Wednesday, November 13, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 13

Nhờ sự giúp đỡ của Chân Lưu đại sư, Đinh Bộ Lĩnh từ đất Thái Bình xuôi về Ái Châu và nhận được sự ủy thác việc nước của Ngô Xương Xí, vua cuối của Nhà Ngô, tin ấy lan truyền đi rất nhanh, Đỗ Cảnh Thạc nhận được tin là giận dữ nhất. Thạc nói với bộ tướng:

- Đinh Bộ Lĩnh đã nhanh hơn ta một bước rồi. Thật đáng giận!

- Xương Xí đã không còn là vua, lại chỉ có một ít quân, sao chủ tướng phải tức giận như vậy ?

- Các ngươi biết một mà chẳng tỏ hai, ba. Đinh Bộ Lĩnh có được Bình Kiều thì coi như Ái Châu, Hoan Châu, Nhật Nam đều trong tay hắn, lại nữa hắn nhận được ủy thác của Xương Xí thì trong mắt thiên hạ hắn là kẻ dẹp loạn, chúng ta là phản loạn rồi.

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

- Ngô Nhật Khánh đóng ở Đường Lâm là dòng dõi họ Ngô, hắn dấy binh cũng mong phục hồi cơ đồ họ Ngô, Đinh Bộ Lĩnh có lời của Xương Xí, chúng ta cũng phải có lời của Nhật Khánh. Mau điểm 5 ngàn quân tiến ra Đường Lâm.

Đỗ Cảnh Thạc đem 5 ngàn quân đến vậy riết lấy thành Đường Lâm của Ngô Nhật Khánh. Ngô Vương và cha mình là Ngô Mân trước thay nhau làm hào trưởng Đường Lâm, sau khi Ngô Vương theo lệnh Dương Đình Nghệ vào giữ đất Ái Châu thì cha của Ngô Nhật Khánh lên làm hào trưởng về sau truyền lại. Nhà Ngô mất ngôi, Nhật Khánh mộ quân xây thành đắp lũy cát cứ, nhưng vì thế còn yếu chưa dám đánh ra ngoài, bởi tây có Kiều Công Hãn, nam có Cảnh Thạc đều là những sứ quân mạnh.

Nay tình thế cấp bách, Ngô Nhật An em của Khánh nói:

- Quân Thạc thế mạnh, quen chinh chiến, ta đánh không lại, bị vậy riết cũng đến ngày lương thảo cạn, ngồi chờ chết chi bằng để em liều mình phá vòng vây tìm chi viện.

- Ai chẳng kiêng dè Thạc mà chịu giúp chúng ta đây?

- Đinh Bộ Lĩnh hiện đang ở Ái Châu, dân gian vốn truyền tụng ông ta là Vạn Thắng Vương, vừa rồi lại được vua ủy thác cho việc nước, ta nên tìm đến.

- Được để anh thảo thư gửi ông ta.

Đêm đó, canh 3, Ngô Nhật An mở cổng thành phía Bắc cùng 100 người phá vòng vây chạy ra ngoài sau đó quay lại theo hướng Ái Châu, ngựa người ngày đêm không nghỉ. Vừa ra khỏi đất kinh đô thì thấy một đại quân đang nhằm hướng ngược lại kéo đến, An nhìn cờ xí biết là quân Đinh Bộ Linh thì mừng lắm, bèn xuống ngựa quỳ giữa đường chắn lối, hai tay nâng thư qua đầu.

Lính mang thư ấy cho Bộ Lĩnh xem, thư viết:

"Tôi Ngô Nhật Khánh lâu nay đóng quân giữ đất Đường Lâm, vừa rồi nghe tin anh tôi là Ngô Xương Xí có ủy thác việc nước cho Đinh tướng, tôi có lòng muốn đem quân đên hội một lòng muốn phò giúp, chẳng ngờ binh chưa kịp điểm, Đỗ Cảnh Thạc đã kéo ra vây riết lấy thành, thư này nhờ mở đường máu mà tới được, tướng quân xem thư xin một tay cứu giúp, thoát hiểm này sẽ xin theo dưới trướng sinh tử chẳng sờn"

Lĩnh xem xong cười, nói với Nhật An:

- Ngươi là em của Nhật Khánh ?

- Thưa, đúng !

- Ngươi về nói với anh ngươi cứ bền chí mà giữ, chưa đầy 4 ngày nữa Đỗ Cảnh Thạc khắc rút quân, quân Thạc rút thì chớ đuổi theo ở thành đợi thư của ta.

Nhật An được lời tức tốc quay về, còn Bộ Lĩnh hội các tướng lại nói :

- Tình hình có chút thay đổi, Ngô Nhật Khánh bị Cảnh Thạc vây ở Đường Lâm gửi thư cầu viện quân ta, vậy nên kế hoạch sẽ có chút thay đổi. Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lang mỗi người lãnh một ngàn quân, hai ngày nữa chia nhỏ ra mà tiến, đi về mạn bắc Động Giang, đang đêm chia ra đông, tây, nam, bắc vây đánh thành Trại Quyền, nhớ là phải thật bất ngờ và hạn chế chém giết, ta cùng Đinh Điền, Trịnh Tú ngay bây giờ sẽ tiến đánh đồn Bảo Đà ở mặt Nam.

Chia quân xong, bọn Nguyễn Bặc hạ trại đóng quân tại chổ, còn Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Trịnh Tú dẫn hơn sáu ngàn quân tiến đánh Bảo Đà, quân đến nơi Lĩnh cho hạ trại cách đồn khoảng hai dặm, sai Đinh Điền dẫn một ngàn quân đến khiêu chiến.

Trong đồn khi ấy có khoảng hơn 3 ngàn quân, tướng trông đồn là Đỗ Kiên thấy thế mình mạnh hơn liền dẫn quân ra nghênh đánh với Đinh Điền, thấy quân ra Điền quát:

- Đỗ Cảnh Thạc đâu, gọi ông ta ra đây đánh với Đinh Điền ta !

- Đinh Điền, có Đỗ Kiên ta tiếp ngươi đây !

Kiên vừa dứt lời, Đinh Điền đã tế ngựa đến sát vung đao bổ xuống đầu Kiên, Kiên hai tay đưa ngang cán thương lên đỡ được, Điền nhanh như chớp xoay cổ tay chém mạnh từ dưới lên, Kiên không kịp trở thương bay ra khỏi tay, Đinh Điền kề đao vào cổ Đỗ Kiên nói :

- Ngươi cho lui binh, vào thành nói với Đỗ Cảnh Thạc, hai ngày nữa đích thân chủ tướng ta sẽ đến lấy đồn này.

Kiên khi ấy thất kinh mặt tái nhợt, lắp bắp quát lính lui vào, lính lui vào hết, Điền buôn đao xuống, Kiên mới hoàn hồn quay ngựa chạy như ma đuổi. Vào trong đồn, Kiên liền sai người đến báo cho Đỗ Cảnh Thạc.

Cảnh Thạc khi ấy còn vậy ở Đường Lâm thì có lính đến báo:

- Thưa chủ tướng, quân của Đinh Bộ Lĩnh kéo ra đang vây ở Bảo Đà, tướng Đỗ Kiên nhắn ngài đưa quân về giải nguy gấp.

- Đinh Bộ Lĩnh à ? Có khoảng bao nhiêu quân ?

- Thưa khoảng 6 ngàn quân.

- Được rồi ngươi về báo với Đỗ Kiên ta sẽ về chi viện, hai ngày sau khi Đinh Bộ Lĩnh đến, đóng cửa đồn tuyệt đối không ra đánh, ta sẽ đốt lửa làm hiệu, khi ấy hãy kéo hết ra.

Ngày hôm đó, y hẹn, Đinh Bộ Lĩnh kéo quân đến trước Bảo Đà, Đô Kiên khi ấy đứng trên cổng đồn trông xuống, Lĩnh trỏ Kiên nói :

- Cảnh Thạc sợ ta chăng, sao không dám ra đánh?

- Chủ tướng ta đang điểm binh, ngươi cứ đợi đấy !

Quân Lĩnh đợi mãi không thấy mở cổng thành, lại thấy phía sau cách hai dặm có cột khói bốc lên, lúc ấy có đạo quân từ đâu trổ ra tiến về phía Đinh Bộ Lĩnh, trông ra thì là quân của Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh lệnh cho hậu quân đổi thành tiền quân kéo lại đánh với quân Cảnh Thạc. Hai quân giáp nhau, Lĩnh nói :

- Đỗ tướng quân sao không hàng đi cho sớm ?

- Người nói câu ấy là ta mới phải. Ngươi trông ra sau xem ?

Lĩnh trông ra sau đã thấy Đỗ Kiên dẫn binh từ cổng đồn kéo về phía mình, thấy thế quân bị chặn trước đuổi sau, bất chợt Lĩnh ngửa mặt lên trời cười lớn:

- Lại phiền Đỗ tướng quân trông ra sau

Cảnh Thạc ngoái đầu đã thấy hậu quân của mình bị xáo trộn, tự đâu quân của Đinh Điền kéo tới đánh riết. Bộ Lĩnh hạ lệnh tiến quân, chẳng mấy chốc quân của Cảnh Thạc bị vây kín, đội hình rối loạn, Cảnh Thạc ra sức đánh cốt chờ cho Đỗ Kiên kịp kéo đến giải vây, nào ngờ trông qua đã thấy quân Đỗ Kiên cũng rối loạn không kém.

Thì ra là Đỗ Kiên bị Trịnh Tú đánh tập hậu, mải đuổi theo Đinh Bộ Lĩnh mà đầu chẳng cứu được đuôi, quân sỹ hoảng hốt chạy tán loạn, Kiên quay ngựa đánh với Tú, chưa kịp lại gần đã bị lính của Tú đâm một giáo vào bụng ngã ngựa mà chết.

Kiên chết, quân sỹ càng như ong vỡ tổ, Cảnh Thạc biết chẳng còn trông gì, liều mình đánh thốc ra vòng vây mở đường máu. Cảnh Thạc tuy đã 50 tuổi nhưng uy dũng vẫn hơn người, lại trong lúc tìm cái sống đánh bạo, lính của Bộ Lĩnh không còn giữ được vòng vây để Thạc thoát ra ngoài.

Quân của Thạc chết phân nửa, theo Thạc thoát vây được khoảng 5 trăm quân, còn lại đều xin hàng. Thạc ruổi ngựa không nghỉ chạy đến Trại Quyền, vừa đến đã thấy trên thành cắm cờ của quân Đinh Bộ Lĩnh.

Không ngờ, đúng đêm mà Thạc lo bày mai phục đối phó Đinh Bộ Lĩnh ở Bảo Đà thì ở Trại Quyền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang đã âm thầm bao vây tứ phía, Nguyễn Bặc bên đông, Phạm Hạp bên tây, Lưu Cơ mạn bắc, Cự Lang mạn nam, đúng canh 3 theo hiệu của Nguyễn Bặc nhất tề đánh vào thành. Quân trong thành trở không kịp chống cự yếu ớt rồi phải xin hàng, hơn hai ngàn quân bị bắt giải ra cổng thành, Nguyễn Bặc đứng trên cổng nói xuống :

- Các ngươi ai chịu theo chủ tướng ta là Đinh Bộ Lĩnh thì đi vào thành, còn như ai không theo có thể về nhà hoặc đóng lại ngoài thành độ đến chiều mai chủ tướng của các ngươi tất kéo đến, ta tuyệt đối không trái lời mà giết.

Bặc nói xong, gàn nửa lính ấy kéo nhau vào thành, số còn lại ra xa thành khoảng 1 dặm đóng lại chờ Đỗ Cảnh Thạc. Chiều hôm sau, Thạc khi ấy phá được vòng vây của quân Lĩnh ruổi ngựa một mạch đến Trại Quyền, biết chẳng thể cứu vãn  đành thu tàn quân định kéo về thành Động Giang. Thạc vưa lên ngựa, kéo cương quay đầu thì nghe tiếng Nguyễn Bặc gọi :

- Đỗ tướng quân, chớ vội đi !

- Thế nào, ngươi muốn đánh với ta chăng ?

- Đêm qua, tôi đã hứa không đuổi tận giết cùng, nay đâu thể trái lời, chỉ có đôi lời muốn nói cùng Thạc tướng quân thôi.

- Nói thử ta nghe ?

- Thạc tướng vừa đôi mươi đã theo Ngô Vương đánh giặc lập nhiều chiến công, sau lại vì nhà Ngô hợp quân phế Dương Tam Kha, những công đức lớn lao như vậy thật khiến người ta khâm phục. Vì sao vậy? vì đó đều là vì nước vì dân. Nay nước chia năm sẻ bảy, Thạc tướng cũng có phần, nhưng đó đâu phải vì nước. Chủ tướng tôi sức đủ, danh thuận, một lòng muốn thống nhất để muôn dân được yên. Thạc tướng nên lấy đó làm điều phải nghĩ.

- Nguyễn Bặc! Ta nghe võ nghệ ngươi chẳng kém Phạm Bạch Hổ, không ngờ miệng lưỡi cũng khá lắm, có điều ngươi nên biết, Kiều, Dương, Ngô, Đỗ là tứ trụ của nước gần trăm năm qua, Kiều, Dương, Ngô đã thay nhau trên ngôi cao, nay nhà Ngô tàn, cũng đến lúc họ Đỗ ta thay rồi, chí ấy ta đã lập, thuyết phục chi vô ích. Ngươi với Bạch Hổ đánh trăm hiệp chẳng thắng thua, nhưng chưa chắc ngươi cản được ta đâu.

- Tôi nào có ý ấy, mời Thạc tướng!

Nguyễn Bặc nói rồi tế ngựa vào thành, Thạc nhìn theo chợt nghĩ "nếu sự ta không thành, là vì ta không có được như người như Nguyễn Bặc đó thôi", được một lát cũng quay lưng dẫn quân về Động Giang. Ở đất của mình, Cảnh Thạc vốn cho xây nhiều thành lũy, đồn trại trong đó Trại Quyền, Động Giang, Bảo Đà, Thanh Oai là bốn thành lớn, Dương Cát Lợi giữ ở Thanh Oai, Thạc giữ ở Động Giang nay Trại Quyền và Bảo Đà đã bị Đinh Bộ Lĩnh đánh chiếm, quân số hơn một van năm ngàn giờ chỉ còn bảy tám ngàn, biết mình đã rơi vào thế yếu, về đến thành vội cho gọi Cát Lợi đến nghị sự. Thạc nói :

- Bộ Lĩnh quả một bụng quỷ kế khiến ta rơi vào thế yếu ngay trên đất của ta, ngày tước ta cữ ngỡ là cái khôn vặt của trẻ ranh. Nào ngờ. Nay chỉ còn cách phòng thủ chờ cơ hội phản công mà thôi, Cát Lợi có ý gì hay không ?

Cát Lợi đáp:

- Tôi xem Đinh Bộ Lĩnh là kẻ đa mưu, các bộ tướng của hắn cũng chẳng phải hạng vừa, 2 thành chúng ta vốn xa nhau thể nào cũng bị Lĩnh dùng kế mà đoạt lấy một. Chi bằng rút quân hết ở các đồn khác, về lập thế liên hoàn trên trục giữa hai thành, cứ hơn 10 dặm thì lập một đồn, các đồn và thành cứu nhau khi bị vây đánh, Lĩnh phá không được tất nản, khi ấy ta tìm cơ hội mà đánh trả.

Thạc vỗ đùi cười :

- Kế thật hay, ta sẽ cho làm ngay.

Đỗ cảnh thạc cho quân từ các đồn trại nhỏ khác rút về hết, lại sai trên đường từ thành Động Giang đến thành Thanh Oai cứ cách 5 dặm thì lập một đồn, cả thảy được 6 đồn như thế, tạo thế liên hoàn.

Về phần Bộ Lĩnh, sau khi đánh được Bảo Đà, Trại Quyền, thế quân của Cảnh Thạc giữ các đồn nhỏ, vỗ an dân chúng trong vùng đâu vào đấy mới họp các tướng ở Trại Quyền tìm cách phá hai thành Động Giang, Thanh Oai

Muốn biết Bộ Lĩnh dùng kế gì phá thế liên hoàn của Cảnh Thạc và Cát Lợi, xem hồi sau sẽ rõ.


1 comment: