Vừa rồi đài truyền hình VTV phát một phóng sự nêu lên một số sự thật về các nhà ngoại cảm, nhanh chóng lan truyền, tạo nên một cú sốc đối với dư luận nói chung và những người hằng tin tưởng nói riêng.
Xét thấy, thói quen của dư luận xưa nay, thường vì những cụm từ như "vạch trần sự thật", "phanh phui sự giả dối", ... mà đi đến sự phủ định toàn bộ những gì liên quan đã diễn ra.
Ví như trong việc này, từ chổ nêu lên "một số sự thật" của phóng sự ấy mà cho rằng toàn bộ những cuộc tìm kiếm mộ liệt sỹ đếu là lừa đảo, từ chổ một số nhà ngoại cảm dùng thủ đoạn để qua mặt người khác mà cho rằng toàn bộ các nhà ngoại cảm khác đều như vậy.
Lại nữa, có những sự huyền bí được xây dựng dựa trên sự thật hoặc những hoài nghi chưa thể phủ định mà tạo được lòng tin, sự huyền bí giả dối khi bị phanh phui, người ta thường theo đó mà phủ định luôn phần sự thật nền móng hoặc những hoài nghi chưa thể phủ định ấy.
Ví như trong việc này, từ chổ "một số sự thật" được phơi bày trong phóng sự của VTV người ta có thể theo nước đẩy thuyền mà phủ định luôn sự tồn tại của thần thức con người sau khi chết.
Vì những lẽ như vậy, tôi viết bài này với mong muốn xác định những gì không thể hoặc chưa thể phủ định, trên cơ sở tri thức về Phật Giáo, khoa học và từ Phật Giáo, khoa học của bản thân. Chổ đến của bài viết này là những người có lòng tin với Phật Giáo và những người coi khoa học là kim chỉ nam trong nhận thức.
Anh Xtanh từng nói : "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó. Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học "
Nguyên văn: The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science - Trích từ "Collected famous quotes from Albert"
Trên tinh thần "Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" những kiến giải sau đây sẽ là sự thật đối với người tín Phật, và là "những hoài nghi chưa thể phủ định" đối với người chỉ hài lòng với khoa học thực nghiệm.
Phật Giáo nói : Con người được cầu thành từ thất đại : đất, nước, gió, lửa, kiến đại, không đại và thức đại. Đất, nước, gió, lửa hợp lại là Thân, kiến đại, không đại, thức đại hợp lại là Tâm. Sau khi chết, thân tứ đại rã ra trở về với đất, nước, gió, lửa, còn phần Tâm thì thường còn, lúc này gọi là Thần Thức.
Trên cơ sở khoa học:Điều này trong thực tế được minh chứng rất nhiều do những người chết lâm sàng rồi sống lại kể: khi thần thức của họ ra khỏi cơ thể, họ nhìn thấy tất cả mọi người xung quanh đang xem họ, cấp cứu thân xác họ, điều này khẳng định sự biết vẫn còn nguyên khi hồn lìa khỏi xác.
Một người chết lâm sàn, chị Marline, kể lại : “Tôi bỗng cảm thấy không còn đau đớn trong lồng ngực nữa. Người tôi nhẹ tênh, nổi phình lên trần nhà, phía sau các chụp đèn phủ đầy bụi. Tôi phát bực mình, sao phòng mổ lại bẩn thỉu thế! Phía dưới, các bác sĩ đang loay hoay quanh một xác chết. Phải mất một lúc tôi mới hiểu, đó chính là cái xác của tôi... ”
Năm 1910, Walter Kilner, kỹ thuật viên tại Bệnh viện St Thomas’s (Anh) tuyên bố đã chế tạo được một bộ kính lọc đặc biệt, có thể cho phép quan sát được trường năng lượng của con người. Patrick O’Donnell, một chuyên gia X-quang tại Chicago (Mỹ) đã sử dụng thiết bị này để quan sát một người sắp chết.
Khi bác sĩ tuyên bố bệnh nhân qua đời, O’Donnell thấy trường năng lượng tỏa ra xung quanh thi thể như một vầng sáng và biến mất ngay sau đó. Tiếp tục quan sát thi thể cũng không thể phát hiện ra năng lượng nữa. Trường năng lượng của cơ thể vốn có hào quang (uara), khi thể xác không còn hào quang, không còn vầng sáng có nghĩa là thể xác đã mất đi trường năng lượng, năng lượng mất đi này chính là Thần Thức.
Cho đến nay, các nhà khoa học phương Tây vẫn chưa thống nhất: Vì sao người ta có thể nhìn được sau khi đã chết? Một số ý kiến cho rằng, đó là vì não bộ vẫn còn sống sau khi tim ngừng đập. Nhưng vì không được cung cấp ôxy nên người bệnh bị rơi vào trạng thái mê sảng. Nhiều người khác lại khẳng định, đó là kết quả của hiệu ứng tràn hoóc môn, xảy ra khi cơ thể giải phóng tất cả các hoóc môn dự trữ vào thời điểm tim ngừng đập. Vài nhóm khoa học khác lại cho rằng ý thức vẫn tiếp tục sống, ngay cả khi cơ sở vật chất của nó là não bộ đã chết.
Như vậy, dù khoa học chưa thể có lời lý giải căn kẽ, nhưng bước đầu đã ghi nhận có thể có sự tồn tại của thần thức. Đây là sự "hoài nghi chưa thể phủ định" thứ nhất.
Phật Giáo nói: Tâm người gồm Chân Tâm (Phật Tánh) và Vọng Tâm, theo chổ hiểu tạm thời của mình thì khi kiến đại hợp với không đại ấy là Chân Tâm, khi kiến đại hợp với thức đại ấy là Vọng Tâm.
Kiên đại tức sự thấy, nghe, ngửi, xúc chạm ..., Thức đại tức Thọ (cảm nhận), Tưởng (phân biệt), Hành (quyết định), Thức (nhận thức), khi kiến đại hợp với thức đại thì sẽ sinh ra cảm giác yêu, ghét, tốt, xấu ... từ đó mà sinh tâm muốn lấy hoặc bỏ, từ tâm muốn lấy bỏ mà sinh ra sân hận ... các trạng thái tâm lý và nhận thức khác, Phật Giáo gọi đó là vô minh (Vọng Tâm).
Vì vô minh nên chúng sinh tạo nghiệp, theo lý nhân quả, tạo nghiệp nhân ắt có nghiệp báo, vì thế mà chúng sinh luân hồi trong lục đạo. Lục đạo tức Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Người, A tu la (thần), Trời, con người sau khi chết, thần thức sẽ theo nghiệp dẫn và duyên hợp mà đầu thai vào các cõi.
Sau khi chết, thần thức thường trải qua giai đoạn trung gian, chuyển tiếp trước khi tái sanh. Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sanh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục. Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sanh.
Mắt thường của chúng ta, chỉ thấy được cõi Người và Súc Sanh chứ không thấy được các cõi khác, theo chổ hiểu tạm thời của mình các cõi kia thuộc vào một chiều không gian khác nên không thể thấy, vì vậy những câu chuyện về việc thấy ma, thấy quỷ ... có hình có tướng thường Phật Giáo không chấp nhận.
Phật giáo không hề có quan niệm về một dạng sống được gọi là “cõi âm”. Thế giới quan của Phật giáo là vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới Ta bà gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hai cõi Sắc và Vô sắc là cõi giới của thiền định. Cõi Dục gồm lục đạo là các loài Trời, A tu la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Cõi âm hoặc âm phủ chỉ là quan niệm dân gian dùng để chỉ thế giới của người chết đối lập với cõi người sống (cõi dương).
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn : Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy, và yêu cầu được trở về thăm quê hương.
Về tới "nhà", Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đã mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.
Câu chuyện của Elina Markand đã trở thành đề tài đầy hấp dẫn cho giới khoa học. Thực tế, trong lịch sử từng có không ít trường hợp tương tự, và hiện tượng “nhớ về quá khứ” không nhất thiết phải bắt đầu từ một chấn thương nào đó, như trường hợp của Elina Markand.
Một số nhà khoa học đã thử đưa ra một lý thuyết giải thích hiện tượng trên với khái niệm "trí nhớ gene": Nếu các vùng "ngủ" trong ADN bị kích thích, con người có thể "trở về tiền kiếp". Họ bỗng nhớ lại gốc gác La Mã hoặc Ai Cập từ xa xưa. Cũng do ảnh hưởng bởi tiền kiếp mà nhiều người có thói quen xoa râu quai nón, mặc dù trên mặt không hề có râu. Người khác lại có thói quen nhấc vạt áo vét, y như động tác vén váy dài đang mặc khi vượt qua vũng nước.
Lại có một số nhà vật lý và sinh học đưa ra cách giải thích vấn đề trên bằng “kết cấu phách”. "Phách" ở đây tất nhiên không phải là "phách" trong âm nhạc, mà là một khái niệm chỉ "phần bất biến" của con người, còn được hiểu là "phần năng lượng tách ra dưới dạng sóng". Khi người chết, “phách” liền tan vào vũ trụ. Vì thế, “phách” có thể hiểu là một loại “trường sóng hạt cơ bản nhẹ”, hoặc là “tập hợp những năng lượng thông tin cá thể”.
Như vậy, tuy khoa học chưa giải thích thấu đáo nhưng cũng đã ghi nhận hiện tượng nhớ về tiền kiếp, đây là "sự hoài nghi chưa thể phủ định" thứ 2.
Phật Giáo nói : Khi tâm người thanh tịnh, các phiền não được dứt bỏ, Vọng Tâm không còn thì sẽ trở về với Chân Tâm, như đã nói theo chổ hiểu tạm thời của mình thì Chân Tâm là sự khế hợp giữa kiến đại và không đại.
Trong kinh Lăng Nghiêm có nói "nhất tinh minh sinh lục hòa hợp", "nhất tinh minh" ở đây, theo chổ hiểu của mình, chính là không đại, Phật Giáo mô tả đó là thể rỗng rang không tướng mạo "đã không tướng mạo nào có lớn nhỏ. Không lớn nhỏ nào có bờ mé nên không trong ngoài, không trong ngoài nên không gần xa, không gần xa nên không này kia, không này kia nên không đi đến, không đi đến nên không sanh tử, không sanh tử nên không xưa nay, không xưa nay nên không mê ngộ, không mê ngộ nên không phàm thánh, không phàm thánh nên không nhiễm tịnh, không nhiễm tịnh nên không phải quấy, không phải quấy nên tất cả danh ngôn đều không thật có. Cả thảy đều không như vậy, thì tất cả căn cảnh, tất cả vọng niệm, cho đến muôn ngàn tướng mạo, muôn ngàn danh ngôn đều không thật có. Ðấy há không phải là cái không-tịch xưa nay, cái không vật xưa nay sao?" - Thiền sư Phổ Chiếu -
"Lục hòa hợp" ở đây chính là kiến đại, gồm có tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc chạm, tánh biết. Các tánh này tùy căn cơ mỗi người mà mờ tỏ khác nhau, tâm càng thành tịnh thì tánh càng tỏ, người tu hành khi dứt Vọng Tâm sẽ chứng được Lục Thông (thật ra chính là sự hiển bày một cách rõ nét nhất của các tánh) trong đó có Túc Mạng Thông (nhớ lại được tiền kiếp), Thiên Nhĩ Thông (thấy được mọi cảnh sắc), Thiên Nhãn Thông (nghe được mọi âm thanh) ...
Khi Phật còn tại thế, Ngài nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng, trong kinh Hán tạng có câu "Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng" Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước thấy tám muôn ngàn (84000 - con số tượng trưng) vi trùng. Ngày nay nhờ kính hiển vi, các nhà khoa học thấy trong nước có nhiều vi trùng.
Lại nữa, Phật nhìn thấy trong thân người thấy vô số vi trùng, trong Hán tạng có câu "nhơn thân chi nội hữu vô số vi trùng tại trung nhi trú" Nghĩa là trong thân người có vô số vi trùng đang trú ẩn bên trong. Ðiều này ngày nay chúng ta chỉ cần có chút ít kiến thức khoa học là không còn nghi ngờ gì nữa.
Ðức Phật ra đời trên sáu thế kỷ trước công nguyên, còn các nhà khoa học được biết đến, mới có từ thế kỷ thứ 18 sau công nguyên. Thế mà ở thời kỳ ấy, đức Phật nhìn trong vũ trụ thấy thế giới không thể kể hết, nên trong kinh thuộc Hán tạng có những câu "Hằng hà sa số thế giới", nghĩa là thế giới nhiều như cát sông Hằng (Ganges), hoặc câu "vi trần sát" nghĩa là cõi nước (sát) nhiều như nhũng hạt vi trần. Ðến nay các nhà thiên văn học nhờ viễn vọng kính nhìn thấy trong bầu hư không có không biết cơ man là thế giới. Vô số ngôi sao lấp lánh hiện trên nền trời trong lúc ban đêm, mà mắt chúng ta nhìn thấy được; là những hành tinh (thế giới), còn không biết có bao nhiêu hành tinh khác quá xa mắt không thể nhìn thấy được. Chính đây là bằng chứng cụ thể, nhờ khoa học giúp chúng ta hiểu được lời Phật dậy cách đây trên 25 thế kỷ:
Lại nữa, có lần Ðức Phật cùng các thầy tỳ kheo đi vào rừng, nhìn thấy những lá rơi lả tả và những lá vàng uá sắp về cành, đồng thời có nhũng chòi non vừa nẩy lộc và những mầm vừa nhú khỏi vỏ cây, Ngài dạy các Tỳ Kheo: Thế giới đang hoại, sắp hoại và đang thành cũng như lá cây trong rừng đang rụng, sắp rụng và đang nẩy chồi, sắp nẩy chồi".Vì thế, đức Phật thường dạy thế giới có bốn thời :Thành, trụ, hoại, không." Ngày nay các nhà khoa học cũng thừa nhận thế giới phải trải qua bốn thời kỳ như thế. Ðây là cái nhìn thích hợp giữa Phật học và khoa học mà cách cách nhau thời gian qúa xa.
Những gì Phật thấy biết là nhờ Thiên Nhãn Thông vậy. Đối với giới khoa học, Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, khá am tường Phật giáo khi nhận định: “Việc ‘thấy’ của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong mười lợi ích của thiền định”.
Quay trở lại vấn đề Lục Thông, người có công phu tu hành đoạn trừ vọng tâm, chứng được Lục Thông có thể thấy được các cõi mà mắt thường không thể thấy ( Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Atula, Trời), thế thì không loại trừ khả năng người bình thường có thể nhớ được tiền kiếp, thấy được các cõi khác như chuyện một số người nhớ lại được tiền kiếp hay chết lâm sàn hồn lìa khỏi xác kể trên, nhưng chắc chắn là rất hi hữu.
Hi hữu vì sao? Vì ngay cả Đức Phật cũng cần đến hơn 6 năm tha phương tìm đạo, tu khổ hạnh rồi thiền định dưới cội bồ đề mới chứng được lục thông, những người căn cơ kém thì phải mất thời gian lâu hơn nữa, dụng công phu nhiều hơn nữa, thậm chí là phải qua rất nhiều kiếp mới chứng ngộ được. Huống là người thường mong tự có.
Lại nữa, như phần trên có kiến giải, thì hi hữu đối với những "nhà ngoại cảm" một phần nữa là vì họ chỉ có thể giao cảm được với thân trung ấm và vong hồn, tức thần thức chưa đầu thai (còn nhớ được chuyện khi còn sống). Vì các nhà ngoại cảm chưa thành tựu Đại định (tam muội) nên năng lực “thấy” của họ thường chập chờn. Tùy thuộc vào cấp độ định tâm hay trạng thái tâm của họ khi làm việc mà “thấy mờ hoặc tỏ” khác nhau, phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt.
Năng lực thấy rõ không có gì ngăn ngại này của các nhà ngoại cảm còn được vận dụng để tìm kiếm khoáng sản, thăm dò lòng đất (ngành mỏ-địa chất), khả năng khám, chữa bệnh (ngành y khoa) v.v… hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, khai thác và ứng dụng (tức đã có ghi nhận khả năng ngoại cảm).
Đối với khoa học, đây là "sự hoài nghi chưa thể phủ định" thứ 3.
[Ngoài lề một chút, đến đoạn kiến giải trên, có lẽ nhiều bạn thắc mắc rằng sao không thấy các thiền sư, các bậc tu hành đắc đạo trong Phật Giáo dùng thần thông, lý do là Đạo Phật trọng về giác ngộ giải thoát, thần thông không phải là mục đích tu hành cuối cùng, người đắc được thần thông mà chưa chứng ngộ quả Phật mà dụng thần thông ắt sẽ theo đó mà dãi đãi để vọng tâm trỗi dậy.]
Tạm kết luận
Đối với người tín Phật, chúng ta biết rằng sau khi chết thần thức con người vẫn còn có thể đầu thai hoặc chưa, những bậc tu hành chứng được thần thông (có được tột cùng khả năng của các tánh) sẽ thấy được thần thức, hi hữu có thể có người giao cảm được với thần thức người đã chết. Đây là sự thật bất khả tư nghì khi chúng ta đã phát lòng tin nơi Phật.
Đối với người trọng khoa học thực nghiệm, có 3 chổ "hoài nghi chưa thể phủ định" (tức có ghi nhận hiện tượng mà chưa khẳng định, phủ định hay giải thích triệt để hiện tượng) được chỉ ra như vậy thì chúng ta chưa vội phủ định, đó là tinh thần khoa học vậy.
Về vụ việc các nhà ngoại cảm, khả năng "ngoại cảm" ấy như đã nói là rất hi hữu, việc thời gian qua "nở rộ" nhiều người có khả năng "ngoại cảm" như thế tất nhiên sẽ có dấu hỏi cần đặt ra, phóng sự của VTV phần nào đó giải đáp được câu hỏi ấy trả sự thật về cho từ "hi hữu".
Nói thế nghĩa là chúng ta không phủ định toàn bộ những cuộc tìm kiếm mộ liệt sỹ, không phủ định toàn bộ các "nhà ngoại cảm" vậy.
Phân tích như bài viết của Đông Tuyền là chuẩn xác. Không có gì là tuyệt đối cả. Đừng tin vào những điều dối trá, lừa đảo nhưng cũng không nên phủ định sạch trơn.
ReplyDeleteMột câu của bạn đủ cho cả bài rồi :)
Delete