Hồi 2b: Ngô Quyền phá Nam Hán lần thứ nhất, Tiêu Ích nghĩ lại còn thất kinh
Nói chuyện Trước tác Tá hầu Dung, sau khi can gián Hoằng Tháo bất thành mới ủ rũ đến tìm Sùng văn hầu Tiêu Ích. Ích vừa thấy Dung đã vội vã hỏi :
- Thế nào ?
- Chẳng thay đổi được, Giao Vương xưa nay đã quyết ý, lời nào vào lỗ nhĩ đâu.
- Lẽ nào sẽ có Xích Bích trên đất Việt sao ?
- Ta e la còn hơn thế, Giao Vương chẳng bằng Tào Tháo, Ngô Quyền lại không thích dụng binh rườm rà đa sự như Gia Cát, lần trước đụng độ chắc ông đã biết.
Ký ức kinh hoàng về trận đánh bảy năm về trước lại hiện về mồn một trong tâm tuởng của Sùng Văn Hầu Tiêu Ích.
Năm 930, vua Nam Hán khi ấy là Lưu Cung xua một vạn quân sang xâm lược Tĩnh Hải quân, bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, đánh chiếm Đại La, sai Lý Tiến làm thứ sử.
Dương Đình Nghệ vốn là hào truởng đất Giàng ở Ái Châu về sau làm bộ tướng duới trướng Tiết Độ Sứ Khúc Hạo, năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ.
Đại La mất, chủ tuớng bị bắt, Dương Đình Nghệ phải lui về đất Giàng, theo ông có Ngô Quyền vốn là hào truởng Đường Lâm, Kiều Công Tiễn hào trưởng đất Phong Châu, Đinh Công Trứ hào truởng đất Diễn ở Hoan Châu.
Về tới đất Giàng, Dương Đình Nghệ cùng các tướng ra sức mộ quân luyện binh ngõ hầu sớm lấy lại Đại La nối chí họ Khúc xác lập chủ quyền nước Nam.
Nào ngờ, Lý Tiến vốn là hạng võ biền nhưng tính tình đa nghi, y cho quân do thám biết được tráng sỹ nước Nam đều đang tụ về đất Giàng, liền sai người tâu về với Lưu Cung. Cung họp quần thần tìm đối sách, lúc ấy Tiêu Ích đứng ra hiến kế:
- Lòng dân Nam vẫn hướng về họ Khúc, Đình Nghệ vốn là trọng tướng từ thời Khúc Hạo, nay y dấy binh chắc dân ấy theo về, Lý Tiến dẫu quân đông cũng khó lòng giữ, bệ hạ ở đây lại nước xa khó cứu lửa gần. Nay chi bằng ta phong cho Đình Nghệ làm thứ sử Ái Châu, lại sai quân đến đóng gần biên ải phong khi y rượu mừng không uống.
Cung nghe lời ấy, liền cho sứ qua Tĩnh Hải quân manh chỉ dụ sắc phong cho Dương Đình Nghệ, lại sai Trần Bảo làm soái, Tiêu Ích làm quân sư, đem quân đến đóng ở gần biên giới.
Sứ giả đến, Dương Đình Nghệ họp các tướng lại nói:
- Quân ta chỉ có ba ngàn, dẫu đều là tráng sỹ, dẫu đều một lòng trừ giăc thì cũng khó lòng đuổi được Lý Tiến. Nay tên giặc già Lưu Cung lại muốn phong ta làm thứ sử Ái Châu, ta không thuận tất xua quân đến phạt, các ngươi nghĩ nên đối sách thế nào?
Ngô Quyền khi ấy trầm ngâm một lát rồi cất tiếng:
- Phương Bắc đang thời hỗn loạn, nhà Hán nhân cơ hội ấy lập ra chẳng lâu, quân đội còn mới lại chẳng phải do chinh chiến mà nên, vì vậy tuy đông mà kém tinh nhuệ, đến đất ta lại chỉ chăm cướp bóc, ham chè chén, nhác luyện rèn, lơi kỷ cương. Ba ngàn quân đối một vạn, nói khó thì rất khó, nói dễ thì lại rất dễ, nhất là khi Lưu Cung lại cho ta một cơ hội tốt đến vậy.
- Ngô tướng có kế gì hay xin nói luôn - Đinh Công Trứ hỏi lại -
- Nay ta tương kế tựu kế, lựa lời nói với sứ giả rằng ta thuận sắc phong, nhưng với Lý Tiến vẫn phân trên dưới, vì vậy mà hẹn ngày ra Đại La nhận ấn chỉ do Lý Tiến trao cho phải lẽ. Phạm Lệnh Cộng xưa vốn đóng quân ở Nam Sách, ta gửi thư nói rõ kế để Lệnh Công đem quân đến đánh Đại La đúng ngày ta ra đó nhận sắc phong.
- Để ta đoán tiếp nhé - Đinh Công Trứ tiếp lời - Khi ấy ta vờ xin Lý Tiến cấp quân đi đánh Lệnh Công, Tiến hẳn sẽ mừng phát khóc. Ra xa khỏi thành rồi, ta hội với Lệnh Công mà diệt toán quân ấy, sau đó quay về lấy đầu Lý Tiến, đúng vậy không Ngô tướng quân ?
- Công Trứ thật hiểu bụng ta - Ngô Quyền đáp nhưng trên mặt còn chưa hết băn khoăn lo lắng.
- Cách hay, cách hay. Ngô Quyền, con luôn khiến cha được an dạ. - Dương Đình Nghệ vui mừng nói.
Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ dẫn quân ra Đại La, dưới danh nghĩa nhận sắc phong và ấn chỉ từ Lý Tiến, gần đến thành lại sai quân chia nhau âm thần đi về phái bắc, còn mình cùng hơn một trăm quân đi vào thành.
Đình Nghệ vờ như thuần phục nhà Hán, với Lý Tiến một mực kình nhường. Tiến lấy làm ưng dạ lắm, sai lính bày yến tiệc để mời Đình Nghệ. Vào tiệc, bọn tiến trên dưới quen thói chè chén, chẳng mấy chốc mà say túy lúy, lúc ấy có lính vào báo:
- Thưa Thứ Sử, có tin rất gấp
- Tin gì, nói mau - Tiến lè nhè -
- Thưa, Phạm Bạch Hổ ở Nam Sách đưa hai ngàn quân chuẩn bị vượt sông, tiến đánh Đại La
"Ha Ha, Ha Ha"
Một trang cười hào sảng vô cùng vang lên, Tiến trông ra thì chính là ĐÌnh Nghệ. Dương Đình Nghệ bắt chước thói quen người Hán, đưa tay vuốt chỏm râu dài dưới cằm, nói:
- Hai ngàn quân mà dám cả gan đòi tiến đánh quân một vạn, chuyện nực cười như thế lão phu lần đầu được nghe. Nay đương lúc cao hứng, xin Lý Thứ Sử cấp cho ít quan, tôi ra thành lấy đầu tên tiểu tốt ấy về góp vui.
Lý Tiến đang lúc hăng rượu như dân Nam hăng mổ lợn Tết, nghe thế thì cả mừng, liền lệnh:
- Được ta giao cho ngươi lệnh bài, điều năm ngàn quân đi, lấy được đầu tên họ Phạm ấy, ta sẽ tâu với Hán Vương trọng thưởng.
Dương Đình Nghệ kéo quân ra khỏi thành, đến bờ sông Hồng, lệnh chi lính vượt sông, như dự tính, tiền quân vừa đến bờ bên kia thì đã thấy quân của Phạm Bạch Hổ trổ ra dùng nỏ bắn tới.
Tiền quân đang nhốn nháo kẻ chết người bị thương, trông lại hậu quân, thì ba ngàn tráng sỹ do Đinh Công Trứ dân đầu cũng áp sát tới. Năm ngàn quân Hán chết quá nửa, số còn lại đang ở giữa dòng thất thế phải chịu hàng, Dương Đình Nghệ bắt trói cả lại.
Dương Đình Nghệ họp với Đinh Công Trứ, Phạm Bạch Hổ, Phạm Bạch Hổ nói:
- Nhận được thư xủa Ngô tướng quân, cha tôi sai tôi đem quân đến ứng cứu, còn anh tôi Phạm Mân lo kế nghênh đón quân chi viên của bọn Hán. Hiện giờ Ngô tướng quân đã kịp đến hội với anh tôi, có nhắn lại với 2 vị rằng, nên cải trang cho các tráng sỹ rồi hãy kéo về thành. Phần tôi phải quay trở lại để tiếp ứng Ngô tướng quân.
- Không biết con ta đã có kế sách gì đối phó với quân chi viện của Lưu Cung rồi? - Dương Đình Nghệ hỏi lại -
- Thời gian không còn nhiều, hai vị đọc lấy thư này rồi sẽ rõ. - Phạm Bạch Hổ đáp, lấy trong người lá thư của Ngô Quyền gửi Phạm Lệnh Công trao cho Dương Đình Nghệ.
Dương Đình Nghệ dở ra thấy thư viết:
"Phạm Lệnh Công, thư này đến hẳn là trong lúc Lệnh Công đang nóng lòng đuổi giặc, chổ tôi và cha nuôi tôi kế sách đã bàn xong, nhưng kế ấy không có Lệnh Công thì không xong. Tháng ba này đúng hẹn, chúng tôi từ Ái Châu ra Đại La nhận sắc phong, cũng là lúc Lệnh Công đem quân đến Đại La, thuận duyên gặp gỡ cha tôi sẽ xin được cấp quân để hội cùng Lệnh Công trên bờ sông Hồng.
Đại La định xong, quân tiếp viện bên kia sẽ tới, chổ chúng ta tiếp họ là thung lũng Bắc Sơn, chắc Lệnh Công chẳng lạ, quân tiếp viện nóng vội tất đi qua chổ đó, mới mong mau đến Đại La, phiền Lệnh Công chọn chổ hiểm yếu có rừng bao quanh, vạch một khu có thể nuốt trọn vạn quân, sai người đổ nước muối vào gốc cây, lại cho đẽo vỏ cây sâu vào trong, cốt làm cây chết khô trong nửa tháng. Ra đến Đại La tôi sẽ thẳng đường qua Nam Sách nói rõ kế này. Thư từ Ngô Quyền"
Thư đọc xong, cả Dương Đình Nghệ lẫn Đinh Công Trứ đều sớm hiểu dụng ý của Ngô Quyền thầm khen trong bụng, yên chí kéo quân về Đại La. Đình Nghệ đẫn đầu, ba ngàn tráng sỹ vận đồ quân Hán kéo về qua cửa phía Tây, quân Hán trong thành tuyệt không chút nghi ngờ, chắc rằng là quân thắng trận trở về liền cho mở cửa thành.
Vừa qua khỏi cửa thành, Dương Đình Nghệ thét quân chém giết, những tráng sỹ nước Nam để hận lâu trong lòng, nay có dịp bao nhiêu uất ức trút cả vào thương vào giáo, quân Hán vốn không đề phòng lại thường ngày nhác luyện rèn lơi kỷ cương, thấy các tráng sỹ sấn tới chém giết thì khiếp vía tháo chạy.
Khi Lý Tiến biết chuyện gì đang xảy ra thì đã ở trong vòng bao vây của Dương Đình Nghệ, quân của Tiến số thì chết, số thì tán loạn theo cửa Bắc mà chạy đúng như ý của Đinh Công Trứ khi chọn vào cửa Tây, còn lại bên cạnh Tiến chỉ khoảng hơn hai trăm quân.
Quần áo xộc xệch mặc vội, Tiến cùng tùy tùng tất tả chạy ra sân trước, đến nơi thấy Dương Đình Nghệ ở sẵn đó thì chết đứng, trợn mắt quát như mếu:
- Ngươi ! Ngươi dám ...
- Sao ta không dám ?
- Chẳng phải ngươi đã nhận sắc phong rồi sao?
- Ta đâu thể để dân nước Nam này rủa ta trong ngàn năm sau. Ngươi chớ nên nói nhiều, chịu chết đi là vừa.
Lý Tiến cứng họng, mặt đỏ bừng trỏ về hướng Bắc thét quân mở đường máu, nào ngờ Tiến đánh đén đâu thì quân ta dạt ra đến đấy, được thế Tiến một mạch chạy về cửa Bắc.
Tất nhiên ở cửa Bắc, Đinh Công Trứ đã đón sẵn trên cửa thành, lần này Tiến không kịp nói gì, cả tướng lẫn lính bị tên bắn chết cả.
Tàn quân của Lý Tiến kéo nước không gặp một sự truy đuổi hay mai phục nào, chúng đem cái chết của Tiến thuật lại đầu đuôi. Trần Bảo được tin ấy toan cất quân đánh vào thì Tiêu Ích can gián:
- Tàn quân không tướng kéo về không gặp trở ngại nào chẳng phải điều lạ lắm hay sao, theo như tôi nghĩ thì chắc hẳn đã có bày cơ quan mai phục rồi. Tướng quân nên cân nhắc, kẻo lại mắc lỗi chủ quan như Lý Tiến.
- Quân Tĩnh Hải chỉ được một nhúm, tập trung hết vào phá thành Đại La, lấy đâu thời gian mà bày cơ quan mai phục. Nay ta cứ theo đường gần mà tiến một hơi, chúng sao kịp trở tay.
Tiêu Ích nghe thấy phải, dẫu còn e dè nhưng không nói gì thêm, sang hôm sau, Trần Bảo đốc quân đi, sai Tiêu Ích làm hậu quân phụ trách lương thảo.
Từ chổ cửa ải, vẽ thẳng một đường đến Đại La tất đi qua Bắc Sơn, Bảo chọn đi đường đó, quân đi không nghỉ, ngựa phi không dừng, 3 ngày sau quân của Bảo đã tiến đến Bắc Sơn. Bảy ngàn quân của Bảo đi vào một thung lũng bao quanh là rừng, với những thân cây cao lớn, lạ một điều đều đã chết khô hết cả.
Khi Bảo hiểu ra điều gì thì quân đã nằm gọn trong thung lũng ấy, tiếng lửa cháy phừng phừng râm ran, hơi nóng và thán khí tỏa đến làm ngựa rối loạn hí vang, quân sỹ hoang mang cùng tột.
Bảo quát hậu quân rút, còn tiền quân thì tiến nhanh, nhưng đã quá muộn, những thân cây cao lớn, đã được đẽo hết vỏ phần ruột còn lại cũng rất nhỏ, lửa bắt đến nhất tề ngã nhào xuống cả, không chỉ chắn đường rút quân Bảo mà còn quật hẳn vào đám lính đang vô cùng khiếp hoảng.
Không đường rút, không đường tiến, quân Bảo chịu chết, tiếng thét vang trời. Ngoài đám lửa khổng lồ ấy, Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Phạm Mân và hơn hai ngàn tráng sỹ lừng lững đứng. Không một nhát kiếm, không một mũi tên mà diệt non vạn quân giặc, đó là Ngô Quyền, là dân nước Nam.
Nhớ đến đó, Tiêu Ích như người mất hồn, Tá hầu Dung cũng không thèm gọi lấy một lời, lặng lẽ bỏ về.
Đêm đó, Dung ra nơi neo tàu chiến của quân Nam Hán, dùng máu viết lên áo 4 chữ : Cửa Tử Không Xa, rồi treo cổ tự vẫn.
Sáng ra, Hoằng Tháo sai người ném xác Dung xuống biển, rồi hạ lệnh tiến quân.
bài viết hơi dài
ReplyDelete