Friday, November 1, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 4.

Hồi thứ 4: Ngô Quyền đăng cơ, Bộ Lĩnh phất cờ lau tụ nghĩa.

Lại nói, khi đại quân về đến Đại La, các tướng một lòng suy tôn Ngô Quyền lên làm vua. Ngô Quyền khi ấy thủy chung trước sau ngâm trầm không nói, thấy thế Bạch Hô chắp tay rằng:

-Chủ tướng tài đức đều vẹn, người làm vua chẳng phải ứng mệnh trời, mà ứng với lòng chúng dân mong mỏi, nối lấy nghiệp Vua Hùng, Vua Mai, Vua Lý, gánh lên vai vận nước, ấy chẳng phải lợi riêng, xin người chớ do dự.

-Xin người chớ do dự –các tướng lại đồng thanh-

Chẳng thế im lặng thêm, Ngô Quyền lên tiếng:

_ Ta sẽ theo lời các ông với một điều kiện.

_ Chủ tướng cứ nói !

_ Đánh lui được giặc, công ấy chẳng riêng phần ta, công của các ông to lắm, nhưng đó chỉ mới yên bờ cõi, muốn vững bền phải đưa sức dựng xây, dân nước kiệt quệ ngàn năm muốn thịnh hưng trở lại thời cần gắng năm gắng mười lần đánh giặc, vậy nên các ông chớ vì công ấy mà sinh kiêu mạn trễ nhác việc binh, biếng lười chính sự, một lòng đấu cật cùng ta lo cho dân cho nước mới được.

_ Bụng ấy của chủ tướng, cũng là dạ của chúng tôi, xin người chớ lo.

Ngô Quyền thấy các tướng đồng lòng, gật đầu mỉm cười ra chiều rất vừa ý. Các tướng lại nhất loạt quỳ xuống hô vang :

_Ngô Vương muôn năm, muôn năm, muôn năm.

Ngô Quyền định ngày làm lễ đăng cơ rồi giao cho Dương Tam Kha chuẩn bị mọi sự. Tin ấy lan truyền rất nhanh, làng trên xóm dưới khắp cả nước, dân các lộ trổ ra ai nấy đều vui mừng.

Mùa xuân 939, Ngô Quyền mặc bào rồng, đội mũ chim lạc, thắp hương bàn thờ tổ tiên, tế trời đất, lên ngôi vua xưng là Ngô Vương, lấy tên nước là Vạn Xuân, chọn Cổ Loa làm kinh đô. Khi ấy ông vừa 42 tuổi.

Sau lễ đăng cơ, Ngô Vương thiết triều, phong thưởng đâu vào đấy, rồi bày tiệc rượu mời các quan văn võ, tiệc ấy đang dở bỗng có lính vào đưa tin Đinh Công Trứ bệnh nặng chắc không qua khỏi. Ngô Vương sững sờ đánh rơi cả chén rượu, tức tốc đi một mạch đến chổ Đinh gia.

Thấy Ngô Vương, Công Trứ lúc này sắc mặt nhợt nhạt, trong người yếu lắm nhưng cố gượng dậy, Ngô Vương vội tiến lại ngồi cạnh giường ra hiệu cho Công Trứ cứ nằm rồi nói:

- Ông thấy trong người thế nào, để ta cho người tìm thầy thuốc giỏi bắt bệnh cho ông.

- Không cần đâu. Bệnh của thần đã có từ lâu, lần này chắc là đến lúc đoàn tụ với Tiết Độ Sứ rồi. Được thấy người lên ngôi vua, thần đi vui vẻ lắm.

- Ta cần ông, dân nước cần ông.

- Sức thần đã cạn, dân ta nhân tài như cây trên rừng lo gì không dựng được rường cột, chỉ hiềm từ nay không được sớm tối bên người. Thần đi rồi mong người an bài cho Bộ Lĩnh và mẹ nó về Hoa Lư sinh sống, sau này lỡ như bờ cõi có biến, loạn quân can qua hãy cho gọi.

Nói rồi nhắm mắt mà đi, Ngô Vương khóc thương mãi, khắc bia Hộ Quốc Tướng Quân Đinh Công Trứ, rồi cho tổ chức tang lễ rất trọng. Một tháng sau, dù quyến luyến Bộ Lĩnh, Ngô Vương cũng đành cho người tháp tùng hai mẹ con về Hoa Lư.

Ngồi trong xe ngựa, Bộ Lĩnh ra chiều suy nghĩ lắm, đưa mắt nhìn xa mãi, đến ngày thứ 2 chẳng thể cam nhẫn mới mở lời hỏi mẹ :

- Mẹ ! Sao trước khi mất cha chẳng nói gì với con ?

Bà Đàm Diễm lúc này chợt nhớ lại hôm đó, Công Trứ gọi riêng bà vào nắm lấy tay mà nói:

- Sức ta chẳng còn bao lâu, cả đời ta hết theo Dương Đình Nghệ lại cùng Ngô Vương đánh giặc, nay thấy bốn bề nước Nam thâu về một mối đã thỏa lắm rồi. Nghĩa vợ chồng đứt đây sẽ nối kiếp sau, ta đi rồi bà chớ buồn lâu nên sớm cùng Bộ Lĩnh về nương chổ em ta Thúc Dự mà sống. Bộ Lĩnh con ta chí lớn tài không nhỏ, nó giờ như con rồng đang đùa mặt nước, như con chim Lạc vẩn vờn heo may, rồng rồi sẽ quẩy mình tuôn mưa, chim Lạc rồi sẽ tung sải cánh dài gieo gió, bà thay ta mà bảo ban cho khéo. Chẳng phải khi nước khốn dân đau thì chớ cho nó ra khỏi đất Hoa Lư ấy. Bây giờ bà sai người báo tin, ta muốn gặp Ngô Vương.

- Mẹ ! – tiếng Bộ Lĩnh gọi làm bà Đàm Diễm giật mình –

- Cha nhắn với con là : dân nước làm trọng, sau này phải luôn nhớ đến 4 chữ ấy, chớ có buông lung, ngơi nghỉ.

- Dạ ! Con sẽ khắc ghi.

Đất Hoa Lư bốn bề là núi, đường đi rất khó khăn, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ đến ở cùng với chú là Đinh Thúc Dự ở đất ấy, ngày chăn trâu thả diều, đêm đến thì luyện tập võ nghệ.

Thúc Dự thấy cháu mình ham chơi, ham võ nghệ, mà chẳng chịu đọc sách liền quở:

- Nhà ta các sách từ thơ văn, binh pháp đến phép trị nước đều có đủ, sao cháu chẳng dòm tới?

Bộ Lĩnh đáp:

- Trong các thứ dân cần văn thơ là thứ yếu, trong các kế dùng binh hay nhất là chẳng có sẵn kế nào, trong các phép trị nước chỉ một chữ lợi mà xong. Phàm khi dân đói ăn văn thơ chẳng đặng no. Hoằng Tháo có áo choàng chép đủ kế Tôn Tử, Ngô Vương có nào màng sách ấy. Xét trước sau, việc gì lợi dân lợi nước thì làm.

Thúc dự nghe thế, lắc đầu ngao ngán tự đấy chẳng hỏi tới.

Trẻ chăn trâu trong vùng thường tổ chức đánh trận giả bên nào thắng thì làm phe Ngô Vương bên thua phải nhận làm quân Nam Hán, Bộ Lĩnh biết được thích thú lắm, một hôm lân la tới, nghe đám trẻ bàn với nhau:


- Chúng ta đánh liền 5 hôm rồi mà chẳng thắng được bọn làng bên được lấy một lần, bây giờ mà không nghĩ được cách nào hay lại để thua thì bẽ mặt lắm.

- Đúng đấy ! - những đứa khác đồng tình -

- Nhưng cách gì bây giờ ? - Câu hỏi của một đứa làm cả bọn tiu nghỉu, ngồi rầu -

- Ta có cách ! - Bất ngờ Bộ Lĩnh từ trong đám lau lững khững bước ra, tay cầm một cành lau phất qua phất lại, vừa đi vừa nói - 

- Cách gì nói đi, nói đi ! 

- Nghe ta hỏi, trẻ lời hết ta sẽ chỉ cách. Thứ nhất bên chúng có mấy đứa ?

- Bằng bọn ta, 12 đứa.

- Tốt ! Câu thứ hai, thường ngày các ngươi đánh trận như thế nào ?

- Còn thế nào nữa, mỗi bên giữ một mô đất, có hiệu thì lao ra đánh thôi. 

- Thế sau mấy trận các ngươi biết vì sao thua không ?

- Vì bọn chúng cao lớn hơn lại có mấy đứa đánh nhau rất giỏi.

- Vậy nghe ta nói đây, các ngươi yếu hơn mà cứ giáp nhau đánh như vậy đến tết cũng không thắng nổi, bây giờ các ngươi nhìn đám lau rộng lớn kia đi.

- Đám lau ấy có liên quan gì ?

- Các ngươi bẻ lấy mỗi người một cành lau, lại chuẩn bị thêm 12 sợi thừng. Chiều nay khi vào trận, các ngươi vờ thua lẫn vào trong đám lau ấy, chia ra các ngả mà chạy, bọn chúng ắt cũng chia ra mà đuổi theo vì đánh mỗi các ngươi chẳng cần đến hai người.

- Trốn mãi thế sao gọi là đánh.

- Ai bảo các ngươi trốn, sau khi lẩn vào an toàn rồi, các ngươi lại truy tìm bọn chúng, tìm được đứa nào thì đưa cành lau lên cao ra hiệu, những đưa khác theo đó mà đến, quây lại trói lấy nó. Một chọi một các ngươi đánh không được, bây giờ năm, sau trói một chắc các ngươi làm được. Cứ như thế trói hết chúng lại dẫn đến gặp ta.

Đám trẻ nghe có lý, đến chiều y theo lời Bộ Lĩnh mà làm, quả nhiên thắng lớn, trói cả 12 đứa làng bên dẫn đến một mô đất cao, Bộ Lĩnh chễm chệ ngồi trên đó. Bộ Lĩnh trỏ vào mấy đưa trẻ đang bị trói hỏi :

- Các ngươi tên gì ?

- Ta tên Nguyễn Bặc

- Ta tên Đinh Điền

- Ta tên Lưu Cơ 

- Các ngươi phục ta chưa ?

- Bọn ta chưa phục !

- Được ! các ngươi cởi trói cho chúng hẹn mai lại đánh. 

Mấy hôm liên sau đó, Bộ Lĩnh chỉ huy đám trẻ trong làng đánh bọn Nguyễn Bặc, trận nào cũng thắng, cuối hùng thảy hết đều cho Bộ Lĩnh giỏi, liền tôn là soái. Bộ Lĩnh dẫn chúng đến hang Cát Đùn, bảo với chúng chọn đấy làm căn cứ, rồi phỏng theo Ngô Vương ở Cổ Loa mà bày lễ nghi, đặt quan tướng, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ được phong làm tướng.

Quân của Bộ Lĩnh thường kéo qua đánh nhau với với trẻ các làng khác, mỗi lần đều vừa đánh vừa thu phục, vì thế mà đám trẻ theo Bộ Lĩnh ngày một đông, có lần thắng trận to, đám trẻ công kênh Bộ Lĩnh lên vai về đến tận căn cứ, hứng chí Bộ Lĩnh sai đám trẻ mổ trâu ăn mừng, khi đám trẻ giải tán hết, mới làm bộ hớt hải chạy về gặp Thúc Dự: 

- Chú ơi ! trâu nhà mình chạy vào hang, nào ngờ cửa hang bị sập, trâu kẹt trong đó mất rồi.

Nghe chuyện lạ, Thúc Dự theo cháu chạy ra xem, thấy cái đuôi trâu thò ra từ vách núi, toan nắm lấy thì Bộ Lĩnh cản :

- Không được chú ơi, lỡ đứt đuôi, trâu chay miết vào trong hang mất.

Thúc Dự chẳng nghe, cầm đuôi trâu giật mạnh, đuôi trâu đứt ra, Dự ngã chỏng vó, tức tối Dự toan mắng cháu nhưng lại nghĩ đứa cháu này thông minh, nhớ lại lời Lĩnh nói khi trước mới biết cháu mình có chí tận trời chứ chẳng phải lời bướng ngang, liền cười xòa cùng Lĩnh đi về. Từ đó Dự ngày càng yêu tài mến chí cháu mình, ra sức bảo ban, lại có ý nhường cho làm sách trưởng sách Đào Áo. 

Lại nói chuyện Ngô Vương, từ lúc lên ngôi đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, xứng quy mô của đế vương, vua ngày đêm chăm lo việc nước chẳng trể biếng khắc nào. Các lễ hội cổ truyền được vua cho phục dựng, đền miếu các tiên vương được tôn tạo. Vua lại cho khôi phục nghề đúc trống đồng, phát triển các ngành nghề thủ công khác. Các tướng được phong, vua sai điều binh giúp dân khai hoang mở mang đồng ruộng, vì thế mà dọc suốt các sông Hồng, sông Đuống đồng lúa bao la thẳng cánh cò. Nhờ thế mà cuộc sống của nhân dân ngày một no ấm, khắp nơi ca tụng ơn vua Ngô.

Việc trị thủy được vua rất chăm lo, năm ấy, nhân đi thị sát hạ lưu sông Hồng, nghe được chuyện của Bộ Lĩnh, vua hài lòng lắm, lại vì sẵn lòng nhung nhớ mà rẽ đường đến thăm.

Vua đến nơi, cả sách cùng ra đón, vua hỏi Thúc Dự về Bộ Lĩnh. Lúc đó, Bộ Lĩnh  theo sau là đám trẻ chia thành hàng đi ngay ngắn, lại có 8 đứa to lớn khiêng một chiếc kiệu được kết bằng bông lau rất đem cùng đi tới. Gặp nhau, cả vua lẫn Bộ Lĩnh đều xúc động mà cùng chẳng nói, Lĩnh cúi người mời vua lên kiệu, vua bằng lòng. Về đến nhà, lúc chỉ còn vua và Lĩnh, vua hỏi : 

- Những năm qua ngươi học được những gì ?

- Tâu vua, chỉ có 4 chữ.

- Bốn chữ ấy thế nào?

- Tâu vua, là bốn chữ "dân nước làm trọng"

- Cắt nghĩa ra làm sao ?


***

Cuộc nói chuyện này ảnh hưởng nhiều đến thế cuộc về sau.

Muốn biết hai người đối đáp ra làm sao, hồi sau sẽ rõ.

2 comments:

  1. Tớ lại sửa tên hồi tiếp:
    "Ngô Quyền thuận dân ý đăng cơ
    Bộ Lĩnh phất cờ lau tụ nghĩa".

    Tên nước thời Ngô Quyền hình như không có thông tin chính thống nào ghi chép lại. Nhưng giả thuyết được nhiều người chấp nhận là Ngô vương khôi phục lại quốc hiệu Vạn Xuân thời Lý Nam Đế. Nên chăng sửa "lấy tên nước là Vạn Xuân" thành "khôi phụ lại tên nước Vạn Xuân"?

    ReplyDelete