Friday, August 16, 2013

ĐỪNG NHÀO NẶN LỊCH SỬ THEO Ý MÌNH



Hình ảnh: Bản đồ Việt Nam thời Minh Mạng và Thiệu Trị nhà Nguyễn (trong bài của trang TCĐT).

Đó là thời kỳ thịnh nhất (nếu xét về mặt cương thổ) trong công cuộc Nam Tiến của các triều đại phong kiến nước ta, bắt đàu từ thời Lý, Trần, Hậu Lê cho đến nhà Nguyễn. 

Để hiểu hơn về bối cảnh lịch sử cũng như diễn biến của nó trong giai đoạn thời Minh Mạng cho đến đầu Thiệu Trị các bạn có thể tham khảo ở Link :http://www.ctu.edu.vn/~dvxe/doc/Lich%20Su%20Khan%20Hoang%20Mien%20Nam%20(Son%20Nam).pdf

Nói sơ lược, thời Minh Mạng, giữa Xiêm La (Thái Lan, do nhà Chakri trị vì) với Đại Nam thường xảy ra chiến tranh. Năm 1827, quân Xiêm xâm lược Vạn Tượng, vua xứ này là A Nộ (Anouvong) chống không nổi, phải cầu cứu triều đình Đại Nam.

Minh Mạng sai thống chế Phan Văn Thúy mang viện quân sang giúp nhưng bị quân Xiêm đánh bại. Năm 1828, Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Khoa Hào tiếp tục đem 3.000 quân và 24 voi chiến đưa A Nộ về Trấn Ninh, rồi tiến vào Vạn Tượng (Vientiane) nhưng đạo quân Nhà Nguyễn – A Nộ lại bị quân Xiêm đập tan. Chán nản, vua Minh Mạng hạ lệnh bãi bỏ và chỉ phòng vệ ở vùng biên giới. A Nộ sau đó chạy về Trấn Ninh và bị bắt nộp cho quân Xiêm.

Quân Xiêm được đà đánh dấn vào các miền phụ cận Quảng Trị. Thống chế Phạm Văn Điển cùng Tham tán Quân vụ Lê Đăng Doanh cùng với các đạo quân Nguyễn ở Lào phải đi ngăn quân Xiêm, đằng khác gửi thư trách cứ họ. Xiêm La trả lời khiêm nhượng rồi rút quân. Tuy vậy, họ vẫn ngấm ngầm giúp Chân Lạp nổi lên chống triều đình Nguyễn hoặc lấn lướt Vạn Tượng và các xứ quy phục triều đình.

Năm 1833, theo lời kêu gọi của Lê Văn Khôi, Xiêm La mang quân vào nội địa Nam Hà và Chân Lạp, nhưng bị quân nhà Nguyễn đánh bại năm 1834.

Sau khi phá được quân Xiêm, Trương Minh Giảng cùng Tham tán Lê Đại Cương lập đồn Đại Nam gần Nam Vang (tức Phnôm Pênh) để bảo hộ Chân Lạp (Campuchia).

Cuối năm Giáp Ngọ (1834), vua Nặc Ông Chân của Chân Lạp qua đời mà không có con trai nối dõi, nên quyền bính chuyển sang cho Trà Long và Lê Kiên - hai người Chân Lạp làm quan cho Việt Nam. Đến năm Ất Mùi (1835), Trương Minh Giảng lập con gái Nặc Ông Chân là công chúa Angmey tức Ngọc Vân công chúa lên làm quận chúa. Trương Minh Giảng đổi Chân Lạp thành Trấn Tây thành, rồi chia làm 32 phủ và 2 huyện, và đặt các chức quan cai quản mọi việc quân sự và dân sự.

Do quan lại người Việt ở Chân Lạp làm nhiều điều ức hiếp, nhũng nhiễu dân Chân Lạp; do nhà Nguyễn bắt Ngọc Vân công chúa đem về Gia Định, đày Trà Long và Lê Kiên ra miền Bắc Đại Nam, dân Chân Lạp oán hận và nổi dậy chống quân Đại Nam ở khắp nơi.

Em trai của Nặc Ông Chân là Nặc Ông Độn đã làm loạn với sự giúp đỡ của Xiêm La. Quan quân nhà Nguyễn đánh dẹp không nổi, nên sau khi vua Minh Mạng qua đời, quan quân Đại Nam phải bỏ Trấn Tây thành mà rút về An Giang.

Về sau, để giữ mối hòa hiếu với Campuchia, sách sử của chúng ta ít nhắc tới điều này.

Dạo này, nhân sự việc Đảng Đối Lập ở Campuchia có những phát biểu mang đầy tính thù nghịch với Việt Nam, lại do duyên cớ hacker Campuchia đánh sập một website của Sóc Trăng, một trang facebook với khá đông thành viên tên là Đơn Vị Tác Chiến Điện Tử có một bài viết với tiêu đề : VÌ SAO NGƯỜI CAMPUCHIA GHÉT VIỆT NAM ?

