Sunday, November 17, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 15

Phạm Bạch Hổ từ sau khi Ngô Vương mất, Tam Kha phế Xương Ngập thì ở mãi đất Đăng Châu chẳng chịu lệnh triều đình nữa, duy có hai lần động binh đều là theo kế của Bộ Lĩnh. Năm 965,Tấn Vương mất, các sứ quân nổi lên khắp nơi, Hổ cũng tự mình lập sứ xưng là Phạm Phòng Át cốt để các sứ khác không xâm lấn.

Nhưng trời chẳng thuận lòng người, Nguyễn Siêu đóng ở Tây Phù Liệt gần với đất của Phòng Át, Siêu lại theo thói người Phương Bắc muốn xưng hùng xưng bá, kết với hai em là Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Khoan đánh lấn ra ngoài. Siêu thường sai quân đang đêm đánh qua đất Đăng Châu, đánh đến đâu lại lập đồn trại đến đó, Bạch Hổ vì thế phải mang quân đánh trả.

Bạch Hổ tuy đã 57 tuổi nhưng một đời võ nghệ nên thân thủ vẫn rất lanh lẹ, cơ thể rắn chắc, dũng mãnh chẳng vơi, Hổ vốn cũng là kẻ túc trí nên quân Siêu đánh lấn đến đâu Hổ đòi lại bằng hết, cứ thế giằng co mãi mà chưa bên nào chịu nản.

Có lần Siêu sai Trần Côn dẫn hai ngàn quân đánh sâu vào đất Đăng Châu, quân Hổ ra nghênh đánh, được một lúc thua chạy, Côn được thế đuổi riết. Côn đuổi đến mội cánh đồng đang mùa gặt thì bỗng đâu quân của Hổ từ các đụn rơm khô trổ ra đánh, Phạm Bạch Hổ tế ngựa lại gần, trở cán thương giáng xuống đầu Côn, Côn đỡ được nhưng vì lực đánh quá mạnh mà hai tay tê dại run lẩy bẩy, thất kinh, Côn kéo cương ngựa quay đầu bỏ chạy.

Quân Trần Côn khi ấy chết gần nửa, thấy tướng chạy như lánh tà cũng chạy theo, chạy được hơn mười dặm, chưa kịp hoàn hồn thì có một tướng trẻ dẫn một ngàn quân ra chặn đánh, Côn quát hỏi:

- Ngươi là ai, hà cớ chi chặn đường quân ta ?

- Ta là Phạm Cự Lang, cháu của Phòng Át, ngươi đánh lấn đất chú ta, tất nhiên ta phải lo.

Nói rồi thúc quân xáp lại đánh, quân Côn vừa mất vía, nay lại thêm trận, chẳng đánh cũng tự tan, chia nhau chạy, Côn chưa biết làm sao đã thấy mũi thương của Cự Lang nhắm yết hầu lao tới. Côn nghiêng đầu né được trong gang tấc, Cự Lang thuận tay chém ngang làm mũ của Côn bay xuống đất, Côn dính đòn choáng váng, mặt mày sây sẩm, chẳng dám đánh lại thúc ngựa chạy.

Hai vố suýt chết làm Côn chẳng dám ngoảnh đầu lại, một mạch cùng mấy trăm tàn quân kéo về Tây Phù Liệt, gần đến đất mình tưởng đã yên, nào ngờ lại có một tướng trẻ ra chặn, Côn Lại hỏi:

- Ngươi lại là ai ?

- Ta họ Phạm, tên có một chữ là Hạp, anh trai của Phạm Cự Lang, em ta muốn lấy đầu ngươi mà chưa đặng được nên ta đến giúp.

Côn nghe đến họ Phạm thì tá hóa, chẳng dám vào đánh, lệnh cho lính tiến lên chặn, còn mình thúc ngựa chạy, Phạm Hạp lấy ngọn giáo của người lính bên cạnh phóng về phía Côn, giáo đâm đúng vào cổ ngựa. Côn theo ngựa ngã té nhào, lật đật bò dậy cứ thế cắm đầu chạy, Hạp chỉ nhìn theo cười chẳng đuổi.

Côn về thành, thuật mọi sự với Siêu, Siêu chưa nói gì, thì Nguyễn Hiền đứng ra thưa:

- Một Phạm Bạch Hổ ta đã khó đối phó, nay lại mọc đâu ra Phạm Hạp, Phạm Cự Lang, họ Phạm được thế tất cùng nhau đến đánh ta, chi bằng ta điều đại quân trấn giữ trước để chiếm thượng phong.

Siêu cho là phải, phong cho Nguyễn Khánh Trí làm tiên phong, Trần Côn làm tá dực, Nguyễn Hiền làm tổng quản, điểm binh ra trấn gần đất Đăng Châu.

Lại nói Cự Lang, Phạm Hạp sau khi đánh Côn như đánh chuột đồng, thì hội với nhau rồi cùng kéo về thành Đăng Châu gặp Bạch Hổ, Hổ gặp hai cháu thì lạ lắm bèn hỏi:

- Hai cháu theo Bộ Lĩnh lập không ít công lao, nay vì sự gì lại đến đây?

- Thưa chú, sau khi Tấn Vương mất, cha cháu cũng rời Cổ Loa về Nam Sách, ông và cha sai chúng cháu theo Đinh Bộ Lĩnh, từ ngày theo về biết tài đức chủ tướng động đất trời nên một lòng trung chẳng nghi ngại, nay đến gặp chú cũng vị lệnh chủ tướng đó thôi.

- Chuyện thế nào kể chú nghe.

- Cách đây mấy ngày, chủ tướng sau khi hạ được sứ Cảnh Thạc thì muốn đến bàn với chú kế phạt Nguyễn Siêu, khi gần đến đất Đăng Châu thì lính hướng đạo báo có một đạo hai ngàn quân tiến vào, biết là quân của Siêu và thể nào cũng bị chú đánh lui, nên sai chau và em cháu chia nhau chặn đường rút khiến cho chúng khiếp sợ mà chẳng dám sang quấy.

- Thế Bộ Lĩnh nay ở đâu?

- Dạ ở ngoài đợi thưa chú!

- Mời vào cho chú.

Nhìn Bộ Lĩnh, Bạch Hổ xúc động đến lạ, cảm giác ấy giống như khi gần Ngô Vương năm xưa, Bộ Lĩnh không còn là một cậu bé, nhưng ánh mắt vẫn sáng như chớp, cái uy dũng của bậc bá vương toát trong từng bước đi. Chia chủ khách ngồi đâu vào đấy, Bộ Lĩnh nói:

- Hai mấy năm không gặp mà Phạm tướng chẳng thay đổi gì vẫn cang cường như xưa.

- Còn cháu thì đã thay đổi nhiều, không còn là đứa trẻ hì hục đào hố bên bờ biển năm xưa nữa, năm đó ta phục quân để bảo vệ cháu mà tim muốn nhảy khỏi lồng ngực. Bây giờ đã là chủ tướng của đạo quân mạnh nhất rồi, nhanh thật.

Hai người ôn hết chuyện xưa, bất giác Bộ Lĩnh hỏi:

- Đất Đăng Châu này có nhỏ quá với Phạm tướng chăng ?

- Ta có chút sức chỉ theo người tài đức làm việc lợi nước ích dân khi cần chứ nào có muốn xưng hùng bá mà đo đất lớn nhỏ.

- Nay nước gặp loạn, Phạm tướng thấy đã đến khi cần chưa?

- Tâm, khẩu ta phục một người từ lâu, cũng một lòng muốn theo, chỉ chờ dịp cho người thiên hạ biết vì sao Bạch Hổ ta lại phục đó thôi.

- Phạm tướng nói xem dịp ấy phải thế nào?

- Ví như Bộ Lĩnh chỉ mang 2 ngàn quân qua đây, còn quân ta có gần một vạn, ta để 5 ngàn giũ thành, mang theo năm ngàn ra nghênh đánh Bộ Lĩnh làm sao cho ta phục.

Lúc đó có lính vào báo:

- Thưa Phạm chủ tướng, ở ngoài có các tướng của Đinh tướng quân là Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn xin gặp.

- Mời vào!

Bọn Nguyễn Bồ đi vào thi lễ xong xuôi mới chắp tay thưa với Bộ Lĩnh:

- Biết chủ tướng đến Đăng Châu nên tôi cùng Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn từ Thái Bình qua gặp.

- Các ngươi có mang theo quân không ?

- Thưa, 5 ngàn.

- Quân ấy ở đâu ?

- Thưa, sợ có hiểu lầm nên đóng ngoài đất Đăng Châu, đợi có sự đồng ý của Phạm tướng mới dám qua.


Bộ Lĩnh gật đầu trông qua Bạch Hổ nói;

- Giả như quân của Nguyễn Bồ kéo vào tập hậu năm ngàn quân của Phạm tướng, trước chặn sau đánh riết tới thì phải tính làm sao?

- Ta khi ấy làm hiệu cho quân trong thành ra đuổi theo Nguyễn Bồ, còn mình bỏ mặc quân tập hậu cứ thốc thẳng hướng Bộ Lĩnh mà đánh, Bộ Lĩnh tính làm sao?

- Khi ấy thời phải chạy về phía Tây Phù Liệt.

- Không sợ quân Nguyễn Siêu chặn đánh sao?

- Phạm Hạp, Phạm Cự Lang đã có màn ra mắt với quân Nguyễn Siêu, tất Siêu trong lòng nghĩ rằng chúng ta đã kết liên minh, nay thấy quân tổng cộng gần một vạn năm ngàn kéo đến, tưởng là đến đánh Siêu, đâu biết đang đuổi đánh nhau, Siêu khi ấy nấp trong thành chẳng thấy mặt, nói gì đến chặn đánh.

- Bộ Lĩnh chạy mãi như thế làm sao ta phục?

Lúc ấy lại có lính vào báo:

- Thưa Phạm chủ tướng có tướng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ của Đinh tướng quân ở ngoài xin gặp.

Bặc, Cơ vào thì lễ đâu vào đấy, đang định nói thì Bạch Hổ cười lớn :

- Ta hiểu rồi, ta hiểu rồi.

- Phạm tướng hiểu thế nào?

Bạch Hổ trông qua Nguyễn Bặc hỏi:

- Ngươi mang theo bao nhiêu quân?

- Thưa, ba ngàn quân.

- Mai phục ở đâu ?

- Chúng tôi đâu có ý mai phục gì trên đất ngài, chỉ là theo lệnh chủ tướng cho quân giúp dân gặt lúa hai bên đường thôi.

Bạch Hổ lúc này cười một tràng sảng khoái, mọi người cùng cười theo, nhân lúc vui vẻ Hổ sai người bày tiệc rượu đãi Lĩnh và mọi người. Tiệc xong, Hổ lại cùng Lĩnh và các tướng dạo tên thành, Hổ nói:

- Ngoài Ngô Vương ra, xưa nay người khiến ta tâm phục khẩu phục một lòng muốn theo chỉ có Bộ Lĩnh, hôm nay ta thử Lĩnh cốt để bộ tướng và quân lính của ta cũng một lòng như thế, quân ta có gần một vạn, nay giao cả cho Bộ Lĩnh, thân già này cũng còn chút sức, Bộ Lĩnh cứ sai bảo chớ nề hà, gì chứ bọn Trần Côn ta còn chém được mười đứa.

Giữa mùa hạ năm 967, Phạm Bạch Hổ từ bỏ địa vị sứ quân của mình, theo về với Đinh Bộ Lĩnh, mười hai sứ quân nay chỉ còn tám, quân của Bộ Lĩnh đã lên đến gần 3 vạn, chia nhau đóng ở Hoa Lư, Thái Bình, Đăng Châu, Động Giang, Bình Kiều.

Lại nói Nguyễn Siêu, trấn mãi ở gần Đăng Châu mà mãi chẳng thấy quân họ Phạm qua đánh, lại nghe tin Bạch Hổ đã theo Đinh Bộ Lĩnh thì kinh sợ gọi các tướng đến bàn:

- Tay trái của Lĩnh ở Động Giang, tay phải ở Đăng Châu trước sau gì cũng bóp cổ chúng ta, các người nghĩ nên làm thế nào?

Nguyễn Hiền thưa:

- Quân Lĩnh thế mạnh, trước sau cũng đánh sang ta, chi bằng nhân lúc Lĩnh còn ở Đăng Châu ta bất ngờ đánh sang chiếm các đồn nhỏ gần đất của ta át vía của Lĩnh để phòng trước.

Nguyễn Siêu cho là phải sai Nguyễn Khánh Trí, Trần Côn điểm năm ngàn quân qua đánh các đồn trại nhỏ mới lập của Đinh Bộ Lĩnh ở Đăng Châu.

Tin ấy đến chổ Lĩnh, các tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn đứng ra thưa :

- Chủ tướng, anh em chúng tôi trước giữ Hoa Lư, sau giữ Thái Bình, chưa được xông pha lập công, trong lòng thấy thẹn, nay xin chủ tướng cho chúng tôi lãnh binh đi đánh.

Lĩnh ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Được thôi các ngươi lãnh năm ngàn quân ra đóng chờ quân Trí, Côn khi nào cần đánh ta sẽ cho người đến báo.

Bọn Nguyễn Bồ y lệnh, điểm quân ra đóng lại. Đóng quân được hai ngày thì nghe tin bọn Trí, Côn kéo gần đến, đúng lúc đó có thư của Bộ Lĩnh, thư rằng:

"Ta xem trời sắp trở gió, nay rơm rạ cũng đã khô hết chất đầy đồng, khi địch sắp đến thì sai lính đốt đi, khói theo gió thổi, giặc tất chẳng nhìn xa được phía trước, khi chúng vừa ló khỏi đám khói bụi ấy thì các người đến đánh, chúng bất ngờ tất hoảng loạn mà bại. Giặc chạy, nhớ đuổi hết đất Đăng Châu thì dừng, Nguyễn Siêu sợ ta nên mới đánh phủ đầu đòi ra oai, bên đất hắn chắc đã đắp lũy bày mai phục."

Kế ấy có thành không, xem hồi sau sẽ rõ.

1 comment: