Đinh Bộ Lĩnh sau khi đánh được Bảo Đà, Trại Quyền, thế quân của Cảnh Thạc giữ các đồn nhỏ, vỗ an dân chúng trong vùng đâu vào đấy mới họp các tướng ở Trại Quyền tìm cách phá hai thành Động Giang, Thanh Oai. Lúc ấy Cự Lang đứng ra hỏi:
- Chủ tướng, sao khi trước không nhân lúc Đỗ Cảnh Thạc tan tác thua chạy mà truy đuổi, như thế thì đã phá xong Thạc rồi.
- Ta dẹp loạn chứ không phải chém giết cho được việc, làm sao cho họ phục ta khi ấy dẹp loạn rồi không còn loạn nữa. Nhân đây ta cũng nói các tướng được rõ, khắc ghi trong lòng, khi không cần phải giết thì tuyệt đối không giết, khi hiến kế, dụng kế hay khi phát lệnh tiến công phải chọn cách nào ít người phải chết nhất có thể, thế mới thật người tướng tài.
- Rõ, thưa chủ tướng!
- Ta đã cho người do thám, Cảnh Thạc từ khi về thành Động Giang ở riết trong thành tự thủ lại cho lập các đồn trại liên hoàn từ thành Động Giang đến Thanh Oai. Có hai điểm yếu chúng ta có thể từ đó mà luận kế, thứ nhất là Thạc rất tự tin rằng ta không thể phá được thế phòng thủ liên hoàn, thứ hai là chí Thạc không nhỏ tất ngày đêm chờ phản kích quân ta. Các ngươi xem dùng cách nào để đánh?
Lưu Cơ đứng ra thưa:
- Thạc trúng kế lần này, trong bụng tất đề phòng, muốn dụ cho ông ta phản kích rồi mai phục thì sẽ rất lâu, nếu có cách để phá thế liên hoàn sẽ nhanh hơn, phá được thế này, lòng tự tin của Thạc không còn, tướng chán thì quân nản, khi ấy ta vây riết, sẽ tự động mà hàng.
- Lưu Cơ nói đúng lắm. Nói về phá thế liên hoàn, ta đã có một mẹo hay. - Bộ Lĩnh nói -
- Mẹo ấy thế nào thưa chủ tướng? - Phạm Hạp hỏi -
- Đỗ Cảnh Thạc cho rằng lập thế liên hoàn như vậy thì các thành và đồn dễ dàng ứng cứu được nhau, ta tuy quân có đông hơn một chút, nhưng khi vây thành chắc chắn phải giàn quân cần nhiều người, quân Thạc ít hơn nhưng chỉ cần đánh một mặt là có thể giải vậy. Thạc nghĩ thế nên mới tự tin. Nhưng đó chỉ là trong một trận, điểm yếu của thế liên hoàn này ta luận từ chổ quân chi viên ứng cứu luôn mệt nhọc hơn quân vây thành, một trận không sao, nhưng nhiều trận thì khó giữ nổi. Nay ta cứ an nhàn mà đánh, các tướng chia nhau mỗi người lãnh lấy một ngàn quân, thay nhau đến vây thành, thấy quân chi viện của Thạc đến thì rút về nghỉ, cứ thế độ mười ngày thì một trận lớn là phá tan thế trận ấy.
Các tướng nghe xong ai nấy đều cho là kế hay, Cự Lang liền đứng ra thưa :
- Chủ tướng cho tôi lãnh binh đi đánh trước.
- Được thôi, ngươi lãnh một ngàn quân đi đánh đồn kế thành Thanh Oai, Phạm Hạp lãnh một ngàn quân đi đánh đồn kế thành Trại Quyền, nhỡ kỹ, thấy chi viên ứng cứu liền rút ngay.
Các tướng y lệnh dẫn binh đi, ngày thứ nhất Phạm Hạp, Cự Lang vây hai đồn, Cảnh Thạc, Cát Lợi đến hai tướng liền rút quân về nghỉ. Ngày thứ hai, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ dẫn quân đi vây hai đồn kế tiếp, thấy quân chi viện lại rút về nghỉ. Ngày thứ ba, Đinh Điền dẫn quân đi, đến vậy đồn thứ ba tính từ Động Giang, lần này khác với các tướng trước, Điền đánh thốc vào chiếm được đồn nhưng khi Cảnh Thạc, Cát Lợi kéo đến lại rút quân về. Đinh Bộ Lĩnh cùng Trịnh Tú đến vây lấy Thanh Oai giữa đêm ngày thứ tư, khi quân các đồn đến ứng cứu lại cho rút về.
Cứ thế, khi ngày khi đêm, khi thành khi đồn, khi vây khi đánh thốc vào, chỉ trong ít ngày quân của Cảnh Thạc vì phải ngược xuôi ứng cứu lẫn nhau mà đã rệu rã, Cảnh Thạc thấy tình hình không ổn liền gửi thư cho Cát Lợi, thư viết:
"Ta xem tình hình không ổn, cứ thế này chỉ vài ngày nữa quân ta kiệt sức, Lĩnh chỉ cần một trận là ta không đánh cũng tự bại. Tuy nhiên ta để ý rằng Lĩnh và các tướng của hắn đều ở Trại Quyền cả, tất Bảo Đà bỏ không, ngươi nên nhân lúc trời tối kéo đến đánh thốc vào mà chiếm lấy đồn. Lĩnh được tin sẽ kéo đến đòi lại, khi đó ta sẽ dẫn quân đánh tập hậu ắt sẽ chiếm được thượng phong"
Dương Cát Lợi nghe lệnh, điểm binh kéo đến đánh Bảo Đà, đến thành, quả nhiên không có tướng nào trấn giữ, trong thành chỉ khoảng hơn năm trăm quân. Nửa đêm, Lợi đến, quân ở trong ra nghênh đánh, chảng bao lâu không cự được đành phải rút chạy vào thành, Lợi được thế đuổi riết.
Quân của Cát Lợi vào trong thành thì đã thấy cung thủ năm trăm người giương tên đợi sẵn, biết trúng kế, Lợi xua quân quay đầu chạy ra ngoài, vừa chay ra khỏi thành đã thấy ngàn ngọn đuốc vây quanh, trông ra thì là quân của Ngô Nhật Khánh.
Ngô Nhật Khánh từ khi được lời của Bộ Lĩnh, bền chí giữ thành Đường Lâm, quả nhiên chưa đầy bốn ngày quân Cảnh Thạc đang vây riết bỗng bỏ mà đi, Khánh lại nghe lời Bộ Lĩnh không cho quân đuổi theo, tự đó ở mãi trong thành, một hôm có người thư của Bộ Lĩnh đến, thư viết :
"Lần trước ta tiện theo kế hoạch của mình tiến đánh Bảo Đà, vô tình lại giải nguy được cho Đường Lâm của ngươi, tự nghĩ vì đó mà bắt ngươi chịu lệnh ta thì thật không phải, nay ta đem quân đến Trại Quyền hội nhau để đánh quân Cảnh Thạc, Bảo Đà bỏ không tất Cát Lợi ở gần đó sẽ kéo tới, viết thư này phiền ngươi một chuyến đến Bảo Đà bày mai phục đón Lợi, quân trong thành của ta đều đã hiểu mẹo này, chỉ cần ngươi tới tất Cát Lợi chịu hàng mà chẳng mất một binh. Sự ấy thành thì ta và ngươi xem như có nghĩa tương trợ lẫn nhau chớ chẳng phải chủ bộ. Đinh Bộ Linh viết."
Đọc xong Khánh nói với Nhật An:
- Đinh Bộ Lĩnh muốn ta đem quân đến Bảo Đà mai phục Cát Lợi, em nghĩ nên thế nào ?
- Đinh Bộ Lĩnh, em đã gặp, ông ta thực chẳng tầm thường, nay chỉ một trận mà đoạt hai thành của Cảnh Thạc như lấy đồ trong túi, ta nên thuận theo ý ấy, kẻo vạ vào thân.
- Anh cũng nghĩ thế, khi viết thư cho Bộ Lĩnh bất đắc dĩ phải nói nếu giải được nguy cho Đường Lâm sẽ theo làm bộ tướng, nay Bộ Lĩnh chẳng truy xét chuyện ấy, thì ta nên y nghĩa tương trợ mà làm.
Ngay ngày hôm sau, Khánh sai An ở lại giữ thành, còn mình lãnh ba ngàn quân đi, đến nơi bày mai phục đợi hai ngày, đến ngày thứ ba thì quả nhiên Cát Lợi mang quân đến, theo kế của Bộ Lĩnh, khi Cắt Lợi đánh vào đồn rồi, Khánh mới đưa quân lại vậy chặn lấy lối ra.
Dương Cát Lợi xua quân ra cổng đồn thì đã thấy quân Khánh ở đấy, tiền quân kẹt trong đồn, hậu quân thì kẹt ở ngoài, tiến lui đều khổ, Lợi nghĩ nếu Bộ Lĩnh đã bày phai phục ở đây tất đã có kế chặn đánh Cảnh Thạc, biết chẳng còn trông gì cứu viện, đành phải xin hàng.
Lại nói Đinh Bộ Lĩnh, nửa đêm hôm ấy, sai Đinh Điền, Cự Lang, Trịnh Tú, Nguyễn Bặc ở lại giữ Trại Quyền, còn mình cùng Phạm Hạp, Lưu Cơ lãnh hai ngàn quân theo hướng Bảo Đà ruổi ngựa, đi được nửa đường thì nghe có tiếng quân đuổi gấp phía sau, biết là quân Cảnh Thạc, Lĩnh sai từng tốp lính một trăm người dừng lại, chạy thêm được một dặm khi chỉ còn một ngàn quân liền trở hậu quân làm tiền đứng đợi, Thạc đến, Lĩnh trỏ nói:
- Thạc tướng đi đâu mà vội vàng làm vậy?
- Ta mang đến đấy ba ngàn quân, lại sai hai ngàn quân mai phục phòng chi viện, cốt để lấy mạng ngươi đó.
- Thạc tướng biết tin gì chưa ?
- Tin gì ?
- Dương Cát Lợi đã hàng ta ở Bảo Đà rồi.
Cảnh Thạc nghe thế thất kinh, nhưng nghĩ trong tình thế hiện tại vẫn đủ sức đánh được Lĩnh nên cười nói:
- Đâu cần Cát Lợi, quân Bảo Đà có đến cứu ngươi cũng không kịp nữa rồi.
- Xem ra Thạc tướng quân ít có thói quen trông ra sau?
Thạc nghe thế, ngoảnh mặt lại đã thấy phía sau cờ xí đèn đuốc ngợp trời, cứ cách hai trượng thì có một ngọn đuốc, Thạc đoán phải đến bốn ngàn quân, trong bụng thầm kêu khổ, chẳng còn tâm trí đâu mà đánh với Lĩnh, thúc quân tháo chạy, một mạch hướng về thành Động Giang.
Lĩnh không đuổi theo, đợi quân Thạc chạy khuất thì kéo nhau đến Bảo Đà. Phần Thạc vừa chạy vừa cảm thấy mình bất lực trước Bộ Lĩnh, ngồi trên ngựa mà hồn phách nơi đâu, về đến Động Giang lại thêm một lần thất kinh, phía trên cổng thành Nguyễn Bặc, Cự Lang đã đứng đợi tự bao giờ. Bặc khiêm nhường nói :
- Đỗ tướng quân, ngài hà tất phải cố chấp làm vậy, chủ tướng tôi mấy lần dụng kế, chẳng lần nào nhân đó mà xuống tay chém giết, cốt để ngài biết rằng chủ tướng tôi rất trọng tài của ngài đó.
- Ta theo Ngô Vương đánh giặc khi Lĩnh chỉ là đứa trẻ, ta nay chạy vòng trong thiên la địa võng của Lĩnh nhưng chết cũng chẳng hàng, ngươi nói chi phí lời. Ta kính ngươi tài cao lại hào hiệp nay chết trong tay ngươi cũng đặng cười mà đi, xuống đây đánh với ta.
- Chủ tướng tôi lệnh rằng phải hạn chế đánh giết, quân của ngài đã bao ngày mệt mỏi, lính tôi lại an nhàn, lấy khỏe đánh mệt mỏi tất không ngừng tay sát, tôi không đánh, nay Thanh Oai vẫn còn, ngài nên về đó.
Thạc chán nản, đến muốn chết cũng chẳng đặng được, lại phải kéo về Thanh Oai, về thành rồi ở mãi trong thành. Chẳng được lâu, quân của Đinh Bộ Lĩnh lại kéo đến vây riết, trong một tháng chỉ chặn đường tiếp lương mà không đánh vào, Trịnh Tú kêu gọi quân Thạc ra hàng, quân ấy biết chẳng thoát được nên ra hàng ngày mỗi nhiều, Thạc cũng không ngăn giữ.
Đầu mùa xuân năm 967, biết chẳng xoay chuyển được Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh lệnh cho các tướng hạ thành Thanh Oai lúc này chỉ còn khoảng hơn một ngàn quân, Cảnh Thạc trúng tên chết trong đám hỗn chiến, sứ quân Đỗ Cảnh Thạc mất từ đó. Đinh Bộ Lĩnh với 1 vạn binh cả hành quân lẫn vây đánh mất gần 6 tháng thì hạ được 1 vạn năm ngàn quân của Cảnh Thạc, phá được 4 thành lớn và trên dưới 10 đồn nhỏ, thu được hơn năm ngàn hàng binh. Quân Cảnh Thạc thương vong gần một ngàn, số còn lại hoặc theo Lĩnh hoặc tản mát đi hết, Cát Lợi được Lĩnh tha cũng xin về quê, hứa rày chẳng động binh.
Lĩnh lấy được toàn bộ đất Động Giang rồi, vừa an dân vừa cho sửa sang lại thành lũy đồn trại, lập thế phòng thủ, đến cuối xuân thì xong xuôi mọi việc. Lúc ấy Đinh Bộ Lĩnh mới họp các tướng, định kế hoạch tiếp theo, các tướng vào ngồi đâu đấy, Lĩnh nói:
- Ta xem sau Đỗ Cảnh Thạc, 3 anh em Nguyễn Siêu là đáng gờm nhất, quân này đóng 3 nơi tạo thế chân vạc, gần đây lại càng lớn mạnh thướng đánh lấn ra ngoài. Trọng 3 đạo, Nguyễn Siêu là mạnh nhất, phá được Nguyễn Siêu thì thế chân vạc không còn, 2 sứ kia không cần lo nghĩ.
Lưu Cơ đứng ra nói:
- Nguyễn Siêu giữ đất Tây Phù Liệt, đất này nằm giữa đất Động Giang của ta và Đăng Châu của Phạm Bạch Hổ, muốn hạ Siêu, trộm nghĩ nên thu phục Phạm Bạch Hổ trước, sau đó tạo thế gọng kìm.
- Phải lắm Lưu Cơ, ấy cũng là sở ý của ta.
Lúc đó Nguyễn Bặc chắp tay nói:
- Tôi hai lần ra gặp Phạm Bach Hổ đều nghe ông ấy nói ngoài Ngô Vương chỉ có chủ tướng đáng cho ông ấy theo, nay tôi lại xin đến Đăng Châu đem ý của chủ tướng mà nói, chắc ông ấy chịu.
Bộ Lĩnh chưa trả lời, Phạm Hạp, Phạm Cự Lang thưa thêm :
- Chủ tướng cho chúng tôi cùng theo Nguyễn Bặc tướng quân, Phạm Bạch Hổ vốn là chú của hai anh em tôi, lời chúng tôi nói tất ông ấy lấy làm nghĩ.
Đinh Bộ Lĩnh cười nói:
- Các ngươi không hiểu tính của Bạch Hổ rồi, ngày xưa Bạch Hổ đem quân đến Thuận Thành một đao lấy đầu Kiều Công Tiễn rồi bỏ đi ngay trước mặt Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập, về sau khi Ngô Vương lập chí đánh Hán, đòi tự chủ lại cho nước Nam ta, Bạch Hổ mới theo về. Ngô Vương hỏi sao trước bỏ đi sau lại theo về, Bạch Hổ đáp rằng "Khi đó ta biết tài của anh mà chưa biết chí của anh, nay biết rồi nên ta theo về.". Nói vậy để các ngươi biết dùng lời hay để Bạch Hổ chịu giúp thì được, nhưng lời nào cũng vô dụng nếu muốn Bạch Hổ chịu theo.
Muốn biết Đinh Bộ Lĩnh dùng cách nào thu phục Phạm Bạch Hổ xem hồi sau sẽ rõ.
lại phải đợi hồi sau rồi
ReplyDelete