Trong bài viết đó, trang facebook này có nhắc đến giai đoạn lịch sử trên, cùng với một đoạn có thể gọi là "Tôi ác của quan quân nhà Nguyễn tại Cao Miên"

Bài viết có đoạn :

TRÍCH :

Nguyễn Công Trứ được lệnh , mà không phải được mà do tự xin đi qua đánh Cam . Trong đội quân này có cả đám các phạm tội quân lưu manh: Để bình định nước Cam, NCT yêu cầu triều đình thả những tên côn đồ, hung thủ hơn 3000 tên ra sung vào lính để tăng cường đội quân đàn áp Cam của Trứ, thậm chí còn sẵn sàng hứa hẹn sẽ cho phép lũ vô lại này cướp đất lập làng ở bản xử nếu thành công ( Đại Nam Thực Lục chính biên, năm 1839).Nhắc đến NCT về khoảng quân sự không thể quên vụ khi chiếm xong làng Trà Lũ trong cuộc đàn áp khởi nghĩa Phan Bá Vành thì bắt ngay ra 500 con gái khăc tổ tôm cho lính chơi đấy là trong nước đừng nói bên Cam còn khác như thế nào.Ngoài giết người hãm hiếp ra còn có trò chôn sống nửa người , 3 người một chụm để...bắt bếp nấu.Đập phá tượng Phật , đền chùa , đốt nhà v...v..

Kết quả là dân Cam đã căm hận càng thêm đổ dầu vào lửa nổi lên khắp nơi khiến cho quân NCT trở tay không kịp. Đành chơi trò ưa thích của ông ta là xây thành đắp luỹ , chiếm được đến đâu đắp thành đến đó khiến quân lực dàn trải , tiêu tốn ngân sách để sau này khi Pháp đánh thì Nguyễn Tri Phương chỉ biết lắc đầu " sức ta không bằng 1/10 khi xưa " . Khỏi phải nói trong năm đó NCT xin sớ đánh không nổi rút về nước để lại một hệ luỵ là mối căm thù ăn vào xương của dân Cam.

- HẾT TRÍCH -

Mục đích của bài viết là gì, xin phép được nói ở đoạn kết, còn về đoạn viết này chúng tôi đánh giá là một bài viết mang tính xuyên tạc hình tượng của cá nhân cụ Nguyễn Công Trứ.

Đoạn trích trên, khi chúng tôi tham gia phản biện trên trang ĐVTCĐT thì được biết là trích từ "Đại Nam thực lục chính biên" và "Minh Đô Sử". Tuy nhiên, Sau khi đọc mòn cuốn sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ" (nói về thời Minh Mạng) tôi nhận ra là chẳng có đoạn nào mà như lời của họ.

Còn cuốn Minh Đô Sử vẫn chỉ mới là một bản thảo của một bộ sách nào đó chưa được kiểm hiệu kĩ. Đó là một bộ sách, mục đích ban đầu là chép lại cuộc đời Gia Long, về sau mở rộng ra không chỉ là lịch sử mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Bàn về sách này GS. Trị Giáp cho rằng: “Tác giả đã biến tính chất sách sử của mình thành một bộ sách Bách khoa không đầy đủ. Nói như thế không phải là hoàn toàn chê sách Minh đô sử là vô dụng. Mặc dầu Minh đô sử còn chứa chất nhiều lệch lạc về năm tháng, về tên người, tên sách, tên đất, về sự kiện lịch sử.

Tham khảo thêm: http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?pid=N0ZDODBGMDg&key=Sử+gia+Lê+Trọng+Hàm&type=A0&stype=0

Trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này có vẻ tự thể hiện mình như là lính Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng làm việc bẩn thỉu quá: Bịa đặt ra các "tội ác" của Nguyễn Công Trứ đối với Campuchia và người dân Việt Nam, rồi bịa đặt thêm thêm là dẫn nguồn tham khảo từ "Đại Nam thực lục chính biên, năm 1839".

Theo "Đại Nam thực lục chính biên", năm 1839, Nguyễn Công Trứ, lúc đó là "Hữu Tham tri bộ Binh" (tức Thứ trưởng Bộ quốc phòng), không ở Campuchia mà đi đánh dẹp cướp biển người Thanh ở vùng biển ngoài khơi đồng bằng sông Hồng.

Sang năm 1849, cũng theo "Đại Nam thực lục chính biên", Nguyễn Công Trứ có trách nhiệm giữ an ninh ở vùng Trấn Tây (thực chất là vùng Đồng Bằng sông Cửu Long ngày nay). "Đại Nam thực lục chính biên" chép từ góc nhìn của Nhà Nguyễn, nên người Khmer khởi nghĩa / nổi loạn ở đây đều bị coi là giặc.

Đoạn này, "Đại Nam thực lục chính biên" cũng quả có chép một tờ trình của Nguyễn Công Trứ đề nghị Minh Mạng cho phép ông dùng thêm 3000 tù nhân làm lính bổ sung, nhưng không hề có đoạn nào nói về những tội ác rợn người của Nguyễn Công Trứ như cái trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này bịa đặt.

Ngược lại, trong tờ trình, Nguyễn Công Trứ còn nói rõ rằng những tù nhân này không phải là những người đã phạm tội nghiêm trọng, có thể dùng dùng vào việc quân, chủ yếu là cho đi lập làng, khai hoang, khi có sự biến thì gọi vào quân ngũ.

Trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này còn comment nhiều lần khẳng định mình đã tham khảo sử liệu gốc "Đại Nam thực lục chính biên", tỏ thái độ châm biếm những ý kiến nghi ngờ. (Sic). Nói dối không biết ngượng mồm.

Giả sử việc Nguyễn Công Trứ đã từng phạm tội ác là một sự thật đi nữa, bạn chỉ có thể chứng mình điều này bằng tài liệu khác, chắc chắn không thể chứng minh bằng "Đại Nam thực lục chính biên".

Trang "Đơn vị tác chiến điện tử" này lại bịa thêm là Nguyễn Công Trứ hành xử độc ác với những người dân đi theo khởi nghĩa Phan Bá Vành. Một sự thực là: Sau khi Phan Bá Vành thất bại và tự tử, những người đi theo Phan Bá Vành đã lập đền thờ Nguyễn Công Trứ -- người dẹp loạn. Bởi Nguyễn Công Trứ đã đối xử tốt với kẻ thù, sau khi là "bên thắng cuộc": bố trí lại dân cư và hệ thống thủy lợi một cách khoa học, duy trì an ninh bằng chính sách tốt sau khi thắng bằng quân sự.

"Đơn vị tác chiến điện tử" này còn gán cho Nguyễn Công Trứ những tội ác vốn là của... Khmer Đỏ: chôn 3 người làm 1 chụm, cho lòi cái đầu lên để nấu bếp, chặt đầu tượng Phật...

Nguyễn Công Trứ là đại công thần triều Nguyễn được người dân thờ phụng nơi miếu thất. Sinh thời bên cạnh Nho giáo, ông là người tín Phật và kính Phật, lại nói từ Gia Long cho đến Thiệu Trị đều là những vị vua sùng đạo Phật, nói rằng quân nhà Nguyễn do Nguyễn Công Trứ lãnh đạo có hành vi đập phá chùa chiền, tượng Phật là một điều hết sức khó tin.

Nguyễn Công Trứ có công trong các cuộc dẹp loạn Phạm Bá Vành, Nông Văn Vân, sau khi dẹp loạn ông đều lấy việc an dân làm trọng, thế thì không có lý do nào để Nguyễn Công Trứ lệnh cho thuộc hạ thực hiện những tội ác man rợ như trên tại Cao Miên.

Việc trích sách sử không rõ ràng, làm ảnh hưởng đến hình tượng Nguyễn Công Trứ chưa đủ, tranh facebook này còn xuyên tạc "bắt ngay ra 500 con gái khăc tổ tôm cho lính chơi" thành "bắt 500 con gái cho lính HÃM HIẾP".

Họ quên mất rằng, ngày xưa, chơi có nghĩa là chơi, thuần túy, chứ không mang nghĩa "quan hệ tình dục" như ngày nay.

TẠM KẾT LUẬN.

Nghiên cứu lịch sử, nhìn nhận lịch sử là điều tốt, nhưng mượn danh nghiên cứu lịch sử để nhào nặn lịch sử theo ý mình bất chấp sự thực thì là hành vi đáng lên án.

Một thông tin luôn có 3 lớp : dối trá, sự thật và đằng sau sự thật, ngoài việc nhào nặn bóp méo sự thật thì đằng sau việc này là gì ngoài việc cố tình hạ bệ hình tượng cụ Nguyễn Công Trứ ? Mục đích gì khi đưa thông tin chia rẽ nhân dân Việt - Campuchia trong bối cảnh hiện tại ?

Thời chống Mỹ, chúng ta xác định chống Đế Quốc Mỹ chứ không chống nhân dân Mỹ.
Thời chiến tranh Tây Bắc, chúng ta xác định chống bọn bành trướng Bắc Kinh chứ không chống nhân dân Trung Quốc.
Thời chiến tranh Tây Nam, chúng ta xác định chống tập đoàn diệt chủng Ponpot chứ không chống nhân dân Campuchia.

Vậy nay, đối với việc phe đối lập Campuchia có những phát biểu thù nghịch với VN, mũi dùi nên chỉa vào chính ông ta, không nên có những hành động dù là nhỏ nhất chia rẽ nhân dân Việt Nam - Campuchia.

2 comments: