Friday, December 26, 2014

Quản Trị Học với Phật Học là y chang nhau ...?

Gần đây trên mạng có nhiều bài phân tích rồi rút ra bài học từ phim Tây Du Ký, một câu hỏi trái khoáy đặt ra là “tại sao Đường Tăng “vô dụng” lại lãnh đạo được Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại”.http://www.webtretho.com/forum/f76/tai-sao-duong-tang-vo-dung-lai-tro-thanh-nguoi-lanh-dao-con-ton-ngo-khong-tai-phep-thi-lai-la-ke-lam-cong-1993792/

Mình cho rằng đây là một cách đặt vấn đề hết sức vớ vẩn, khi mà những người viết lấy cái nhìn từ Quản Trị Học áp dụng lên những biểu trưng của giáo lý Phật giáo, tức là bình xét một vấn đề trên hệ quy chiếu này dựa trên hệ trục của một hệ quy chiếu khác, nó phi và phản khoa học cho cả việc nghiên cứu Quản Trị Học lẫn Phật Học.

Tương tự như việc bạn xem phim Đội Bóng Thiếu Lâm của Châu Tinh Trì sau đó so sánh các kỹ năng của các nhân vật trong phim với Ronaldo, Messi, De Gea ... (những cầu thủ ngoài đời thực), nó chẳng đi tới đâu, bởi Đội Bóng Thiếu Lâm vốn là một bộ phim thuộc thể loại siêu thực, thế giới phim khác hoàn toàn với thế giới thực.

Bản thân mình chỉ thích xem, chứ không thực sự thích bình Tây Du Ký, bởi trơng TDK bên cạnh việc ẩn dụ các giáo lý Phật Giáo thì có xen lẫn cả Đạo Giáo, nét đặc trưng vô cùng riêng biệt của Trung Quốc khi họ luôn muốn đạo gốc của họ (Đạo Giáo) ảnh hưởng lên và đồng hóa các đạo du nhập khác, trong đó có Phật Giáo.

Đó là một việc đau lòng mà ngay cả ở Việt Nam ta cũng xảy ra (dù rằng đó là một sự địa phương hóa, giao thoa tôn giáo một cách tự nhiên chứ không phải cưỡng ép như TQ), toàn bộ kinh điển và tinh thần nhân sinh do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại có giá trị vô cùng to lớn đối với nhân loại, bản thân nó đã chồng chứa rất nhiều tầng nghĩa cao sâu khác nhau không dễ gì để hiểu hết, huống chi lại bị phiên nhiễm, tam sao thất bản.

Trong bài viết “Nho Giáo, Việt Nam cần học chổ nào?” (http://kichbanquangcao.blogspot.com/2013/10/nho-giao-viet-nam-ang-can-hoc-cho-nao.html), mình có viết về việc kinh sách của Khổng Tử bị tam sao thất bản, sau lại bị hậu bối xuyên tạc, thêm thắt phục vụ nhiều mục đích khác nhau (trong đó có chính trị), khiến cho ý nghĩa cao đẹp ban đầu trong tư tưởng Khổng Tử bị mất đi, bị hoen ố. Không Tử nói Ngũ Thường, không nói Tam Cang, Khổng Tử nói bình đẳng, không nói chính phụ trọng khinh, nhưng Hán Nho, Tống Nho làm lệch lạc đi tất cả. Chẳng phải quá đau lòng sao?

Ở Việt Nam, nói đến Đạo Phật, nhiều người lại nghĩ ngay đến mê tín dị đoan, đến xem bói, xem quẻ, cầu tự, cầu danh, cầu tài ... Đấy hoàn toàn là hậu quả của việc phiên nhiễm các tôn giáo địa phương và việc hiểu chưa đúng chổ tột cùng của kinh sách mà ra. Thế giới quan Phật Giáo là thế giới quan Duy Vật, biện chứng của Phật Giáo là biện chứng Nhân - Quả, Duyên - Nghiệp, ngay chính bản thân đức Phật cũng không phải là đấng cứu thế có thể tạo - ban hay dùng quyền năng để thay đổi số phận 1 con người. Phật Giáo thuần túy, tuyệt đối không có mê tín.

Những cái hiểu sai chất chồng lên nhau như vậy, làm đau lòng những người học Phật, mình chỉ dám nhận là người “đọc” Phật thôi nhưng cũng cảm thấy đau lòng như vậy. Chính vì lẽ ấy mà dù loạt bài viết về “Đường Tăng vô dụng” kia, tuy vớ vẩn, nhưng làm mình vô cùng phẫn nộ. Đạo Phật bị hiểu sai đã đủ nhiều, xin làm ơn, hãy để Đạo Phật được yên. Đừng mang những lối nghĩ ngu xuẩn của mình để phán xét Phật Giáo nữa.

Tại sao ngu xuẩn? Tại vì dùng hệ quy chiếu của Quản Trị Học để bình xét các ẩn dụ Phật Học nhưng ngay cả kiến thức về Quản Trị Học cũng sai cơ bản, nhận thức về Quản Trị Học vô cùng u tối, thể hiện sự bất mãn mù quáng với hiện thực đời sống mà bản thân đang lạc lõng.

Lan man một tý, mình học đại học 1 năm thôi, và may mắn được học Quản Trị Học Căn Bản, mình học rất tài tử, giáo trình hầu như không hề ngó qua, đối với Quản Trị Học chỉ nhớ được câu thần chú “Đặt Mục Tiêu, Lên Kế Hoạch, Đốc Thúc Thực Hiện, Kiểm Soát”. Sau này đi làm cũng may mắn được mấy lần quản lý người ta, cách làm của mình rất đơn giản: đặt mục tiêu tối thiểu + thiết lập quy trình chung và các công cụ hỗ trợ + đưa ra hệ thống thưởng, phạt, thu nhập và việc còn lại là lên facebook chém gió. May mắn thêm một lần nữa, team của mình luôn luôn là team hoạt động cực hiệu quả. Có một điều là mình không bao giờ bán hàng giỏi hơn những bạn trong team, tuy thế, dù phần lớn thời gian là để chém gió nhưng chắc chắn mình không vô dụng.

Đặt câu hỏi tại sao Đường Tăng không thần thông quảng đại lại lãnh đạo được Tề Thiên Đại Thánh là cả một sự ngu dốt thâm sâu rồi, trả lời vì “Đường Tăng vô dụng” thì tầng sâu ấy lại thêm được mấy phần. Quản lý được chia thành ba cấp, sơ cấp, trung cấp và cao cấp ở mỗi cấp khả năng kỹ thuật, chiến thuật, chiến lược có sự cần thiết nặng nhẹ khác nhau, tuyệt đối không có ai vô dụng mà được việc cả. Ở cấp quản lý càng cao, đòi hỏi về kỹ thuật càng thấp, đòi hỏi về tầm nhìn càng tăng, đó là Đòi Hỏi, chứ không phải là Bắt Buộc Tất Yếu, quản lý cấp cao cần có tầm nhìn xa, rộng, khả năng hoạch định chiến lược tốt và nếu anh ta giỏi kỷ thuật thì chả làm sao hết. Hẳn là người viết tức tối vì mình tài năng hơp sếp của mình chăng khi nói “muốn làm lãnh đạo thì phải (bắt buọc tất yếu) vô dụng”?

Hay như việc kết luận “cái mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có là “các mối quan hệ””, người viết viết (liệt kê) về các mối quan hệ, nhưng anh/chị ta không giải thích được các mối quan hệ có vai trò gì và tại sao lại có các mối quan hệ đó. Đó một lần nữa lại “thể hiện sự bất mãn mù quáng với hiện thực đời sống mà bản thân đang lạc lõng.” Nhiều bạn trẻ vẫn thường chửi người khác vì “đi lên nhờ các mối quan hệ”, coi đó như là một sự đáng ghê tởm lắm, và bài viết rõ là có dụng ý gãi vào chổ ngứa của các bạn trẻ hay chửi ít làm này.

Đến bao giờ các bạn mới ý thức được “các mối quan hệ” cũng là một “nguồn lực” bên cạnh nhân lực, tài lực, vật lực và thông tin? Nếu xem đó là một nguồn lực thì phải có quá trình chuẩn bị trước khi lên một kế hoạch, nó hiển nhiên đóng vai trò trong sự thành công của một kế hoạch chứ chả phải điều gì đáng ghê tởm cả. Bạn ghê tởm nhân tố đưa bạn đến thành công, thành công sẽ ghê tởm bạn. “Xây dựng các mối quan hệ” là một dạng tài năng, một tài năng quan trọng, câu sấm truyền “quảng cáo thoái vị, PR (quan hệ công chúng) lên ngôi” đã lan đến tận từng lũy tre rồi mà các bạn đang ở đâu, lỗ cua chắc?

PR không phải các em trẻ đẹp đứng chào khách, không phải là một vài bài viết lố lăng đăng lên báo, nó là một hệ thống tổng hòa các tương tác (nội dung lẫn hình thức) của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với những nhóm đối tượng trọng yếu nhằm thiết lập những liên hệ bền chặt mà từ đó khai thác được các lợi ích đáp ứng tiến trình của các kế hoạch, chiến lược. Khi mình còn làm Marketing cho một công ty luật, trong kế hoạch Marketing tổng thể luôn dành đất cho PR rất nhiều, “những nhóm đối tượng trọng yếu” là nhân viên (marketing nội bộ), khách hàng (chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm một chính sách tương ứng), luật gia (luật sư, chuyên viên luật), báo giới, chính quyền, các đối tác, ... Nói xem chuyện đó có gì đáng ghê tởm? Nếu người viết am hiểu về quản trị học thì phải kết luận rằng “Đường Tăng có khả năng xây dựng các mối quan hệ tốt hơn Tôn Ngộ Không”, mới đúng tinh thần “rút ra bài học”, chứ không phải kiểu cay cú với đời, tiếp tục ru ngủ bản thân và những người khác, tự an ủi rằng “lỗ cua mát lắm” như vậy.

Trên đây là phân tích qua loa, gọi là chiều lòng người viết để nhìn trên cái nhìn Quản Trị Học, còn về căn bản, muốn bình Tây Du Ký, bạn hay bất kỳ ai cũng phải có hiểu biết về Phật Học, không những thế cái hiểu đó phải thâm sâu ở mức độ nhất định. Tây Du Ký là một chuỗi dài những ẩn dụ cho những giáo lý Phật Giáo. Đi thỉnh kinh, đi Tây Trúc thì không phải đi đến Tây Trúc mang những cuốn tập có chép kinh về mà là đến với Phật, đến với giác ngộ. “Tám mươi mốt nạn quỷ ngăn đường” thì không phải là 81 lần đụng độ với yêu quái các kiểu, mà là những cám dỗ từ ngoại cảnh. Năm thầy trò không hẳn là Đường Tăng, Tôn Ngô Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, Bạch Mã mà còn là Tâm, Trí, Dục Vọng, những lầm chấp của một con người, trong đó tâm sáng, tâm tĩnh, trí huệ (không phải trí tuệ) sẽ dẫn lối ...
(đọc thêm "Giải mã truyện Tây Du Ký" :https://docs.google.com/file/d/0BwSQuh8bXA_KNjBOc0lVb016ZTQ/edit (mình chưa đọc))

Trong Phật Giáo không có khái niệm người lãnh đạo, chỉ có người thầy, người dẫn lối, người bạn đồng hành (Đức Phật chỉ nhận mình là người hướng dẫn mà thôi), người đạt được tầng tu tập cao hơn sẽ hướng dẫn người sau, làm cho người sau ngộ ra chân lý mà tiến tu. Người đi tìm giác ngộ, trước phải dùng trí tuệ để hiểu, sau phải dùng trí huệ để ngộ, Tôn Ngộ Không chí trí tuệ xuất chúng hơn người nhưng chưa có được cái trí huệ của bậc tu như Đường Tăng, hẳn vì lẽ đó mà anh ta có pháp danh là Ngộ Không, cốt để nhắc anh ta một chữ “Không”. (Giải thích 1 từ trí huệ rất khó, mình hiểu nhưng viết ra có lẽ lại là thảm họa, bạn nào có nhiệt tâm thì tìm hiểu nhé, trong kiến giải Kinh Tinh Yếu Bát Nhã có giải thích rõ cái này)

http://tangthuphathoc.net/tapsach/vothuongnietban-01.htm

Ngộ Không đại náo thiên cung, luyện thành mắt thần có thể nhìn rõ thật giả ở đời, thật giả ở đây thuộc về lý trí, trí tuệ, nhưng anh ta không nhìn ra được “Sắc - Không” (thuộc về trí huệ). Sắc - Không (Có - Không) ở đây không phải là sự xuất hiện (có 1 ngôi nhà nhỏ ven hồ) mà là thấy được ngôi nhà tuy có mà không có, có đó nhưng chỉ 1 môi lửa thì thành không có (vô thường), có đó nhưng không thật một ngôi nhà mà do cột kèo, mái lợp tạo thành (vô ngã)... . Ngộ Không có thể nhìn gái đẹp ra yêu quái, Đường Tăng nhìn gái đẹp như không. Ngộ Không thấy yêu quái mà sinh sân giận, dấn mình sâu vào vô minh. Bát Giới thấy gái đẹp, trí tuệ lu mờ, dục vọng nổi lên toan làm điều xằng bậy, dấn mình vào vô minh. Đường Tăng thấy gái đẹp quán biết đẹp sẽ tàn (vô thường), đẹp ấy do giả hợp mà thành (vô ngã), nên coi như không, hoặc giả (ở tầng tu cao hơn) nhìn người biết đó là người, nhìn gái đẹp cũng biết đó là người mà thôi (đối cảnh vô tâm), vì thế là tâm không động, khẩu không xuất, thân không hành (tức không tạo nghiệp). Đó là trí huệ của Đường Tăng.

Vì thế trên đường đến giác ngộ, đến với sự tỉnh thức, Đường Tăng là người hướng dẫn các học trò.

Hãy tưởng tượng có một ngôi nhà với 5 cái cửa, giữa nhà có một ngọn đèn sáng, ánh sáng của ngọn đèn này sáng khắp căn nhà, phà ra năm cái cửa, có một người đứng ở cửa trông ra ngoài khoảng đêm tối mênh mông, người đó chính là mỗi chúng ta, chúng ta bỏ sáng tìm tối ấy là vô minh, nhìn cảnh bên ngoài vô thường, vô ngã không thực có mà cứ nghĩ là thực có, nhìn hoa thấy hoa thơm hoa đẹp, liền muốn hái làm của riêng mình từ đó mà sinh ra tham, ái, sân, si, mạn, nghi, ác, thủ. Tham thì cầu, ái thì luyến nhớ, tất cả dẫn con người đi đến chổ tạo nghiệp, gieo nghiệp nhân thì gặt nghiệp quả, cứ thế mà sinh diệt luân hồi mãi. Nay thấy khổ muốn thoat khổ, liền nhớ ra phía sau lưng chúng ta là ngọn đèn, ấy chính là Phật tánh của mỗi người vậy, chỉ cần quay đầu là thấy ngay hay có câu “hối đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ). Một cái quay đầu ấy, dễ mà không dễ, trước phải có lòng tín Phật, sau phải dùng giới - định - huệ mà tiến tu.

Tín Phật trước là tin rằng mỗi người đều có Phật tánh ( Đức Thích Ca nói : Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành), tin rằng bản thân sẽ trở thành Phật, sau là tin vào những gì Đức Phật răn dạy lấy đó làm phương tiện tu tập. Giới ấy là việc dựng lên bức tường rào quanh ngôi nhà ấy để ngăn giữ không cho ý, khẩu, thân tạo nghiệp (một cách hình thức thì Phật tử vừa quy y phải thọ 5 giới (không nói dối, không trộm cắp, không tà hạnh, không uống rượu, không sát sinh), những người tu sâu thêm sẽ thọ thêm nhiều các giới khác). Định là an nhiên, tĩnh tại ở trong Giới. Huệ là ở sâu trong Định mà giác ngộ chân lý. Nếu xét ý nghĩa ẩn dụ thì Đường Tăng là biểu trưng cho lòng tín Phật, cho giới - định - huệ; Ngộ Không là biểu trưng cho lý trí; Ngộ Năng là biểu trưng cho tham ái, Ngộ Tĩnh là biểu trưng cho sân khuể, Bạch Mã là biểu trưng cho si mờ.

Lý trí luôn bay nhảy không ngừng, lúc thế này một niệm sau lại thế khác, ý khởi thì khẩu xuất, khẩu xuất thì thân hành, thân hành thì nghiệp tạo, cứ thế trầm mình vào luân hồi khổ nạn. Tham mà không có được (cầu bất đắc) thì khổ, yêu thương phải chia lìa (ái biệt ly) thì khổ, giận lên thì cũng tự khổ, si mờ thì dìm mình mãi trong khổ. Một người có lòng tín Phật, biết siết vòng kim cô lên lý trí, kiềm chế tham ái, đè nén sân giận, dẫn lối cho si mờ, thì trước sau cũng tìm đến được bến tỉnh thức, bờ giác ngộ, thấy được Phật Tánh của mình. Tôn Ngộ Không có thể hô biến là tới Tây Trúc, nhưng không đến được với Phật, còn Đường Tăng, nếu không có Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh thì một cái ngoái đầu là đã thấy Phật.

Kết lại, khi nào chúng ta cần quản trị học? Khi chúng ta có muột mục tiêu và cần từ 2 người trở lên để thực hiện. Khi nào chúng ta đến với Phật? Khi chúng ta chẳng cần mục tiêu nào nữa, muốn buông bỏ để đi tìm an nhiên, tĩnh tại. Vì đôi đường đôi ngã như thế, Quản trị học không bao giờ chạm được đến giáo lý Phật Giáo. Tuy nhiên mình khuyên ngược lại, bạn nào đang học quản trị, làm quản trị thì nên đọc Phật, thứ nhất nó rèn luyện cho bạn khả tư duy hệ thống và sâu, thứ 2 nó mở ra cho bạn một thế giới quan vô cùng rộng lớn, khiến cho tầm nhìn của bạn cũng rộng hơn, thứ 3 những tri thức về tâm lý học ở trong Phật học là rất thâm sâu mà Quản trị học thì xem chừng chỉ là cách nói khác của “dẫn dắt tâm lý” mà thôi. 

3 comments: