Chương II: Đinh Tiên Hoàng - thống nhất giang sơn
Tấn Vương mất, nước chẳng còn vua, 12 sứ quân nổi lên hùng cứ một phương, cảnh hỗn loạn tương tàn diễn ra, Đinh Bộ Lĩnh rời Hoa Lư lập chí thống nhất đất nước, diệt xong bọn tặc thần Lĩnh kéo quân về Thái Bình đánh hai thôn Đường - Nguyễn.
Đại quân kéo của Đinh Bộ Lĩnh kéo đến gần Bố Hải Khẩu, Lĩnh giao cho Trịnh Tú, Nguyễn Bặc, Phạm Cự Lang, Lưu Cơ ở lại trông quân, Lĩnh nói :
- Các ngươi ở lại trông quân, trước sai người báo cho Trần Lãm biết, sau duy trì phép tắc chớ để sai sót.
Các tướng nhận lệnh, còn Bộ Lĩnh, Phạm Hạp, Đinh Điền dẫn theo 3 ngàn quân tiến đánh Đường - Nguyễn, đến nơi, Lĩnh lệnh cho quân đóng lại một bãi đất trống cách hai thôn khoảng một dặm, lại sai dựng trại thành hình tròn, các trại sát nhau, canh phòng cẩn mật.
Ngày hôm sau Lĩnh lệnh cho Đinh Điền ở lại giữ trại, còn mình và Phạm Hạp chia nhau đánh vào hai thôn, quân lĩnh kéo tới đã không thấy quân hai thôn ấy đâu, đành phải rút về trại, Lĩnh nói :
- Ta xem phải dùng lại cách của Dương Cát lợi khi trước rồi. Nay nên chia quân thành các đội, mỗi đội năm mươi người, ban ngày vào rừng tìm kiếm, ban đêm chia nhau canh gác phòng khi giặc đánh úp.
Quân sỹ theo lệnh tiến sâu vào rừng lùng giặc, trong rừng cây cối ngang dọc như tơ nhện, giữa rừng lại có nhiều kênh nước khiến cho quân sỹ rất khó khăn và nhanh mất sức. Tìm kiếm hơn mười ngày mà chẳng thấy tăm hơi giặc đâu, đang lúc quân sỹ dần có tâm lý chán nản, Lĩnh họp quân lại nói :
- Chúng ta vừa hành quân vừa lùng giặc đến nay đã nửa tháng mà chưa có kết quả gì, nay kho lương chỉ đủ dùng trong mười ngày nữa, có thể chúng ta phải giảm bớt khẩu phần để duy trì, ta báo để các ngươi khỏi thắc mắc.
Quân tướng nghe thế lại càng sinh chán nản, đem chuyện ấy kháo nhau, nào ngờ phía trên ngọn cây, do thám của quân Đường - Nguyễn nghe hết chuyện ấy. Do thám về căn cứ, đó là một hang động mà lại chẳng phải hang động, được dựng bằng những cây gỗ to chắc, phủ xung quanh là lùm cây rậm rạp, dây gai chằng chịt, hào trưởng hai thôn được tin ấy bàn nhau :
- Tưởng thế nào, xem ra quân Vạn Thắng Vương mà dân gian truyền tụng cũng giống quân Tấn Vương lần trước thôi, ta nên đợi thêm mấy ngày nữa, khi chúng đã cùng tột chán nản vì mệt và đói thì đang đêm vào đánh úp, lại cho phục quân chặn đường lui của chúng, một trận mà diệt gọn. - Hào trưởng thôn Đường nói -
- Ta thấy nên đánh ngay, sợ rằng mấy hôm nữa trời lại có mưa dầm không dùng hỏa công được. Quân ấy lùng ta 10 ngày vô vọng lại hay tin phải giảm khẩu phần ăn, cũng rối loạn lắm rồi.
Nghe hào trưởng thôn Nguyễn nói phải, hào trưởng thôn Đường cũng nhất trí kế ấy, đêm hôm đó kéo 2 ngàn quân được trang bị giáo nỏ đầy đủ kéo ra đánh, ra đến bìa rừng đã thấy trại của quân Đinh Bộ Lĩnh đèn đuốc tỏ mờ, quân sỹ canh gác lác đác bài người, liền lệnh cho lính bắn nỏ hạ hết lính canh, sau đó dùng lửa đốt trại.
Lửa vừa bùng lên thì chung quanh cả ngàn ngọn đuốc cũng vậy bọc lấy quân của hai thôn, đó là quân Đinh Bộ Lĩnh, thì ra việc thiếu lương chỉ là kế yếm trá hòng dụ quân Đường Nguyễn ra khỏi rừng.
Hào trưởng hai thôn lúc này biết bị trúng kế, bèn liều mình chạy vào doanh trại của Đinh Bộ Lĩnh hòng tìm đường qua đám lửa mà thoát, nào ngờ vừa chạy vào cả thảy đã thụp xuống hố sâu, biết chẳng thoát được phải xin hàng. Lính trói hào trưởng hai thôn ấy đem đến gặp Đinh Bộ Lĩnh, Lĩnh trỏ tay quát :
- Hai ngươi biết tội của mình không ?
- Chúng tôi giết Tấn Vương biết trước sau cũng có quân đến đánh, nhưng trước khi chết có mấy điều muốn biết để được cam lòng.
- Các ngươi muốn biết gì ?
- Các ông đào hố ấy khi nào, đất ấy lại đổ đi đâu?
Đinh Bộ Lĩnh bất giác cười lớn rồi nói :
- Tất nhiên là đào ban ngày rồi, ta chỉ cho một nửa quân đi lùng tìm, còn nửa còn lại há ở không, đêm nào các ngươi chẳng cho người do thám đúng không ? Đất ấy lại đổ vào trong trại, trại ta dựng thành vòng tròn sát nhau làm sao các ngươi phát giác, lại nữa, đại quân của ta đóng ở Bố Khẩu, thiếu lương sao được, ta giả truyền tin cốt dụ rắn khỏi hang đó. Các ngươi chỉ quen ở trong rừng, cướp phá người qua lại, chỉ biết đánh nhau theo cách của mình mà không biết đến người nên tất thua.
Hai hào trưởng nghe đến đó cúi mặt không nói.
- Các ngươi giết vua, tội ấy chẳng thể tha, nhưng các ngươi loạn ở đây cũng vì vua trước ra oán, vua sau đánh riết, ta phân thiệt hơn, nay chỉ muốn lấy 2 ngón tay cái của các ngươi, về sau không dùng nỏ được nữa, còn lại ta tha cho, từ nay nên về lại làng làm ăn lương thiện như trước, các ngươi phục chăng?
Nghe thế từ hào trưởng đến lính tráng ai nấy quỳ xuống lạy tạ như tế sao, xong lại hô : "Vạn Thắng Vương muôn năm, muôn năm".
Đinh Bộ Lĩnh an bài cho người hai thôn Đường - Nguyễn đâu vào đấy rồi kéo quân về Bố Hải Khẩu hội quân với bọn Trịnh Tú.
Lại nói chuyện Trần Lãm năm ấy đã ngoại sáu mươi tuổi, từ đời cha của mình là Trần Công Đức, thay nhau làm hào trưởng ở Bố Khẩu, về sau thời cuộc nhiễu nhương nên phải mộ quân tuyển lính để bảo vệ lấy nghiệp của gia đình, nhưng tuyệt đối không mang quân đi đánh ở ngoài. Nay bỗng đâu nghe tin có đại quân bảy tám ngàn kéo đến hết sức lo ngại, liền hội hai con là Trần Thăng và Trần Nguyên Thái vào nói :
- Chúng ta tuy xưa nay chưa gây hấn với ai, nhưng trong thời loạn lạc, chẳng vì không hận mà không binh đao, nay có bảy tám ngàn quân kéo đến, hai con thấy nên làm sao ?
- Thưa cha, con xin lãnh một ngàn binh ra đón, nếu họ muốn đánh thì cha cầm đại quân ra chi viện cũng chưa muôn - Trần Thăng thưa -
- Anh con nói phải thưa cha, nên thăm dò trước rồi mới tính. - Trần Nguyên Thái nói -
Trần Lãm cho là phải, lệnh cho Trần Thăng điểm binh đi ngay. Thăng vừa định ra thì có lính đến báo :
- Thưa chủ tướng, quân ấy cử sử giả tới, đáng đứng đợi ở ngoài.
- Mời vào !
Người đi vào là một trung niên dáng bộ nho nhã, người ấy thi lễ rồi thưa :
- Tôi là Trịnh Tú, người dưới của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, nay chủ tướng tôi có việc phải qua đây, sợ có hiểu lầm nên sai tôi mang thư đến gặp Trần Lãm Công.
Trần Lãm nhận thư mở ra đọc, thư viết:
"Cũng như Trần Lãm Công, Lĩnh tôi xưa nay ở đất Hoa Lư chẳng phạm ra ngoài, nay vì nước có biến, thân trai phải lo, đành quên những ngày nhàn hạ mà kéo quân đi, sau khi ở Cổ Loa giết hết bọn tặc thần, cơn giận chưa hả lại quay về Thái Bình hỏi tội Đường - Nguyễn hai thôn, chuyện ấy chẳng hệ gì đến Lãm Công nhưng vì việc quân có nhiều điều khó phải đóng quân gần đất của ngài chớ chẳng có ý gì xâm phạm, nay viết thư báo để dạ Lãm Công được an. Đôi lời từ Bộ Lĩnh."
Đọc xong, Trần Lãm quay qua Trịnh Tú :
- Nghe danh Đinh Bộ Lĩnh từ lâu, lui hai vua chẳng động một binh, nay lại lập chí vì nước thật đáng khâm phục.
- Chủ tướng tôi 26 năm ở đất Hoa Lư chẳng nửa bước ra ngoài nhưng lòng trải khắp thiên hạ, việc dân nước đều đêm ngày lo nghĩ, nay vì nước không vua, sợ rằng có tương tàn đẫm máu, dạ chẳng đành phải cất quân đi, chủ tướng biết Lãm Công chẳng nhân loạn ấy mà động binh mưu sự nên trong dạ kính lắm.
- Chẳng hay, ta có duyên gặp không ?
- Chủ tướng tôi đi đánh Đường Nguyễn hẹn đúng 20 ngày thì về, xưa nay đánh trận mỗi mỗi đều tính toán chu toàn, tất y hẹn chẳng sai, khi ấy sẽ đến ra mắt Lãm Công.
Trịnh Tú cáo biệt ra về, các tướng lại chia nhau coi quân, lệnh cho toàn quân không được phạm của dân, không được lấn đất Trần Lãm Công, không được lơi phép tắc bỏ hàng bỏ ngũ, ai trái thì tội chém. Quân sỹ trong quân kẻ nhiều thì theo Lĩnh hai mươi năm kẻ ít cũng năm sáu năm được huấn luyện kỹ lưỡng lại phục chí phục tài chủ tướng nên việc tuân phép tắc chẳng khó gì.
Trần Lãm khi ấy, mỗi ngày đều cử người do thám, tin báo về chẳng ngày nào khác ngày nào, Lãm vững dạ lắm, khen với các con :
- Huấn luyện được một đội quân như thế, chủ tưởng phải đức tài đều đủ, nay nước gặp loạn, có được người như vậy thật quý lắm. Ta nghe xưa Đinh Bộ Lĩnh mới 14 tuổi có theo Ngô Vương đánh giặc hiến nhiều kế hay, về đất Hoa Lư lại được Vua đích thân đến thăm, chuyện Tấn Vương phế Binh Vương cũng do Lĩnh hiến kế, quả là hiếm thấy.
Trần Thăng, Trần Thái nghe thế đều phục lắm.
Lúc ấy có tin Đinh Bộ Lĩnh thắng lợi trở về, đã hội quân gần Bố Khẩu, Trần Lãm liền sai Trần Thái đưa thư qua vời Lĩnh, lại sai người dưới bày tiệc ở bãi biển để đãi Lĩnh.
Hôm ấy, Bộ Lĩnh cùng các tướng đều đến đủ, chủ khách chia nhau ngồi đâu vào đấy, Trần Lãm lựa lời hỏi :
- Lão tuy đã tự coi mình là người Việt, ăn ở theo nếp người Việt, nhưng tổ của lão là người Hán ở phương Bắc, ở phương Bắc xưa có ông Tôn Tử mưu cao kế sâu bày ra 36 cách dùng binh, sau lại có ông Gia Cát Lượng tinh thông mọi bề thường dụng mẹo hay bắt tướng địch. Không biết đạo dùng binh của Đinh tướng quân thế nào?
- Tôi xem Tôn Tử bày mưu cũng chỉ rốt ráo mong cái thắng trên chiến trường, đặng xưng hùng xưng bá, còn như Gia Cát Lượng phò giúp Lưu Bị hiến kế chia ba thiên hạ tạo thêm mấy chục năm nội chiến, trong khi trước đó nhà Hán đã tận số, Tào Tháo không những có công dẹp loạn khắp nơi lại có tài trị nước, nếu Bị, Lượng chẳng vì nuối cái danh nhà Hán ấy thì thiên hạ đã thái bình, đâu có thêm bao nhiêu người chết. Đạo dùng binh của tôi rất đơn giản đó là dùng binh phải đạo, dùng binh phải đạo thì khó chẳng ngại, bại chẳng than trước sau gì cũng giành thắng lợi.
- Thế nào là dùng binh phải đạo ?
- Cực chẳng đành mới phải dụng binh vậy nên nước có xâm lăng thời tận sức giệt giặc, nước có can qua thời ra dẹp loạn, dân gặp lầm than thời đem binh khởi tạo thái bình. Còn như những kẻ chỉ vì muốn xưng hùng bá giành lấy vương vị mà chia các cõi coi mạng dân như cánh bèo thả nước tôi thật không xem trọng.
- Thế còn trên chiến trường ?
Bộ Lĩnh khi ấy bước ra khỏi bàn, tiến về phía biển, giang hai tay ra đón gió rồi nói :
- Ví như nước, ví như gió nào có hình thù chi mà đâu đâu cũng đến, mỗi mỗi đều chảy thổi hà tất phải có hình dạng mới thành. Cũng vậy, đối mặt với địch, chỉ đạo phải giữ, còn lại tùy cơ ứng biến cần gì phải nói thành lời.
Trần Lãm lại hỏi :
- Đinh tướng quân nói chỉ khi bờ cõi có xâm lăng, trong nước có can quan, dân chúng gặp lầm than mới nên dùng binh, đến như dùng binh đuổi xâm lăng, dùng binh cứu lấy dân cùng khổ thì lão đây đã tỏ, còn như dùng binh dẹp loạn đạo ấy khác gì với xưng hùng xưng bá ?
- Người dẹp loạn cốt mong cảnh thái bình, kẻ bá mộng nhìn xương đống dưới chân mà cười, người dẹp loạn ra ơn trăm họ, kẻ bá mộng đêm mơ oán ngày sau. Thật khác lắm.
- Nay nước chia năm sẻ bảy, Đinh tướng quân có lòng dẹp loạn chăng ?
- Lòng tôi chỉ mong cảnh thái bình, trăm họ ấm no, đâu mong gì làm người dẹp loạn.
Trần Lãm vuốt râu cười không hỏi thêm. Tiệc xong, tiễn Bộ Lĩnh và các tướng về, Trần lãm mới hội các con lại:
- Trần Nương, lúc nãy con giả kẻ hầu đứng bên đã thấy nghe cả rồi, nay ta muốn gả con cho Đinh Bộ Lĩnh, con có thuận lòng không ?
Trần Nương là con gái út của Trần Lãm, khi ấy mới tròn đôi mươi, nhan sắc kiều diễm, tính nết thuần hậu, nàng ta vốn đem lòng ái mộ Đinh Bộ Lĩnh từ lâu, nay nhân lúc cha mở tiệc đãi Lĩnh mới giả làm kẻ hầu để tận mắt tận tai. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là kẻ khí ngạo đất trời, phách động núi sông, thì trong lòng đã định, nghe cha nói đến chuyện gả mình cho Lĩnh liền e lệ đáp :
- Thưa cha, con phận gái, cha bảo sao thì con nghe vậy !
Trần Lãm cười ra chiều hài lòng lắm, lại trông qua Trần Thái, Trần Thăng nói:
- Nay thế nước chia làm mười hai sứ, chúng ta cũng có phần, nhưng chẳng giữ được mãi hoài, sự đời tan rồi hợp, phải trông cho xa. Ta nay cũng đã già, chẳng biết đi lúc nào, sự này là tính cho hai con. Đinh Bộ Lĩnh tài đức đều vẹn, chẳng phải tầm thường, sớm muộn ông ta cũng thống nhất đất nước, gặp một kẻ như thế trên chiến trường về sau chi bằng ngay bây giờ theo lập công thì hậu vận sáng lắm. Ta tính giao binh quyền lại cho ông ta, lại để hai con theo làm bộ tướng, hai con thấy thế nào?
- Nhưng thưa cha, chẳng phải lúc nãy ông ta nói không mong làm người dẹp loạn đấy sao - Trần Thăng hỏi lại -
Trần Lãm cười lớn:
- Trần Thăng, con tuy có dũng mà ý chẳng nhanh, Đinh Bộ Lĩnh nói người dẹp loạn cốt mong cảnh thái bình, ra ơn trăm họ, ta hỏi ông ta có lòng dẹp loạn không, ông ta đáp chỉ mong thái bình, trăm họ ấm no, ấy là đã lập chí dẹp loạn rồi, còn như giữa có loạn rồi phải dẹp loạn để thái bình và thái bình mà không loạn thì ông ta chọn lấy thái bình mà không loạn nên mới nói chẳng mong làm người dẹp loạn.
- Con hiểu rồi thưa cha !
Lúc này Trần Thái mới đứng ra nói :
- Thưa cha, Đinh Bộ Lĩnh lập chí dẹp loạn hẳn đã tính phải thu phục Bố Kỳ Khẩu chúng ta, nhưng quân kéo đến mà chẳng động, lại trước sau tỏ lòng kính với cha, như vậy tất có ý dụng đức phục người trước khi dụng binh. Người nhân đức như vậy đáng để chúng con theo lắm, thưa cha.
Trần Thăng cũng nói theo:
- Chúng con bằng lòng, thưa cha.
- Tốt lắm, tốt lắm.
Được cả ba con ủng hộ, cuối mùa xuân năm 966, Trần Lãm gả con gái mình là Trần Nương cho Đinh Bộ Lĩnh, lại đêm binh quyền giao cho cả. Mười hai sứ quân chỉ còn lại mười một, quân số dưới trướng của Lĩnh đã lên tới một vạn năm ngàn, Lĩnh cho quân xây phòng tuyến phòng thủ ở đất Thái Bình.
***
Vì sao đã lập chí dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh lại cho xây tuyến phòng thủ ở Thái Bình ? Xem hồi sau sẽ rõ.
bài rất hay
ReplyDelete