Monday, July 28, 2014

MUỐN TỰ DO HÃY HỌC CÁC TÔN TRỌNG



Tự do là khát vọng ngàn đời của nhân loại, thuở hồng hoang, khi con người còn bị thiên nhiên kìm hãm, họ khát khao chinh phục để nhận thức đá, nước, gió, lửa ... các đại dương, những ngọn núi cao, những tầng mây và chiều sâu của lòng đất ... . Tiến thêm một bậc nữa, chính con người lại kìm hãm con người, kẻ mạnh áp đặt và cướp đoạt những điều hiển nhiên của kẻ yếu, chủ nô cướp quyền làm người của nô lệ, nước lớn cướp quyền tự chủ của nước yếu ... thì con người đấu tranh đòi tự do cho dân tộc, cho đất nước, đòi quyền sống, quyền làm người. Rồi khi mà chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, thời kỳ tích lũy tư bản man rợ sụp đổ, các nước thuộc địa đứng lên giành quyền độc lập tự chủ, các quyền cơ bản của con người được đảm bảo ... thì con người lại đấu tranh để có được quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí ... . Như vậy, theo thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, con người luôn muốn đi đến tận cùng và tột bậc của tự do.

Bác Hồ từng nói : "Không có gì quý hơn độc lập tự do", rồi ngay dưới quốc hiệu của mình chúng ta vấn thường viết "độc lập, tự do, hạnh phúc", rõ ràng rằng "tự do" là một điều có giá trị to lớn mà khó có gì so sánh được. Tự do là bước phát triển cao hơn của độc lập và là tiền tố của hạnh phúc, muốn tự do phải có độc lập, muốn hạnh phúc phải có tự do. Đấu tranh để có được tự do là điều chính đáng, không chỉ chính đáng mà đó được xem là lý tưởng của đời người, những con người với lý tưởng đấu tranh cho tự do đã trở nên vĩ đại, như Che, như Gandhi, Mandela, Luther King hay Bác Hồ của chúng ta.

Tuy nhiên, cũng như bất kỳ một khái niệm nào khác, tự do cũng có hai mặt, và cũng như bất kỳ mọi khái niệm khác, tự do cũng cần được đặt trong mỗi liên hệ biện chứng với những điều khác nữa. Tự do, hiểu cùng tột ngữ nghĩa là giải phóng ra khỏi các ràng buộc, nhưng trong một thế giới hữu cơ, nơi mà mọi thứ liên kết và tương tác lẫn nhau thì ràng buộc là điều không thể tránh khỏi. Tự do tương tác như thế nào, biểu hiện hai mặt tích cực, tiêu cực ra sao đối với sự phát triển xã hội là câu hỏi lớn cần được trả lời và câu hỏi quan trọng nhất là "tự do thế nào để có hạnh phúc?", vì suy cho cùng đích đến của nhân loại luôn là hạnh phúc.

Bấy lâu nay, nhiều những người ở Việt Nam như Cù Huy Hà Vũ, Bùi Hằng, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung ... thường nhân danh "đấu tranh cho tự do" để chống phá nhà nước Việt Nam bằng cách xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử và hiện tại, đó có phải là tự do đích thực? Hay như mới gần đây, sau vụ rơi máy bay thảm khốc ở Ukraine, một cuộc điều tra chưa hề được mở ra, nhưng nhiều tờ báo ở Việt Nam không biết cố tình hay vô ý mà đưa tin lại từ các hàng tin phương Tây vội vàng quy kết thủ phạm của vụ MH17 chính là quân ly khai ở Ukraine và Nga, một nhà báo khi nhận phản hồi của độc giả đã trả lời rằng đó là "tự do báo chí". Kết tội khi chưa điều tra liệu có phải là "tự do"?

Tự do là một khái niệm đậm tính nhân văn, vì vậy, tự do đích thực là khi nó thể hiện cao nhất sự văn minh. Trên cơ sở đó, tự do có thể chia làm hai loại, cũng chính là hai mặt tốt xấu của tự do, đó là "tự do hoang dại" và "tự do có văn minh". Tự do hoang dại, là thái cực của việc đặt tự do ra riêng rẽ tách biệt, ở đó tự do là không có bất kỳ ràng buộc nào, mỗi chủ thể có thể làm bất cứ điều gì, nhấn mạnh lại là bất cứ điều gì, kể cả giết người, buôn ma túy, trong đó xuyên tạc, bóp méo sự thật dĩ nhiên cũng là "tự do". Ngược lại, tự do có văn minh là tự do được đặt trong mối liên hệ biện chứng với tất cả các chủ thể, ở đó tự do được xây dựng trên cơ sở sự tôn trọng, xã hội tôn trọng tự do cá nhân, cá nhân tôn trọng cá nhân khác, tôn trọng xã hội và con người phải tôn trọng thiên nhiên. Hay nói một cách công thức thì "tự do có văn minh" nghĩa là lợi ích chính đáng của bạn cần được đảm bảo và bạn có một phần trách nhiệm để đảm bảo lợi ích chính đáng của người khác, bạn có quyền tự do nêu lên chính kiến của mình và bạn phải tôn trọng quyền nêu lên chính kiến của người khác, bạn có quyền theo hoặc không theo tôn giáo này và bạn phải tôn trọng quyền theo hay không theo tôn giáo khác của người khác ...

Văn minh nhân loại phát triển ở mức cao nhất, chính là khi sự tôn trọng được biểu hiện rõ nét nhất, ngay chính việc đấu tranh cho tự do cũng chính là đấu tranh để có được sự tôn trọng, việc đó diễn ra xuyên suốt lịch sử nhân loại, con người đấu tranh để các quyền của mình được tôn trọng, đấu tranh để các lợi ích chính đáng của mình được tôn trọng, đấu tranh để các đạo lý được tôn trọng, để sự thật được tôn trọng. Như vậy, sẽ thật là "phản tự do" nếu bạn đòi hỏi người khác tôn trọng tự do của bạn nhưng bạn lại xâm hại tự do, lợi ích chính đáng của người khác, xâm hại lợi ích cộng đồng, dân tộc, đất nước ... . Bởi vì tôn trọng là sự tương tác hai chiều, nếu chỉ có một chiều nó sẽ tạo ra sự khiên cưỡng, khi một cá nhân, một thế lực đòi hỏi được tôn trọng nhưng lại xâm hại lợi ích của người khác, những người bị xâm hại dĩ nhiên đã bị mất một phần sự tư do, đó chính là sự khiên cưỡng. Nhân loại đã vật lộn rất lâu với sự khiên cưỡng đó và sẽ còn phải vật lộn rất lâu nữa nếu con người cứ hướng về tự do mà không học được sự tôn trọng.

Ngày nay, khi thiên nhiên, môi trường bắt đầu lên tiếng sau hàng thế kỷ bị con người tra tấn thì hàng ngàn các cuộc hội nghị, hội thảo, chương trình, chiến dịch đã được triển khai để dạy cho con người cách tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng môi trường. Đó là biểu hiện của tự do có văn minh, bởi con người có liên hệ không thể tách rời với tự nhiên nên con người không thể tự do khai thác hủy hoại thiên nhiên một cách "hoang dại" như thể tự nhiên sinh ra là để phục vụ con người, mà ngược lại con người phải cùng chung sống, có khai thác phải có làm xanh sạch đẹp ... . Cá nhân đối với xã hội cũng vậy, cần có sự tôn trọng hai chiều, tự do cá nhân được đảm bảo thì cá nhân phải góp mình vào lợi ích cộng đồng, tôn trọng các giá trị nhân văn như sự thật, các đạo lý ...

Việc nhiều người nhân danh "đấu tranh cho tự do", hô hào "tự do ngôn luận" hay "tự do, dân chủ, nhân quyền" ... nhưng khi hành động lại thường dùng những thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt, hoặc đòi hòi các quyền một cách vô lối, thực chất là việc làm "phản tự do". Điển hình như chuyện một cô sinh viên theo lời dụ dỗ của bọn xấu đi rải truyền đơn có nội dung chống phá nhà nước, được những nhà “đấu tranh tự do” tôn vinh làm “anh thư, liệt nữ” mấy năm trước. Nhà nước là một chủ thể trong xã hội, được pháp luật bảo hộ, có những lợi ích chính đáng cần được tôn trọng và bảo vệ, việc xúi giục, cổ súy hay có những hành động chống phá nhà nước không thể được xem là một trong các quyền tự do được, lại càng không thể nhân danh “đấu tranh tự do”. Sự “phản tự do” ấy được phản ánh sinh động và rõ nét, khi một số phần tử, với hành trang “Tuyên bố 258”, hết đến đại sứ quán Thụy Sỹ rồi lại đi qua tận Thụy Sỹ để vu cáo chính quyền, họ kêu gọi Thụy Sỹ gây áp lực để buộc cơ quan lập pháp Việt Nam bỏ điều 258 ra khỏi bộ luật hình sự. Trước hết, trên tinh thần tự do, tôn trọng lẫn nhau thì không nước nào được quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước nào cả, hiến chương Liên Hợp Quốc ghi rõ điều đó, việc công dân nước này, kêu gọi nước khác can thiệp vào nước mình là điều không thể chấp nhận được. Thêm vào đó, điều 258 của bộ luật hình sự, là một điều luật hết sức văn minh, được xây dưng trên nguyên tắc vàng của sự tôn trọng, hầu hết các nước trên thế giới đều có những điều luật tương tự, đáng kể nhất là ở Mỹ và Đức là hai nước có nền lập pháp tiên tiến nhất.

Rồi việc, một số cộng đồng tôn giáo, lợi dụng quyền tự do tôn giáo, lợi dụng sức ép tôn giáo, lợi dụng sự mềm mỏng của nhà nước trong vấn đề tôn giáo, mà từ việc đòi đất vô lối, đến có hành vi làm loạn, xúi dục làm loạn, điều đó không chỉ đi ngược lại những điều răn của kinh sách mà cũng đi ngược lại tinh thần tự do vậy. Điểm qua các vụ nổi cộm như vụ của giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội, hay giáo xứ Nghi Lộc trong thời gian qua, điểm chung đều cho thấy họ hành xử trên tinh thần bất chấp thay vì tôn trọng lẫn nhau. Họ đòi đất (cho Vatican), phần đất mà họ cho rằng trong lịch sử chính quyền cai trị của thực dân Pháp đã chia cho họ, nếu nói về lịch sử thì xa xưa nữa, những phần đất ấy đều có chủ khác, huống chi ở Việt Nam đất đai là sở hữu của dân Việt Nam làm gì có đất nào của Vatican, làm gì có đất nào hợp pháp vì được chính quyền cai trị của thực dân xâm lược chia cho.

Gần đây một số nhà báo đòi hỏi "tự do báo chí" nhưng trong công tác đưa tin lại thiếu trách nhiệm, khẳng định khi chưa thể khẳng định, nói hai, ba trong khi sự thật là một, viết B, C trong khi điều cần thiết là A, thì thực chất cũng là việc làm "phản tự do" vậy. Mới đây thôi khi một nhà báo Nga - Dmitri Kosyrev - có bài "Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo” đăng trên trang điện tử RIA Novosti ngày 19/5/2014, đã gây phẫn nộ trong dư luận ở VN, Nga & những hệ lụy về ngoại giao như thế nào chúng ta đều biết, đó là bài học nhãn tiền về việc không tôn trọng sự thật. Việc các nhà báo và các trang mạng đua nhau đưa tin (dịch từ báo phương Tây) về vụ việc của máy bay MH17 trong đó cố tình quy tội cho Nga và quân ly khai ở Ukraine khi mà chưa có một cuộc điều tra nào được mở, chưa có một kết luận điều tra nào được đưa ra, thì không thể gọi là tôn trọng sự thật được, kết tội khi chưa thể kết tội không thể gọi là tự do báo chí được.

Tự do là một khái niệm đẹp, việc lấy những điều tốt đẹp để làm lá chắn cho những điều xằng bậy vốn là thủ thuật không còn mới mẻ gì, thậm chí quá cũ mòn, và thường thì cuối cùng nó cũng chẳng mang lại kết quả gì cả. Tự do, tự do báo chí, là những điều chính đáng, thực hiện nó một cách đàng hoàng chính là con đường ngắn nhất để có được nó, đi đường vòng với những điều xằng bậy chỉ làm bạn xa rời hơn những điều bạn muốn, những ý niệm tốt đẹp mà bạn gieo trồng. Muốn tự do hãy học cách tôn trọng.

1 comment:

  1. báo chí đã viết và đăng bài thì phải chuẩn mới nhiều người muốn xem

    ReplyDelete