- Ngươi hiểu tội mình không ?
Siêu đáp:
- Đánh trận, giết tướng địch là lẽ thường sao gọi là tội.
- Thế còn đám lính của ngươi khi ấy chưa kịp chạy qua lũy phòng thủ, sao ngươi vẫn giết.
- Chí muốn xưng hùng bá thì lòng tiếc chi mấy tên nhãi tốt.
- Ngươi vì muốn tranh hùng bá mà mạng quân lính của mình cũng coi như rác, vậy khi giành được thiên hạ rồi há lại chẳng dùng máu dân để rửa ngai vàng sao.
Nói rồi Lĩnh giận, toan chém thì Nguyễn Bặc gàn xin :
- Xin chủ tướng để hắn cho tôi tùy ý xử lý.
Bộ Lĩnh gật đầu, Bặc kéo Siêu về trại, đem trói vào cột rồi sai lính canh nghiêm cẩn, ai cũng thấy lạ, cứ nghĩ Siêu sẽ chết ngay khi rơi vào tay Nguyễn Bặc. Lính cũ của Nguyễn Bồ, Đinh Thiết cả lính gốc Hoa Lư đều tụ tập trước trại Nguyễn Bặc mà hỏi :
- Chúng tôi dốc lòng đánh Nguyễn Siêu chỉ mong ngày đêm sớm được báo thù cho tướng cũ chúng tôi là Nguyễn Bồ, Đinh Thiết, nay thấy tướng quân bắt được Siêu mà không giết đi thật chẳng cam lòng.
- Ta trói hắn ở đây, cốt đợi khi toàn thắng, lúc đó sẽ cột hắn vào đuôi ngựa mà kéo đi, giễu về đất Hoa Lư bắt hắn tạ tội với dân Trường Yên rồi giết chưa muộn, có như thế lòng ta mới thỏa.
Lính nghe thế đều tạm yêu lòng.
Lại nói Nguyễn Hiền, từ khi nhận mệnh ở lại, đóng cửa thành, thủ mãi, Hiền sai cung thủ sẵn sàng ngày đêm, lại sai chất đá trên thành phòng khi quân của Bộ Lĩnh dùng thang công thành. Quân Bộ Lĩnh sợ thương vong nhiều, chỉ vây ngoài chặn đường lương thảo mà chưa dám đánh vào. Một hôm Hiền nghe tin Siêu bị bắt nhốt trong trại quân Nguyễn Bặc, liền hội các tướng tìm cách cứu Siêu.
Hôm đó, đang lúc nửa đêm, bỗng đâu có toàn lính mấy chục người đột nhập vào trại quân Nguyễn Bặc, chúng nhanh chóng hạ hết lính canh, dùng đuốc soi vào hết các trại , lúc thấy trong trại có bóng người bị trói vào cột, chúng hỏi:
- Có phải Siêu chủ tướng đấy không ?
- Ta đây, mau cởi trói cho ta.
Chúng cởi trói cho Siêu, dẫn Siêu ra khỏi trại, rồi lên ngựa, một mạch phi về Tây Phù Liệt, Nguyễn Bặc được tin cả kinh, cùng lính tế ngựa đuổi theo. Quân Siêu chạy vè gần thành thì có lính vào báo với Hiền:
- Thưa tướng quân, Siêu chủ tướng đang ruội ngựa về thành, phía sau cách một dặm, quân Nguyễn Bặc đang đuổi rát.
- Mau, mau mở cổng thành. - Hiền lệnh -
Quân Siêu còn cách thành mấy trượng thì cổng thành mở, vừa qua cỗng thành, bỗng dâu trong đám lính tháp tùng Siêu có một người tế ngựa đến gần Siêu nắm lấy cổ áo sau của Siêu ném cả người ra phía sau, trông ra thì đó chính là Đinh Điền, Siêu bị ném xuống đất hoảng hồn, lồm cồm bò dậy, lúc này Nguyễn Bặc đã kịp đuổi đến, lăm lăm cây thương lao vào Siêu, Siêu chẳng kịp tránh, thương đâm thấu ngực hộc máu mà chết.
Lính canh cổng cả kinh, lao vào đánh, bị Điền, Bặc chém hết, hai tướng cầm thương ngạo nghễ giữa cổng thành, lính của Hiền chẳng giám vào nữa, lúc này đại quân của Trịnh Tú, Lưu Cơ, Phạm Hạp, Cự Lang, Đinh Liễn kịp đến, cả bọn sáu người đánh thốc vào trong thành.
Lính về báo, Hiền cười khổ :
- Chẳng ngờ Nguyễn Bặc, Đinh Điền không những một thân võ nghệ mà còn một bụng hiểm kế nữa, thiên hạ này tất thuộc về Đinh Bộ Lĩnh mà thôi.
Nguyễn Hiền sai lính mở cồng thành phía nam, cùng quân chạy mãi, đến gần bờ lũy mà xưa Hiền cho đắp, bỗng đâu quân Bộ Lĩnh trổ ra, dùng nỏ nhắm vào Hiền mà bắn, chẳng thể né, mấy chục mũi tên bắn trúng Hiền, Hiền gục trên ngựa chết, quân Hiền hàng hết.
Tháng 8 năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên sứ quân Nguyễn Siêu, Lĩnh bị mất bốn tướng, lính thương vong khoảng ba ngàn, thu phục hơn sáu ngàn hàng binh. Nguyễn Siêu và các tướng đều chết cả, lính thương vong hơn ba ngàn còn lại hoặc hàng Bộ Lĩnh hoặc tản mát đi hết.
Đinh Bộ Lĩnh cho an dân đâu vào đấy, qua tháng 9 năm 967 sau khi chia người coi giữ các đất mới kéo đại quân về Đại La, đến Đại La Lĩnh họp các tướng lại bàn:
- Sau Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu thì Kiều Công Hãn là một sứ lớn, các tướng nói xem nên dùng cách nào mới phục được sứ này?
Lưu Cơ đứng ra thưa
- Kiều Công Hãn cùng em là Kiều Thuận chia nhau giữ đất Phong Châu, Thuận lập thành ngay sau Công Hãn tạo thế ỷ dốc tiện ứng cứu lẫn nhau. Muốn phục Công Hãn phải phục được Kiều Thuận trước để cô lập Công Hãn. Lại nói đất này mặt Bắc giáp sông Hồng, mặt Nam giáp sông Đà, ta muốn đánh đều phải vượt sông, nếu không thể đánh nhanh thắng nhanh thì cả ứng cứu lẫn lương thảo quân ta đều gặt rất nhiều khó khăn.
- Đúng như Lưu tướng quân nói, trong tình thế này chỉ còn cách hạ thật nhanh Kiều Thuận để làm lớn thanh thế, sau đó dùng kế nghi binh hòng cho Kiều Công Hãn vì sợ mà chạy ra khỏi chổ hiểm yếu của chính mình mới mong dành phần chắc thắng. - Phạm Hạp nói thêm -
- Đất của anh em họ Kiều bốn mặt đều có sông, nếu ta theo mặt nam sông Đà mà tiến thì chỉ qua sông một lần nhưng sông ấy lại phải khúc nước xiết, đường hành quân có nhiều núi non. Còn như theo mặt bắc sông Hồng mà tiến thì phải vượt sông hai lần - Cự Lang nói thêm -
Lúc này Bộ Lĩnh mới nói gọn ý các tướng:
- Được rồi, ý các tướng ta đã rõ, nay quân ta phải đóng giữ khắp nơi chỉ có thể kéo gần một vạn quân đi đánh anh em họ Kiều, trong khi quân Phong Châu cũng phải hơn một vạn 5 ngàn, vì vậy khi lâm trân phải ứng biến cho khéo mới mong giành thượng phong. Nay ta giao cho các tướng chia quân làm hai đạo, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền điểm 5000 quân vượt sông Hồng theo bờ sông mà hành quân. Ta cùng Phạm Hạp, Cự Lang sẽ điểm 5000 quân men theo sông Đà mà tiến quân. Đinh Liễn áp tải lương thảo theo đại quân còn Trịnh Tú ở lại giữ Đại La chi viện khi cần.
Lại nói chuyện Kiều Công Hãn, từ sau khi Ngô Vương tạ thế,
Dương Tam Kha lộng quyền thì ở mãi đất Phong Châu chẳng chịu ra ngoài, cũng
không nghe lệnh triều đình, sau khi Tấn Vương mất Công Hãn chiêu mộ thêm quân sỹ,
tự mình lập sứ cũng cốt chỉ mong giữ đất Phong Châu mãi cho họ Kiều.
Tuy nhiên Kiều Thuận, em Công Hãn thì lại không thế, Thuận từ
sau khi bị Ngô Vương đuổi chạy khỏi thành Đại La, trong lòng vẫn chưa phục, vẫn
muốn mang họ Kiều thêm lần nữa đến với ngôi cao.
Thuận về Phong Châu, xây thành cất lũy cùng với Công Hãn tạo
thế ỷ dốc nhưng hễ có cơ hội y liền thuyết phục Công Hãn đem binh ra ngoài. Lúc
Đinh Bộ Lĩnh đem quân qua Đăng Châu, Thuận bàn với Công Hãn đánh lấy Đường Lâm
của Ngô Nhật Khánh sau đó chiếm luôn Động Giang nhưng Công Hãn chẳng nghe.
Nay bỗng đâu có tin Đinh Bộ Lĩnh đang đem quân đến đánh, Thuận
từ thành Phong Châu Thượng đến chổ Công Hãn trách:
- - Trước anh không nghe em, giờ Lĩnh kéo quân gần tới rồi,
biết làm sao ?
- - Đất Phong Châu này trăm năm nay của họ Kiều ta, chí anh
chỉ mong giữ mãi đất này, chẳng mong làm chuyện lớn lao. Huống chi, Đinh Bộ Lĩnh
là con rồng lớn đang buổi vẫy vùng, ta giữ đất này đã khó, mong gì tiến đánh đất
của hắn.
- - Anh có kế gì ứng phó chưa ?
- - Đất Phong Châu này 3 mặt giáp sông, lưng dựa núi, quân
Lĩnh đến thì dễ nhưng muốn ở lâu thì khó vì quân chi viện hoặc tiếp lương chắc
chắn phải vượt sông, ta chỉ cần giữ vững hai thành, lại ngăn quân chi viện tiếp
lương thì chỉ trong hơn một tháng là Lĩnh phải rút.
- - Cụ thể thế nào?
- - Lĩnh đến tất sẽ vây thành Phong Châu Thượng của em,
đánh nhanh thắng nhanh để phá thế ỷ dốc, hòng cô lập anh cuối cùng phá Phong
Châu Hạ, lúc đó em cứ đóng kín cửa thành, đừng ra đánh, chuyện còn lại để anh
lo.
Kiều Thuận biết anh mình xưa nay tính toán luôn chu toàn trước
sau nên không thắc mắc gì thêm, về thành chuẩn bị đón quân Bộ Lĩnh.
Hai đạo quân của Đinh Bộ Lĩnh hành quân hơn nửa tháng thì kịp
đến, vượt sông hội với nhau trên đất Phong Châu Thượng, Bộ Lĩnh lệnh cho toàn
quân ngay trong đêm đến vây thành của Kiều Thuận.
Quân của Kiều Thuận đã có chuẩn bị từ trước, thủ mãi ở trong
thành không ra đánh, mặc cho Bộ Lĩnh vây ráp khiêu khích ở bên ngoài. Không
đánh vào được Lĩnh đành phải cho quân rút ra dựng trại đóng lại cách thành mấy
dặm.
Hơn năm sáu ngày sau, Kiều Thuận thủ riết, Công Hãn án binh
bất động, Đinh Bộ Lĩnh cứ vây đánh trong vô vọng như vậy. Ngày thứ 7, đang đêm,
Đinh Bộ Lĩnh lại cho quân đến vây thành của Kiều Thuận, đang chưa có cách nào
công thành, thì có lính đến báo:
-
Thưa chủ tướng, Đinh Liễn tướng quân áp tải lương thảo
vừa đến thì bị tướng của Kiều Công Hãn là Kiều Chấn mang quân đến đánh cướp.
Đinh Liễn tướng quân sai thuộc hạ đến báo đẻ chủ tướng kịp có đối sách.
-
Ngươi quay lại nói với Đinh Liễn, cứ y kế mà làm – đoạn
quay qua nói với các tướng – Cơ hội đến rồi !
Lại nói Đinh Liễn, được Bộ Lĩnh giao cho áp tải lương thảo,
Liễn được Bộ Lĩnh lệnh phải chủ động đến trễ hơn đại quân bảy ngày.
Đang đêm, vừa lúc mang hết lương thảo từ bên bờ bên kia qua
sông thì đã bị Kiều Chấn từ đâu mang quân đến tập kích, Liễn bị bất ngờ cự được
một lúc đành phải bỏ lại lương thảo mà chạy.
Kiều Chấn cướp được lương thảo, mang hết về thành, về đến
thành vừa lúc tờ mờ sáng, quân ở trong thấy cờ của Chấn liền mở cổng, Chấn tế
ngựa vào, nào ngờ từ hai bên Phạm Hạp, Cự Lang mang quân đánh theo vào.
Kiều Chấn giật mình cả kinh, biết bị trúng kế, vội quay ngựa
thét quân đánh thốc trở ra. Chấn vừa ra đến cổng thì Phạm Hạp, Cự Lang đã đánh
tới, Chấn vừa tả xung hữu đột, cố sức đánh lui hai tướng vừa gào lính đóng cổng
thành lại.
Đánh được một lúc, Phạm Hạp vung trường đao đánh bay thương
của Chấn, liền lúc đó Cự Lang đâm thương tới, Chấn trúng thương vào bụng, liền
dùng tay giữ chặt thương không cho Cự Lang rút thương ra, lại bị đao của Phạm Hạp
xả xuống vai.
Chấn lúc này đau đớn tột cùng nhưng vẫn cố gắng dùng chút sức
tàn cản bước hai tướng, cho đến khi cổng thành đóng, Chấn mới gục chết.
Bộ Lĩnh chứng kiến cảnh ấy, chỉ biết lắc đầu, gọi hai tướng
Phạm Hạp, Cự Lang rút quân ra, lúc ấy trời vừa sáng, Kiều Công Hãn đứng trên cổng
thành nói xuống:
-
Bộ Lĩnh cớ sao mang quân xâm phạm đất Phong Châu của họ
Kiều ta?
-
Đất chung của người Việt làm gì riêng của họ nào?
-
Ta đâu có động đến Bộ Lĩnh?
-
Ngài không có nửa ngón tay chạm đến tôi, nhưng tôi xem
nước phải thống nhất mới vững mạnh, xưa ngài cùng cha tôi, Ngô Vương đánh giặc
chẳng phải là vì ý ấy ư?
-
Ta không nghĩ nhiều thế đâu, bờ cõi không yên đất Phong
Châu tất liên lụy nên ta theo Ngô Vương đánh giặc, nay bờ cõi đã định, ta chỉ
muốn giữ lấy đất của mình.
-
Vì cái nghĩ không cùng như thế, nên tôi phải mang quân
đánh ngài vậy.
-
Được, ta xem chúng ta phải một phen đao kiếm. Dám hỏi Bộ
Lĩnh sao biết ý ta mà tương kế tựu kế ?
-
Tôi mang quân đến, các tướng của tôi nghĩ phải đánh
Phong Châu Thượng để phá thế ỷ dốc, ngài cũng nghĩ tôi sẽ đánh Phong Châu Thượng,
tôi chiều theo ý các tướng và ý của ngài mà đánh Phong Châu Thượng dẫu biết ở
đó đã có chuẩn bị, đánh vào không được.
-
Sao biết thế mà vẫn đánh ?
-
Tôi chiều theo ý ngài, thì ngài mới chiều ý tôi chứ.
Tôi vờ đánh Phong Châu Thượng mà kỳ thực trong lòng muốn lấy Phong Châu Hạ trước,
nhưng đánh riết mấy ngày, Phong Châu Hạ án binh bất động, đành phải đợi quân áp
tải lương thảo đến.
-
Sao phải đợi như thế?
-
Ngài xưa theo Ngô Vương thường được giao cho trọng
trách đốc thúc lương thảo, như người thợ rèn nhớ búa, người thợ săn nhớ cung,
lúc đánh trận ngài tất nghĩ chuyện cướp lương thảo của đối phương trước. Tôi
nhân đó, cho quân cắm cờ xí nghi binh vờ vây đánh Phong Châu Thượng, còn mình
kéo đại quân đến đây.
-
Quả nhiên thiên hạ đồn chẳng sai, Bộ Lĩnh đúng là dụng
binh rất giỏi.
-
Chỉ tiếc rằng, Kiều Chấn anh dũng hơn người, nên kế hoạch
của tôi phải có chút thay đổi.
-
Thay đổi thế nào?
Bộ Lĩnh cười đáp:
-
Ngài sẽ sớm biết thôi.
Nói rồi hiệu cho toàn quân dạt ra hai bên, tạo thành lối trống
từ ngoài đến cổng thành Phong Châu Hạ, đúng lúc đó có một tướng dẫn hơn hai
ngàn quân nhắm hướng cổng thành thốc ngựa chạy tới, phía sau một tướng khác
đang đuổi rát, trông ra thì là Kiều Thuận chạy còn Đinh Điền đuổi.
Kiều Thuận năm sáu ngày bị vây đánh, an tâm thủ trong thành,
nào ngờ đến sáng ngày thứ bảy đứng trên thành trông ra thấy chỉ toàn là cờ xí
và giả binh, nghĩ bụng, Đinh Bộ Lĩnh bày nghi binh ở đây, chắc chắn đang vây
đánh Phong Châu Hạ, liền điểm binh đến định phối hợp với quân Phong Châu Hạ một
trận mà lui quân Lĩnh.
Thuận vừa kéo quan qua đất Phong Châu Hạ bỗng đâu quân Đinh
Điền trổ ra đánh tập hậu, Thuận không có đường rút, đành nhắm thành Phong Châu
Hạ mà chạy, Đinh Điền được thế đuổi riết, lùa quân Thuận như chăn vịt.
Thuận chạy đến, Công Hãn vội cho người mở cổng thành, Đinh Bộ
Lĩnh lệnh cho các tướng đánh theo vào một lần nữa, Đinh Điền đánh rát phía sau,
hai bên tả hữu Phạm Hạp, Cự Lang đánh bừa qua, hậu quân của Thuận tan tác cả.
Phạm Hạp, Cự Lang theo Đinh Điền đuổi đánh đến cổng thành,
Thuận chạy được vào trong, đúng lúc đó trong thành lại có một tướng rất dũng
mãnh đánh bật quân Bộ Lĩnh ra, đó chính là Kiều Hưng em của Kiều Chấn.
Hưng và Chấn theo dưới trướng Công Hãn cả hai đều võ nghệ
tinh thông, sức địch muôn người, trung thành một dạ. Chấn vừa hi sinh giữ cổng
thành, nay Hưng vì muốn bảo vệ Kiều Thuận mà một mình dẫn quân lao ra cự với cả
ba tướng cửa Bộ Lĩnh.
Đinh Điền hiệu cho Phạm Hạp, Cự Lang đánh vào cổng thành,
còn mình đối phó với Kiều Hưng. Hưng đấu với Điền được vài chiêu, quay ra sau
thấy Phạm Hạp, Cự Lang đã giáp cổng thành, đành bỏ Điền tế ngựa đến, vung đao
toan chém Phạm Hạp.
Phạm Hạp xoay ngươi đưa cán trường đao lên đỡ được, hất lưỡi
đao của Hưng ra lại nhân thế chém ngang, Hưng phải rụt người mà tránh. Cự Lang
đánh đến cổng thành đã gần đóng kín, Lang xáp lại thì Kiều Thuận ở trong lệnh
cho lính đâm thương trở ra, Cự Lang không còn cách nào, đâm bừa thương vài cái
rồi đứng nhìn cửa thành đóng lại.
Kiều Hưng thấy thế vừa mừng vừa lo, kéo cương, quát lính
đánh ra mở đường máu để chạy, quân Bộ Lĩnh vây kín, Hưng trông ra phía Bắc là
vòng vây mỏng nhất, nên kéo quân đánh về hướng ấy.
Nào ngờ đánh tới thì Nguyễn Bặc đã án ngữ sẵn từ khi nào, Bặc
cầm thương quất ngựa lao thẳng vào Hưng, Hưng vung đao toan chém, Bặc thúc ngựa
chạy nhanh hơn thoát được nhát đao ấy trong tích tắc, xoay người như chớp, dùng
thương đâm tới phía sau lưng của Hưng.
Kiều Hưng không kịp phản ứng, trúng một thương bên mạng sườn
phải, bấm bụng chịu đau, thúc ngựa chạy, lúc đó có một tráng sỹ chẳng giáp chẳng
thương, để mình trần lao về phía Hưng, dùng hai tay đẩy Hưng cả người lẫn ngựa
ngã nhào, Hưng chịu không nổi, hộc máu mà chết. Tráng sỹ ấy, chính là Đinh Điền.
Bộ Lĩnh cho lệnh rút quân, đem xác Kiều Hưng, Kiều Chấn chôn
cất đàng hoàng trước cổng thành Phong Châu Hạ, Lĩnh than:
-
Nếu không có hai ngươi thì ta lấy được Phong Châu rồi,
bây giờ chắc phải đợi hết mùa đông.
-
Cũng may, họ không phải người của Nguyễn Siêu hay Cảnh
Thạc. – Lưu Cơ nói thêm vào –
Về đến trại, Bộ Lĩnh lệnh cho Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, đến hội với
Đinh Liễn lấy thành Phong Châu Thượng mà Kiều Thuận bỏ lại, còn mình và các tướng
lại bàn nhau vây đánh Phong Châu Hạ.
Thành Phong Châu Thượng không còn chủ tướng, Lưu Cơ, Nguyễn
Bặc, Đinh Liễn đến lấy như lấy đồ trong túi, chỉ vây hơn hai ngày thì quân
trong thành ra hàng hết ráo. Được thành, cả bọn bàn với nhau đến hội quân giúp
Bộ Lĩnh phá Phong Châu Hạ, đang lúc mưu sự dang dở thì lính báo quân Lĩnh kéo về
đến.
Thì ra, Kiều Công Hãn bị mất hai mãnh tướng, từ đó thủy chung
đóng cổng thành không ra đánh, lại cho cung thủ sẵn sàng trên thành, khiến cho
quân Lĩnh vây riết mấy ngày trời mà không dám đánh vào. Cuối cùng không có cách
nào xoay chuyển tình hình Lĩnh đành kéo quân về Phong Châu Thượng.
Từ đó, cứ cách vài ngày, Lĩnh lại sai các tướng thay phiên
đem quân đến đánh, nhưng Công Hãn vẫn bền chí bền gan thủ mãi, hơn hai tháng
ròng rã, chẳng bên nào bắn ra một mũi tên, cứ quân Lĩnh kéo đến lại kéo về, còn
quân họ Kiều không mảy may muốn đánh.
Kiều Thuận nóng ruột bàn với anh:
-
Thủ mãi như vậy, chi bằng đang đêm ta mang quân tập
kích, quân Lĩnh đã hơn hai tháng chỉ đến vây rồi về chắc đã lơi là phong thủ.
-
Em chớ xem thường Bộ Lĩnh, trước đây phá quân hai thôn
Đường Nguyễn, Lĩnh còn vờ thiếu lương dụ quân hai thôn ra mà bắt trọn, lính của
Lĩnh đều có kỷ luật đâu dễ gì lơi là cảnh giác. Ta hai lần mở cổng thành là hai
lần mất tướng không thể khinh suất thêm được.
-
Chẳng lẽ đợi mãi như vậy?
-
Ta nóng ruột, quân Lĩnh cũng vậy, mùa Đông mưa dầm,
quân vây đánh càng dễ nản lòng, ta thì gan với Lĩnh thì ta ở thế thượng phong
chứ chẳng phải hạ, cầm cự được hơn hai tháng là đang thắng chẳng phải đang
thua, em vội cái gì. Giữ thành cho khéo, không quá 1 tháng nữa Lĩnh tất phải
rút, khi đó truy kích chưa muộn.
Lại nói quân Đinh Bộ Lĩnh ở Phong Châu Thượng cũng đang rối
bời, Đinh Liễn báo:
-
Quân lương lần trước bị cướp hết mà tựu kế không thành,
lương thảo do Kiều Thuận để lại chỉ đủ dùng trong một tháng nữa, với tình hình
này, không sớm phá được Phong Châu Hạ chúng ta buộc phải rút quân thôi.
-
Gần đây trời rét đậm, lại thêm mưa dầm, cứ vài ngày lại
phải đi vây đánh trong vô vọng, quân sỹ của ta đang hết sức chán nản, xin chủ
tướng cân nhắc – Cự Lang nói thêm –
Bộ Lĩnh lúc này mới trầm ngâm đáp:
-
Lần trước vây thành Thanh Oai của Cảnh Thạc cũng vào
đúng mùa đông, nhưng khi ấy ta gần Ái Châu dễ tiếp lương, lại vây đánh trong thế
nhàn chủ động, lần này đúng là tình thế khác hẳn. Nếu không có kế sách hay chắc
chắn phải rút quân thôi.
***
Muốn biết Đinh Bộ Lĩnh xử trí thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.
bài viết rất hay
ReplyDelete