Thursday, July 3, 2014

KHI NÀO VIỆT NAM MỚI GIÀNH LẠI ĐƯỢC HOÀNG SA?

Câu hỏi "khi nào Việt Nam giành lại được Hoàng Sa?" đã xuất hiện nhiều trên báo, tuy nhiên câu trả lời thì theo tôi vẫn còn chung chung và chưa thỏa đáng. Nếu được hỏi một câu tương tự, tôi sẽ đáp: Khi có cơ hội!

Giành lại chủ quyền là câu chuyện của ngoại giao, pháp lý và cả quân sự nữa, ngoại giao thì có cơ hội ngoại giao, pháp lý có cơ hội pháp lý, quân sự có cơ hội quân sự. Quan trọng là trong bối cảnh hiện tại và xu hướng vân động tương lai thì  khi nào cơ hội đến và cơ hội nào đến trước, cơ hội nào sẽ đến sau.

Cơ hội ngoại giao thì chúng ta đã có rồi, chúng ta đã biết Hoàng Sa và vùng biển đệm quanh Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc sau cuộc đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam Công Hòa năm 1965 và 1974, đến bây giờ tức tròn và hơn 40 năm.

Từ đó đến này, ta chưa đủ thế và chưa có cơ hội để khơi lại câu chuyện Hoàng Sa, câu chuyện ấy tưởng như sẽ là "cứt trâu để lâu hóa bùn", nhưng nó lại chỉ là con gấu ngủ đông mà thôi. Con gấu ấy, đã được chính Trung Quốc đánh thức khi họ ngang ngược trong vụ HD981, và ta dĩ nhiên không thể từ chối cơ hội ấy mà mượn nước đẩy thuyền, làm cho câu chuyện bùng nổ.

Đó là trong cái nguy lại có cái cơ. Ta đã không sợ hãi, và ta đã nhìn thấy được cái cơ ấy. Tôi thích cái cách mà ta thực hiện việc "nhảy đầm trên thực địa" với Trung Quốc, để rồi các buổi họp báo được mở ra, phóng viên quốc tế được theo tàu ra quan sát, câu chuyện được gửi tới cho cả thế giới.

Tôi thích cái cách mà ta đưa vấn đề biển Đông ra tất cả các hội nghi quốc tế mà mình tham gia, tố cáo Trung Quốc với những bằng chứng thép (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hội nghi thượng đỉnh Asean) rồi lại dịu giọng khi chính nghĩa đã thuộc về mình chừa phần ngang ngược cho Trung Quốc (Đại tướng Phung Quang Thanh, Đối thoại Shangri-La 13).

Để rồi giờ đây, thế giới ghi nhận việc các tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiệm vụ của mình ở vùng biển gần Hoàng Sa là lẽ hiển nhiên không chối cãi. Vùng tối Hoang Sa ngày càng được soi tỏ.

Cơ hội ngoại giao ở đây không phải là cơ hội đàm phán, đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa, bởi  nói chuyện với Trung Quốc, ta đã làm, nếu điều đó mà có kết quả thì ta đã chẳng cần chờ cơ hội hôm nay. Ngoại giao không chỉ bó hẹp ở những cuộc đàm phán, dàn xếp, thương lượng giữa những người đại diện cho một nhóm hay một quốc gia mà cần được hiểu rộng là việc sử dụng tài xử trí, ứng biến để giành được sự thuận lợi, nó là một công cụ tạo ra cách diễn đạt các tuyên bố một cách không đối đầu.

Đối tượng ngoại giao của chúng ta trong câu chuyện Hoàng Sa là Trung Quốc, dĩ nhiên thế, nhưng bây giờ đối tượng khác quan trọng hơn đó là bên thứ ba, rộng thì là cộng đồng quốc tế, thiết thực thì là với các nước có vai trò liên quan, cơ hội ở đây là cơ hội để truyền thông với cộng đồng quốc tế, là cơ hội để đặt vấn đề kêu gọi sự ủng hộ và chia sẻ lợi ích với các nước.

Về ngoại giao theo tôi thấy, thời gian qua ta đã nắm bắt triệt để cơ hội mình có và có những bước đi đúng đắn. Muốn giành lại cái gì đó, thường vẫn gồm ba bước: tuyên bố (nó là của tôi), lý lẽ (chứng minh nó là của tôi) và giành lại (dùng vũ lực nếu còn ngoan cố), chúng ta đã thực hiện bước đầu một cách rất trọn vẹn.

Cũng phải nói trước là biện chứng giữa ngoại giao, pháp lý và quân sự là tương hỗ lẫn nhau, luôn và phải có sự kết hợp động thời, tuy nhiên trong từng giai đoạn thì mỗi biện pháp lại giữ vai trò chủ đạo, các biện pháp còn lại có nhiệm vụ hỗ trợ. Vì thế bài viết này trình bày theo từng giai đoạn theo trình tự thời gian.

Pháp lý trong thời gian qua đã là một "quân bài lật ngửa" trên bàn ngoại giao, sức mạnh của quân Át này là lẽ phải và chính nghĩa, nhờ sức mạnh đó phần nào trợ oai được cho các lá bài khác đã đánh ra, việc ta bày công khai các bằng chứng, rồi tuyên bố "cân nhắc" kiện ra tòa quốc tế cho đến rục rịch các thủ tục kiện tụng chính đã làm cho "quân bài lật ngửa" ấy thập phần lợi hại.

Nếu truyền thông đủ mạnh, tức công khai được rộng rãi các bằng chứng lý lẽ và tính đanh thép của nó thì với phiên tòa dư luận ta cũng có được lẽ phải và chính nghĩa nhưng cuối cùng một phán quyết rạch ròi cũng phải đưa ra, bởi pháp lý cần những cơ sở thực tiễn, vì vậy vẫn phải kiện với một phiên tòa chính thức.

Cơ hội thưa kiện sẽ đến khi hội đủ ba điều kiện thứ nhất là khi truyền thông lên đến cao trào của nó, thứ hai là khi đủ tự tin với các bằng chứng của mình có ta có thể thắng chắc trong một phiên tòa công bằng, thứ ba là các hoạt động ngoại giao nhận được những sự ủng hộ đủ để giữ phiên tòa được công bằng.

Không phải muốn kiện là kiện, nhưng theo sự quan sát của tôi thì cơ hội chín muồi không còn xa nữa, dĩ nhiên là cũng chỉ nhìn hiện tượng đoán bản chất, nhìn hình thức đoán nội dung thôi vì tôi không chung mâm với bộ chính trị. Một khi đã tuyên bố "không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viễn vông" thì trong tay ắt hẳn đã có một vài tấc sắt bén nhọn rồi.

Một khi đã kiện rồi thì phải chờ, chờ cơ hội quân sự. Chúng ta biết, ngoại giao đơn thuần không bao giờ mang lại kết quả cuối cùng nếu một bên không có thiện chí, còn luật quốc tế nói chung là chỉ có chế định không có chế tài, Trung Quốc thì chưa chắc đã chịu lên tòa chứ chưa nói đến sẽ trao trả nếu có phán quyết.

Tôn Tử nói: Chiến tranh là đại sự của quốc gia, quan hệ tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước, không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ. Chiến tranh là điều cực chẳng đã, nhưng chủ quyền thì không thể nhân nhượng, trước sau gì cũng phải dùng tới quân sự để giành Hoàng Sa nhưng phải tính toán kỹ lưỡng, chờ đợi cơ hội.

 Tôn Tử lại có nói: Trước kia người giỏi dụng binh đánh giặc, trước tiên phải không để bại, sau mới đánh bại kẻ địch. không để bại là do mình, giành chiên thắng là tại địch. Thế nên người giỏi dụng binh có thể làm kẻ địch không thắng được mình, nhưng không chắc làm kẻ địch bị ta đánh thắng. Cho nên nói thắng lợi có thể dự kiến nhưng không nhất thiết đòi hỏi được (tối nghĩa quá:"thắng khả tri,i nhi bất khả vi") không thể thắng được thì thủ, có thể thắng được thì công. Thủ là do chưa đủ điều kiện, công là khi điều kiện có thừa.

Tôn Tử vốn người Trung Quốc, trích lời Tôn Tử chẳng phải bởi chúng ta không nghĩ ra được cái gì hay, chẳng phải có ý lấy gậy ông đạp lưng ông mà bởi những phát biểu của ông vượt ra khỏi ranh giới một quốc gia, nó được xem là tài sản chung của nhân loại.

Cứ theo đó mà làm, chưa đủ điều kiện thì thủ, chúng ta tích lũy sức mạnh quân sự của mình và cơ hội tiến quân sẽ đến khi tương quan cho thấy ta có thể chiếm lại và đặc biệt là có thể giữ được. Nếu 2 bước đi đầu tiên của chúng ta (ngoại giao, pháp lý) cho kết quả khả quan thì việc chờ đợi của chúng ta sẽ không mất mát gì ngoài thời gian, bởi khi đó việc ta chiếm lại Hoàng Sa không còn phụ thuộc về mặt thời điểm nữa, lúc nào ta cũng năm lẽ phải và chính nghĩa trong tay không phải e sợ để lâu phân trâu hóa bùn nữa.

Thế giới đầy biến động, cơ hội chắc chắn sẽ đến, mâu thuẫn nội tại trong lòng Trung Quốc không phải là loại mâu thuẫn có thể dung hòa, nền kinh tế móng yếu tường to không bền được mãi, Trung Quốc trỗi dậy không phải là mang hòa bình như họ nói và các nước khác  cũng không cả tin như vậy. Chúng ta cũng có thể tự thay đổi cục diện khi mạnh lên mỗi ngày.

Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, soi lại lịch sử Trung Quốc, điểm yếu của họ không phải là mấy thứ linh tinh mà các ông giáo sư tiến sỹ hay phân tích như "không có đạo lý lẫn pháp lý", "sợ Việt Nam", "Hải quân TQ lộ điểm yếu ..." ... vân vân ...

Nếu có giao tranh, một vài điểm có thể kể đến là tinh thần chiến đấu dưới sự tác động của chính sách "mỗi gia đình một con", kinh nghiệm chiến đấu khi quân đội Trung Quốc đã hơn 60 năm chưa đánh đấm gì (ngoại trừ chiến tranh biên giời V-T 1979), tầm tác chiến ...

Còn nói về cơ hội, chúng ta biết Trung Quốc là đất nước có rất rất nhiều cuộc nội chiến trong lịch sử, Trung Quốc cũng là nước chứng kiến rất nhiều cuộc thịnh suy của chính mình, hiện tại, những mâu thuẫn không thể dung hòa, những vết nứt trên móng nền kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo ... Lịch sử dường như là những vòng xoắn ốc.

Cũng trong lịch sử, đối chiếu sử Việt Nam và Trung Quốc ta thấy sõ sự thịnh suy tác động lẫn nhau rất nhiều. Ngô Quyền nhân loạn Ngũ Đại Thập Quốc mà giành lại chủ quyền, Lê Đại Hành được thế mạnh mà quấy phá biên cương người hòng giữ biên cương của mình, Lý Thường Kiệt nhân triều Tống hủ hoại mà chẳng giữ sự e dè ...

Luận nhiều thì kết là "vẫn phải chờ" nhưng "chờ cơ hội" thì khác với "chờ một ngày nào đó". Chờ đợi có phương hướng khác với chờ đợi vô phương khơi khơi.

1 comment:

  1. Hoàng Sa là của Việt Nam và chúng ta quyết tâm phải bảo vệ chủ quyền

    ReplyDelete