Các tánh này tùy căn cơ mỗi người mà mờ tỏ khác nhau, tâm càng thành tịnh thì tánh càng tỏ, người tu hành khi dứt Vọng Tâm sẽ chứng được Lục Thông (thật ra chính là sự hiển bày một cách rõ nét nhất của các tánh) trong đó có Túc Mạng Thông (nhớ lại được tiền kiếp), Thiên Nhĩ Thông (thấy được mọi cảnh sắc), Thiên Nhãn Thông (nghe được mọi âm thanh) ...

 Khi Phật còn tại thế, Ngài nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng, trong kinh Hán tạng có câu "Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng" Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước thấy tám muôn ngàn (84000 - con số tượng trưng) vi trùng. Ngày nay nhờ kính hiển vi, các nhà khoa học thấy trong nước có nhiều vi trùng.

Lại nữa, Phật nhìn thấy trong thân người thấy vô số vi trùng, trong Hán tạng có câu "nhơn thân chi nội hữu vô số vi trùng tại trung nhi trú" Nghĩa là trong thân người có vô số vi trùng đang trú ẩn bên trong. Ðiều này ngày nay chúng ta chỉ cần có chút ít kiến thức khoa học là không còn nghi ngờ gì nữa.

Ðức Phật ra đời trên sáu thế kỷ trước công nguyên, còn các nhà khoa học được biết đến, mới có từ thế kỷ thứ 18 sau công nguyên. Thế mà ở thời kỳ ấy, đức Phật nhìn trong vũ trụ thấy thế giới không thể kể hết, nên trong kinh thuộc Hán tạng có những câu "Hằng hà sa số thế giới", nghĩa là thế giới nhiều như cát sông Hằng (Ganges), hoặc câu "vi trần sát" nghĩa là cõi nước (sát) nhiều như nhũng hạt vi trần. Ðến nay các nhà thiên văn học nhờ viễn vọng kính nhìn thấy trong bầu hư không có không biết cơ man là thế giới. Vô số ngôi sao lấp lánh hiện trên nền trời trong lúc ban đêm, mà mắt chúng ta nhìn thấy được; là những hành tinh (thế giới), còn không biết có bao nhiêu hành tinh khác quá xa mắt không thể nhìn thấy được. Chính đây là bằng chứng cụ thể, nhờ khoa học giúp chúng ta hiểu được lời Phật dậy cách đây trên 25 thế kỷ:

Lại nữa, có lần Ðức Phật cùng các thầy tỳ kheo đi vào rừng, nhìn thấy những lá rơi lả tả và những lá vàng uá sắp về cành, đồng thời có nhũng chòi non vừa nẩy lộc và những mầm vừa nhú khỏi vỏ cây, Ngài dạy các Tỳ Kheo: Thế giới đang hoại, sắp hoại và đang thành cũng như lá cây trong rừng đang rụng, sắp rụng và đang nẩy chồi, sắp nẩy chồi".Vì thế, đức Phật thường dạy thế giới có bốn thời :Thành, trụ, hoại, không." Ngày nay các nhà khoa học cũng thừa nhận thế giới phải trải qua bốn thời kỳ như thế. Ðây là cái nhìn thích hợp giữa Phật học và khoa học mà cách cách nhau thời gian qúa xa.

Những gì Phật thấy biết là nhờ Thiên Nhãn Thông vậy. Đối với giới khoa học, Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, khá am tường Phật giáo khi nhận định: “Việc ‘thấy’ của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong mười lợi ích của thiền định”.

Quay trở lại vấn đề Lục Thông, người có công phu tu hành đoạn trừ vọng tâm, chứng được Lục Thông có thể thấy được các cõi mà mắt thường không thể thấy ( Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Atula, Trời), thế thì không loại trừ khả năng người bình thường có thể nhớ được tiền kiếp, thấy được các cõi khác như chuyện một số người nhớ lại được tiền kiếp hay chết lâm sàn hồn lìa khỏi xác kể trên, nhưng chắc chắn là rất hi hữu.

Hi hữu vì sao? Vì ngay cả Đức Phật cũng cần đến hơn 6 năm tha phương tìm đạo, tu khổ hạnh rồi thiền định dưới cội bồ đề mới chứng được lục thông, những người căn cơ kém thì phải mất thời gian lâu hơn nữa, dụng công phu nhiều hơn nữa, thậm chí là phải qua rất nhiều kiếp mới chứng ngộ được. Huống là người thường mong tự có.

Lại nữa, như phần trên có kiến giải, thì hi hữu đối với những "nhà ngoại cảm" một phần nữa là vì họ chỉ có thể giao cảm được với thân trung ấm và vong hồn, tức thần thức chưa đầu thai (còn nhớ được chuyện khi còn sống). Vì các nhà ngoại cảm chưa thành tựu Đại định (tam muội) nên năng lực “thấy” của họ thường chập chờn. Tùy thuộc vào cấp độ định tâm hay trạng thái tâm của họ khi làm việc mà “thấy mờ hoặc tỏ” khác nhau, phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt. 

Năng lực thấy rõ không có gì ngăn ngại này của các nhà ngoại cảm còn được vận dụng để tìm kiếm khoáng sản, thăm dò lòng đất (ngành mỏ-địa chất), khả năng khám, chữa bệnh (ngành y khoa) v.v… hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, khai thác và ứng dụng (tức đã có ghi nhận khả năng ngoại cảm).


Đối với khoa học, đây là "sự hoài nghi chưa thể phủ định" thứ 3.

[Ngoài lề một chút, đến đoạn kiến giải trên, có lẽ nhiều bạn thắc mắc rằng sao không thấy các thiền sư, các bậc tu hành đắc đạo trong Phật Giáo dùng thần thông, lý do là Đạo Phật trọng về giác ngộ giải thoát, thần thông không phải là mục đích tu hành cuối cùng, người đắc được thần thông mà chưa chứng ngộ quả Phật mà dụng thần thông ắt sẽ theo đó mà dãi đãi để vọng tâm trỗi dậy.]

Tạm kết luận

Đối với người tín Phật, chúng ta biết rằng sau khi chết thần thức con người vẫn còn có thể đầu thai hoặc chưa, những bậc tu hành chứng được thần thông (có được tột cùng khả năng của các tánh) sẽ thấy được thần thức, hi hữu có thể có người giao cảm được với thần thức người đã chết. Đây là sự thật bất khả tư nghì khi chúng ta đã phát lòng tin nơi Phật.

Đối với người trọng khoa học thực nghiệm, có 3 chổ "hoài nghi chưa thể phủ định" (tức có ghi nhận hiện tượng mà chưa khẳng định, phủ định hay giải thích triệt để hiện tượng) được chỉ ra như vậy thì chúng ta chưa vội phủ định, đó là tinh thần khoa học vậy.

Về vụ việc các nhà ngoại cảm, khả năng "ngoại cảm" ấy như đã nói là rất hi hữu, việc thời gian qua "nở rộ" nhiều người có khả năng "ngoại cảm" như thế tất nhiên sẽ có dấu hỏi cần đặt ra, phóng sự của VTV phần nào đó giải đáp được câu hỏi ấy trả sự thật về cho từ "hi hữu".

Nói thế nghĩa là chúng ta không phủ định toàn bộ những cuộc tìm kiếm mộ liệt sỹ, không phủ định toàn bộ các "nhà ngoại cảm" vậy.

Sunday, October 20, 2013

Nam Việt - Triệu Đà, đôi chổ nhìn nhận.

Lâu nay, việc thống nhất cách nhìn nhận về vai trò của Triệu Đà trong lịch sử Việt Nam ta, có nhiều tranh cãi,  tựu chung có 2 quan điểm lớn nhưng lại đối lập nhau, một cho Triệu Đà (Triệu Vũ Vương, Nam Việt Vương, Nam Việt Vũ Đế) và nước Nam Việt là một triều đại nước ta, một lại cho rằng, Triệu Đà đơn thuần chỉ là một kẻ xâm lược đến từ phương Bắc.

Quan sát thấy, những người theo quan điểm thứ nhất thường lấy cứ liệu là từ Triệu trong câu cáo thuộc Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi : "Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời dựng nền độc lâp/ Cùng Hàn Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương." coi Triệu được nhắc đến là Triệu Đà làm cơ sở cho quan điểm của mình. 

Nay, trong câu cáo trên có nhận xét rằng:

1. Nhà Đinh của nước ta được đối với nhà Đường của Trung Quốc, nhưng Đường tàn năm 904 còn  Đinh 974 mới lập vì vậy rõ ràng ở đây logic về mặt thời gian không phải là chuẩn mực. 

2. Từ Triệu được nhắc đến, xét trong lịch sử nước ta, có thể có 3 khả năng, hoặc Triệu Đà, hoặc Triệu Thị Trinh, hoặc Triệu Quang Phục.

Áp dụng nhận xét thứ nhất vào nhận xét thứ 2, chúng ta cần thống nhất rằng không thể dùng so sánh tương đối về mặt thời gian để gạt bỏ Triệu Thị Trinh và Triệu Quang Phục được.

Sau đây xin dẫn một số cột mốc thời gian đáng chú ý : 

Năm 221 trCN, nhà Tần thống nhất TQ - Nước ta lúc này đang là thời kỳ cuối của triều đại Văn Lang và đầu Âu Lạc. (Nhà Tần có xâm lược nước ta 6 năm, từ 214-208 trCN, Âu lạc tồn tại gần 30 năm, từ 208-179 TrCN, Văn Lang tồn tại khoảng 500 năm (?), từ cuối TK VII- trCN đến 208 TrCN)

Năm 210, Tần Thủy Hoàng chết, TQ mỗi nơi tự xưng vương, phía Nam là Triệu Đà và Nhâm Ngao. Lúc này bên TQ xuất hiện cuộc tranh giành quyền lực giữa Lưu Bang (ông tổ nhà Hán) và Hạng Vũ (truyện Hán - Sở tranh hùng viết về việc này). Năm 206 TrCN, nhà Tần mất, nhưng cuộc giành quyền lực giữa Hán-Sở và các Vương vẫn diễn ra. 

Sau đó, nhà Hán thống nhất TQ và truyền ngôi khoảng 430 năm (khoảng từ 190 tr CN đến 220 sau CN). Lúc này nhà Hán công nhận Triệu Đà là Nam Việt Vũ Vương nhưng bắt phải quy phục. 

Trong khi đó, vào năm 179 trCN (hoặc 208) thì nước ta bị  quân Triệu Đà chiếm đánh(tương ứng với việc An Dương Vương thua trận ở Cổ Loa thành). 

Trong thời Đại Hán, vào năm 111 trCN, nhà Hán đánh thắng triều đình Nam Việt của Triệu Đà lập. Nước ta lúc này thuộc Nam Việt của  Triệu Đà thành thuộc địa của nhà Hán. 

Năm 40, khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là chống lại nhà Hán (con cháu của Lưu Bang) . Đến khoảng năm 220-226, nhà Hán tàn, cục diện Tam Quốc (xem Tam quốc diễn nghĩa). 

Lúc này thì nước ta trở thành thuộc địa của Ngô (Tôn Quyền) Khởi nghĩa của bà Triệu năm 248 là chống quân Ngô. (nhưng danh nghĩa thiên hạ vẫn là của nhà Hán cho đến khi vua Hiến Đế bị Tào Phi truất ngôi, khoảng năm 250-260) 

Đến năm 280 thì cuộc chiến Tam Quốc chấm dứt bởi Tư Mã Viêm (cháu Tư Mã Ý), Tư Mã Viêm diệt nhà Hán (Lưu Thiện - con Lưu Bị) và nhà Ngô (Tôn Hạo - cháu Tôn Quyền) thống nhất TQ, lập ra nhà Tấn. Nước ta từ thuộc địa nhà Ngô trở thành thuộc địa của Tấn. 

Đến khoảng năm 420, nhà Tấn suy, bên TQ xảy ra chiến tranh Nam-Bắc, nước ta lần lượt bị đô hộ bởi các triều đại: Tống, Tề, Lương, Trần, khoảng 170 năm (420-589), đến năm 589, nhà Tùy lên thay nhà Trần và kéo dài gần 40 năm (đến năm 628).

Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí năm 542-544 là chống quân Lương .Khởi nghĩa của Triệu Quang Phục (từ năm 548-571) cũng là chống quân Lương (lập nước Vạn Xuân, xưng là Dã Trạch Vương)

Lại xét : 

Triệu Quang Phục thống nhất được đất nước, giành được độc lập, vào năm 548-571, cách nhà Đại Hán khoảng 300 năm (Đại Hán 190 trCN-220, 250)

Triệu Thị Trinh thì khởi nghĩa năm 248 lúc đó là cục diện Tam quốc và Triệu Thị Trinh chống quân Ngô (Ngụy-Tào Tháo, Hán -Lưu Bị và Ngô-Tôn Quyền), nhưng về lý thuyết thì thời điểm này Hiến Đế là con cháu của Lưu Bang vẫn đang làm vua (người này gọi Lưu Bị bằng Hoàng Thúc và người này đang bị Tào Tháo thao túng).

Triệu Đà lập Nam Việt (gồm Quảng Đông, Quảng Tây và đất Âu Lạc (kéo dài đến Hoàng Sơn, Hà Tĩnh)) khoảng năm 203 -204, về mặt thời gian thì tồn tại song song với Nhà Hán, tuy nhiên có 2 lần quy phục nhà Hán (đời Hán Tổ và đời Hán Văn) và cuối cùng bị Hán chiếm năm 111. 

Như vậy để thỏa mãn ý "dựng nền độc lập" thì thật khó phân định Triệu được nhắc đến là Triệu nào. Phân tích như thế để thấy rằng dựa trên câu cáo trích trong Bình Ngô Đại Cáo và kết luận Triệu được nhắc đến là Triệu Đà chỉ là võ đoán. 

Bình Ngô Đại Cáo chỉ là một trong số nhiều cứ liệu mà 2 bên viện dẫn để củng cố quan điểm của mình, lại xét rằng:

1. Sử liệu do người xưa chép, tuy đều là những người có uy tín, nhưng từ lúc nước Nam Việt tồn tại đến lúc chép lại sử là khoảng thời gia khá dài, và trong khoảng thời gian đó nước ta lại liên tục bị đô hộ đồng hóa, nên độ tin cậy của sử liệu ấy (dù theo quan điểm nào) cũng không thể nói là đáng tin cậy 100%

2. Chỉ viện dẫn sử liệu chép lại ấy, mà không đi thẳng vào bản chất vấn đề e rằng sẽ có nhiều thiếu sót trong việc đưa ra nhận định.

Vì vậy, những kiến giải sau đây xin mạn phép được thử đi thẳng vào bản chất vấn đề mà tạm bỏ qua các quan điểm lịch sử đời sau. 

Nếu nói Triệu Đà và Nam Việt là một triều đại của Việt Nam, trước hết ta phải định nghĩa một cách rõ ràng thế nào là một triều đại (phong kiến) của một dân tộc mới có thể kết luận. Tạm đưa ra đây các tiêu chí, sau đó sẽ đi vào phân tích từng tiêu chí một :

- Triều đại ấy, hoặc được lập ra vì nhu cầu của dân tộc ấy (dẹp loạn các phe phái mang lại thịnh trị lập nên triều đại, nước không vua đứng ra làm vua lập nên triều đại để dẫn dắt dân chúng, nước bị xâm lăng đứng ra lãnh đạo chống ngoại xâm sau đó lập triều đại, phế triều đại hủ bại trước đó lập triều đại mới) hoặc kế thừa một cách danh chính, ngôn thuận triều đại trước đó của dân tộc ấy.

- Kinh đô của triều đại, phải được đóng trên cương thổ vốn có của dân tộc ấy. 

- Trong thời gian tồn tại, triều đại ấy phải lấy sự thịnh - suy - tồn của dân tộc ấy làm trọng. 

Về tiêu chí thứ nhất. Rõ ràng rằng Triệu Đà không kế thừa An Dương Vương mà mang quân qua cưỡng chiếm. 

Triệu Đà vốn người huyện Chân Định, quận Hằng Sơn , đời nhà Tần (ngày nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc), Trung Quốc, là người di cư xuống miền nam mới khai hoá đời nhà Tần, cùng với Nhâm Ngao cai quản đất Lưỡng Quảng, về sau được Nhâm Ngao giao cho toàn quyền. 

Nước Nam Việt được lập năm 203 (hoặc 204) TrCN, còn việc đánh chiếm Âu Lạc có sử ghi 179 trước công nguyên, có sử ghi 208 TrCN, nếu việc chiếm đánh diễn ra năm 208 TrCN tức trước khi lập Nam Việt thì Triệu Đà lúc ấy là quan nhà Tần nên đó phải được gọi là cuộc xâm lược của Tần đối với Âu Lạc, nếu việc chiếm đánh diễn ra năm 179 TrCN tức sau khi lập Nam Việt lúc này Triệu Đà là vua thì đó phải được gọi là cuộc xâm lược của Nam Việt đối với Âu Lạc.

Như vậy, triều đại của Triệu Đà không thể nói là được ra vì nhu cầu của người dân Âu Lạc được.

Về tiêu chí thứ hai. Việc đóng đô của một triều đại phong kiến rất quan trọng, vì nó thể hiện ý chí của vua, rằng đâu là gốc, là nhà, là nơi sẽ phát triển dài lâu. 

Triệu Đà đem quân từ Lưỡng Quảng qua chiếm đánh Âu Lạc, sáp nhập Âu Lạc thành quận Tượng của Nam Việt, sau đó lại quay về đóng đô ở Lưỡng Quảng, vậy thì mục đích của cuộc chiếm đánh này trước sau chỉ là một cuộc xâm lược thuần túy tức chiếm đánh và sáp nhập. Nhà Nguyên (Mông), Nhà Thanh (Kim) sở dĩ được coi là triều đại của TQ dù là xâm lược vì sau khi chiếm đóng đều đóng đô ở TQ, tức coi Trung Nguyên là nhà, phát triển dài lâu. 

Về tiêu chí thứ 3. Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên (ngày nay là thị trấn Đà Thành huyện Long Xuyên) nhậm chức, Triệu Đà áp dụng chính sách "hoà tập Bách Việt" đồng thời xin Tần Thuỷ Hoàng di dân 50 vạn người từ Trung Nguyên đến vùng này, tăng cường chính sách "Hoa Việt dung hợp" (hòa lẫn người Hoa Hạ và người Lĩnh Nam). Như vậy mục đích ban đầu của Triệu Đà là muốn đồng hóa người Việt, bằng cách đưa người Hoa sống xen lẫn. 

Năm 196 trước Công Nguyên, Hán Cao Tổ Lưu Bang sai quan đại phu Lục Giả đi sứ đến nước Nam Việt, Triệu Đà quy phục nhà Hán, làm Nam Việt thành một đất chư hầu của nhà Hán. 

Sau khi Hán Duệ chết, Lã Hậu nắm quyền, sợ Hậu thôn tính, Triệu Đà đem quân đánh ra phía bắc chiến lấy Tây Âu, Mân Việt ... xưng đế. 

Năm 180 trước Công Nguyên, Lã Hậu chết, Hán Văn Đế Lưu Hằng nối ngôi, Lưu Hằng sai Lục Giả đi thuyết phục Triệu Đà quy Hán, Triệu Đà bỏ danh Đế, quy phục nhà Hán, kể từ đó đến đời Hán Cảnh Đế, Triệu Đà một mực xưng thần, hàng năm cứ mùa Xuân và mùa Thu, đều đưa đoàn sứ đến Trường An triều cống hoàng đế nhà Hán, chịu mệnh lệnh làm chư hầu nhà Hán.

Như vậy, trước muốn đồng hóa người Việt, sau Triệu Đà chấp nhận làm chư hầu của nhà Hán, thì không thể nói Triệu Đà lấy sự tồn vong của dân tộc Việt làm trọng được.

Một triều đại không được lập ra vì nhu cầu của dân tộc, không coi chổ (cương thổ) của dân tộc ấy là nhà, không lo cho sự tồn vong của dân tộc ấy, thì triều đại ấy có thể coi là triều đại của dân tộc ấy hay không ?

Friday, October 18, 2013

Đừng cầu Phật !

Cầu Phật ở đây có 2: Thứ nhất là nhiều người tìm đến Phật để cầu danh, lợi, duyên (chồng vợ), tự (con), an,  xem ngày tháng, xin quẻ ... vân vân và vân vân. Thứ 2 là việc nhiều người tu cầu Phật để mình được đắc quả vị trong sự tu tập.

Nói ĐỪNG cả hai món ấy bởi cả 2 đều là mê, là vô minh không đúng tinh thần Đạo Phật.

Quay trở về lịch sử, Việt Nam tuy có tông phái Đạo Phật riêng, nhưng trước đó có là nhờ ngoại truyền. Người Ấn Độ theo đường biển truyền đạo trước tiên, thời kỳ này, người Việt gọi Phật là Bụt (nói trại từ tiếng Budda), người Việt lúc ấy quán Bụt như một vị tiên, tâm từ thường giúp người bất hạnh, nghèo khổ, Bụt xuất hiện trong nhiều chuyện cổ tích như Tấm Cám ...

Sau đó, thời Trần, người Trung Quốc qua miền Bắc Việt Nam truyền đạo, Budda trong tiếng Hoa đọc là Phất người Việt đọc trại đi thành Phật. Ban đầu người ta dùng cả tiếng Bụt lẫn Phật, bây giờ chỉ còn dùng tiếng Phật.

Về chiều dọc, Đạo Phật tồn tại đã hơn 2500 năm, về chiều rộng thì có nhiều tông phái nhưng chung nhất là Nam Tông và Bắc Tông hay còn gọi là Tiểu Thừa, Đại Thừa, tuy nhiên nói Đại, Tiểu là chấp lớn nhỏ, trọng khinh nên thời nay đổi thành hệ Nguyên Thủy và hệ Phát Triển.

Hệ Nguyên Thủy trên tinh thần quay về hay chấp vào nguyên bản lúc khởi đầu của Phật Giáo, hệ Phát Triển trên tinh thần tùy duyên, nên khi truyền giáo tùy chổ mà dung hòa cả tín ngưỡng địa phương vào chùa. Lại nữa, thêm vào phần tác động của những biến đổi lịch sử dân tộc mà Đạo Phật bị phiên nhiễm nhiều tín ngưỡng khác nhau, phần nào đánh mất cái thuần túy của Đạo Phật.

 Để ý thấy nhiều ngôi chua ở Việt Nam hiện nay thờ cả Quan Công, Mẫu, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu ..., lại nữa, người tới chùa thường là để cầu danh, lợi, tài, thọ, sức, tự, an, xem ngày, xin xăm ... như đã nói, đó phần nhiều bởi sự phiên nhiễm của những tín ngưỡng khác vào Phật Giáo, chổ truyền đạo không đúng tinh thần thuần túy Đạo Phật và cũng bởi chổ mê tín, chổ chưa hiểu thấu đáo Đạo Phật của người đời.

Trước hết, Budda tiếng Ấn nghĩa là giác ngộ, Đạo Phật ấy là đạo giác ngộ, đã là đạo giác ngộ tất nhiên không chấp nhận bất cứ một niềm tin sai lầm, sai lẽ thật nào.

Người Phật Tử tại gia hay người xuất gia, trước đều đã quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), đã quy y Phật, Pháp, Tăng tất nhiên không thờ và không quy y nơi thần thánh tà, ngoại nào khác. Đó là chổ thứ nhất.

Tâm Phật là Tâm Đại Bi, thế nào là Đại Bi phải hiểu cho thấu triệt, Phật trước vì thấu căn cơ chúng sanh có chổ sai khác mà bày phương tiện có thứ lớp để giáo hóa chúng sanh, trong số hàng ngàn pháp môn có pháp Bố Thí.

Bố Thí gồm Tài Thí (của cải, sức lực), Pháp Thí (chia sẻ chánh Pháp), Vô úy thí (mang lại sự không sợ hãi),  Bố Thí là phương tiện để người tu thực hành buông xả, phát tâm bồ đề, tuy nhiên Bố Thí chỉ là bề nổi của Đại Bi.

Đại Bi nơi Phật là lòng thương bình đẳng tất thảy chúng sanh, Phật không thương chúng sanh vì nghèo, vì bất hạnh, vì gặp khổ nạn, bởi Ngài thấu rõ những cái đó đều do nghiệp dẫn, Phật thương chúng sanh vì cái vô minh của chúng sanh, vì vậy mà bày phương tiện giáo hóa phổ độ, chỉ cho con đường giác ngộ. Cái thương bình đẳng, giàu cũng như nghèo, nam cũng như nữ ấy là bởi chúng sanh đều vô minh, bởi chúng sanh đều có Phật Tánh mà lãng quên nó. Vì vậy, tìm đến Phật, Pháp, Tăng để tiến tu cầu giải thoát, giác ngộ thì mới đúng tinh thần Đạo Phật. Đây là chổ thứ 2.

Phật tuyệt đối không phải là đấng Tối Cao có quyền sinh sát, tạo diệt trong tay, Phật đơn giản là người Giác Ngộ thấu triệt nhân sinh. Khi Ngài thiền 49 ngay dưới cội Bồ Đề mà chứng đạo, chứng được Lục Thông (Lục thần thông) nhưng thần thông này thuộc về cái hiểu biết, chứ chẳng thuộc về phép thuật, biến hóa như Tề Thiên trong phim.

Từ Thiên Nhãn thông, Túc Mạng thông, ..., Lậu Tận Thông đều là những cái thông suốt của trí tuệ, ví như nhờ có Thiên Nhãn thông mà Phật biết được trong nước có vi trùng (điều mà vài ngàn năm sau khoa học mới  chứng thực), biết được thân người cấu thành từ tế bào, biết được vũ trụ bao la có nhiều hành tinh với hình thể khác nhau (điều mà đến thời cận đại gần đây chúng ta mới biết) ... . Vì Phật chẳng phải kiểu thần thánh, chúa như chúng ta hiểu, nên đừng cầu Phật dùng phép biến hóa giúp đỡ. Đây là chổ thứ 3.

Giáo lý Phật Giáo có 3, ấy là Kinh, Luật, Luận (gọi là Tam Tạng) thảy hết đều là phương tiện Đức Phật bày ra để chỉ cho chúng sanh con đường Giải Thoát, vì vậy đọc Kinh phải biết rằng Kinh là phương tiện, chổ cứu kính cùng tột của Kinh là giác ngộ, giải thoát, chưa hiểu đến lớp nghĩa ấy là chưa hiểu Kinh.

Có nhiều người đọc Kinh Vô Lượng Thọ, cứ hiểu rằng niệm danh Phật Di Đà được công đức vô lượng thời khi chết được Phật Di Đà dẫn về cõi Tịnh Độ Cực Lạc, vì hiểu thế mà khi chết thời cầu siêu rình rang, hiểu thế chưa đúng, Phật dạy niệm Phật, ấy là để khi thiền niệm Phật người tu được nhiếp tâm, mà nhiếp tâm thì vong tưởng tiêu tan, vong tưởng tiêu tan thời thấy được Chân Tâm (Phật Tánh), đắc quả Phật, lúc đấy tự khắc nhập Niết Bàn chẳng cần Phật nào dẫn.

Hay như nhiều người đọc phẩm Phổ Môn thuộc Kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên Hoa), thấy có những đoạn như :


Giả sử sinh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao

Hoặc trôi dạt biển lớn
Các nạn quỉ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm được

Hoặc ở chót Tu Di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhật treo không

Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông

Liền chấp rằng Bồ Tát Quán Âm thường cứu khổ cứu nạn, nên thường tìm đến Ngài để cầu an, đầu năm hằng thường tổ chức đội sớ cầu an nườm nượp,  cái hiểu này chưa cùng tột, chưa đến chổ cứu kính cuối cùng.

 Quán Âm Bồ Tát ở đây đại diện cho cái nghe biết của nhĩ căn (tai), trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy  Chân Tâm là "nhất tinh minh sinh lục hòa hợp", Chân Tâm thời như ngọn đèn trong nhà, sáu căn thời như sáu cửa, chúng minh vô minh vì đứng ở cửa trông ra nên không thấy Chân Tâm chỉ thấy cái hư giả, có câu "hối đầu thị ngạn" (quay đầu là bờ) là vì thế, nay đứng ở cửa trông vào ắt thấy Chân Tâm, nhĩ căn là cửa vậy, nghe biết mà không chấp Tiếng, không để vọng tưởng trỗi dậy là thấy Chân Tâm, không nghi.

Đọc Kinh, hiểu đến chổ cùng tột, hành đúng Pháp ấy mới đúng lời Phật dạy, đây là chổ thứ 3.

Lại nữa, chúng sinh vô minh vì sao? Vì chẳng biết Nhân Quả Luân Hồi mà tạo nghiệp, nghiệp nối nghiệp triền miên. Vì chẳng biết Cảnh, Thân, Tâm là vô thường, mà sinh tham sân si, chẳng biết vạn pháp do duyên hợp mà thành, là giả có mà sinh Ái Ngã ...

Phật quán biết, chúng sinh khổ vì nghiệp dẫn mà trôi lăn trong lục đạo luân hồi, sinh lão bệnh tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội, vì chấp ngũ dục danh, tài, sắc, thực, thùy là vui là sướng mà không biết vui đấy khổ liền đấy, vui ấy giả có, từ đó Ngài phát tâm tư bi tìm đạo giải thoát, bày phương tiện giáo hóa.

Vậy chúng sanh cầu danh, cầu lợi, cầu sắc, cầu thọ ... Phật toại nguyện cho chăng ? Đây là chổ thứ 4.

Cuối cùng, nhiều người tu mà lại cầu Phật ở nơi đâu xa tắp, Chân Tâm nơi mình thì cầu ở nơi nào ? Phật nói : Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, ấy nghĩa là mọi chúng sanh đều có Phật Tánh, nó thường hằng trong chúng ta, chỉ vì chúng ta quên đi chạy theo vọng tưởng hư dối mà thôi.

Có chuyện rằng, một cư sĩ hỏi Thiền sư : Phật ở đâu ? Sư đáp: như người cỡi trâu đi tìm trâu. Người đang cỡi trâu mà đi tìm trâu, dại quá. Nhà Thiền có câu : Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, tức : chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, ý đều đồng như thế.

Vì các chổ như thế, nói gộp : Đừng cầu Phật !


Tuesday, October 15, 2013

Tam Kiều Kỳ Án (18+)

(lưu ý : Truyện viết nhân chuyện những nhà "dân chủ" Đoan Trang, Phương Uyên, Hoàng Vi tố cáo an ninh hãm hiếp, sàm sỡ họ chỉ bằng mấy tấm hình, Đông Tuyền chỉ là nhân vật tượng trưng, truyện có vài chi tiết 18+ các bạn cân nhắc trước khi đọc)


Khi mặt trời đỏ hỏn như cái bánh rán treo đầu đỉnh núi, cũng là lúc khách điếm Trinh Nữ đông người nhất. Nằm ngay cửa ngõ thành Dương Thịnh, nên người đến trọ quanh năm không ngớt, toàn là thương lái thập phương hoặc người trong giang hồ hành tẩu ngang qua. 

Đương lúc, ồn ả kẻ vào người ra, kẻ nói người cụng ly, kẻ nhồm nhoàm nhai người thư thả rít điếu cày, bỗng đâu một toán người hùng hùng hổ hổ đao kiếm đầy người, đằng đằng sát khí lao vào, chúng chia làm 2 nhóm chạy thành hai hàng rồi lại quây thành một vòng tròn lớn vây quanh bàn của một người. 


Người đó tướng mạo tuấn tú khác thường, tuổi đời hẵng còn trẻ nhưng khí chất thoát tục, chàng ta vận một bộ đồ màu nâu nai nịt gọn gàng, từ lúc vào khách điếm, chỉ lặng lẽ gọi 2 món chay và một bình rượu nếp bình thản ăn uống mà chẳng để ý kế xung quanh, nay đám người kia bặm trợn vây quanh nhưng chàng vẫn coi như không. 


Một tên trong đám ấy nộ khí, băm mạnh kiếm của hắn xuống mặt bàn, lúc này chàng trai trẻ kia mới ngước đầu lên nói : 


- Các huynh đài đây, phải chăng đến tìm tại hạ ? Là muốn cùng tại hạ dùng rượu thưởng trà hay muốn nói chuyện với khoái đao của tại hạ cho khỏa khuây ?


- Đông Tuyền ! Người chớ nhiều lời, tên dâm tặc nhà người hãm hiếp sư tỷ muội của bọn ta là Đoan Trang, Phương Uyên, Hàng ... Hoàng Vi, bọn ta tìm người tận chân trời góc bể, không ngờ người ăn chơi hưởng lạc chốn này, mau theo bọn ta về chịu tội. 


- Này các huynh đài, các huynh nói tại hạ hãm hiếp tỷ muội của các huynh liệu có bằng chứng gì không ?


- Tất nhiên có !


- Vậy mời các huynh trình ra !


- Thứ nhất, bằng chứng chính là lời của 3 muội muội của ta, muội muội của ta nói chỉ có đúng, không có sai. Thứ 2, chúng ta có kiếm thú y nổi danh họa lại tranh làm bằng chứng, người xem ở đây có tranh của cả 3 muội ấy, Hàng ... Hoàng Vi thậm chí còn chẳng mặc quận. Còn nghi ngờ gì nữa, chính ngươi hãm hiếp 3 muội ấy.


- Tại hạ thực chẳng còn lời nào để biện minh, chỉ muốn cho các huynh xem 3 bức họa, đây là ba con ái khuyển của nhà tại hạ, các huynh xem, con thứ 3 thậm chí còn chẳng có lông, chẳng hiểu sao gần đây chúng rủ nhau mang thai, trong số các huynh, ai chịu trách nhiệm ?!


- Ta không có - cả bọn nhón nháo đồng đáp.


- Vậy thì ta chịu rồi.


Nói đến đó, Đông Tuyền với thân pháp mau lẹ nhảy phóc một cái đã đứng ở ngoài cửa khách điếm toan cất bước đi. Đám người kia hoảng hốt quay lại, một tên trỏ kiếm hét lớn:


- Đông Tuyền, người chạy đâu ?

- Tại hạ xưa nay, đến đi vốn chẳng xin phép ai, huynh cản nổi tại hạ sao ?

Lời chưa dứt bóng người đã mất hút, đám người ở lại trố mắt nhốn nháo rồi tức tối bỏ đi ngay sau đó.


Thật là: 

Tố người tà hạnh, mang tranh họa
Khẩu khí hung hăng : Quyết chẳng ngoa
Người mang tranh vẽ ba ái khuyễn
Hỏi tội do ai, nói chẳng ra.


********


Trăng đêm tròn vạnh, bầu trời xa tắp, Đông Tuyền nằm gác chân chữ ngũ trên mái nhà, đầu gối lên 2 tay, chàng nhớ lại chuyện ông Mạnh Tử. 


Chuyện rằng, Mạnh Tử có một người bạn thân, hôm đó Mạnh Tử đến nhà chơi gặp lúc phu thê bạn mình đang mặn nồng ân ái, đương độ cao trào, vợ của người bạn nhìn ra cửa sổ thì thấy Mạnh Tử đứng ngoài trông vào, lấy làm thẹn, người vợ vỗ vai chồng mà rằng:

- Mạnh vào phu quân ơi!
- Uh !
- Phu quân, Mạnh vào !
- Uh !
- Mạnh, Mạnh vào, phu quân ơi !
- Uh ! 
- Phu quân, phu quân ... Mạnh vào ...
- Đệch ! Tạo hết sức rồi, mạnh mạnh cái *beep* ...

Mạnh Tử nghe thế ngỡ bạn chửi mình, cả giận, từ đó chẳng thèm vãng lai tới lui nữa, tình bạn thâm giao vì thế mà biến tan như mây khói.

Đông Tuyền lại nghĩ đến tình thế lúc chiều, khi mà cả đám ô hợp bao vây đòi lấy mạng chàng, chúng tố chàng hãm hiếp tỷ muội chúng là Đoan Trang, Phương Uyên, Hoàng Vi mà ớn lạnh cả người. Cả Đoan Trang, Phương Uyên, Hoàng Vi đều là môn đồ của Dân Chủ Huynh Đệ Hội, toán người ấy chắc hẳn cũng là người phái ấy, Dân Chủ Huynh Đệ Hội xưa nay vốn chẳng làm được gì lợi lạc cho giang hồ đồng đạo, cho bá tánh muôn dân, nhưng chuyện thị phi thì không thể không có mặt vì thế mà nhân sỹ võ lâm rất nhờn ghét, nay dính dáng đến chúng ắt phiền phức to.

Cảm thán rằng : Thế gian này phàm đụng đến nữ nhi đều rắc rồi, ta vốn muốn quên sự đời, ngao du sơn thủy tìm vui mà chẳng được ! Rồi chàng hạ quyết tâm đi tìm sự thật.

********


Nói là làm, sáng hôm sau, Đông Tuyền đã kịp đến kinh thành, chàng tìm đến Hoa Gia Trang, đi thẳng tới thư phòng, vừa tiếp đất ngay bậc thềm đã nghe tiếng: 


- Đông Tuyền huynh hạ cố đến tìm ta đấy sao ?!

- Mãn Lầu tiểu đệ vẫn nhạy bén như xưa, thật đáng khâm phục.

Nói rồi liền đẩy cửa bước vào đặt một cái hộp lên bàn rồi đẩy về phía Hoa Mãn Lâu, số là Hoa Mãn Lâu tuy suốt ngày ở trong Hoa Gia Trang nhưng chuyện thiên hạ không gì là không biết, nguyên tắc của dị nhân nay là " nhất vấn, nhất bảo", hỏi một câu một món bửu bối, Đông Tuyền tuy là bằng hữu cũng không ngoại lệ.


Đoạn Hoa Mãn Lâu vạch hộp ra nhìn vào, miệng vừa cười vừa nói: 


- Một mận, một nướng, một măng, một bình chuối hột, thiên hạ đúng chỉ có huynh mới hiểu ta.

- Vừa mua ở Nhật Tân tửu lầu, còn nóng đấy.
- Huynh muốn hỏi gì ?
- Đoan Trang, Phương Uyên, Hoàng Vi
- Tam Kiều của Dân Chủ Huynh Đệ Hội ?
- Tam Kiều ?
- Đúng, 3 người đó được mệnh danh là Tam Kiều, Đoan Trang tức là Hãm Diện Kiều, có chuyện rằng lúc vừa hạ sanh Trang Thị, mẫu thân cô ta khóc thét tới 3 ngày 3 đêm không ngừng chỉ khi phụ thân cô ta an ủi rằng: "thôi nào phu nhân, nhìn hoài cũng quen thôi" lúc đó mới chịu nín, nhưng độ 10 ngày sau mới dám nhìn lại mặt con.

Trang Thị càng lớn lại càng chứng tỏ mình là phản ví dụ kinh điển của cái đẹp, một đêm thị nằm ngẫm: "ta soi gương tự biết mình vì sao đi tới đâu mọi người lánh xa đến đấy, nhưng làm thân gái cả đời không lãnh nhận lời khen tặng nào của cánh nam nhi thì sống thật uổng, người ta không dám khen ta, hẳn là vì điều luật 258 của triều đình ngăn cấm không cho nói dóc nói láo".


Nghĩ là làm, Trang Thị từ đó ra sức kêu gọi nhân sỹ võ lâm chống lại điều 258 của Triều Đình, nhờ đó mà nổi danh trong giang hồ, gọi là Hãm Diện Kiều.


Phương Uyên, bởi có gương mặt ngây thơ như một chú thỏ non nên được gọi là Đồng Thố Kiều, Uyên trước theo Lâm Bảo Tồn làm việc cho Thiếu Niên Hải Ngoại Lầu, một trong bốn lầu của Thần Địa, về sau vì yêu Phích Lịch Các Chủ Nguyên Kha của Khủng Bố Lầu nên bị người của Thần Địa truy sát, bí thế, Kha nghĩ kế gây nổ để cùng Uyên vào ngục.

Nào ngờ Triều Đình khoan dung, cho Uyên hưởng án treo vô tình chia lìa đôi lứa, Uyên từ đó sinh ra hận Triều Đình thấu gan thấu dạ, ra sức khuyễn mã làm việc cho Dân Chủ Huynh Đệ Hội.


Hoàng Vi thân nữ nhi nhưng tráo trở khôn lường lại có nhan sắc khá mặn mòi nên sau ít năm đã trở thành yếu nhân của Dân Chủ Huynh Đệ Hội, người trong giang hồ gọi ả là Đại Dâm Kiều. 


Thông tin đệ có tóm tắt là như vậy.


- Thế đủ rồi - Đồng Tuyền đáp.


- Đệ có một yêu cầu.


- Nhất cầu nhất bảo - Đông Tuyền nửa đùa nửa thật. 


- Tất nhiên có, đây là thuốc chống nôn do tự tay đệ bào chế - Hoa Mãn Lâu vừa nói vừa lấy từ tay áo ra một bình thuốc - đệ biết lần này huynh đi tất sẽ giáp mặt Hãm Diện Kiều Đoan Trang, bình thuốc này đến lúc đó ắt cần dùng. 


Đông Tuyên khi đó ngửa mặt lên cười rằng: 


Biết Ta giáp mặt Kiều Hãm Diện

Bạn chế dược đơn phòng hiểm nguy.
Thiên hạ rộng lớn, cầu tri kỷ
Đã có Mãn Lâu. chẳng mong gì

Đoạn nhìn qua Hoa Trang Chủ nói: 

- Đệ có sở cầu gì huynh đều toại nguyện cho đệ. 

- Chuyện này đơn giản thôi, không cần huynh lao tâm khổ tứ nhưng hơi trái nguyên tắc của huynh 1 chút.
- Đệ cứ nói.
- Đệ biết, chuyện lần này tất có ẩn tình, huynh xưa nay đâu vì nữ nhân mà vướng bận, nay đệ muốn đi theo để thỏa chí tò mò, và lại đã lâu đệ không ra ngoài, nay có dịp đi cùng huynh còn gì bằng.

Đông Tuyên không đáp, liền thi triển khinh công của Hoa Gia mà đi, Mãn Lâu biết ý cũng vận khí đuổi theo phía sau. 


*******


Khinh công của Hoa Gia là tuyệt kỹ vô nhị trên giang hồ, khi thi triển chỉ thấy ảo ảnh tuyệt không thấy thân pháp, Đông Tuyền, Mãn Lâu kẻ trước người sau đi độ 3 ngày thì tới Trá Dâm Viện nằm sâu trong rừng cây Xấu Hổ, đợi đêm đến 2 người đáp lên mái nhà trông vào. 


Được một lát, thấy có 4 nữ nhân một trước ba sau đi vào chánh điện của viện. Mãn Lâu quay qua nói với với Đông Tuyền :


- Người mập mạp đi trước, tọa ghế thượng là Bùi Hằng, Dâm Sư của Viện này, 3 người theo sau tọa ghế hạ lần lượt là Đoan Trang, Phương Uyên, Hoàng Vi. 


Lúc đó, trong chánh điện vang lên giọng ồm ồm như con ếch đực trưởng thành của Bùi Hằng: 


- Ta hỏi 3 ngươi, trên đời này làm gì dễ kiếm ngân lượng mà lại nhàn thân ?

- Kỹ nữ thưa sư phụ ! - cả 3 đồng đáp -
- Thế các ngươi biết nguyên tắc của kỹ nữ chứ ?
- Thưa, không ạ. 
- Nguyên tắc thứ nhất, liêm sỉ là băng vệ sinh, nó chỉ có giá trị trong những ngày không thể tiếp khách. Nguyên tắc thứ 2, tiền là huy chương vàng, ai trả không quan trọng, miễn có tiền.

Ở đây, ta không dạy các ngươi bán thân, song nguyên tắc làm việc không khác kỹ nữ, họa lại tranh tố người khác hãm hiếp, sàm sỡ như vụ vừa rồi tuy bán thân mà thực chẳng bán thân, các ngươi làm rất tốt, ngài Hoàng Kỳ Tam Chỉ có lời khen tặng và trọng thưởng. 


Hoa Mãn Lâu bất nhẫn, than rằng : 


- Đệ tự cho là biết khắp chuyện thiên hạ, song Hoàng Kỳ Tam Chỉ là ai thì quả thực không biết.

- Không trách đệ được, trên giang hồ thực cũng không mấy người biết, bởi những chuyện về hắn xảy ra rất lâu rồi những người chứng kiến cũng không nói truyền ra ngoài. 
- Chuyện thế nào vậy huynh ?
- Hoàng Kỳ Tam Chỉ chính là Thần Địa Các Chủ bây giờ, từ sau lần luận kiếm năm xưa hắn không xuất hiện trên giang hồ nữa mà chỉ đứng sau chỉ đạo. 

Lần này hắn "mượn đao giết người" cố tình gán ta tội hiếp dâm làm giang hồ đồng đạo nghĩ xâu về ta hẳn vì hắn nhớ đến mối nhục năm xưa. Năm ấy ta truy sát hắn lên tận đỉnh Quy Sơn, giao chiến 3 canh giờ hắn trúng phải hiểm chiêu của ta, từ đó về sau bị bất lực không thể gần nữ nhân. 


2 người đang nói chuyện thì trong chánh điện của Trá Dâm Viện xảy ra biến, một nam nhân vận hắc y, che mặt lao vào trỏ kiếm quát : 


- Mau mang ngân lượng ra đây nếu không ta hiếp cả đám.


Chẳng ngờ, Bùi Hằng, Phương Uyên, Hoàng Vi liền lao vào : Ta trước, ta trước !

Đoan Trang cũng lấy bức tranh họa của Tưng Bà Bà đem che mặt rồi nhào tới : Ta nữa, ta nữa !

Thấy tình thế nguy hiểm, chẳng thể cam nhẫn, Đông Tuyền, Mãn Lâu nhất loạt lao tới xốc nách tên cướp rồi lao ra ngoài trong tích tắc. 


Chạy được một đoạn, 2 người thả tên cướp ra, người hắn run lên bần bật, sụp xuống lạy tạ rối rít, ngước đầu lên thì chẳng thấy người đâu nữa.


Thật là: 


Cướp nhầm phải chốn thanh lâu

Kiếm trỏ miệng quát tiền đâu chúng mày
Ruộng khô trâu vắng lâu ngày
Nên nhân cớ ấy đòi cày trước tiên
Thế tình xoay trở đảo điên
Cướp người chẳng được, người liền cướp xuân
May thay ở cửa trầm luân
Còn kẻ quân tử ra tay cứu người./