Theo kế của Bộ Lĩnh, bọn Nguyễn Bồ đem rơm khô chất thành đống, mỗi đống gần nửa trượng, cứ cách một trượng thì có một đống, lại cho chất ít rơm ướt lên. Hôm đó, lính do thám về báo quân Trần Côn, Khánh Trí chỉ còn cách hai dặm, Bồ sai người đốt lửa, lại cho cung thủ sẵn sàng, Khánh Trí vốn là tướng trẻ ít kinh nghiệm trận mạc, thấy khói mù trời vẫn thốc quân tiến mãi.
Tiền quân của Trí, Côn vừa lú khỏi đám khói, hàng ngàn mũi tên đã lao tới, người ngựa té nhào hết cả, Trần Côn múa thương gạt tên ra hết, lúc đó Nguyễn Bồ tế ngựa đến vung trường đao chém ngang, Côn ngã người trên mình ngựa né được, lại vỗ ngựa chạy qua xoay người nhắm vai Bồ mà chém, lưỡi đao chưa đến thì đã Nguyễn Phục ở ngoài tế ngựa vào đỡ được.
Phục khỏe hơn theo đà đè đao của Côn xuống, Côn cố sức rút mãi chẳng được, bất ngờ Phục buông đao, Côn theo trớn ngửa người lên, vô tình để lộ điểm yếu, đúng lúc đó lưỡi đao của Nguyễn Bồ tìm đến. Côn gục chết trên ngựa, Khánh Trí lúc này đang mãi đánh với Đinh Thiết, Cao Sơn trông qua thấy Côn thua, nhìn lại sau thấy quân mình tan tác hết liền quay ngựa bỏ chạy.
Đinh Thiết, Cao Sơn đang đánh, thấy Trí bỏ chạy, vỗ ngựa theo, nào ngờ chạy được một đoạn, Trí xoay người dùng nỏ bắn lại, Đinh Thiết không kịp tránh trúng tên ngã ngựa mà chết. Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục từ xa thấy cả giận, thét quân đuổi rát, cả lính lẫn trướng của Trí thấy nộ khí cắm đầu chạy.
Trí càng chạy, bọn Nguyễn Bồ càng đuổi, vừa say trận vừa say giận cứ mãi miết đuổi mà không biết đã qua đất Tây Phù Liêt tự lúc nào. Khi Trí vừa lao ngựa qua một bờ đất mới đắp thì phía bên kia lính của Nguyễn Siêu trổ lên dùng nỏ mà bắn, cả quân Trí chưa qua khỏi bờ lũy lẫn tiền quân của bọn Nguyễn Bồ đều chết hết. Nguyễn Phục, Cao Sơn chống được một lúc cũng trúng tên chết cả, Nguyễn Phục gào lên động cả đất trời, lao ngựa đến cắp lấp xác em mình và Cao Sơn rút chạy, được một đoạn cũng trúng tên vào lưng.
Hậu quân còn hơn hai ngàn, mang xác 3 tướng và dìu Nguyễn Bồ về thành Đăng Châu, Bộ Lĩnh và các tướng nghe tin chạy như bay từ trong thành ra ngoài đón. Thấy Lĩnh ra, Bồ quỳ phục xuống lạy một cái, rồi trông qua Nguyễn Bặc nói :
- Anh thấy Đinh Thiết bị Khánh Trí bắn chết, cả giận đuổi sang đất Tây Phù Liệt bị mai phục liên lụy đến em Phục và Cao Sơn. Nay anh không còn được lâu, em phải đem sức mà phò chủ tướng thay cho anh và em Phục.
Nói xong thổ huyết mà đi. Bộ Lĩnh ngửa mặt lên trời ngăn không cho nước mắt rơi, còn Nguyễn Bặc lặng thinh không nói, khụy xuống ôm lấy anh mình.
Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục vốn là anh và em ruột của Nguyễn Bặc, còn Đinh Thiết là em của Đinh Điền, xưa nay việc huấn luyện binh sỹ ở Hoa Lư, Bộ Lĩnh đều giao cho bốn tướng này cả mà chẳng bận lo gì, nay bốn tướng chết đi chỉ trong một trận, lòng Bộ Lĩnh tiếc thương bao nhiêu càng căm hận Nguyễn Siêu bấy nhiêu.
Lĩnh cho làm tang rất hậu, nhưng từ đó án binh bất động, các tướng không biết là chủ ý gì. Một hôm Lĩnh gọi bọn Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang ra tản bộ bên bờ sông, Lĩnh nói:
- Việc huấn binh, xưa nay ta giao cả cho Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn mà chẳng cần lo, nay bốn tướng chết trong tay quân siêu mà ta lại án binh bất động tất trong lòng các ngươi có nhiều nghi.
Lĩnh lúc này trông qua Nguyễn Bặc, Bặc im lặng không nói, Lĩnh lại tiếp:
- Ta biết ngươi cũng như Đinh Điền rất nóng lòng báo thù, nhưng ta xem Nguyễn Hiền không phải là kẻ vừa, bên hắn sợ ta báo thù tất hiến kế bày mai phục khắp nơi, nay ta vì giận mà tiến quân khác nào nướng quân, đó là bài học của Nguyễn Bồ vậy, lỡ như ta mất một trong số các ngươi hay Đinh Điền hay Trịnh Tú ta biết làm sao.
Nguyễn Bặc lúc này mới đứng ra nói:
- Thuộc hạ chỉ mong sớm lấy đầu Nguyễn Siêu, nhưng một lòng tin vào chủ tướng, nay chủ tướng đem tâm sự ra nói chắc là đã đến lúc xuất quân?
- Bây giờ đã là tháng 7, ta xem chẳng mấy ngày nữa là vào mùa bão, bão vừa tan nhân đó tiến quân tất phá được cơ quan mai phục, lại nữa, nếu ta vây thành Nguyễn Siêu sợ phải vượt sông qua mà hội với Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, sau bão tất có lũ, hắn muốn vượt sông cũng phải đợi mấy ngày, ta xáp lại mà đánh lại lo gì không thắng, đầu Nguyễn Siêu, Nguyễn Hiền khi đó dành cho ngươi và Đinh Điền.
- Xin chủ tướng cho lệnh điểm binh ! - các tướng đồng thanh-
- Nay Nguyễn Bặc làm tiên phong lãnh năm ngàn quân ra đóng ở gần Tây Phù Liệt, Lưu Cơ, Phạm Hạp và ta sẽ cầm đại quân phía sau. Cự Lang mang thư của ta về Động Giang trao cho Trịnh Tú, Đinh Điền rồi ở lại trợ giúp cánh ấy.
Các tướng được lệnh, tức tốc điểm binh, mong sớm báo thù.
Phần quân Nguyễn Siêu sau khi hạ được bốn tướng của Bộ Lĩnh không những không vui thắng trận lại ngày đêm lo sợ Bộ Lĩnh đem đại quân báo thù, đem sự ấy nói với các tướng:
- Chẳng chóng thì chày quân Bộ Lĩnh cũng sang báo thù, Bộ Lĩnh cầm quân chẳng phải như bọn Nguyễn Bồ, trong tay hắn lại có đại quân, các ngươi nói nên thế nào?
Nguyễn Hiền đứng ra thưa:
- Vẫn là câu ngồi đợi không bằng hành động trước, ta nay gia cố cơ quan mai phục ở phía Đăng Châu, lại tiến đánh Động Giang để làm suy yếu cánh quân này, khi chúng kéo vào tất ta cự được.
Khánh Trí nghe thế liền chắp tay:
- Xin chủ tướng cho tôi lãnh binh đi đánh Động Giang.
Nguyễn Siêu thuận tình, cho Khánh Trí dẫn năm ngàn quân.
Trí dẫn quan đi, đến một ngọn đồi nhỏ biết bên kia là đất Động Giang, Trí sai đóng lại mé bên này đồi, nghĩ rằng đợi khi gần sáng sẽ kéo quân qua đánh bất ngờ. Sáng hôm sau, quân Trí vừa xuống đến chân đồi chưa kịp chỉnh đốn đội hình thì đã thấy Trịnh Tú, Cự Lang, Đinh Liễn mang quân đến chặn.
Bọn Trịnh Tú, Đinh Liễn, Đinh Điền ở lại giữ Động Giang, chờ lệnh phạt Nguyễn Siêu, nào ngờ giữa yên lành tin dữ Đinh Thiết, Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Cao Sơn tử trận về đến, Đinh Liễn, Đinh Điền toan mang quân qua báo thù, Trịnh Tú gàn mãi chưa được thì Cự Lang mang thư Bộ Lĩnh đến. Thư viết:
"Nguyễn Bồ vì cả giận, mang quân qua Tây Phù Liệt mà gặp họa, ta xót thương vô cùng, nay nếu các ngươi cũng cả giận mà làm chuyện tương tự, sa vào lưới của Nguyễn Hiền thì ta biết phải làm sao? Ta xem qua mấy trận vừa rồi thấy Nguyễn Hiền dụng binh, thích lấy chủ động làm trọng, tất không lâu nữa sẽ mang quân qua đánh Động Giang, Trịnh Tú làm chủ cắt cử người giữ thành và điều binh đi chặn đánh cho khéo. Lui được quân ấy, thì đóng lại, theo kế ta bày Cự Lang chờ khi tiến quân vây thành của Nguyễn Siêu."
Trịnh Tú y lệnh, cắt lại mỗi thành hơn 500 quân để giữ, còn lại cho Đinh Điền làm tiên phong lãnh ba ngàn quân còn mình và Đinh Liễn, Cự Lang dẫn đại quân theo sau. Quân đến ngọn đồi ngăn giữa hai đất Động Giang, Tây Phù Liệt, Đinh Điền mang quân lên đỉnh đồi đóng chiếm cao điểm, nhưng khi thấy tướng giặc là Khánh Trí, kẻ giết em mình, Điền sợ từ trên đánh xuống Trí chạy mất, bèn cho quân tản đi.
Quả nhiên Khánh Trí mang quân đến không thấy gì khả nghi, yên dạ cho quân đóng lại rồi vượt đồi vào sáng hôm sau. Lúc này Cự Lạng, Đinh Liễn, Trịnh Tú ra chăn đánh, Trí trông lên đã thấy Đinh Điền ngất ngưởng trên đỉnh núi, Trí trong dạ kêu khổ, đành làm bạo thúc quân tới đánh bọn Trịnh Tú.
Vừa tế ngựa đến đã gặp Cự Lang ra chặn, Trí chém tới, Lang vỗ ngựa đến đỡ, khi ngựa vừa qua lại trở thương đâm ra sau, thương đi xượt qua mạn sườn của Trí, Trí thất kinh nửa tức tối, quay ngựa lại đuổi Cự Lang toan chém, Lang ruổi ngựa về phía ngọn đồi, Trí cũng chạy theo, đúng lúc đó, Đinh Điền ở trên đỉnh đồi nhảy phóc xuống ngựa, cầm một cái sào tre dài lao xuống nhăm thằng Trí mà chạy.
Trí mải đuổi Cự Lang, lúc sau trông lên thì quá muộn, sào tre của Đinh Điền lao đến đâm vào bụng Trí, hất Trí bay xa mấy trượng, Đinh Điền chồm đến như con hổ lớn, ngồi lên bụng Trí cắm sâu con dao vào tim hắn. Trí trợn mắt nhìn Điền mà chết.
Quân của Trí thấy tướng mình chết trong tình thế đang bị vây kín, lại được Trịnh Tú kêu gọi nên hàng cả. Trịnh Tú định yên hàng binh thì cho đóng lại mé sườn đồi bên Động Giang.
Nguyễn Siêu nghe Khánh Trí chết thì cả kinh, sai người đắp lũy phía Động Giang phòng quân Trịnh Tú. Cuối tháng 7 năm ấy, trời bão lớn quân Bộ Lĩnh cả hai cánh nhân đó tiến quân, quân đến các lũy mà Siêu cho đắp, lúc này bùn lầy đã lên nửa ống chân, quân Siêu tản đi tránh bão gần hết, chỉ còn vài chốt, Nguyễn Bặc sai tiền quân cầm khiên gỗ đi trước, đến nơi cho gác lên chổ bùn lầy mà tiến, quân Lĩnh qua lũy như chẻ tre.
Hai đạo quân lớn của Đinh Bộ Lĩnh vượt hết cơ quan mai phục của Siêu, tiến gần đến thành Tây Phù Liệt, Siêu cuống bàn với Nguyễn Hiền:
- Hai cánh của của Bộ Lĩnh đã sát thành, nay ta lãnh một nửa quân, vượt sông tìm hai em ta cầu viện, còn ngươi ở lại cố gắp giữ lấy thành.
Hiền chịu lệnh, ở lại giữ thành, Bộ Lĩnh kéo đến sai Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang, ở lại vây thành, còn mình cùng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Đinh Liễn đuổi riết lấy Nguyễn Siêu.
Siêu thúc quân chạy đến bờ sông Hồng đang lúc nửa đêm lại thấy nước dâng cao chảy mạnh, chưa dám vượt sông, sai quân đóng lại cách bờ 1 dặm, đợi sáng ra mới tính. Nào ngờ đến gần sáng Nguyễn Bặc, Đinh Điền kịp đến sai người phóng lửa đốt hết trại, quân Siêu hoảng loạn chạy mãi ra sát mé sông. Lĩnh đuổi đến, sai quân đứng lại, Đinh Liễn thắc mắc hỏi:
- Sao không cho đánh tới thưa cha ?
- Không nên, cùng quân thì đánh càn, lối thoát của chúng đã tận, ta tới tất chúng liều mình mà đánh, dẫu có thắng mà máu đổ nhiều cũng đâu có hay.
- Thế phải làm sao thưa cha?
- Đợi chút nữa tất có kịch hay.
Lĩnh vừa dứt lời, trông ra đã thấy một đội thuyền nhân hơn một trăm chèo độc mộc tiến gần quân Nguyễn Siêu, Siêu như vớ được vàng gọi thuyền nhân đến xin qua sông, thuyền nhân chịu nghe. Siêu lên thuyền trước, quân lính chia nhau lên sau. Đi được gần nửa sông, bỗng nhiên thuyền nhân dùng sào tre gạt quân Siêu xuống sông cả, lúc đó một thuyền nhân cởi nón lá ra cười ha hả, trông ra thì là Phạm Bạch Hổ.
Quân Siêu đạp nước bơi vào bờ thì đã thấy giáo chỉa vào cổ, Siêu bị Nguyễn Bặc bắt sống.
Bặc xử thế nào với Siêu, xem hồi sau sẽ rõ.
bài rất hấp dẫn
ReplyDelete