Tuesday, December 17, 2013

VỤ HÔI BIA - CÓ HAY KHÔNG SỰ DÀN DỰNG CỦA TRUYỀN THÔNG?

Một chuỗi sự việc liên hoàn  xe bia bị đổ, người dân hôi của, hãng bia đòi tài xế bồi thường, mạnh thường quân lập quỹ ủng hộ tài xế, hãng bia tuyên bố không đòi bồi thường, và những tình tiết hậu vụ việc đã thu hút được đáng kể sự theo dõi của dư luận trong suốt thời gian qua.

Việc nào thu hút sự chú ý tất nhiên thu hút cả sự xét nét, và sau khi vạch tìm ghép nối, cảm thấy câu chuyện có phần mang tính "kịch", nhiều người đã cho rằng đã có sự can thiệp dàn dựng của truyền thông mà đạo diễn chính là Tiger.

Có người đặt nghi ngờ ngay từ đầu, tức kể cả vụ tai nạn đổ bia cũng là dàn dựng, người dè dặt hơn thì dừng lại ở việc hoài nghi sự can thiệp của truyền thông và Tiger sau vụ tai nạn mang tính chất "chớp cơ hội làm PR".

Vốn không muốn đau đầu với những vụ việc liên quan đến truyền thông, song khi đọc bài viết với tựa đề: VỤ HÔI BIA: NỰC CƯỜI VỚI CÁC "CHUYÊN GIA" CHÉM GIÓ RẰNG CÓ SỰ DÀN DỰNG TRUYỀN THÔNG. thì tôi nghĩ cũng thú vị.

Tác giả bài viết cũng được xem là một "chuyên gia" mới nổi trong giới truyền thông, PR. Tôi cũng từng được đọc nhiều bài viết chất lượng với những góc nhìn sâu sắc, độc đáo của anh ta.

Tuy nhiên bài viết này tôi đánh giá là một sự giải thích hời hợt, một xô nước chữa cháy vụng về dù đã cố gắng khéo léo đánh lừa độc giả, kéo họ vào những cái nhìn thiên lệch và những kết luận võ đoán.

1. Tác giả viết rằng :
Vụ tai nạn này bản chất không phải là khủng hoảng truyền thông của hãng bia. Đối tượng bị chỉ trích và ném đá ở đây là những người dân tham gia hôi của ở Đồng Nai nói riêng và một thói xấu của người Việt Nam chúng ta nói chung. Nên về nguyên tắc, hãng bia không phải chịu bất cứ ảnh hưởng tiêu cực thực tế nào. Cho nên họ đâu cần "xử lý" cái gì!
Thứ nhất, người làm truyền thông phải hiểu rõ quyền lực của dư luận, với dư luận thì "tôi không làm gì sai" không bao giờ đồng nghĩa với "tôi không có rủi ro gì". Thực tế chứng minh, khi có thông tin Tiger bắt tài xế Hậu đền tiền dư luận đã nổi giận với sự vô cảm đó như thế nào, thậm chí một bộ phận đã đòi tẩy chay Tiger.

Vì vậy, rõ ràng, với một vụ việc thu hút đông đảo sự chú ý như thế này, nếu không xử lý một cách khéo léo, nguy cơ rủi ro và rơi vào khủng hoảng truyền thông là rất cao.

Thêm vao đó, logic rằng "vì không có nguy cơ khủng hoảng nên không cần xử lý khủng hoảng, vì không cần xử lý khủng hoảng nên không liên quan" mà nột logic mang tính ngụy biện theo kiểu "tôi muốn du lịch nên tôi đến Sapa, tôi không đến Sapa suy ra tôi không đi du lịch".

Ngoài Sapa còn nhiều lựa chọn khác để du lịch, cũng vậy, ngoài mục tiêu xử lý khủng hoảng còn nhiều mục tiêu khác kéo truyền thông phải can thiệp. Cụ thể trong vụ việc này, sau vụ tai nạn, Tiger hoàn toàn có thể biến nó thành cơ hội quảng bá, cơ hội quảng bá chứ không phải xử lý khủng hoảng.

2. Tác giả cho rằng việc kéo dài thời gian đưa ra quyết định xử lý vụ việc (tuyên bố không đòi bồi thường) của Tiger là vì "thực hiện đầy đủ theo quy trình làm việc chuyên nghiệp của các công ty lớn" và cho rằng muốn lấy 1 đồng của các "ông lớn" này cần phải có 10 con dấu!

Tác giả viết thêm:
Vừa xong, việc một ngân hàng rất lớn gọi điện đòi nợ khách hàng số tiền chỉ đúng... 1đ cũng là chuyện "thật như đùa" của quy trình doanh nghiệp. Nghe thì có vẻ rất buồn cười nhưng đấy mới là chuyên nghiệp.
Rõ ràng tác giả đã đồng nhất giữa chuyên nghiệp và nguyên tắc, rằng chuyện nghiệp là phải theo nguyên tắc, làm việc theo nguyên tắc là chuyên nghiệp đó là một nhận định sai hoàn toàn. Chuyên nghiệp vốn phải hiểu là "nguyên tắc hóa những gì được cho là hiệu quả nhất", hiệu quả mới chính là chuyên nghiệp chứ không phải nguyên tắc, vì vậy chuyên nghiệp bao gồm cả việc xử lý linh động, nhanh, gọn.

Vì thế, luôn luôn có cái gọi là "quy trình ngoài quy trình" để xử lý những tình huống đặc biệt ở những doanh nghiệp lớn thậm chí là những doanh nghiệp nhỏ vừa, bản thân tôi cũng từng xây dựng một quy trình làm việc tổng thể và rõ ràng trong những tình huống đặc biệt tốc độ xử lý là điều được ưu tiên hàng đầu.

Với Tiger, một hãng bia danh tiếng mà nói, làm sao lại không có được sự linh động như vậy. Thêm vào đó, khoản tiền mấy trăm triệu đối với Tiger nói chung và kinh phí truyền thông - quảng cáo của Tiger nói riêng thật chẳng thấm vào đâu.

So sánh hiệu quả của việc "không đòi bồi thường" trong vụ việc thu hút chú ý này và bỏ ra mấy trăm triệu để mua quảng cáo trên ti vi thì rõ ràng quyết định đã có thể đến từ rất sớm.

3. Tác giả nêu ra hai phương pháp tung hứng cảm xúc ứng dụng trong truyền thông là "hạ thấp kỳ vọng người đối diện" và "gương sáng phố phường", dụng ý của việc này đơn giản là tung hỏa mù, nhấn mạnh sự am hiểu của mình trong lĩnh vực truyền thông để gia cố niềm tin của độc giả đối với nhưng kết luận của mình. "Hãy tin tôi, tôi là một người am hiểu lĩnh vực này".

Dù đặt cái tên nào, mang tính hàn lâm hay "chuyên môn" ra sao thì logic của phương pháp ấy chỉ có một đó là tạo nên một sự so sánh cao thâp chênh lệch hòng khiến người tiếp nhận thỏa mãn với những gì mình đưa ra cho họ, không có gì là quá cao siêu hay khó áp dụng như tác giả mô tả cả. Các doanh nghiệp xưa nay và trong kinh doanh buôn bán bình thường người ta áp dụng đầy rẫy, đề giá bán 2 triệu, giảm giá 800 ngàn, bán với giá 1 triệu 200 ngàn trong khi thực giá cũng chỉ có 1 triệu 200 ngàn là thủ thuật dễ thấy nhất trên các tờ rơi được phát hàng ngày trên các tuyến phố.

Tung hỏa mù như thế, nhưng tác giả hoàn toàn không chứng mình được rằng Tiger không áp dụng hai phương pháp mà tác giả nêu ra, thế nhưng lại khẳng định chắc nịch rằng không hề có sự can thiệp dàn dựng của truyền thông.

***

Một khi có ý muốn chứng minh Thât - Giả, Dàn Dựng - Tự Nhiên phải đưa ra được bằng chứng sát thực, đằng này chỉ có vài lời nói suông, đã nói suông lại còn nói không hợp lý lẽ, cố tình đánh lừa người đọc như thế thật trái với Slogan "Tell The Truth" (nói sự thật) của tác giả.

Quay lại với việc CÓ HAY KHÔNG SỰ DÀN DỰNG CỦA TRUYỀN THÔNG ?

Trước hết chúng ta thừa nhận vài trò của báo giới trong vụ việc này là rất quan trọng, ít nhất là vai trò "kéo đẩy" còn có vai trò "hạt nhân" hay không thì tôi chưa dám khẳng định, đơn giản vì tôi là người nhìn nhận chứ không phải người trong cuộc hay người điều tra.

1. Có rất nhiều vụ hôi của trước đó như chỉ đến khi vụ việc này diễn ra, đồng loạt các báo mới thổi lên thành tầm cỡ "quốc nhục", VTV thậm chí còn làm một chương trình đối thoại về văn hóa ứng xử trong tình huống tương tự.

2. Hàng loạt các bài viết ra lò mỗi ngày khai thác và cập nhật tỉ mẩn nhất có thể về diễn biến vụ việc, lèo lái dư luận từ cung bậc này qua cung bậc khác để rồi hạ màn êm đẹp.

Cũng như bao người đứng ở vai trò là người nhìn nhận, tôi xin đưa ra nhưng câu hỏi "tại sao" sau đây:

1. Tại sao xe chở hàng nặng, dễ hư hỏng và cồng kềnh lại không có che chắn và chằng buộc để nó đổ "đẹp mắt" như vậy?

2. Tại sao ban đầu đồi bồi thường, sau đó lại quyết định không đòi bồi thường nữa, dù lúc này với quỹ ủng hộ của các mạnh thường quân anh Hậu hoàn toàn có khả năng chi trả ?

3. Tại sao anh Hậu là lái xe cho một hãng vận tải lớn, theo quan sát của tôi, người làm nghề này có thể thiếu thốn nhưng không phải nghèo lại được mô tả như người "chẳng có gì" ?

4. Tại sao anh Hậu không bị bồi thường mà còn giữ lại 40% số tiền ủng hộ  để rồi sau đó lại trả hết mà không trả hết ngay từ đầu ?

Cuối cùng, điều mà báo giới dù tỉ mẩn đến đâu cũng chẳng thèm khai thác đó là tất cả các xe chở bia đều được bảo hiểm toàn bộ tai nạn, vậy thì điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm là gì ?.

Thông tin "từ chối đền bù" của công ty bảo hiểm mà báo chí đăng không xuất phát từ công ty bảo hiểm mà xuất phát từ anh Hậu, đây là một điểm lạ cần đặt dấu hỏi.

Tìm hiểu về sản phẩm bảo hiểm hàng hóa nội địa của công ty cổ phần Bảo Hiểm Bưu Điện (nơi công ty anh Hậu mua bảo hiểm) thì thấy ghi rõ :
-Đối tượng bảo hiểm:
     Hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam
    Vỏ container vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 
-Phạm vi bảo hiểm:
    Cháy hoặc nổ;
    Động đất, bão lụt, gió lốc, sóng thần và sét đánh;
    Phương tiện vận chuyển bị đắm, bị lật đổ, bị rơi, mắc cạn, đâm va nhau hoặc đâm va vào vật thể khác hay bị trật bánh;
    Cây gãy đổ, cầu cống, đường hầm và các công trình kiến trúc khác bị sập đổ;
    Phương tiện chở hàng mất tích;
    Hy sinh tổn thất chung. 
-Loại trừ:
    Chiến tranh, đình công, nội chiến, cách mạng, khởi nghĩa, phản loạn hoặc quần chúng nổi dậy, CƯỚP, mìn, thủy lôi, bom hoặc các dụng cụ chiến  tranh khác;
    Hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của phóng xạ hay nhiễm phóng xạ phát sinh từ việc sử dụng năng lượng nguyên tử, hạt nhân và/hoặc phản ứng hạt nhân, phóng xạ tương tự;
    Hành động xấu cố ý hay hành vi phạm pháp của người được bảo hiểm hay người làm công cho họ;
    Những mất mát, hư hỏng hay chi phí do khuyết tật vốn có hoặc do tính chất đặc thù của loại hàng hóa được bảo hiểm;
    Xếp hàng quá tải đối với hàng chở nguyên chuyến;
    Đóng gói sai quy cách, bao bì không thích hợp hoặc hàng bị hỏng từ trước khi xếp lên phương tiện vận chuyển;
    Rò chảy thông thường, hao hụt trọng lượng hay giảm thể tích thông thường của hàng hóa được bảo hiểm trong quá trình vận chuyển;
    Phương tiện vận chuyển không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông;
    Những mất mát, hư hỏng hay chi phí có nguyên nhân trực tiếp do chậm trễ, dù chậm trễ đó do một rủi ro được bảo hiểm;
    Hàng hoá bị tổn thất trước khi cấp đơn bảo hiểm;
    Hàng hoá chở quá địa điểm kết thúc hành trình ghi trên đơn bảo hiểm.

Phát biểu với báo giới, anh Hậu nói rằng công ty bảo hiểm từ chối bồi thường vì cho rằng hàng hóa bị cướp, điều này hoàn toàn vô lý.

Thứ nhất, đó không phải hành vi cướp, vì hành vi cướp được mô tả trong luật hình sự là  hành vi sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng ngay tức khắc vũ lực đối với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi của người hôi bia trong vụ này chỉ có thể quy về hanh vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản" mà thôi (!?).

Hơn nữa hành vi đó diễn ra trong tai nạn chứ không phải diễn ra độc lập, điều khoản loại trừ của sản phẩm bảo hiểm chỉ loại trừ trường hợp hàng hóa bị cướp (độc lập) chứ không loại trừ các khả năng mất mát do bên thứ ba trong tai nạn.

Với những bằng chứng có được anh Hậu và công ty chủ quản hoàn toàn chứng minh được điều đó. Vậy thì thiệt hại của vụ tại nạn về mặt tài chính anh Hậu vốn không phải là người chịu trách nhiệm đền bù mà là công ty bảo hiểm.

Hỏi rằng tất cả những gì diễn biến sau đó phải giải thích làm sao?

1 comment: