Friday, November 21, 2014

Bạo Khổ Luân Hồi Kỳ Án.


Đêm Sài Châu, đêm rất lạnh, hắc y nhân độc bước trên quanh co những con dốc dài thẳm, đèn heo hắt xa mờ, trăng heo hắt xa mờ, trăng lần vào mây, mây trôi, trôi mãi. 

Khi mặt trời chưa buông, núi đồi liền nhau hùng vĩ, đất trời bao la, con người cũng thấy cảm khái, còn đêm về, màn tối lấp đầy thung lũng, để những con đường cô quạnh bé nhỏ, bé nhỏ dần, lúc đấy hồn người tòan là cô liêu, phiêu tịch. Sài Châu là thế.

Hắc y nhân cứ thế mà đi vào trong cô liêu phiêu tịch, bước bộ như trọng như khinh lại như chậm rãi như thoăn thoắt, cơ hồ là cả ngàn nỗi cô liêu, cũng cơ hồ là chả vướng bận gì cả. Đi là đi thế thôi.

Lưng chừng đồi, vệ đường, một khách điếm nhỏ, ánh đèn đỏ lòa phà ra dưới màn sương đêm mỏng, trước cửa khách điếm một đôi nam nữ đang cãi vã:

- Sao nàng nói yêu ta vì những thứ bên trong con người ta cơ mà?

- Nhưng 7 phân là ngoại lệ chàng ơi!

Hắc y nhân vẫn trầm mặc bước qua, như không nghe thấy gì, như không nhìn thấy gì, mục quang vẫn buông hờ về phía trước, bước bộ vẫn như trọng như khinh, thủy chung không chậm, không nhanh. Làm người, vị tất phải lạnh lùng đến vậy?

Con đường lượn qua ngọn đồi nhỏ, dẫn xuống một thung lũng, dưới thung lũng là một rừng trúc, rừng trúc thưa rì rào đẩy xô nhau, ban ngày rừng trúc này tuyệt nhiên quang đãng, ban đêm cũng không hề có hiểm cơ. Nhưng không phải đêm nay. 

Gió xen qua, gió rít lên, trong gió có mùi ám tà, trong đêm dường như có ngàn đôi mắt đa láo liên theo dõi, bỗng “phừng”, đèn đuốc tự đâu nổi lên có trăm ngàn. Một toán người xộc ra vây lấy con đường vốn nhỏ hẹp. Bây giờ, tìm chổ để thở e là còn khó.

Hắc y nhân vẫn rảo bước, tịnh như không cần thở, đám người ấy tịnh cũng không có ý thoái lui. Đao kiếm bắt đầu loảng xoảng sáng lòa. Một tên vận bạch y bước ra, dáng bộ nho nhã thư sinh, không có vẻ gì là kẻ cầm đầu. Nhưng rõ là kẻ cầm đầu, y trỏ kiếm quát:

- Đứng lại. Người biết bọn ta là ai không?

- Đang đêm chắn đường, đao kiếm có đủ, các hạ nếu không phải cướp e rằng chỉ có thể là cha của cướp.

- Biết thế sao không mau đưa ngân lượng?

- Đời ta, bị cướp không ít lần, hôm nay bắt quá thêm lần nữa chẳng hề gì, nhưng nguyên tắc của ta, cứ phải hỏi hai câu, trả lời đặng ắt tự nguyện mà giao nộp. 

- Ta rất thích những kẻ có nguyên tắc, hỏi đi!

- Vì sao các hạ lại vào rừng làm đại đạo?

- Nói người biết ta đây vốn thập niên đèn sách, Thám Hoa khoa bảng tên ta có mặt, nhưng bởi hình luật thời nay quá lỏng lẻo, ta đây sinh chán ngán mà hôm nay có ở đây nói chuyện với người.

- Các hạ chán ngán vì hình luật lỏng lẻo, nên tự thân không coi hình luật ra gì. Vậy câu thứ hai, cho tại hạ hỏi con vịt và quả trứng vịt cái nào có trước?

Tên cầm đầu bắt đầu lầm bầm “vịt đẻ ra trứng, trứng nở ra vịt, vịt đó lại đẻ trứng, rồi trứng đó lại nở ra vịt, vịt, trứng, trứng, vịt ...”. Cả đám thuộc hạ cũng ngơ ngẩn lầm rầm theo“vịt, trứng, trứng, vịt ...”.

Lúc chúng đồng ngước mặt lên thì đã không thấy hắc y nhân ở đó, một làn hơi cũng không. Bọn chúng cả thảy đều nhốn nháo, rồi không ai bảo ai chạy toán loạn. Chạy như ma đuổi, căn bản chúng thực nghĩ rằng vừa gặp ma, khinh công như thế bình sinh chưa thấy bao giờ, thứ mà con người chưa thấy ắt chỉ có ma quỷ. 

Hắc y nhân tịnh không phải ma quỷ, chỉ là thứ khinh công đó, trên giang hồ phi Đông Tuyền ra, tuyệt không có người thứ 3 có thể thi triển. Y chỉ không quá 5 bước nhảy đã đáp xuống lưng chừng đồi bên kia. Lại rảo bước, như trọng, như khinh, mục quang thủy chung không ngoái nhìn lại. 

Đến đoạn gần đỉnh đồi, hắc y nhân phắt mình nhảy lên, thân hình như phiêu hốt rồi lăng không hạ xuống trên mỏm đá dài chỉa ra ngoài thung lũng đầy ngạo nghễ, y đưa mắt nhìn xa xăm, gương mặt trước sau tịnh không biết buồn hay vui, chỉ tạm gọi như là vô tâm đối cảnh.

Gió thổi qua, gió lạnh buốt, gió phần phật, áo của hắc y nhân phần phật tung bay, tóc của y đại khái là cũng theo chiều gió thổi, cảnh tượng hư ảo ấy khó mà không khiến người ta xao động. 

Nam nhân ấy mới phi phàm làm sao, dù chỉ mới nhìn qua tướng mạo, thấp thoáng dưới bóng trăng nhạt nhòa. 

- Đông Tuyền huynh!

Bỗng một thanh âm vang lên từ phía sau lưng hắc y nhân, thanh âm đầy khỏe khoắn, tiếp đó một kẻ vận cẩm y bước tới phía mỏm đá nơi hắc y nhân đang đứng.

Ở đó chỉ có hai người, mỏm đá dẫu ngão nghễ hiếm thấy nhưng vốn dĩ cũng không tên, vậy cái tên “Đông Tuyền” hẳn là gọi Hắc y nhân kia. Trên giang hồ kẻ có tên Đông Tuyền tuyệt không có nhiều, kẻ vừa có tên Đông Tuyền lại vừa có mạo tướng bất phàm tuyệt không có hai.

Đông Tuyền không ứng tiếng quay lại mà vẫn đứng bất động như một bức tượng ngọc.

- Mãn Lâu đệ sao lại tìm đến đây?

Nghe gọi mà không ngoái nhìn, ắt hẳn là nghe tiếng biết người, nếu không là bằng hữu ắt chẳng có được tình thế đó. Đông Tuyền dĩ nhiên bằng hữu khắp bốn phương, bằng hữu có tên Mãn Lâu lại chỉ có một. Đó là Hoa Mãn Lâu, kẻ nổi danh trong giang hồ với biệt tài chỉ ngồi yên một chổ nhưng biết khắp chuyện thiên hạ. 

Hoa Mãn Lâu sau vụ việc tại Trá Dâm Viện của Bùi Hằng, thì từ đó cũng theo Đông Tuyền hành tẩu, nhưng không hiểu sao lại ra tình thế của ngày hôm nay, kẻ độc hành, người đi tìm. 

- Hôm chia tay huynh ở Tịnh Khẩu, đệ ruổi ngựa về hướng Hoa gia trang, nhưng được nửa đường thì xảy ra cớ sự nên quay lại tìm huynh. Tìm huynh với đệ dĩ nhiên không khó.

Đông Tuyền lúc này lại nhảy lên rồi lăng không hạ xuống trước mặt Hoa Mãn Lâu. 

- Đất trời nhỏ hẹp nhưng muốn tìm ta âu chỉ có Mãn Lâu đệ. Nói ta nghe có cớ sự gì?

- Giang hồ loạn lớn rồi. Lúc đệ đi ngang Hội Đô thì thấy một toán người đi ngược lại. . . 
- Là người của Vân Thế Vĩnh phải không?

- Sao huynh biết.

- Cùng lúc tứ đại danh bổ của Vân Thế Vĩnh lên đường hành sự, muốn không biết cũng khó lòng. 

- Chuyện họ lên Mỹ Ảnh Sơn Trang để điều tra đại đệ tử Mỹ Ảnh môn huynh cũng biết rồi à?

- Biết rồi. 

- Biết rồi sao còn đứng đây?

- Ta đợi.

- Đợi ai?

- Đợi đệ.

- Huynh sớm biết đệ sẽ quay lại ư !? Nhưng chờ đợi đâu phải tác phong của huynh?

- Ta còn điều chưa rõ muốn hỏi đệ. Cuồng Phong, đại đệ tử Mỹ Ảnh môn thực sự là người thế nào?

- Mỹ Ảnh môn vốn do Đoàn Nguyên dòng dõi đại tôn sư Đoàn Dự nước Đại Lý lập nên.

- Người này ta có nghe qua, Đoàn Dự khi xưa vào rừng mà tìm được bí kíp, người này cũng từ trong rừng mà luyện thành tài, về sau mua đất mở võ đường khắp nơi nên giang hồ còn lưu truyền cái tên Đoàn Nguyên Đất.

- Đại khái là thế, tinh thần của Mỹ Ảnh môn phái là chống lại ma giáo, chiêu thức lấy đẹp mắt làm trọng. Huynh biết đấy cách đây mấy năm giang hồ rúng động vì nhiều cao thủ võ lâm chánh phái đời trước có dính líu đến ma giáo khiến cho người người chán ghét. Sau đợt đó, chính Mỹ Ảnh môn là lá cờ đầu khơi lại hi vọng cho bá tánh muôn dân, Cuồng Phong, đại đệ tử của Mỹ Ảnh môn vì thế mà được trọng vọng vô cùng. Chính thế việc Vân Thế Vĩnh cho rằng Cuồng Phong có dính líu đến ma giáo làm giang hồ thêm một phen rúng động.

- Phản ứng của võ lâm lần này cụ thể thế nào?

- Họ bảo vệ Cuồng Phong, cho rằng việc Cuồng Phong có qua lại với ma giáo hay không thực không quan trọng. 

- Chuyện thế là rõ rồi.

- Huynh bảo sao?

- Đệ trả lời cho ta 3 lần hai câu hỏi sau thì tự nhìn nhận được. Thứ nhất, vì sao võ lâm lại chán ghét các cao thủ chánh phải đời trước? Thứ hai, phản ứng của võ lâm với vụ việc của cuồng phong ra sao?

Hoa Mãn Lâu vốn đầu óc nhanh nhạy, nhưng không tránh được bị hai câu hỏi đó làm cho lú lẫn, “chán ghét vì dính líu đến ma giáo”, “có qua lại với ma giáo hay không, không quan trọng”. Rốt cục là đầu óc y chả hiểu ra gì cả, định cất tiếng nhờ Đồng Tuyền cắt nghĩa, nhưng chàng ta đã lăng không bay đi được chục trượng rồi. 

Mãn Lâu tịnh không có ý đuổi theo truy hỏi, nhưng chợt nhớ ra khinh công mà Đông Tuyền vừa sử dụng là độc truyền của Hoa gia, biết có dụng ý nên thân pháp cũng chuyển thành ảo ảnh lao đi trong đêm. 

Tầm được hai dặm thì kịp đến, đã thấy Đông Tuyền đứng nhìn chăm chăm vào ngọn thác. Đông Tuyền tịnh không ngoảnh lại, mà cất tiếng:

- Đây là ngọn thác Bạo Khổ Luân Hồi, ngọn thác này có tự bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng quanh năm không bao giờ cạn, nước dưới thác cũng không chảy xuôi mà thấm ngược lên rồi lại đổ xuống vì vậy được gọi là Luân Hồi.

- Còn vì sao lại là Bạo Khổ?

- Bởi trong tiếng thác người ta nghe được thanh âm vừa rỉ rên đau đớn vừa khoái lạc man trá, như thể 1 đôi nam nữ kẻ bạo dâm, người khổ dâm đang hành lạc vậy.

- Huynh dẫn đệ đến đây có dụng ý gì?

- Ta biết trong lòng đệ có chổ còn chưa thông. 

- Quả nhiên, không ai hiểu đệ bằng huynh, đệ vốn còn đang bất bình với phương cách điều tra của Vân Thế Vĩnh, nhưng chuyện đó liên quan gì đến cái thác này?

- Có đấy, ta xem thế tình đảo điên, người với người đối nhau có khác gì kẻ khổ dâm đối kẻ bạo dâm, bị đánh đập nhưng lại khoái lạc, hờn trách nhau nhưng cứ tìm đến nhau. Chả thế mà Tưng bà bà, Can Sỹ Sang, Quân Cẩn, Lê Khởi mới có chổ đứng đấy sao, nó cvới chuyện của Vân Thế Vĩnh có khác nhau là mấy. Mà đâu chỉ người với người, tự thân mỗi người cũng tự xung khắc, tự khoái lạc, kẻ miệng nói kim tiền chẳng trọng, nhưng tình nhân vận khổ lại bỏ đi, người than vãn hình luật suy đồi, nhưng tự mình vốn chẳng bỏ hình luật vào đâu. Đệ nói tình thế đó ta can thiệp được sao?

Mãn Lâu như ngộ ra, không nói thêm lời nào chỉ trầm mặc cùng Đông Tuyền nhìn vào dòng thác. 

Núi rừng âm u tịch lặng, bỗng nổi tiếng gầm gừ của loài sói, trăm ngàn con sói, chúng chực chờ sau lưng hai người tự bao giờ, mắt chúng như sao đêm, nanh nhe trắng hếu hãi hùng dưới ánh trăng.

Đông Tuyền tuyệt không ngoảnh lại, Mãn Lâu tịnh cũng không. Đông Tuyền lăng không nhảy qua ngọn thác, Mãn Lâu cũng đồng theo. Hai người cứ thế đi, bước bộ như trọng như khinh, như chậm rãi, như thoăn thoắt, biểu tình trên mặt chẳng rõ buồn vui. 

Để lại bầy sói hoang gầm gừ trong tuyệt vọng, chúng vừa sủa người vừa tru theo tiếng rỉ rên man trá của dòng thác.

Đêm Sài Châu vẫn cô liêu phiêu tịch. 


1 comment: