Monday, December 2, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 18

Kiều Công Hãn bị mất hai mãnh tướng, từ đó thủy chung đóng cổng thành không ra đánh, lại cho cung thủ sẵn sàng trên thành, khiến cho quân Lĩnh vây riết mấy ngày trời mà không dám đánh vào. Cuối cùng không có cách nào xoay chuyển tình hình Lĩnh đành kéo quân về Phong Châu Thượng.

Từ đó, cứ cách vài ngày, Lĩnh lại sai các tướng thay phiên đem quân đến đánh, nhưng Công Hãn vẫn bền chí bền gan thủ mãi, hơn hai tháng ròng rã, chẳng bên nào bắn ra một mũi tên, cứ quân Lĩnh kéo đến lại kéo về, còn quân họ Kiều không mảy may muốn đánh.

Đúng phải lúc tiết trời mua đông nhiều mưa dâm, lương thả sắp cạn, lòng quân chán nản, đánh mãi không được, Đinh Bộ Lĩnh tính đường phải rút quân thì Lưu Cơ đứng ra hiến kế : 

-         Tôi có một cách, chủ tướng xem thế nào ! 

-         Cách gì nói ta nghe !

-         Mùa đông, có một thứ mà quân dân trong thành Phong Châu Hạ buộc phải ra ngoài tìm kiếm đó là củi khô để sưởi ấm, bây lâu nay ta không phát giác chắc chắn là do họ ra khỏi thành vào lúc đêm. Nay ta cho lập các đồn kiểm soát không cho quân trong thành ra kiếm củi khô, tất chẳng lâu ta gọi phải ra hàng.

Đúng lúc đó có lính vào trình thư của Trịnh Tú gửi từ Đại La, Bộ Lĩnh mở thư ra đọc, thư viết:

“Chủ tướng hơn hai tháng vây riết mà không phá được Phong Châu Hạ, khiến cho Tú tôi ở Đại La cũng ngày đêm lo cái lo ấy, hôm nay ngồi bên bếp sưởi bất giác nghĩ quân Công Hãn trong thành cũng cần sưởi ấm lắm lắm, nên viết thư này ngỏ với chủ tướng nên tìm cách tuyệt lấy đường vận củi khô tất quân họ Kiều phải hàng. Thiển ý của Trịnh Tú.”

Lĩnh đọc xong đem thư đưa cho Lưu Cơ xem, rồi cả hai cùng cười, Lĩnh nói:

-         Quả nhiên có Trịnh Tú, Lưu Cơ ta chẳng phải lo gì, hai ngươi ở hai nơi mà đầu nghĩ cũng một chuyện, thật hay thay, kế ấy diệu lắm, nhưng ta chỉ e làm thế dân trong thành sẽ oán, đến khi lấy được rồi khó mà an, cũng cách ấy, nhưng ta nghĩ nên cho người giả làm tiều phu, tìm cách vào được trong thành làm nội ứng, Lưu Cơ thấy thế nào?

-         Chủ tướng tính thế là rất chu toàn, tôi không có ý khác.

Quả đúng như Trịnh Tú, Lưu Cơ tính toán, đang đêm, nhân lúc quân Bộ Lĩnh không vây đánh, dân trong thành Phong Châu Hạ mới được phép theo cổng thành phía Nam ra ngoài kiếm củi khô.

Đêm đó, Đinh Điền dẫn theo một trăm người ăn vận như dân thường, nhập vào đoàn tiều phu ấy cùng kiếm củi, sau đó lẩn theo vào thành mà lính canh công không hề phát giác.

Sáng hôm sau, khác mọi lần, Đinh Bộ Lĩnh đích thân dẫn quân đi vây đánh, Kiều Công Hãn ra đứng trên cổng thành trỏ xuống nói:

-         Bộ Lĩnh không lấy làm buồn chán sao?

-         Cũng có một chút!

-         Vậy sao không rút đi cho sớm, còn kịp nấu bánh chưng ăn tết?

-         Hôm nay tôi đến chào Kiều tướng quân đây.

Công Hãn nghe đến đó chợt mặt biến sắc, biết Bộ Lĩnh không phải hạng hay nói chơi, lại không trông thấy Nguyễn Bặc và Đinh Điền đâu liền thét quân giữ chặt các cổng thành.

Nhưng khi Công Hãn hiểu chuyện thì đã quá muộn, ở cổng phía Nam, lính canh bị Đinh Điền chém hết cả, cổng thành lại mở toang đón quân Nguyễn Bặc tiến vào, hai tướng lại đánh thốc tới cổng tây mở cổng cho đại quân của Bộ Lĩnh và các tướng kéo vào.

Công Hãn, Kiều Thuận thất trận phòng thủ, cùng nhau mở cổng thành phía Đông, mang theo ba ngàn quân tháo chạy.

Anh em họ Kiều nhắm hướng sông Đà mà chạy, quân Bộ Lĩnh cũng đuổi rát phía sau, cùng đường, Kiều Thuận bảo anh mình:

-         Lĩnh đang đuổi tới, chết cả hai chi bằng sống một, nay để em chặn hậu, còn anh đưa người vượt sông mà chạy.

Công Hãn nghe theo, dẫn người vượt sông, Bộ Lĩnh đem quân tới, Kiều Thuận ra chặn đánh, Thuận nói:

-         Đinh Bộ Lĩnh, hôm nay ta và ngươi một sống một còn ở đây.

-         Kiều Thuận, xưa cha ta tha mạng cho ông ở Đại La, nay ta lại đối mặt với ông ở đây, xem như họ Đinh ta và ông có ác duyên trước sau cần phải cắt.

Lĩnh nói rồi sai Đinh Liễn vào đánh, Đinh Liễn bao năm qua được Nguyễn Bặc, Đinh Điền chỉ dạy, võ nghệ cũng chẳng thuộc hạng thường. Liễn lăm lăm mũi thương tế ngựa vào đâm Kiều Thuận, Thuận nhanh tay đỡ được, nhưng bị Liễn mượn thế quật cán thương vào lưng. Thuận tức tối, quay ngựa lao vào đánh Liễn, hai bên hăng như mổ lợn tết mà mãi chưa phân cao thấp, cuối cùng Liễn vờ thua chạy, Thuận đuổi rát, nào ngờ bị trúng hồi mã thương của Liễn ngã ngựa mà chết.

Lúc đó Công Hãn đã kịp qua sông, đứng trên bờ rõ nước mắt trông em rồi tế ngựa cùng quân sỹ chạy. Đinh Liễn thưa :

-         Xin cha cho được mang quân vượt sông truy đuổi.

-         Không cần, ông ta chạy không qua nổi đất Ái Châu đâu – Bộ Lĩnh đáp –

Đinh Bộ Lĩnh quay lại hàng phục hết quân lính trong thành Phong Châu Hạ, lại mở kho lương phát cho dân chuẩn bị đón tết, dân trong vùng ai nấy đều hoàn hỷ, xong xuôi đâu vào đấy, Bộ Lĩnh cắt cử người trông coi đất Phong Châu còn mình kéo đại quân về Đại La.

Lĩnh vượt sông, cố tình đi ngang đất Đường Lâm, Ngô Nhật Khánh nghe tin cho người ra vời Lĩnh ghé thành, sứ đến mời Lĩnh im không nói chỉ dùng mũi thương gạch hai vạch chéo nhau trên mặt đất rồi lại kéo quân thẳng về Đại La. 

Về đến Đại La, nhân lúc đông đủ, Cự Lang lúc này mới đứng ra hỏi: 

- Lúc qua Đường Lâm, Nhật Khánh cho người vời sao chủ tướng đáp lại còn vẽ hai vạch chéo là ý gì ?

Bổ Lĩnh cười trông qua Lưu Cơ nói: 

- Lưu Cơ hiểu lý ấy chăng ?

- Ta đã đánh dẹp hết Cảnh Thạc đến Nguyễn Siêu và cả Công Hãn, đương nhiên đã trở thành đạo quân lớn nhất mà ai cũng phải kiêng dè. Ngô Nhật Khánh là kẻ yếu vía tất lo sợ bị quân ta đến đánh. Nay chủ tướng vờ làm vẻ bí ẩn là để Nhật Khánh sợ càng thêm sợ. Theo tôi đoán thì chẳng bao lâu nữa Khánh sẽ tự mang quân đến hàng. - Lưu Cơ nói -

- Ta quả có ý ấy, nhưng cũng chưa dám chắc mình hiểu hết con người Nhật Khánh, Nhật An, nên đợi thêm mấy ngày nữa xem sao. Sao bây giờ vẫn chưa có tin từ Ái Châu nhỉ?

Đinh Liễn đứng ra chắp tay hỏi: 

- Thưa cha, cha muốn biết tin gì từ Ái Châu vậy? 

- Tin của Lê Hoàn.

Lê Hoàn được Chân Lưu đại sư gửi gắm cho Bộ Lĩnh, Lĩnh cũng thấy Hoàn là người khí khái, sau khi rời Ái Châu thì giao cho cùng Đinh Liễn ở lại lo việc lương thảo, sau Liễn ra Động Giang hội quân, thì ở Ái Châu giao cả cho Hoàn. 

Hoàn cũng là kẻ tài ngạo trời đất, nhận lệnh ở lại trông coi Ái Châu, quân sỹ trên dưới không ai không nghe phục, Hoàn thường đưa người vào Hoan Châu, Nhật Nam mộ lính, cũng như để yên các đất ấy, nên mấy năm Bộ Lĩnh đem quân đi chinh chiến mà chẳng cần lo gì Ái Châu, Hoan Châu, Nhật Nam.

Bộ Lĩnh đuổi Kiều Công Hãn đến bờ sông Đà, đoán Công Hãn sẽ xuôi về đất Ái Châu nên viết thư gửi Lê Hoàn, thư chỉ có mấy chữ : 

"Tướng có thể giết, lính thì bắt sống cho trọn"

Hoàn nghe theo, đem lính chặn đường bày mai phục đợi Công Hãn. 

Kiều Công Hãn vượt được sông Đà thoát khỏi sự truy đuổi của Bộ Lĩnh, nhưng biết không thể quay về chiếm lại thành nữa, bèn dẫn lính theo hướng Ái Châu mà chạy, khi chay qua một đoạn đường mà một bên là vách núi đá vôi, bên kia một ngọn đồi với cây cối khá um tùm, bỗng đâu có quân ra chặn đánh. 

Tướng ra chặn chính là Lê Hoàn, Hoàn quát lớn: 

- Quân sỹ bên kia, ai muốn sống thì nên đứng dồn sang bên phải.

Nói rồi đưa tay ra hiệu, tức thời, lính bên vách núi bên trái trổ ra, sẵn sàng dùng đá ném xuống. Quân của Công Hãn hoảng sợ, đứng dồn cả về bên phải. Hoàn lúc đó lại quát lớn :

- Quân sỹ bên kia, ai muốn sống thì nên đứng dồn qua bên trái.

Nói xong lại đưa tay ra hiệu, thì trong những lùm cây trên ngọn đồi bên trái nhất tề cung thủ trổ ra nhắm nỏ và bên trái quân Công Hãn. Quân Công Hãn hoảng loạn, xô đẩy chen chúc nhau mà đứng. Công Hãn lúc này mới quát hỏi: 

- Ngươi la ai mà chặn đánh quân ta?

- Tôi là Lê Hoàn, bộ tướng của Đinh Bộ Lĩnh, chủ tướng tôi bảo tôi chờ ngài ở đây hơn 4 tháng rồi.

Kiều Công Hãn cả quân lẫn tướng nghe thế thì thất kinh, lính của Công Hãn nghe thế càng thêm hoảng loạn, buông giáo bỏ tướng quay đầu bỏ chạy. Công Hãn đứng sững, chưa biết phải thế nào thì Lê Hoàn đã tế ngựa đến toan chém, Công Hãn đỡ được, vừa đánh vừa chạy, Hoàn dừng ngựa, hiệu cho cung thủ nhắm Công Hãn mà bắn, Công Hãn đỡ được ba bốn, chẳng đỡ được chín mười trúng tên mà chết.

Lính của Công Hãn trên đường chạy lại bị chăn đánh, liền hàng cả, Hoàn bố trí cho hàng binh ấy về Phong Châu, còn mình không đợi lệnh, tự mình dẫn quân ra Đại La hội với Bộ Lĩnh.

Gặp Bộ Lĩnh, Hoàn thi lễ rồi nói:

- Tôi đã giết Công Hãn, bắt sống hết lính của ông ta lại cho về Phong Châu hết theo lời chủ tướng, đáng lẽ viết thư báo rồi chờ lệnh, nhưng thuộc hạ thấy các đất lân cận Ái Châu đều đã được yên, không cần phải trông giữ quá cẩn trọng nữa, nên mạo muội dẫn quân ra đây hội với chủ tướng, xin theo lập công.

- Tốt lắm, ngươi ra hội quân cũng hợp ý ta, trước sau gì ta cũng gọi ngươi ra thôi. 

Cuối mùa đông năm 967, sau khi Kiều Công Hãn bị Lê Hoàn giết ở Ái Châu, hai sứ Kiều Thuận, Kiều Công Hãn coi như mất, đây là trân đánh ngặt nghèo nhất của Đinh Bộ Lĩnh, cả hành quân lẫn vây đánh mất bốn tháng, thương vong gân một ngàn, thu phục gần một vạn hàng binh, yên được đất Phong Châu. Kiều Thuận, Kiều Công Hãn tuy hai mà một, chia nhau giữ Phong Châu, quân dẹp loạn đến chống cự được hơn ba tháng thì thua chạy, các tướng đều chết hết, quân sỹ thương vong gần hai ngàn, còn lại đều theo hàng Đinh Bộ Lĩnh.

Đầu mùa xuân năm 968, Đinh Bộ Lĩnh hội hết các tướng ra Đại La, bàn kế vượt sông dẹp các sứ Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Lý Khuê, Lã Đường. Quân của Bộ Lĩnh lúc này đã lên đến   bốn năm vạn, chia nhau đóng ở khắp các đất Phong Châu, Ái Châu, Đăng Châu, Thái Bình, Trường Yên, Động Giang, Tây Phù Liệt, nay chỉ để số ít lại giữ thành, còn lại theo các tướng ra hết Đại La. 

Quân tập trung ở Đại La lên đến gần ba vạn, khí thế nuốt càn khôn. Đương lúc Bộ Lĩnh đang nghị sự cùng các tướng, có lính vào báo: 

- Thưa chủ tướng, có Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm đến hội quân.

- Mời vào - Lĩnh nói, đoạn mỉm cười nói với Lưu Cơ - Ông đúng rồi !

Ngô Nhật Khánh nghe tin Đinh Bộ Lĩnh thắng trận ở Phong Châu, trên đường về Đại La có ngang qua Đường Lâm, bèn cho người vời vào thành, Lĩnh không đáp lại còn vạch ha vạch chéo trên đất, sứ giả về thuật lại chuyện ấy khiến trong lòng Khánh lo lắm. 

Khánh cho gọi Nhật An đến nói: 

- Anh cho người mời Đinh Bộ Lĩnh, ông ta không đáp lại còn vạch hai vạch chéo xuống đất rồi đi, em nói xem ấy là ý gì, phải chăng ông ta muốn ám chỉ thành Đường Lâm ta là mục tiêu tiếp theo?

- Điều ấy không thể võ đoán được, duy có điều, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh khắp nơi thế như chẻ tre, các sứ lớn đều bj ông ta dẹp hết cả, quân ta cũng chẳng giữ mãi Đường Lâm này được, theo em thấy nên theo hàng Bộ Lĩnh mới là kẻ thức thời.

Khánh nghe thế im lặng không nói, trong bụng dùng giằng mãi, nữa muốn giữ đất Đường Lâm tự mình làm chủ một cõi nhưng sợ thế ấy chẳng bền, Đinh Bộ Lĩnh có thể đến lấy đất này bất cứ lúc nào, đến lúc ấy lại thành giặc chưa biết chừng.

Khánh chưa hạ quyết tâm thì đã nghe tin ở Đại La, quân của Đinh Bộ Lĩnh từ khắp nơi hội về có đến gần 3 vạn, cả kinh chẳng dám kê gối nghĩ ngợi thêm, liền cùng Nhật An dẫn quân đến hội xin làm bộ tướng. 

Lĩnh mời Khánh vào, hỏi : 

- Nhật Khánh đến tìm ta có việc gì chăng?

- Lần trước có hẹn với Đinh tướng quân, thế nguy của Đường Lâm được giải liền dẫn quân theo làm bộ tướng, sau lại hiềm nhiều nỗi mà trễ hẹn ấy, hôm nay tôi đến một lòng xin theo vậy.

- Nhật Khánh giữ đất Đường Lâm riêng mình một cõi chẳng phải tốt hơn theo ta làm bộ tướng sao, lợi hại đã nghĩ thông chưa?

- Chuyện ấy vốn đã sớm không cần nghĩ, tôi trước sau một lòng kính ngưỡng muốn theo về, xin Đinh tướng quân chấp thuận cho. 

- Ngươi đã nói thế, ta cũng đành thuận lòng vậy.

Cũng đầu năm 968, Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm cả tướng lẫn quân hơn năm ngàn theo về với Đinh Bộ Lĩnh, 12 sứ quân nay chỉ còn bốn sứ, tất cả đều đóng phía mạn bắc sông Hồng. Lĩnh muốn một trận mà dẹp 4 sứ ấy thống nhất đất nước, liền nói với các tướng:

- Ta cuối năm 965 thì khởi binh, đến nay cũng đã ba năm, nhờ các tướng mà đánh đâu được đó, nay thấy các tướng và quân sỹ tuy chưa mỏi, nhưng binh biến bao năm lòng dân cũng đã mỏi, mười hai sứ quân nay chỉ còn bốn, ta muốn một trận cho xong để dân yên nước ổn, nên hội các tướng về đây cả mà luận kế. Các tướng thấy thế nào?

Lưu Cơ đứng ra nói: 

- Trong 4 sứ quân này, Nguyễn Khoan và Nguyễn Thủ Tiệp vốn đã có mối liên kết, gần đây Nguyển Thủ Tiệp lại liên kết với Lý Khuê, theo đã đó, nếu ta không nhanh đánh tới thì 4 sứ liên kết với nhau, lúc ấy khó càng thêm khó. Thiết nghĩ nên chia quân làm bốn đạo, vượt sông áp sát các thành Tam Đái của Nguyễn Khoan, Tiên Du của Thủ Tiệp, Siêu Loại của Lý Khuê, Tế Giang của Lã Đường, rồi mới tùy cơ mà ứng biến.

- Nguyễn Khoan đóng ở Tam Đái cách xa so với 3 sứ kia là không đáng lo nhất, ba sứ còn lại rất có thể họ sẽ liên kết, ứng cứu lẫn nhau khi ta tiến đánh, vì vậy ta nên cho người đóng ở giữa các sứ này. - Trinh Tú nói thêm -

- Tốt lắm. Nay ta giao cho Nguyễn Bặc, Đinh Liễn điểm năm ngàn quân tiến đánh Tế Giang của Lã Đường. Lưu Cơ, Đinh Điền điểm năm ngàn quân tiến đánh Siêu Loại của Lý Khuê. Phạm Hạp, Cự Lang lãnh năm ngàn quân tiến đánh Tiên Du của Nguyễn Thủ Tiệp. Trần Thăng, Trần Thái, Nhật Khánh điểm quân đến chặn giữa các sứ. Ta, Trịnh Tú và Lê Hoàn sẽ lãnh binh tiến đánh Tam Đái.

Mùa xuân 968, đại quân của Đinh Bộ Lĩnh vượt sông, quyết một trận thống nhất đất nước.

Kết quả thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.


1 comment: