Sunday, October 20, 2013

Nam Việt - Triệu Đà, đôi chổ nhìn nhận.

Lâu nay, việc thống nhất cách nhìn nhận về vai trò của Triệu Đà trong lịch sử Việt Nam ta, có nhiều tranh cãi,  tựu chung có 2 quan điểm lớn nhưng lại đối lập nhau, một cho Triệu Đà (Triệu Vũ Vương, Nam Việt Vương, Nam Việt Vũ Đế) và nước Nam Việt là một triều đại nước ta, một lại cho rằng, Triệu Đà đơn thuần chỉ là một kẻ xâm lược đến từ phương Bắc.

Quan sát thấy, những người theo quan điểm thứ nhất thường lấy cứ liệu là từ Triệu trong câu cáo thuộc Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi : "Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời dựng nền độc lâp/ Cùng Hàn Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương." coi Triệu được nhắc đến là Triệu Đà làm cơ sở cho quan điểm của mình. 

Nay, trong câu cáo trên có nhận xét rằng:

1. Nhà Đinh của nước ta được đối với nhà Đường của Trung Quốc, nhưng Đường tàn năm 904 còn  Đinh 974 mới lập vì vậy rõ ràng ở đây logic về mặt thời gian không phải là chuẩn mực. 

2. Từ Triệu được nhắc đến, xét trong lịch sử nước ta, có thể có 3 khả năng, hoặc Triệu Đà, hoặc Triệu Thị Trinh, hoặc Triệu Quang Phục.

Áp dụng nhận xét thứ nhất vào nhận xét thứ 2, chúng ta cần thống nhất rằng không thể dùng so sánh tương đối về mặt thời gian để gạt bỏ Triệu Thị Trinh và Triệu Quang Phục được.

Sau đây xin dẫn một số cột mốc thời gian đáng chú ý : 

Năm 221 trCN, nhà Tần thống nhất TQ - Nước ta lúc này đang là thời kỳ cuối của triều đại Văn Lang và đầu Âu Lạc. (Nhà Tần có xâm lược nước ta 6 năm, từ 214-208 trCN, Âu lạc tồn tại gần 30 năm, từ 208-179 TrCN, Văn Lang tồn tại khoảng 500 năm (?), từ cuối TK VII- trCN đến 208 TrCN)

Năm 210, Tần Thủy Hoàng chết, TQ mỗi nơi tự xưng vương, phía Nam là Triệu Đà và Nhâm Ngao. Lúc này bên TQ xuất hiện cuộc tranh giành quyền lực giữa Lưu Bang (ông tổ nhà Hán) và Hạng Vũ (truyện Hán - Sở tranh hùng viết về việc này). Năm 206 TrCN, nhà Tần mất, nhưng cuộc giành quyền lực giữa Hán-Sở và các Vương vẫn diễn ra. 

Sau đó, nhà Hán thống nhất TQ và truyền ngôi khoảng 430 năm (khoảng từ 190 tr CN đến 220 sau CN). Lúc này nhà Hán công nhận Triệu Đà là Nam Việt Vũ Vương nhưng bắt phải quy phục. 

Trong khi đó, vào năm 179 trCN (hoặc 208) thì nước ta bị  quân Triệu Đà chiếm đánh(tương ứng với việc An Dương Vương thua trận ở Cổ Loa thành). 

Trong thời Đại Hán, vào năm 111 trCN, nhà Hán đánh thắng triều đình Nam Việt của Triệu Đà lập. Nước ta lúc này thuộc Nam Việt của  Triệu Đà thành thuộc địa của nhà Hán. 

Năm 40, khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là chống lại nhà Hán (con cháu của Lưu Bang) . Đến khoảng năm 220-226, nhà Hán tàn, cục diện Tam Quốc (xem Tam quốc diễn nghĩa). 

Lúc này thì nước ta trở thành thuộc địa của Ngô (Tôn Quyền) Khởi nghĩa của bà Triệu năm 248 là chống quân Ngô. (nhưng danh nghĩa thiên hạ vẫn là của nhà Hán cho đến khi vua Hiến Đế bị Tào Phi truất ngôi, khoảng năm 250-260) 

Đến năm 280 thì cuộc chiến Tam Quốc chấm dứt bởi Tư Mã Viêm (cháu Tư Mã Ý), Tư Mã Viêm diệt nhà Hán (Lưu Thiện - con Lưu Bị) và nhà Ngô (Tôn Hạo - cháu Tôn Quyền) thống nhất TQ, lập ra nhà Tấn. Nước ta từ thuộc địa nhà Ngô trở thành thuộc địa của Tấn. 

Đến khoảng năm 420, nhà Tấn suy, bên TQ xảy ra chiến tranh Nam-Bắc, nước ta lần lượt bị đô hộ bởi các triều đại: Tống, Tề, Lương, Trần, khoảng 170 năm (420-589), đến năm 589, nhà Tùy lên thay nhà Trần và kéo dài gần 40 năm (đến năm 628).

Cuộc khởi nghĩa của Lý Bí năm 542-544 là chống quân Lương .Khởi nghĩa của Triệu Quang Phục (từ năm 548-571) cũng là chống quân Lương (lập nước Vạn Xuân, xưng là Dã Trạch Vương)

Lại xét : 

Triệu Quang Phục thống nhất được đất nước, giành được độc lập, vào năm 548-571, cách nhà Đại Hán khoảng 300 năm (Đại Hán 190 trCN-220, 250)

Triệu Thị Trinh thì khởi nghĩa năm 248 lúc đó là cục diện Tam quốc và Triệu Thị Trinh chống quân Ngô (Ngụy-Tào Tháo, Hán -Lưu Bị và Ngô-Tôn Quyền), nhưng về lý thuyết thì thời điểm này Hiến Đế là con cháu của Lưu Bang vẫn đang làm vua (người này gọi Lưu Bị bằng Hoàng Thúc và người này đang bị Tào Tháo thao túng).

Triệu Đà lập Nam Việt (gồm Quảng Đông, Quảng Tây và đất Âu Lạc (kéo dài đến Hoàng Sơn, Hà Tĩnh)) khoảng năm 203 -204, về mặt thời gian thì tồn tại song song với Nhà Hán, tuy nhiên có 2 lần quy phục nhà Hán (đời Hán Tổ và đời Hán Văn) và cuối cùng bị Hán chiếm năm 111. 

Như vậy để thỏa mãn ý "dựng nền độc lập" thì thật khó phân định Triệu được nhắc đến là Triệu nào. Phân tích như thế để thấy rằng dựa trên câu cáo trích trong Bình Ngô Đại Cáo và kết luận Triệu được nhắc đến là Triệu Đà chỉ là võ đoán. 

Bình Ngô Đại Cáo chỉ là một trong số nhiều cứ liệu mà 2 bên viện dẫn để củng cố quan điểm của mình, lại xét rằng:

1. Sử liệu do người xưa chép, tuy đều là những người có uy tín, nhưng từ lúc nước Nam Việt tồn tại đến lúc chép lại sử là khoảng thời gia khá dài, và trong khoảng thời gian đó nước ta lại liên tục bị đô hộ đồng hóa, nên độ tin cậy của sử liệu ấy (dù theo quan điểm nào) cũng không thể nói là đáng tin cậy 100%

2. Chỉ viện dẫn sử liệu chép lại ấy, mà không đi thẳng vào bản chất vấn đề e rằng sẽ có nhiều thiếu sót trong việc đưa ra nhận định.

Vì vậy, những kiến giải sau đây xin mạn phép được thử đi thẳng vào bản chất vấn đề mà tạm bỏ qua các quan điểm lịch sử đời sau. 

Nếu nói Triệu Đà và Nam Việt là một triều đại của Việt Nam, trước hết ta phải định nghĩa một cách rõ ràng thế nào là một triều đại (phong kiến) của một dân tộc mới có thể kết luận. Tạm đưa ra đây các tiêu chí, sau đó sẽ đi vào phân tích từng tiêu chí một :

- Triều đại ấy, hoặc được lập ra vì nhu cầu của dân tộc ấy (dẹp loạn các phe phái mang lại thịnh trị lập nên triều đại, nước không vua đứng ra làm vua lập nên triều đại để dẫn dắt dân chúng, nước bị xâm lăng đứng ra lãnh đạo chống ngoại xâm sau đó lập triều đại, phế triều đại hủ bại trước đó lập triều đại mới) hoặc kế thừa một cách danh chính, ngôn thuận triều đại trước đó của dân tộc ấy.

- Kinh đô của triều đại, phải được đóng trên cương thổ vốn có của dân tộc ấy. 

- Trong thời gian tồn tại, triều đại ấy phải lấy sự thịnh - suy - tồn của dân tộc ấy làm trọng. 

Về tiêu chí thứ nhất. Rõ ràng rằng Triệu Đà không kế thừa An Dương Vương mà mang quân qua cưỡng chiếm. 

Triệu Đà vốn người huyện Chân Định, quận Hằng Sơn , đời nhà Tần (ngày nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc), Trung Quốc, là người di cư xuống miền nam mới khai hoá đời nhà Tần, cùng với Nhâm Ngao cai quản đất Lưỡng Quảng, về sau được Nhâm Ngao giao cho toàn quyền. 

Nước Nam Việt được lập năm 203 (hoặc 204) TrCN, còn việc đánh chiếm Âu Lạc có sử ghi 179 trước công nguyên, có sử ghi 208 TrCN, nếu việc chiếm đánh diễn ra năm 208 TrCN tức trước khi lập Nam Việt thì Triệu Đà lúc ấy là quan nhà Tần nên đó phải được gọi là cuộc xâm lược của Tần đối với Âu Lạc, nếu việc chiếm đánh diễn ra năm 179 TrCN tức sau khi lập Nam Việt lúc này Triệu Đà là vua thì đó phải được gọi là cuộc xâm lược của Nam Việt đối với Âu Lạc.

Như vậy, triều đại của Triệu Đà không thể nói là được ra vì nhu cầu của người dân Âu Lạc được.

Về tiêu chí thứ hai. Việc đóng đô của một triều đại phong kiến rất quan trọng, vì nó thể hiện ý chí của vua, rằng đâu là gốc, là nhà, là nơi sẽ phát triển dài lâu. 

Triệu Đà đem quân từ Lưỡng Quảng qua chiếm đánh Âu Lạc, sáp nhập Âu Lạc thành quận Tượng của Nam Việt, sau đó lại quay về đóng đô ở Lưỡng Quảng, vậy thì mục đích của cuộc chiếm đánh này trước sau chỉ là một cuộc xâm lược thuần túy tức chiếm đánh và sáp nhập. Nhà Nguyên (Mông), Nhà Thanh (Kim) sở dĩ được coi là triều đại của TQ dù là xâm lược vì sau khi chiếm đóng đều đóng đô ở TQ, tức coi Trung Nguyên là nhà, phát triển dài lâu. 

Về tiêu chí thứ 3. Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên (ngày nay là thị trấn Đà Thành huyện Long Xuyên) nhậm chức, Triệu Đà áp dụng chính sách "hoà tập Bách Việt" đồng thời xin Tần Thuỷ Hoàng di dân 50 vạn người từ Trung Nguyên đến vùng này, tăng cường chính sách "Hoa Việt dung hợp" (hòa lẫn người Hoa Hạ và người Lĩnh Nam). Như vậy mục đích ban đầu của Triệu Đà là muốn đồng hóa người Việt, bằng cách đưa người Hoa sống xen lẫn. 

Năm 196 trước Công Nguyên, Hán Cao Tổ Lưu Bang sai quan đại phu Lục Giả đi sứ đến nước Nam Việt, Triệu Đà quy phục nhà Hán, làm Nam Việt thành một đất chư hầu của nhà Hán. 

Sau khi Hán Duệ chết, Lã Hậu nắm quyền, sợ Hậu thôn tính, Triệu Đà đem quân đánh ra phía bắc chiến lấy Tây Âu, Mân Việt ... xưng đế. 

Năm 180 trước Công Nguyên, Lã Hậu chết, Hán Văn Đế Lưu Hằng nối ngôi, Lưu Hằng sai Lục Giả đi thuyết phục Triệu Đà quy Hán, Triệu Đà bỏ danh Đế, quy phục nhà Hán, kể từ đó đến đời Hán Cảnh Đế, Triệu Đà một mực xưng thần, hàng năm cứ mùa Xuân và mùa Thu, đều đưa đoàn sứ đến Trường An triều cống hoàng đế nhà Hán, chịu mệnh lệnh làm chư hầu nhà Hán.

Như vậy, trước muốn đồng hóa người Việt, sau Triệu Đà chấp nhận làm chư hầu của nhà Hán, thì không thể nói Triệu Đà lấy sự tồn vong của dân tộc Việt làm trọng được.

Một triều đại không được lập ra vì nhu cầu của dân tộc, không coi chổ (cương thổ) của dân tộc ấy là nhà, không lo cho sự tồn vong của dân tộc ấy, thì triều đại ấy có thể coi là triều đại của dân tộc ấy hay không ?

11 comments:

  1. Tôi nghĩ Triệu Đà không phải là Hán, mà cũng không phải là tộc Việt. Cái chuyện Nam Việt thần phục Hán cũng nên xem theo hoàn cảnh lúc đó. Triệu Đà gốc từ vùng Hà Bắc thuộc đất Triệu thời Chiến Quốc (cũng có thể ông ta lấy tiếng đó thôi để người Hán sống ở Quảng Đông chấp nhận chế độ của ông) lợi dụng thời cơ nhà Tần xụp đổ chạy về phía Nam vùng Quảng Châu bây giờ lập ra đất Nam Việt. Đất này lúc đó chưa hoàn toàn thuộc lãnh thổ Trung Hoa vẫn còn là đất man di. Đất Quảng Đông từ xưa đến nay còn có tên khác là Việt (dùng chữ khác với chữ Việt trong Hán Tự - chữ này thường có trên các bảng số xe bên đất Quảng Đông). Triệu Đà thống trị một bờ cõi nhưng về sức mạnh thì không thể đối chọi thẳng với nhà Hán vừa thắng Sở lập quốc. Bởi vậy triều đình ông một mặt chinh phục các bộ lạc của đất Âu Lạc bao gồm Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Việt ngày nay, một mặt mềm mỏng với Hán triều, "thần phục" và triều cống (thật ra triều cống cũng là một hình thức trao đổi hàng hóa chính thức giữa hai nước vì vua Tàu cũng cho sứ thần mang về nhiều món tặng), không khác gì ngoại giao thời Trần Lê Nguyễn. Vì chính sách này, Triệu Nam Việt độc lập được gần 100 năm, đến đời Lữ Gia làm tể tướng. Hán Võ Đế có mộng khuếch trương cơ đồ nên cho quân chinh phục các tiểu quốc của các bộ lạc Bách Việt, như Mân Việt vùng Phúc Kiến ngày nay, và Nam Việt. Hồi tôi qua TP Quảng Châu có xem được viện bảo tàng ông vua cháu của Triệu Đà, và xem được người ta khai phá được cọc bến tàu thời Nam Việt nằm ngay dưới một siêu thị trên Bắc Kinh Lộ. Tuy người Tàu muốn nhấn mạnh gốc Hán của Triệu Đà nhưng họ cũng nói rõ Nam Việt là một nước riêng.

    ReplyDelete
  2. Bài viết của mình chỉ dừng lại ở cái "thử đi thẳng" một chút vào bản chất, ý của mình còn sâu nhưng không tiện viết tiếp, sợ tranh cãi không đáng có.

    Đà là người đầu tiên, ít nhất là người thực hiện đầu tiên việc đồng hóa người Việt, đây có thể là mắt xích khỏi thủy, quan Domino đầu tiên của lịch sử hàng ngàn năm đòi xâm chiếm và đồng hóa của TQ với VN.

    Phân tích như thế ông ta la tội nhân thiên cổ, thế mà đôi vài người Việt lại nhận vơ làm của mình.

    Đà thâu lưỡng Quảng, lạu thâu Âu Lạc, Tây Âu, Mân Việt ... vì cái thân Đà mà thôi.

    ReplyDelete
  3. bài này có nhiều nét y hệt một bài viết từ năm 2005 trên tnxm

    ReplyDelete
  4. Nghĩ sao viết vậy, cũng không tránh được việc trung ý với người trước mà mình không biết :v

    ReplyDelete
  5. https://tnxm.net/t529

    giống y hệt, chỉ thay đổi dấu chấm dấu phẩy

    ReplyDelete
  6. Do lỗi mạng, nên tạm thời chưa đọc được link đó.

    Nhưng nếu thực như bạn nói có lẽ đêm đã mộng du mà copy về chăng. Coi như mình chia sẻ lại bài vậy :)

    ReplyDelete
  7. Góp ý với chủ nhà, năm 220 Tào Phi đã cướp Hán lập Ngụy rồi. Thời Tam Quốc chính thức bắt đầu từ đó. Bà Triệu như vậy chỉ đánh Ngô, và Lục Dận rất có thể là dòng dõi Lục Tốn. Đôi lời quê kệch, chỉ mong ngọc quý không có vết. Còn lại, quan điểm về Triệu Đà xin hoàn toàn tán thành.

    ReplyDelete
  8. bài này luận chứng không chặt chẽ cho rằng Triệu ở đây là Triệu Thị Trinh hoặc triệu quang phục là sai rồi. Vì Bà Triệu chị khởi nghĩa trong một thời gian ngắn. Còn Triệu Quang Phục là sau thời của Lý Bí thì làm sao sánh ngang với nhà Hán. Luận cứ như thế là không đúng.

    ReplyDelete
  9. bài này luận chứng không chặt chẽ cho rằng Triệu ở đây là Triệu Thị Trinh hoặc triệu quang phục là sai rồi. Vì Bà Triệu chị khởi nghĩa trong một thời gian ngắn. Còn Triệu Quang Phục là sau thời của Lý Bí thì làm sao sánh ngang với nhà Hán. Luận cứ như thế là không đúng.

    ReplyDelete
  10. bài này luận chứng không chặt chẽ cho rằng Triệu ở đây là Triệu Thị Trinh hoặc triệu quang phục là sai rồi. Vì Bà Triệu chị khởi nghĩa trong một thời gian ngắn. Còn Triệu Quang Phục là sau thời của Lý Bí thì làm sao sánh ngang với nhà Hán. Luận cứ như thế là không đúng. Ngày nay qua các di tích và chứng cứ khảo cổ một số nhà sử học mới đặt lại vấn đề chứ không phải dựa vào bình ngô đại cáo.

    ReplyDelete