Thursday, October 31, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, Hồi thứ 2

Hồi Thứ Hai : Ngô Quyền bày trận thiết trụ, Hoằng Tháo hùng hăng vào cửa tử.

Dẹp xong nội loạn, Ngô Quyền vào thành họp bàn với các tướng lĩnh về kế hoạch chống ngoại xâm. Thành Đại La trở thành trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai.  Trong một cuộc họp bàn, với lòng tự tin và làm chủ tình thế, Ngô Quyền nói :

- Hoằng Tháo là chỉ đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính tuy đông còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Không những phá được, mà nếu theo kế của ta, chỉ cần một trận chúng đã tan tác không có chổ chôn thây.

- Chẳng hay kế ấy thế nào, xin chủ tướng nói rõ - Kiều Công Hãn đứng ra thi lễ rồi hỏi -

- Chẳng vội, chẳng vội, thiên cơ lộ sớm ắt sự khó thành, nay ta chỉ nói sơ, sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là giao thông quan trọng từ biển Đông vào đất Việt ta. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông. Sông chảy qua một vùng núi non hiểm trở, có nhiều nhánh sông phụ đổ vào. Hạ lưu sông thấp, chịu ảnh hưởng của nước triều khá mạnh. Triều lên từ nửa đêm về sáng, cửa biển rộng mênh mông, nước trải rộng ra hai bên bờ đến hơn dặm. Đến gần trưa thì triều rút mạnh, chảy rất nhanh. Hai vạn quân địch đi vào chốn ấy, ta cũng ở chốn ấy mà giết địch, nước chảy qua cái phểu thế nào, địch đi vào đất ta thế ấy, chổ hẹp của phễu là cửa tử của chúng vậy. Ta soạn sẵn cáo thị này, phiền Kiều tướng quân ban bố cho dân các lộ được hay.

Nói rồi, Ngô Quyền liền đưa bản cáo thị cho Kiều Công Hãn, Công Hãn y lệnh, cho người thông báo đi khắp nơi, cáo thị rằng:

- Chúng ta là người Việt, là con lạc cháu hồng, là dân Văn Lang, Âu Lạc, ngàn năm nay bọn giặc phương Bắc đến đây, khiến chúng ta có nhà mà chẳng có nước, nhưng Bà Trưng vẫn nhớ, Bà Triệu vẫn nhớ, vua Mai vẫn nhớ, vua Lý vẫn nhớ, chúng ta quên được chăng? Nay, tên giặc già Lưu Cung có mắt chẳng tỏ, đứa trẻ ranh Hoàng Tháo chưa thấy Thái Sơn, chúng lại muốn chiếm nước ta lần nữa, đến bao giờ nước Việt được thiên thu vạn đại ? Nghe ta, đoàn kết lại, một cơn giận mà yên ngàn đời, khiến chúng kinh sợ mà chẳng dám vãng lai, khiến chúng mở mắt mà biết nước Nam ta có chủ. Cờ ta đã dựng, nhớ cội thì về !

Lời ấy truyền đi hào kiệt bốn phương đem quân hội tụ về Đại La dưới cờ đại nghĩa của Ngô Quyền. Trong số ấy có Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ. Ngô Quyền nhìn Bạch Hổ cười nói :

- Ta nghe Xương Ngập kể chuyện Bạch Hổ một đao lấy đầu Công Tiễn rồi bỏ đi, sao nay lại đến ?

- Khi đó ta biết tài của anh mà chưa biết chí của anh, nay biết rồi nên ta theo về.

Ngô Quyền trước nay vốn yêu tài của Bạch Hổ, nay được lời ấy mừng lắm, liền bảo:

- Tốt lắm, có Bạch Hổ, Cảnh Thạc cùng giúp, đại địch còn gì đáng lo. Thời cơ nay cũng đã đến, các tướng đợi lệnh !

- Xin nghe lệnh của chủ tướng ! - Các tướng đứng ra đồng thanh -

- Nay ta giao cho Kiều Công Hãn chia quân đóng ở Bình Kiều, Hạ Đoan, Lương Khê lo việc đốc thúc lương thảo và chi viện khi có lệnh. Các tướng Bạch Hổ, Công Trứ, Xương Ngập, Cảnh Thạc, Tam Kha cùng ta và đại quân men theo đường sông hành quân về cửa sông Bạch Đằng.

- Rõ.

Mùa thu 938, đại quân đến nơi, Ngô Quyền hạ lệnh đóng ở Lương Sâm, Gia Viện, Nhân dân khắp nơi nô nức mang vũ khí, thuyền chiến tham gia và ủng hộ quân đội. Chỉ riêng một thôn Gia Viện nơi Ngô Quyền đặt đại bản doanh cũng đã có hàng mấy chục trai tráng dưới quyền chỉ huy của Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố tình nguyện nhập ngũ. Chẳng mấy cốc quân số từ 6 ngàn mà lên đến hơn 1 vạn.

Khi ấy Công Trứ nói cùng Ngô Quyền :

- Trước đây, đại quân phần lớn là người Hoan Châu, Ái Châu, nay trước nạn Nam Hán xâm lược, dân các nơi đều về tụ nghĩa, ngàn năm qua đây là lần đầu lòng dân một hướng như vậy, nước Nam ta có tương lai rồi.

- Âu cũng là nhờ tổ tiên gia hộ, vận nước sẽ thịnh từ đây - Ngô Quyền cười đáp -

Vùng cửa sông và hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm điểm quyết chiến. Một hôm Ngô Quyền lệnh các tướng dậy sớm cùng đi dọc bờ sông quat sát, đến một đoạn, ông nhìn ngắm mãi rồi trỏ vào một cây sào, nói với Bạch Hổ :

- Bạch Hổ giúp ta cắm cây sào này vào giữ lòng sông.

Bạch Hổ nghe lệnh, cầm sào nhảy phóc lên chiếc thuyền nhỏ cạnh bờ, thuyền lướt ra đến giữ dòng liền cắm thật mạnh cây sào xuống, rồi lại chèo vào bờ. Ngô Quyền nhìn chiếc sào chìm trong dòng nước, nhớ được chính xác vị trí liền đó sai quân dựng trại bày tiệc rượu mời các tướng.

Các tướng thấy thế trong bụng ôm nhiều câu hỏi mà không biết bắt đầu từ đâu, đành cam nhẫn ngồi vào bàn tiệc. Các tướng ngồi đâu vào đó, Ngô Quyền ôn tồn nói :

- Hôm nay uống để đợi, chẳng uống để say, sau này Hoằng Tháo bỏ xác giữa dòng, ta lại mời các ngươi ra đây uống, và uống để say.

- Thưa cha, cha nói đợi là đợi điều gì ạ ? - Xương Ngập lên tiếng -

- Công Trứ, ông biết chăng ? - Ngô Quyền đưa mắt qua chổ Công Trứ hỏi -

- Chủ tướng cho cắm sào giữa dòng, lại ghi nhớ vị trí ấy, hẳn là đợi triều rút đo mực nước rồi.

Các tướng lúc ấy vẫn chưa hết hoài nghi, chỉ riêng Bạch Hổ và Ngô Quyền cùng cười, Ngô Quyền nói :

- Phải lắm, phải lắm. Ta vừa được tin mùa Đông này quân Nam Hán sẽ tiến quân, bây giờ cũng là lúc cần nói với mọi người kế sách của ta. Sông này triều lên vào giấc gần sáng, lại rút vào buổi trưa, ta nhờ Bạch Hổ cắm sào để các ngươi cùng biết mực nước sông này khi lên, xuống ra sao, canh mấy lên, canh mấy rút cạn.

- Chuyện ấy tôi đã rõ, nhưng chưa rõ dụng ý sâu xa của anh - Bạch Hổ nói -

- Ý của ta thế này, đem cọc nhọn làm bằng gỗ cứng đầu bít sắt đóng xuống lòng sông, đầu nhọn chếch về phía nguồn, giặc đến, đêm ta dụ chúng vào bãi cọc, rồi cự cho chúng không tiến thêm được, khi triều rút bãi cọc lộ ra, thuyền chúng ắt bị đâm thủng, lúc này ta dùng tên mồi lửa bắn ra thì chẳng hao lấy một binh mà cũng có thể giết vạn tên địch, chúng muốn kêu cứu cũng chẳng kịp. Kế này, các ngươi nói xem chổ hay chổ dở thế nào ?

- Thật là diệu kế, diệu kế - Các tướng nghe xong đều cùng trầm trồ cảm thán -

- Vậy là không có ai phản đối, tốt lắm, bây giờ những thứ ta cần là năm ngàn cọc nhọn bằng gỗ cứng, 20 vạn mũi tên, 500 thuyền loại nhỏ.

Lúc ấy, ở bên vách trại bỗng đâu có đứa trẻ khoảng 14, mười lăm tuổi, đứng ra trước Ngô Quyền và các tướng, cương nghị nói:

- Tướng quân, tiểu nhân chợt nghĩ, khi tàu địch mắc kẹt, lại gặp mưa tên của ta, lính giặc tất sẽ hoảng loạn mà nhảy xuống nước bơi vào tìm cái sống, chỉ e địch đông ta giết không ngớt. Tiểu nhân có ý thế này, ngoài việc chôn cọc nhọn bít sắt, ta cho cắm sào bằng tre vót nhọn như chông xen kẽ vào nhưng ngắn hơn một chút, đảm bảo giặc nhảy xuống chẳng có một khắc để bơi.

Trông ra thì chính là Đinh Bộ Lĩnh, con trai của Đinh Công Trứ, Bộ Lĩnh còn nhỏ mà thân hình rắn chắc, gương mặt tuấn tú, cặp mắt lanh lợi, khí khái. Ngô Quyền mỉm cười :

- Này cháu bé, vào đây ngồi với ta - đoạn quay qua các tướng hỏi - các ngươi thấy ý kiến đó thế nào?

Các tướng ai cũng cho là ý hay, duy có Công Trứ vẫn điềm nhiên không nói, còn Xương Ngập mặt có hơi xám lại. Ngô Quyền lại xoa đầu Bộ Lĩnh nói :

- Mọi người ở đây đều tán thành ý của cháu, lần này giết giặc cháu cũng có công đấy - Lại quay qua nói các tướng - Ngoài 5 ngàn cọc nhọn, 20 vạn mũi tên, 5 trăm thuyền nhỏ, chúng ta cần thêm 1 vạn chông tre, các ông nên nói truyền trong dân để bà con cùng chung sức đánh giặc, có dân giúp việc gì cũng xong.

Các tướng đều phấn khởi nhận lệnh, niềm tin chắc thắng cao hơn bao giờ hết. Sau buổi ấy, Ngô Quyền có đi tản bộ cùng Công Trứ, Bạch Hổ, ông vỗ vai Công Trứ nói :

- Đứa trẻ ấy, sau này tất làm nên việc lớn, nước Việt ta lại lo thiếu nhân tài sao.

Bạch Hổ mỉm cười cho là phải, Công Trứ đột nhiên ít nói đến lạ, chỉ chắp tay cảm tạ rồi đưa mắt nhìn xa, đánh thượt một cái rất kín.

Bấy giờ vào cuối năm 938. Trời rét, gió đông bắc tràn về, mưa dầm lê thê kéo dài hàng nửa tháng. Chính trong những ngày ấy, theo kế hoạch của Ngô Quyền, quân và dân ta lặn lội mưa rét, ngày đêm vận chuyển gỗ, dựng cọc.

Hàng nghìn cây gỗ lim, sến, đầu được vạt nhọn và bịt sắt được đem về đây cắm xuống hai bên bờ sông  thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn.

Khi triều rút các hàng cọc mới phơi ra, còn lúc sáng sớm nước mênh mông thì thuyền lớn qua lại hai bên bờ vẫn dễ dàng. Trận địa cọc được tiến hành rất gấp rút và chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng là mọi việc đã hoàn thành.

Việc vót tên cũng diễn ra thuận lợi, Công Trứ sai Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố vận động dân chúng, giao cho mỗi nhà vót 200 mũi tên, dân ai cũng vui vẻ nhận việc, nhiều người còn nhận vót 5 trăm, một ngàn.

Phần Bạch Hổ cùng Cảnh Thạc kén lấy 2000 tráng sỹ khỏe mạnh, chẳng bao lâu mà đóng được gần 1 ngàn thuyền nhỏ, Bạch Hổ lại lệnh cho người đặt trên mỗi đấy thuyền 4 ván gỗ vuông, có thể tháo rời bất kỳ lúc nào, Cảnh Thạc hỏi nguyên do thì Bạch Hổ cười nói :

- Thuyền nhỏ này, ý chủ tướng tất dùng để dụ địch, ông nói xem, khi ấy địch bắn tên tới, ông lấy gì ra đỡ ?

Mọi sự chuẩn bị đã xong chỉ còn chờ giặc tới.

***

Lại nói Hoằng Tháo khi ấy đã định ngày xuất quân, điểm binh xong, y cho vời các tướng vào trướng thống nhất quyết sách. Tháo thân hình to lớn cơ bắp cuồn cuộn, da mặt lỗ chỗ, môi dày mắt lớn rất bặm trợn, hắn lại có thói nói chuyện tiếng to, tính nóng bất đắc kỳ tử nên tướng dưới quyền ai cũng sợ, tuy thế nhưng cũng chẳng phải hạng kém trí thất phu, y từ nhỏ đã luyện tập võ nghệ sức địch muôn người, các món cung tên đao kiếm đều rành rẽ, binh thư cổ nhân đều đã đọc qua, hắn thường mặc chiếc áo choàng bằng da thú trong ấy chép đủ Binh Pháp Tôn Tử không thiếu lấy nửa từ.

Các tướng ngồi đâu vào đấy, Tháo trỏ lên bản đồ, chí đúng cửa sông Bạch Đằng nói lớn:

- 2 vạn quân ta sẽ cùng tiến vào cữa sông này, từ đó tiến thẳng về Đại La hội quân với Công Tiễn, nhưng nếu chỉ đi bằng đường sông tất bị mai phục, nay ta chia quân làm 3 đạo, hai đạo tả hữu mỗi đạo 6 ngàn quân dùng thuyền nhỏ dễ đổ bộ, vào sâu trong cữa sông thì lên bờ theo đường tiến về Đại La, ta dùng thuyền lớn đi bằng đường sông. Hội với nhau ở Đại La rồi, nghỉ ngơi, chờ sang xuân sẽ tiến vào Ái Châu, quân sĩ Tĩnh Hải quân đang hoang mang ly tán, Ngô Quyền có ba đầu sáu tay cũng chẳng giữ nổi mạng. Các ngươi về lãnh binh, sáng mai xuất phát.

Các tướng thi lễ định lui, thì có lính vào báo :

- Bẩm Giao Vương, do thám từ Tĩnh Hải quân về báo, Công Tiễn đã bị Ngô Quyền giết, Ngô Quyền lại đứng ra làm chủ tướng đang ráo riết chuẩn bị nghênh đón quân ta.

- Cho ngươi lui - đoạn nói luôn với các tướng - Các ngươi cũng lui luôn y lệnh ta mà làm.

- Giao Vương ! xin suy xét kỹ lại, Công Tiễn bị giết từ lâu, sao nay ta mới biết, ắt hẳn đấy là kế yếm trá của Ngô Quyền, bây giờ ta chưa thăm dò kỹ lưỡng đã tiến quân vào e sẽ gặp cơ quan mai phục do Quyền bày ra, khác nào từ nơi sáng đi vào nơi tối mà chẳng có lấy một ngọn đuốc.

Trông ra thì chính là Trước tác Tá Lang hầu Dung, Tháo trỏ Dung lớn giọng rằng :

- Ta sắp xuất binh, ngươi lại đem cái ủy mị đàn bà ra làm quân sỹ hoang mang, vẫn biết xưa nay đạo dùng binh phải biết địch biết ta, nhưng nay ngươi nên nhớ, Công Tiễn tuy nói nội ứng, nhưng sức hắn được bao nhiêu, ta cần hắn bởi cái danh, nếu chiếm được rồi danh ấy ta cần chăng, lại nữa đất Việt ngàn năm ly tán lòng người chẳng chung, Ngô Quyền được bao người để chọi với hai vạn quân tinh nhuệ của ta. Thuyền lớn ta tới, hắn dùng đủ chước thì cùng lắm là mai phục bắn tên phóng hỏa, ấy ta coi như muỗi đốt sừng trâu, ta đã chia quân làm 3 đạo, 2 đạo đánh bộ ấy cốt diệt mai phục, ngươi là kẻ trí phải hiểu lấy dụng ý ta rồi, sao còn lôi thôi rách việc.

Nói rồi bỏ vào trong, bỏ mặc Dung và các tướng lại. Dung buồn bã cùng đám thân cận đến phủ Tiêu Ích, Ích vừa thấy Dung đã vội vã hỏi :

- Thế nào ?

- Chẳng thay đổi được, Giao Vương xưa nay đã quyết ý, lời nào vào lỗ nhĩ đâu.

- Lẽ nào sẽ có Xích Bích trên đất Việt sao ?

- Ta e la còn hơn thế, Giao Vương chẳng bằng Tào Tháo, Ngô Quyền lại không thích dụng binh rườm rà đa sự như Gia Cát, lần trước đụng độ chắc ông đã biết.

Đêm đó, Dung ra nơi neo tàu chiến của quân Nam Hán, dùng máu viết lên áo 4 chữ : Cửa Tử Không Xa, rồi treo cổ tự vẫn.

Sáng ra, Hoằng Tháo sai người ném xác Dung xuống biển, rồi hạ lệnh tiến quân.



Trận chiến diễn ra thế nào, xin đọc hồi sau sẽ rõ.

2 comments:

  1. Tớ lại thích sửa tên hồi thành:
    "Ngô Quyền bày mưu trồng cọc gỗ
    Hoằng Tháo cậy sức vào quỷ môn"

    Ngoài ra chỗ "tính nóng bất đắc kỳ tử" tớ cảm giác có vẻ không ổn vì "bất đắc kỳ tử" là chết không như ý (theo lẽ thường), sao lại gắn với "tính nóng"?

    ReplyDelete