Friday, October 18, 2013

Đừng cầu Phật !

Cầu Phật ở đây có 2: Thứ nhất là nhiều người tìm đến Phật để cầu danh, lợi, duyên (chồng vợ), tự (con), an,  xem ngày tháng, xin quẻ ... vân vân và vân vân. Thứ 2 là việc nhiều người tu cầu Phật để mình được đắc quả vị trong sự tu tập.

Nói ĐỪNG cả hai món ấy bởi cả 2 đều là mê, là vô minh không đúng tinh thần Đạo Phật.

Quay trở về lịch sử, Việt Nam tuy có tông phái Đạo Phật riêng, nhưng trước đó có là nhờ ngoại truyền. Người Ấn Độ theo đường biển truyền đạo trước tiên, thời kỳ này, người Việt gọi Phật là Bụt (nói trại từ tiếng Budda), người Việt lúc ấy quán Bụt như một vị tiên, tâm từ thường giúp người bất hạnh, nghèo khổ, Bụt xuất hiện trong nhiều chuyện cổ tích như Tấm Cám ...

Sau đó, thời Trần, người Trung Quốc qua miền Bắc Việt Nam truyền đạo, Budda trong tiếng Hoa đọc là Phất người Việt đọc trại đi thành Phật. Ban đầu người ta dùng cả tiếng Bụt lẫn Phật, bây giờ chỉ còn dùng tiếng Phật.

Về chiều dọc, Đạo Phật tồn tại đã hơn 2500 năm, về chiều rộng thì có nhiều tông phái nhưng chung nhất là Nam Tông và Bắc Tông hay còn gọi là Tiểu Thừa, Đại Thừa, tuy nhiên nói Đại, Tiểu là chấp lớn nhỏ, trọng khinh nên thời nay đổi thành hệ Nguyên Thủy và hệ Phát Triển.

Hệ Nguyên Thủy trên tinh thần quay về hay chấp vào nguyên bản lúc khởi đầu của Phật Giáo, hệ Phát Triển trên tinh thần tùy duyên, nên khi truyền giáo tùy chổ mà dung hòa cả tín ngưỡng địa phương vào chùa. Lại nữa, thêm vào phần tác động của những biến đổi lịch sử dân tộc mà Đạo Phật bị phiên nhiễm nhiều tín ngưỡng khác nhau, phần nào đánh mất cái thuần túy của Đạo Phật.

 Để ý thấy nhiều ngôi chua ở Việt Nam hiện nay thờ cả Quan Công, Mẫu, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu ..., lại nữa, người tới chùa thường là để cầu danh, lợi, tài, thọ, sức, tự, an, xem ngày, xin xăm ... như đã nói, đó phần nhiều bởi sự phiên nhiễm của những tín ngưỡng khác vào Phật Giáo, chổ truyền đạo không đúng tinh thần thuần túy Đạo Phật và cũng bởi chổ mê tín, chổ chưa hiểu thấu đáo Đạo Phật của người đời.

Trước hết, Budda tiếng Ấn nghĩa là giác ngộ, Đạo Phật ấy là đạo giác ngộ, đã là đạo giác ngộ tất nhiên không chấp nhận bất cứ một niềm tin sai lầm, sai lẽ thật nào.

Người Phật Tử tại gia hay người xuất gia, trước đều đã quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), đã quy y Phật, Pháp, Tăng tất nhiên không thờ và không quy y nơi thần thánh tà, ngoại nào khác. Đó là chổ thứ nhất.

Tâm Phật là Tâm Đại Bi, thế nào là Đại Bi phải hiểu cho thấu triệt, Phật trước vì thấu căn cơ chúng sanh có chổ sai khác mà bày phương tiện có thứ lớp để giáo hóa chúng sanh, trong số hàng ngàn pháp môn có pháp Bố Thí.

Bố Thí gồm Tài Thí (của cải, sức lực), Pháp Thí (chia sẻ chánh Pháp), Vô úy thí (mang lại sự không sợ hãi),  Bố Thí là phương tiện để người tu thực hành buông xả, phát tâm bồ đề, tuy nhiên Bố Thí chỉ là bề nổi của Đại Bi.

Đại Bi nơi Phật là lòng thương bình đẳng tất thảy chúng sanh, Phật không thương chúng sanh vì nghèo, vì bất hạnh, vì gặp khổ nạn, bởi Ngài thấu rõ những cái đó đều do nghiệp dẫn, Phật thương chúng sanh vì cái vô minh của chúng sanh, vì vậy mà bày phương tiện giáo hóa phổ độ, chỉ cho con đường giác ngộ. Cái thương bình đẳng, giàu cũng như nghèo, nam cũng như nữ ấy là bởi chúng sanh đều vô minh, bởi chúng sanh đều có Phật Tánh mà lãng quên nó. Vì vậy, tìm đến Phật, Pháp, Tăng để tiến tu cầu giải thoát, giác ngộ thì mới đúng tinh thần Đạo Phật. Đây là chổ thứ 2.

Phật tuyệt đối không phải là đấng Tối Cao có quyền sinh sát, tạo diệt trong tay, Phật đơn giản là người Giác Ngộ thấu triệt nhân sinh. Khi Ngài thiền 49 ngay dưới cội Bồ Đề mà chứng đạo, chứng được Lục Thông (Lục thần thông) nhưng thần thông này thuộc về cái hiểu biết, chứ chẳng thuộc về phép thuật, biến hóa như Tề Thiên trong phim.

Từ Thiên Nhãn thông, Túc Mạng thông, ..., Lậu Tận Thông đều là những cái thông suốt của trí tuệ, ví như nhờ có Thiên Nhãn thông mà Phật biết được trong nước có vi trùng (điều mà vài ngàn năm sau khoa học mới  chứng thực), biết được thân người cấu thành từ tế bào, biết được vũ trụ bao la có nhiều hành tinh với hình thể khác nhau (điều mà đến thời cận đại gần đây chúng ta mới biết) ... . Vì Phật chẳng phải kiểu thần thánh, chúa như chúng ta hiểu, nên đừng cầu Phật dùng phép biến hóa giúp đỡ. Đây là chổ thứ 3.

Giáo lý Phật Giáo có 3, ấy là Kinh, Luật, Luận (gọi là Tam Tạng) thảy hết đều là phương tiện Đức Phật bày ra để chỉ cho chúng sanh con đường Giải Thoát, vì vậy đọc Kinh phải biết rằng Kinh là phương tiện, chổ cứu kính cùng tột của Kinh là giác ngộ, giải thoát, chưa hiểu đến lớp nghĩa ấy là chưa hiểu Kinh.

Có nhiều người đọc Kinh Vô Lượng Thọ, cứ hiểu rằng niệm danh Phật Di Đà được công đức vô lượng thời khi chết được Phật Di Đà dẫn về cõi Tịnh Độ Cực Lạc, vì hiểu thế mà khi chết thời cầu siêu rình rang, hiểu thế chưa đúng, Phật dạy niệm Phật, ấy là để khi thiền niệm Phật người tu được nhiếp tâm, mà nhiếp tâm thì vong tưởng tiêu tan, vong tưởng tiêu tan thời thấy được Chân Tâm (Phật Tánh), đắc quả Phật, lúc đấy tự khắc nhập Niết Bàn chẳng cần Phật nào dẫn.

Hay như nhiều người đọc phẩm Phổ Môn thuộc Kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên Hoa), thấy có những đoạn như :


Giả sử sinh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Do sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao

Hoặc trôi dạt biển lớn
Các nạn quỉ, cá, rồng
Do sức niệm Quán Âm
Sóng mòi chẳng chìm được

Hoặc ở chót Tu Di
Bị người xô rớt xuống
Do sức niệm Quán Âm
Như mặt nhật treo không

Hoặc bị người dữ rượt
Rớt xuống núi Kim Cang
Do sức niệm Quán Âm
Chẳng tổn đến mảy lông

Liền chấp rằng Bồ Tát Quán Âm thường cứu khổ cứu nạn, nên thường tìm đến Ngài để cầu an, đầu năm hằng thường tổ chức đội sớ cầu an nườm nượp,  cái hiểu này chưa cùng tột, chưa đến chổ cứu kính cuối cùng.

 Quán Âm Bồ Tát ở đây đại diện cho cái nghe biết của nhĩ căn (tai), trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy  Chân Tâm là "nhất tinh minh sinh lục hòa hợp", Chân Tâm thời như ngọn đèn trong nhà, sáu căn thời như sáu cửa, chúng minh vô minh vì đứng ở cửa trông ra nên không thấy Chân Tâm chỉ thấy cái hư giả, có câu "hối đầu thị ngạn" (quay đầu là bờ) là vì thế, nay đứng ở cửa trông vào ắt thấy Chân Tâm, nhĩ căn là cửa vậy, nghe biết mà không chấp Tiếng, không để vọng tưởng trỗi dậy là thấy Chân Tâm, không nghi.

Đọc Kinh, hiểu đến chổ cùng tột, hành đúng Pháp ấy mới đúng lời Phật dạy, đây là chổ thứ 3.

Lại nữa, chúng sinh vô minh vì sao? Vì chẳng biết Nhân Quả Luân Hồi mà tạo nghiệp, nghiệp nối nghiệp triền miên. Vì chẳng biết Cảnh, Thân, Tâm là vô thường, mà sinh tham sân si, chẳng biết vạn pháp do duyên hợp mà thành, là giả có mà sinh Ái Ngã ...

Phật quán biết, chúng sinh khổ vì nghiệp dẫn mà trôi lăn trong lục đạo luân hồi, sinh lão bệnh tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội, vì chấp ngũ dục danh, tài, sắc, thực, thùy là vui là sướng mà không biết vui đấy khổ liền đấy, vui ấy giả có, từ đó Ngài phát tâm tư bi tìm đạo giải thoát, bày phương tiện giáo hóa.

Vậy chúng sanh cầu danh, cầu lợi, cầu sắc, cầu thọ ... Phật toại nguyện cho chăng ? Đây là chổ thứ 4.

Cuối cùng, nhiều người tu mà lại cầu Phật ở nơi đâu xa tắp, Chân Tâm nơi mình thì cầu ở nơi nào ? Phật nói : Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, ấy nghĩa là mọi chúng sanh đều có Phật Tánh, nó thường hằng trong chúng ta, chỉ vì chúng ta quên đi chạy theo vọng tưởng hư dối mà thôi.

Có chuyện rằng, một cư sĩ hỏi Thiền sư : Phật ở đâu ? Sư đáp: như người cỡi trâu đi tìm trâu. Người đang cỡi trâu mà đi tìm trâu, dại quá. Nhà Thiền có câu : Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, tức : chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, ý đều đồng như thế.

Vì các chổ như thế, nói gộp : Đừng cầu Phật !


1 comment: